Nhà báo Vũ Ngọc Tú – Tổng Biên tập Báo Đắk Nông: Tất cả các lĩnh vực đều phải gắn với triển khai Nghị quyết
Nhà báo Vũ Ngọc Tú - Tổng Biên tập Báo Đắk Nông chia sẻ rằng, trong giai đoạn hiện nay, báo chí phải sát với thực tiễn, gần hơn với đời sống chứ không một chiều, khô cứng, phải truyền tải được mục tiêu, nội hàm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh đến tận cơ sở… Cho nên, bên cạnh việc bắt nhịp với đổi mới, sáng tạo trong cách làm báo hiện đại thì tờ báo luôn coi trọng sự gắn kết giữa chính quyền và người dân, để đưa Nghị quyết vào cuộc sống một cách hiệu quả.
Để xứng đáng là chiếc cầu nối “ý Đảng, lòng Dân”
+ Thưa ông, thời gian gần đây, Báo Đắk Nông đã có nhiều đổi mới trong dòng chảy báo chí hiện đại. Việc thông tin tuyên truyền trên mọi lĩnh vực, từ chủ trương, đường lối đến đời sống dân sinh đã được triển khai như thế nào, thưa ông?
- Tính Đảng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam, là định hướng bao trùm trong hoạt động tòa soạn và trong các tác phẩm báo chí. Cho nên, chúng tôi luôn xác định, dù tuyên truyền ở lĩnh vực nào, từ chính trị - kinh tế - văn hóa – xã hội thì đều phải gắn với việc triển khai Nghị quyết của lĩnh vực đó.
Ban Biên tập Báo luôn nhận thức rằng, tờ báo là của Đảng, phải tuyên truyền phục vụ Đảng, xây dựng Đảng, đảm bảo dòng thông tin chủ lưu mang đậm tính Đảng trong các vấn đề chính: Công tác xây dựng Đảng, chỉ đạo lãnh đạo của Đảng trong đời sống và những chủ trương, chính sách được đón nhận, phản hồi ra sao… Để làm tốt, Ban Biên tập yêu cầu phóng viên phải triển khai theo chủ đề cụ thể, thành các vệt nội dung có định hướng.
Trong giai đoạn hiện nay, báo chí phải sát với thực tiễn, gần hơn với đời sống chứ không một chiều, khô cứng. Tuyên truyền về các Chỉ thị, Nghị quyết thì thông tin phải cụ thể, có chiều sâu, tuyên truyền sát sao về các hoạt động triển khai thực tế của Sở, ban ngành liên quan. Ví dụ khi nói về chủ trương “xóa trắng đảng viên” thì yêu cầu phóng viên phải đến từng địa bàn, tìm ra cách làm của cơ sở, làm sao để triển khai được chủ trương này một cách hiệu quả nhất.
Để trở thành diễn đàn của Nhân dân, phóng viên cũng phải lấy ý kiến của các giai cấp tầng lớp với nhiều góc nhìn, chứ không chỉ gói gọn trong một nhóm đối tượng hoặc một vấn đề chính. Ví dụ như ở Đắk Nông có chủ trương phát triển bô xít – ngành công nghiệp khai khoáng, vấn đề này lại có liên quan đến giải phóng, đền bù, giải tỏa, sắp xếp định cư… cho nên phóng viên sẽ cần lấy ý kiến phản hồi của nhiều đối tượng người dân, xem họ có đồng thuận hay không, có gì cần điều chỉnh hay không… Qua đó, cũng giúp được cho cấp ủy chính quyền nắm rõ tâm tư nguyện vọng của người dân, có những cân nhắc điều chỉnh phù hợp, hài hòa. Tất nhiên, tuyên truyền như thế nào để xứng đáng là chiếc cầu nối “ý Đảng, lòng Dân” là điều mà chúng tôi không ngừng nỗ lực.
+ Vâng thưa ông, để tuyên truyền “hợp ý Đảng, lòng Dân” không thể là câu chuyện của ngày một ngày hai. Những khó khăn, thuận lợi trên địa bàn như thế nào, thưa Tổng Biên tập?
- Quá trình triển khai thông tin cơ bản là thuận lợi vì phóng viên làm báo Đảng địa phương phần lớn đã quen với cách làm, có uy tín và gần gũi với chính quyền địa phương và bà con trong tỉnh nhưng cũng có những khó khăn nhất định về tác nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Khó khăn là vì đa số phóng viên đã làm quen cách làm của báo in, chuyển sang làm đa phương tiện, đa nền tảng, hình thức thể hiện lại yêu cầu một số kĩ năng mới trên điện tử nên đội ngũ thực hiện cũng phải đa năng, đa nhiệm. Trong khi ở Báo, bên cạnh những nhà báo trẻ năng động, một số ít nhân sự đã lớn tuổi thì kỹ năng làm báo mới hạn chế. Thêm nữa, làm báo trong môi trường báo chí hội tụ thì yêu cần phải phối hợp làm nhóm, với đa loại hình, phải có tính tổng hợp, chiều sâu, đa dạng, thuyết phục cao hơn nên phóng viên vất vả hơn, Ban Biên tập cũng điều hành vất vả hơn.
Các tin bài bây giờ phải dụng công đầu tư hơn trước, dù là một cái tin nhỏ thì đều được triển khai dưới hình thức thu hút, hấp dẫn. Chẳng hạn, tin bổ nhiệm cán bộ ngày trước có khi chỉ mấy dòng giới thiệu nhưng nay sẽ thực hiện theo hình thức Infographic giới thiệu thêm thông tin về cán bộ ấy, trong đó có nhiều nội dung thỏa mãn nhu cầu thông tin toàn diện của công chúng. Hay như khi viết về vấn đề đền bù giải tỏa, về làm một con đường nào đó thì nếu trước đây, đến thời điểm triển khai con đường, báo chí mới đưa tin, nhưng bây giờ cần đưa tin ngay từ khi có chủ trương, thậm chí là dự thảo cũng phải được “trưng cầu dân ý” thông qua tin tức trên báo.
Nắm vững tính Đảng để viết cho đúng, trúng chủ trương
+ Điều đó cũng chứng tỏ rằng, những thay đổi thời gian qua của tờ báo đã mang lại hiệu quả thông tin, góp phần gắn kết chính quyền địa phương và người dân trên địa bàn. Sự đổi mới đó bắt nguồn từ đâu, thưa ông?
- Phải nói rằng, những đổi mới trong cách thức tuyên truyền của Báo xuất phát từ nhu cầu tự thân khi mong muốn trở thành chiếc cầu nối ngày càng quan trọng, bám sát, theo kịp những đổi mới từ lãnh đạo, chính quyền, sau nữa là vì nhu cầu thông tin của bạn đọc ngày càng đòi hỏi cao hơn. Việc cung cấp thông tin ngày càng phải sâu hơn, cụ thể hơn, bám sát hơn, gần gũi hơn với đời sống dân sinh nhưng tất nhiên vẫn phải đậm tính Đảng. Cho nên phóng viên triển khai đề tài phải khai thác chuyên sâu, có chiến lược thông tin đa chiều. Nói chung, nội dung tuyên truyền sẽ không chỉ phản ánh mà phải làm chuyên sâu hơn theo hướng xây dựng, kiến tạo.
Muốn xây dựng, kiến tạo thì phải nắm rất vững tính Đảng để viết cho đúng, trúng chủ trương, định hướng. Điều ấy đòi hỏi sự thay đổi từ Ban Biên tập đến mỗi phóng viên tòa soạn. Có nỗ lực, có thay đổi thì có “quả ngọt”. Rất mừng là những bài viết về các vấn đề này hiện nay đã có sự đón nhận tích cực của công chúng, bạn đọc. Các tác phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị như thế thì lượng bạn đọc luôn ở top đầu…
Đó là chưa kể có nhiều phản hồi của người dân, đóng góp ý kiến trên các nền tảng số, từ đó, Báo sẽ tiếp tục mở rộng chủ đề để bài viết đa chiều, có giải pháp hữu ích. Những tin bài tưởng như là rất khô khan viết về xây dựng Đảng, về chính trị, hoạt động điều hành, cán bộ,… mà ngày xưa ít người quan tâm thì nay lượng đọc tăng cao, có phản hồi từ nhiều lứa tuổi kể cả giới trẻ.
+ Nhà báo lão thành Hà Đăng có khuyên rằng: Để trở thành một nhà báo chân chính, cần hội tụ ba yếu tố, đó là đức, tài và bản lĩnh chính trị. Thưa ông, với tờ báo, việc rèn giũa, nâng cao bản lĩnh chính trị được quan tâm như thế nào?
- Có 2 việc lớn mà chúng tôi thực hiện được. Một là, đề nghị tỉnh có sự ưu tiên đặc biệt cho người làm báo tỉnh được tham gia các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị. Ví dụ, để được học Trung cấp lý luận thường phải trong quy hoạch mới được đi học nhưng Báo đã đề nghị tỉnh tổ chức lớp cho người làm báo, chỉ cần là phóng viên của báo, cũng có thể được học Trung cấp lý luận chính trị nhằm trau dồi, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về Đảng.
Thứ hai là, cơ quan tổ chức những lớp tập huấn về kỹ năng xử lý thông tin về lĩnh vực này, có sự phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam mời nhiều giảng viên giỏi về giảng dạy cho phóng viên để trau dồi kỹ năng. Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo, Ban Tuyên giáo luôn sát sao, định hướng kịp thời, đặt ra nhiệm vụ, yêu cầu triển khai cụ thể các chủ trương, Nghị quyết thông qua các đề tài, các bài viết.
Các đợt học tập phổ biến, quán triệt Nghị quyết trực tuyến, chúng tôi cũng đề nghị có một điểm cầu kết nối tới tòa soạn, yêu cầu phóng viên nào không đi tác nghiệp thì phải ngồi nghe để học tập, bổ sung thêm kiến thức nền về Đảng… Tất cả những công việc đó đều cho hiệu quả thực tiễn đối với lãnh đạo, phóng viên trong đơn vị, giúp họ thấm nhuần tư tưởng, giữ vững bản lĩnh chính trị và nhạy cảm trước đổi thay thời cuộc.
+ Vâng, trân trọng cảm ơn ông!
Bảo Minh (Thực hiện)