Nhà đầu tư lướt sóng căn hộ cao cấp vội vàng sang tay
VARS nhận định căn hộ cao cấp là loại hình áp đảo thị phần, chiếm 75% lượng giao dịch toàn thị trường với nhiều dự án mới có tỉ lệ hấp thụ lên trên 70%.
Báo cáo thị trường bất động sản (BĐS) nhà ở TP.HCM và vùng lân cận của DKRA Group vừa công bố cho thấy giá bán trên thị trường thứ cấp của các phân khúc đất nền, căn hộ, nhà phố, biệt thự trong năm 2024 đều tăng nhẹ.
Căn hộ cao cấp thừa cung, hấp thu tốt
Trong đó riêng thị trường căn hộ, DKRA Group ghi nhận trong năm 2024, nguồn cung sơ cấp đạt 23.459 căn, tăng 6% so với năm 2023, chủ yếu tập trung tại TP.HCM và Bình Dương, chiếm tỉ trọng lần lượt 53,9% và 39,9% tổng nguồn cung sơ cấp toàn thị trường. Căn hộ hạng A tại TP.HCM chiếm ưu thế, một số dự án mở bán mới tại khu Đông thành phố ghi nhận mức giá từ 80 - 130 triệu đồng/m2.
Sức cầu toàn thị trường ghi nhận tín hiệu hồi phục, lượng tiêu thụ sơ cấp tăng 24% so với năm trước, các giao dịch tập trung ở các dự án mở bán vào dịp cuối năm. Giá bán thứ cấp tại Bình Dương tăng 7%, TP.HCM dao động 6% - 14%. Đặc biệt một số dự án dọc tuyến metro số 1 có mức giá tăng 19% - 25% so với cuối năm 2023, phản ánh lợi thế từ hạ tầng giao thông.
Phân tích kỹ hơn về cơ cấu giao dịch, VARS (Hội môi giới bất động sản Việt Nam) nhận thấy căn hộ cao cấp là loại hình áp đảo thị phần, chiếm 75% lượng giao dịch toàn thị trường với nhiều dự án mới có tỉ lệ hấp thụ lên trên 70%. Đặc biệt, nhiều dự án ghi nhận tỉ lệ hấp thụ lên tới trên 90% ngay thời điểm mở bán. Thậm chí, nhiều sản phẩm căn hộ cao cấp được sang tay ngay cả khi chưa hoặc mới ký kết hợp đồng mua bán.
Càng về cuối năm, số lượng chuyển nhượng theo hình thức này càng tăng lên do nguồn cung cải thiện và nhà đầu cơ trót lướt sóng căn hộ buộc phải "cắt lỗ" do gặp áp lực tài chính.
Riêng với BĐS nghỉ dưỡng, các chuyên gia đều cho rằng thị trường này vẫn còn khá trầm lắng và chưa có dấu hiệu phục hồi. Nguồn cung sơ cấp giảm 5% so với cùng kỳ năm trước và mặt bằng giá bán sơ cấp không biến động so với cùng kỳ. Nhiều chủ đầu tư áp dụng rộng rãi các chính sách như cam kết chia sẻ lợi nhuận, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc… nhằm tăng thanh khoản nhưng hiệu quả chưa đạt như kỳ vọng.
Nhìn chung, thị trường BĐS năm 2024 đã khép lại với các kết quả phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý và được xem là năm bản lề, tạo động lực cho thị trường BĐS phát triển.
Năm 2025 nhiều lạc quan
Dự báo về địa ốc năm 2025, DKRA Consulting cho rằng thị trường này sẽ tiếp tục phục hồi, nguồn cung tăng ở hầu hết các phân khúc và khu vực nhờ động lực từ chính sách pháp lý và hạ tầng giao thông.
Nguồn cung đất nền mới dự kiến sẽ tung ra thị trường với số lượng dao động từ 3.000 - 3.500 nền, tập trung chủ yếu tại Bình Dương, Đồng Nai và Long An - các địa phương hưởng lợi lớn từ các dự án hạ tầng trọng điểm như đường vành đai 3, vành đai 4 và sân bay Long Thành.
Riêng các khu vực khác như TP.HCM, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn duy trì tình trạng khan hiếm. Giá sơ cấp có thể tăng nhẹ và vẫn neo ở mức cao do áp lực chi phí đầu vào. Trong khi đó, giao dịch thứ cấp được kỳ vọng duy trì đà hồi phục, tập trung ở nhóm sản phẩm minh bạch pháp lý, chủ đầu tư uy tín và đa dạng tiện ích nội, ngoại khu.
Thị trường căn hộ có thể sẽ đón nhận thêm khoảng 13.000 - 15.000 căn, tập trung tại hai thị trường là TP.HCM và Bình Dương. Căn hộ hạng A tại TP.HCM được dự báo sẽ tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt thị trường, tập trung tại khu Đông; căn hộ hạng B và hạng C chiếm tỉ trọng lớn trong nguồn cung mới tại Bình Dương và các tỉnh giáp ranh còn lại.
Ông Võ Hồng Thắng - Giám đốc Đầu tư DKRA Group cho hay năm 2024, nguồn cung phân khúc đất nền tiếp tục khan hiếm và giảm khoảng 34% so với năm trước.
Tuy nhiên, sức cầu chung của thị trường duy trì ở mức thấp, lượng tiêu thụ sơ cấp đạt khoảng 13% trên tổng cung, giảm 15% so với năm 2023. Phần lớn giao dịch xuất hiện trong 6 tháng cuối năm dành cho những lô đất có mức giá trung bình dưới 50 triệu đồng/m2 tại TP.HCM hay dưới 25 triệu đồng/m2 ở vùng phụ cận.
Nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển nhu cầu săn lùng nhà đất thổ cư sang các tỉnh, thành vùng ven với mức giá mềm hơn và nhiều dư địa tăng trưởng nhờ hưởng lợi từ hệ thống hạ tầng, quy hoạch đô thị.