Nhà dài truyền thống - không gian văn hóa đặc trưng của người S'tiêng

Môi trường tự nhiên, văn hóa mưu sinh, tổ chức xã hội truyền thống hình thành nên phương thức xây dựng làng (nơi ở), nhà ở và tổ chức hoạt động văn hóa trong ngôi nhà của người S'tiêng. Trong đó, nhà dài truyền thống là không gian văn hóa đặc trưng của người S'tiêng vùng cao.

Tổ chức xã hội truyền thống

Làng là đơn vị tổ chức xã hội truyền thống lớn nhất của người S’tiêng. Người S’tiêng vùng trên (vùng cao - Bu lơ) gọi làng là poh, người S’tiêng vùng dưới (vùng thấp - Bu dêh/Bu dih) gọi là wăng. Làng được tạo thành bởi sự liên kết của các gia đình cùng huyết thống và các dòng họ khác nhau. Cấu trúc xã hội truyền thống được thiết lập trên cơ sở mối quan hệ giữa chủ làng (tơm poh, nơm poh hay yau nơm poh) với các dòng tộc (mbus mbang), các chủ nhà (nơm nhi), các chủ hộ (nơm năk) và cả nô lệ (kon dic) trong làng. Quy mô làng (rộng - ngwi, hẹp - wêt) phụ thuộc vào số lượng các dòng tộc; sự ổn định của làng phụ thuộc mối quan hệ giữa các dòng tộc, việc chọn đất để xây dựng làng, đất canh tác, nguồn nước, đất chăn thả trâu bò cho dân làng… Do trong một làng có thể có nhiều dòng tộc khác nhau cùng sinh sống (làng lớn), vì vậy khi muốn lấy nhau, việc đầu tiên người S’tiêng phải làm là xem xét dòng tộc của nam - nữ có liên quan đến huyết thống không, tránh loạn luân. Cấu trúc xã hội được tạo ra bởi các dòng tộc gọi là mbus mbang trong làng (quan hệ dòng tộc). Chủ làng là người đứng đầu làng (S’tiêng theo phụ hệ), là người đàn ông có uy tín, có địa vị kinh tế, xã hội, am hiểu phong tục, tập quán không chỉ của dân tộc mình, có nhiều vợ, là chủ nhân của ngôi nhà dài (nhi joong), người có quyền lực nhất.

Nhà dài truyền thống của người S’tiêng ở Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng - Ảnh: Sỹ Hòa

Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, văn hóa mưu sinh, xung đột xã hội đã tạo nên vai trò của nam giới quan trọng hơn phụ nữ trong xã hội truyền thống của người S’tiêng phụ hệ. Tác giả Mạc Đường (1985, Vấn đề dân tộc ở Sông Bé, tr.30), nhận xét: “Xã hội người S’tiêng được tổ chức trong một vùng môi sinh khắc nghiệt của rừng già nhiệt đới rậm rạp và nhiều thú dữ, sự xung đột vũ trang giữa các nhóm S’tiêng cũng thường xuyên xảy ra, nên lao động của nam giới và vị trí của họ trở thành quyết định đối với đời sống của gia đình”.

Nhà dài thể hiện sức mạnh dòng tộc và sức mạnh vật chất

Nhà dài là đơn vị tổ chức gia đình có nhiều vợ, nhiều hộ, nhiều con cái. Người S’tiêng vùng cao gọi nhà là nhi, người S’tiêng vùng thấp gọi là n’hi. Người S’tiêng vùng cao thường chọn đất cao ráo để xây dựng làng và sinh sống trong những ngôi nhà nền đất, mái tranh, vách nhà đan bằng tre nứa, có những hộ làm sàn, nhưng phần sàn (gác) thường dùng làm kho đựng lúa (nâm ba). Khi gia đình có nhiều thành viên, họ tiếp tục nối dài nhà ra nên hình thành nhà dài. Người S’tiêng Bu biêt (đa số ở Campuchia) sinh sống trong môi trường nhiều thú dữ nên mái nhà chạm gần sát mặt đất, cửa ra vào ở chính giữa đầu nhà, vách nhà được làm bằng nguyên cây lồ ô, xung quanh nhà rào kiên cố. Đối với người S’tiêng vùng thấp, do môi trường ẩm ướt nên thường ở nhà sàn. Nhà sàn thường cao so với mặt đất tùy vào chiều cao của các thành viên trong nhà và độ ẩm ướt nơi làm nhà.

Nhà dài không chỉ là nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt, cất giữ lúa, đồ đạc của gia đình mà còn là không gian văn hóa riêng của các dòng tộc. Nhà dài truyền thống gắn liền với đại gia đình phụ hệ, gồm nhiều hộ (năk), nhiều thế hệ cùng sinh sống, thậm chí cả người nô lệ (kon dic) sau khi được kết nạp trở thành thành viên trong gia đình (được chủ nhà hay con trai chủ nhà lấy làm vợ). Những người sinh sống trong nhà dài có quan hệ huyết thống (ông, bà, cha, mẹ, con, cháu…). Chủ nhân nhà dài là người đàn ông, có thể là chủ làng, già làng có uy tín hoặc trưởng dòng tộc hùng mạnh giữ vai trò quan trọng, quyết định trong phát triển kinh tế gia đình, tổ chức sinh hoạt trong nhà dài. Tuy nhiên, dù người đàn ông giữ vai trò quan trọng nhưng tính dân chủ được thể hiện rõ nét qua các mối quan hệ trong gia đình. Những ý kiến của các thành viên đều được tôn trọng, kể cả ý kiến của trẻ em hay phụ nữ.

Nhà dài là không gian đặc biệt, bởi đó là yếu tố quan trọng để nhận diện làng lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, làng có nhiều dòng tộc hay ít dòng tộc, làng mới thành lập hay đã có bề dày lịch sử. Nhìn vào số lượng nhà dài, độ dài của nhà dài và quy mô của làng, ta có thể hiểu được sự phát triển về kinh tế, xã hội, lịch sử, văn hóa của làng đó. Nhìn vào ngôi nhà dài ta có thể hiểu được nhà đó có nhiều hay ít gia đình, nhiều hay ít thế hệ (đại gia đình), hiểu được địa vị xã hội của chủ nhà, chủ làng, mối quan hệ của chủ nhà, chủ làng với các làng khác, cộng đồng khác. Vì vậy, nhìn vào số lượng thành viên trong nhà dài ta có thể đánh giá được sức mạnh dòng tộc đó.

Việc xây dựng nhà dài là công việc vất vả, tốn kém, phải an toàn. Những vật liệu để làm nhà cũng được chọn từ những cây gỗ to, quý, chắc, bền và an toàn nên chỉ những đại gia đình mới thực hiện được. Đây chính là biểu hiện của sức mạnh vật chất, những gia đình nhỏ không thể sở hữu được. Vì vậy, nhà dài là biểu tượng của sự giàu có, biểu tượng của sức mạnh cộng đồng, dòng tộc.

Về giá trị tích cực: Chủ nhân nhà dài truyền thống rất dễ tập hợp sức mạnh của các thành viên trong gia đình để lao động, sản xuất, bảo vệ an ninh cho dòng tộc, cho làng, giữ gìn và truyền dạy văn hóa truyền thống. Các thành viên được trực tiếp nghe, học những kinh nghiệm quý báu từ chủ nhân nhà dài. Những hộ tìm được những món ăn ngon đều chia sẻ cho mọi người cùng thưởng thức, mang tính cộng đồng cao. Khi có khách đến, không phân biệt là khách của ai, các hộ đều tích cực tiếp đón, dâng những món ăn mà mình có, những người nội trợ có cơ hội để học hỏi kinh nghiệm chế biến ẩm thực. Nhìn vào cách chế biến thức ăn và thức ăn mà khách đã ăn, nếu những món được khách ăn nhiều, chủ nhân nhà dài sẽ đánh giá sự khéo léo của chủ nhân món ăn đó (món ăn ngon, hợp khẩu vị khách) và sẽ tìm hiểu, góp ý đối với những chủ nhân có món mà khách ăn ít hơn.

Tuy nhiên, tổ chức gia đình nhà dài truyền thống cũng có những mặt hạn chế riêng, đó là: Các thành viên sẽ ảnh hưởng phần nào quyền tự do cá nhân, sự gò bó, ảnh hưởng đến sự sáng tạo; một số thành viên có thể ỷ lại; việc chia sẻ, thậm chí chia đều những món ăn ngon làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những người siêng năng; nếu xảy ra hỏa hoạn thì thiệt hại lớn.

Hiện nay, gần như người S’tiêng không còn ở trong ngôi nhà dài truyền thống (nhà dài của ông Điểu Đố tại thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng chủ yếu là nơi cất giữ sản phẩm văn hóa truyền thống). Nguyên nhân: là do vật liệu để làm nhà dài truyền thống rất khan hiếm, nhất là cỏ tranh để lợp nhà, lồ ô để làm vách, sạp; tính độ bền của vật liệu không cao. Thứ hai là quá trình thực hiện chính sách định canh, định cư, tách hộ, lập vườn để phát triển kinh tế - xã hội; chính sách hôn nhân một vợ, một chồng, tâm lý vợ chồng trẻ muốn ở riêng để tự do sinh hoạt… nên nhà dài truyền thống của người S’tiêng vùng cao gần như không còn.

Muốn bảo tồn nhà dài truyền thống để phục vụ du lịch (không phải để phục vụ cho gia đình nhiều thế hệ), trước hết các địa phương cần nghiên cứu, hỗ trợ cộng đồng trồng các vật liệu truyền thống nhất, là cỏ tranh, lồ ô; hoặc thay thế, giả vật liệu truyền thống (bằng nhựa) và nên xây dựng trong không gian nhà văn hóa cộng đồng. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn cách thức tổ chức sinh hoạt văn hóa thì bảo tồn được nhà dài truyền thống.

Điểu Điều

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/543/169352/nha-dai-truyen-thong-khong-gian-van-hoa-dac-trung-cua-nguoi-s-tieng
Zalo