Nhà báo Trần Trung Chính: 'Thuyết phục độc giả bằng thực tiễn và lý lẽ khoa học'
Năm 2025, tròn 10 năm Tạp chí Người Đô Thị phát hành bộ mới. Đối với cán bộ, nhân viên tòa soạn hiện nay, đây là cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển và duy trì ấn phẩm này, cho dù Người Đô Thị được khởi sự từ năm 2006, theo chủ trương của lãnh đạo Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, và được thực hiện bởi các đồng nghiệp tiền nhiệm.
Nhà báo Trần Trung Chính.
Để phác họa chân dung của Người Đô Thị, cũng như những đóng góp của tạp chí - không chỉ trong mười năm qua - chúng tôi có cuộc trao đổi với nhà báo Trần Trung Chính (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng) - vị tổng biên tập đầu tiên, người có vai trò xác lập “căn cước” cho tờ tạp chí.
Thưa ông, hẳn nhiên, một tờ báo/tạp chí ở nước ta được ra đời đều phải xuất phát từ một nhiệm vụ chính trị nào đó. Ông có thể khái quát quá trình này, từ chủ trương ban đầu của cơ quan chủ quản, công việc của người thực hiện, và số phát hành đầu tiên?
Câu trả lời có thể làm anh hụt hẫng, vì chẳng có “nhiệm vụ chính trị” nào giao cho tôi phải mở tờ Người Đô Thị. Nhưng chuyện gì chẳng có bắt đầu, tôi sẽ nói về sự bắt đầu dường như “chẳng giống ai”.
Trước khi ra tờ Người Đô Thị, tôi đã làm ở Báo Lao Động khoảng 13 năm, từ theo dõi mảng kiến trúc, quy hoạch, lo vài chuyên mục, rồi được giao phụ trách tờ Lao Động Cuối Tuần. Nghĩa là có nhiều quyền hạn hơn để xác lập “tính riêng” cho một tờ cuối tuần so với 6 tờ thời sự ra hằng ngày, và tôi chọn chủ đề đô thị.
Tại sao ư? Nhiều lý do, ví dụ: công nghiệp hóa muộn thì đô thị hóa muộn (hệ thống đô thị gắn với công nghiệp ở ta chủ yếu hình thành thời thuộc Pháp), ta ít kiến thức tự xây dựng đô thị hiện đại cho mình. Làm đô thị rất tốn kém, thiếu hiểu biết thì rủi ro cao là đương nhiên. Đô thị lại chứa nhiều xung đột, từ sử dụng vỉa hè, thu gom rác… đến tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm, cạnh tranh việc làm... Khi có quá nhiều người chen nhau chỗ đứng trong một không gian nhỏ, xung đột quyền lợi khó tránh, là lượng đề tài như vô tận cho một tờ chuyên về đô thị.
Giở lại chuyên trang Nhịp sống đô thị của tờ Lao Động Cuối Tuần chỉ trong năm 2004, anh sẽ thấy các chuyên đề chúng tôi làm mỗi tuần: Cuộc cộng sinh và các nguy cơ dịch bệnh, Phục dựng “thành phố kép”, Xây nhà cho người thu nhập thấp, Cảnh báo các hiểm họa ở nhà cao tầng…
Để thực hiện các chuyên đề, phóng viên phải tham vấn chuyên gia các ngành liên quan tới đô thị. Tôi cũng vậy, nên mới tìm gặp TS. Phạm Sỹ Liêm - một chuyên gia đặc biệt trong số họ. Khi đó ông đã kinh qua các chức vụ Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng và đang là Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng. Ông là người có nhiều ảnh hưởng, giúp tôi suy nghĩ nghiêm túc về các vấn đề phát triển đô thị.
Từ trái: TS. Phạm Sỹ Liêm cùng nhà báo Trần Trung Chính trong một cuộc họp xuất bản Tạp chí Người Đô Thị ở Hà Nội. Ảnh: TL
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa tôi với bác Liêm không dẫn thẳng đến hình thành một tờ báo chuyên đô thị. Đơn giản vì tôi đã có “tờ báo để tương đối tự do làm việc mình muốn”. Đại khái, dù thích chủ đề đô thị, tôi cũng chưa đủ động lực để rời tờ Lao Động Cuối Tuần đi mở tờ Người Đô Thị, nếu không có những biến cố ngoài ý muốn.
Biến cố nội bộ đó liên quan đến nhiều người, họ muốn chuyển công tác khỏi Lao Động, tôi giới thiệu họ với bác Liêm. Ông vô cùng mừng rỡ, sốt sắng làm công văn xin phép Bộ Văn hóa - Thông tin cho Tổng hội Xây dựng Việt Nam ra tờ Người Đô Thị, nhưng vì Tổng hội đã có tờ Người Xây Dựng nên ông đưa về Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, nơi ông làm viện trưởng. Có giấy phép xuất bản, có tổng biên tập do ông bổ nhiệm, thì người được bổ nhiệm từ chối. Vậy phải có ai đó kế vào thực hiện cái giấy phép?
Tất nhiên làm số tạp chí đầu tiên như “sinh con ngoài kế hoạch” cơ cực, phải gấp gáp chuẩn bị mọi thứ từ tay trắng: tài chính, nhân lực, máy tính, phát hành, trụ sở… Bị trễ thời hạn ra báo sau 90 ngày cấp phép, đành xin thêm 90 ngày, bổ nhiệm lại người đứng đầu - tôi là Phó tổng biên tập phụ trách (sau đó là Tổng biên tập), là lý do anh thấy tại sao giấy phép đầu tiên ghi ngày 12.6.2006, tiếp luôn giấy phép sửa đổi bổ sung ghi ngày 27.10.2006. Đến tháng 1.2007 mới ra được số tạp chí đầu tiên cũng là số Tết Đinh Hợi 118 trang (ghép số).
Trong giai đoạn ban đầu, ông có những kỷ niệm nào với tờ tạp chí mà ông giữ vai trò tổng biên tập? Ông có thể kể lại các khó khăn ban đầu và vài năm sau đó, trong bối cảnh xã hội chuyển đổi mạnh nhờ môi trường internet?
Một khởi đầu không thuận kéo theo nhiều bất lợi, nhìn lại thấy những kỷ niệm buồn, nhưng cũng không ít kỷ niệm làm ấm lòng, mà thời gian càng giúp tôi hiểu hơn ý nghĩa.
Tôi có người bạn cùng trở về từ chiến trường Khu V nhưng mất vĩnh viễn cả đôi mắt. Năm 1974, một tổ trinh sát trúng mìn claymore ở vùng rừng Bắc Trà My (Quảng Nam) khiến tất cả hy sinh, duy anh Trần Thế Tôn sống sót. Anh ra Bắc, tàn phế, gần như tuyệt vọng khi mới 21 tuổi. Rồi người mù ấy nhất quyết bắt vợ dắt ra khỏi trại thương binh trở về quê tự mưu sinh trong lúc xã hội “bốn bề đói kém”. Con người kiên cường đó một lần nữa kháng lại số phận bi đát của mình. Hơn thế, anh còn là chỗ dựa của tôi mỗi khi gặp việc khó.
Tọa đàm “Từ tranh luận về đồi Dinh nghĩ đến tương lai Đà Lạt” do Người Đô Thị và Save Heritage Vietnam đồng tổ chức tại tòa soạn, tháng 9.2020. Ngày 17.10.2024, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản chỉ đạo Đà Lạt giữ nguyên quy mô và kiến trúc Dinh Tỉnh trưởng. Ảnh: Trung Dũng
Thành lập tờ Người Đô Thị là một việc như vậy, bởi anh ấy rất mê báo chí. Mất đôi mắt như mất toàn bộ liên lạc với thế giới này, cuộc sống của anh gắn với cái đài phát thanh, tin tức do bạn bè mang đến. Biết tôi vẫn lưỡng lự mở tờ Người Đô Thị, anh thúc giục, khích lệ, rủ thêm bạn tham gia, lấy nhà 5 tầng ở 65 Kim Đồng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) của anh Vũ Hoàng Minh làm trụ sở. Chúng tôi cần một khoản tài chính ban đầu đưa Người Đô Thị ra thị trường. Nếu bác Liêm là người “tâm giao” về chủ đề đô thị, thì anh Tôn “quảng giao” lo hậu cần cho nó thời kỳ trứng nước.
Anh có thể thấy trong số xuất bản đầu tiên, các tên tuổi: TS. Phạm Sỹ Liêm, nhà giáo Phạm Toàn, GS. Đặng Hùng Võ…; các nhà thơ, họa sĩ, nhà văn, nhà báo Hoàng Hưng, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Ngọc Tư, Lê Thiết Cương, Trúc Thông, Giáng Vân, Lê Thiếu Nhơn, Ly Hoàng Ly, Ngô Mai Phong, Nguyễn Thụy Kha, Lê Thanh Phong, Nguyễn Trương Quý, PGS-TS. Nguyễn Hồng Thục… 17 năm qua, trong số họ có người đã mất, có người vẫn ở bên chúng ta, viết đều cho Người Đô Thị. Đấy là phần thưởng chung cho cả những người làm Người Đô Thị hôm nay có được những người bạn thủy chung trên con đường dài.
Quyết định chuyển tòa soạn vào TP.HCM để vận hành tại một thị trường báo chí lớn, tốt hơn Hà Nội, là đúng đắn, nên công việc chuyên môn chủ yếu được chuyển sang anh Thẩm Tuyên, một người làm báo tài năng điều hành. Tờ Người Đô Thị được tổ chức bài bản, phong phú, sắc nét hơn dưới bàn tay anh ấy.
Đến năm 2009 tài chính khá ổn định, nhưng tôi bị đột quỵ và chúng tôi cùng thấy cần thiết phải có tổng biên tập trực tiếp làm việc tại tòa soạn. Anh Trần Đình Việt được anh em đề cử. Với cương vị Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, tôi ký quyết định bổ nhiệm tổng biên tập mới cho Người Đô Thị.
Nhưng mấy năm sau đó lại lâm vào khó khăn, chủ yếu do thu không đủ chi dù đánh giá khách quan chất lượng Người Đô Thị vẫn rất tốt. Nói cho đúng vì nó vẫn chưa thực sự “sống bởi thị trường”, “sống bằng ngoại lực hơn nội lực”. Tờ Người Đô Thị phải xin tạm đình bản. Và dù từ tháng 11.2007 đã đăng ký tên miền nguoidothi.com.vn nhưng khó khăn quá lớn đã chặn bước nó.
Tạp chí Người Đô Thị với chủ trương thông tin gắn liền với đời sống thị dân và các vấn đề có thuộc tính khoa học như quy hoạch, kiến trúc, định cư, môi trường... thì định hướng biên tập phải xử lý nội dung sao cho hài hòa giữa thị hiếu của độc giả và những đóng góp phản biện chính sách mang tính hàn lâm?
Các slogan “Tiếng nói của thị dân”, “Cùng bạn xây dựng giá trị và chất lượng sống” hay “Diễn đàn trực tuyến hàng đầu của thị dân về quy hoạch phát triển đô thị, bảo tồn di sản, ký ức đô thị” đều cần trả lời câu hỏi: người đô thị nào? Cũng là câu hỏi về độc giả chủ lực của mọi tờ báo.
Cuộc trò chuyện đặc biệt của Người Đô Thị với Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết, đăng trên giai phẩm Tết Người Đô Thị 2023. Ảnh: Trung Dũng
Nhân học đô thị chỉ về một thế giới người hỗn tạp khổng lồ mà chúng ta không thể làm “bữa tiệc thông tin, tri thức” đáp ứng mọi thành phần, trình độ, giới tính, nghề nghiệp, lứa tuổi… cho thế giới đó. Vậy đối tượng bạn đọc của chúng ta chỉ nên quy về 3 nhóm chính: tầng lớp trung lưu lớp trên (có kiến thức, thu nhập khá) quan tâm đến đô thị; các nhà quản lý phát triển; và nhà đầu tư đô thị.
Về định hướng nội dung: xã hội đô thị được cấu tạo bởi vô số ngành kỹ thuật và văn hóa - xã hội, tạm chia 2 khối chính: vật chất (giao thông, xây dựng, năng lượng, cấp, thoát nước, rác thải…) và nhân văn (giáo dục, y tế, giải trí...). Và do ta đã chọn phân khúc bạn đọc thu nhập khá, có kiến thức, thì đương nhiên cần loại bài chuyển tải các nội dung có hàm lượng khoa học, có chất lượng văn hóa nhất định, để phục vụ họ.
Và với nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, đăng trên giai phẩm Tết Người Đô Thị 2024. Ảnh: Quý Hòa
Tổ chức tòa soạn cần cây bút giỏi và chuyên gia là vì thế, và cũng vì thế chúng ta có thể tạo sự khác biệt hay “bản sắc” cho tờ Người Đô Thị. Nhưng nó vẫn phải của người dân đô thị, không phải một nội san chuyên ngành, nên “hàn lâm lắm” mất độc giả. Cần khoa học, nhưng là thứ khoa học gần gũi, được diễn đạt, thể hiện thú vị, nhiều người đọc được, chứ không chỉ mấy ông bà “bằng cấp khoa học đầy mình” mới hiểu.
Còn muốn phản biện chính sách ư? Tốt chứ, vì đối tượng đọc của ta gồm cả các nhà quản lý đô thị, miễn anh đủ sức thuyết phục họ bằng lý lẽ, các cơ sở khoa học và thực tiễn, chứ không chỉ mỗi nỗi “bức xúc dâng trào”. Có lẽ đó vẫn là mấy định hướng tác nghiệp “khó nhằn” cho những người làm tờ Người Đô Thị suốt từ năm 2007 đến tận hôm nay.
Tôi không nhớ hết các Chuyên đề hay Chuyện hôm nay của Người Đô Thị ra mỗi tháng, như: Tiềm năng đất hiếm Việt Nam, Môi trường giáo dục và các xung đột giá trị cơ bản, Tiến biển bằng đô thị, Ý tưởng quy hoạch không gian bờ sông Sài Gòn, Người cao tuổi vẫn có ích cho gia đình và xã hội… nhưng ấn tượng chung là rất công phu. Cả hai mục này có giá trị phản biện cao, do huy động được nhiều chuyên gia, từ nhiều góc nhìn khác nhau, tiếp cận liên ngành khoa học, giúp người đọc có cơ hội biết sâu hơn, hình dung rõ hơn tính toàn vẹn của một vấn đề, một sự kiện.
Một quốc gia nằm trên 15 vĩ độ, 3/4 núi đồi đất dốc, có sự khác biệt đáng kể về địa lý, khí hậu, trình độ kinh tế, xã hội ở mỗi vùng, tiểu vùng, với hơn 900 đô thị… nếu chỉ quản lý phát triển bằng một bộ tiêu chí chung hiện nay, e thiếu khoa học. Chuyên mục Đô thị đặc thù giúp phát hiện và tham gia xây dựng quan điểm về chủ đề đó. Đô thị đặc thù cùng Chuyên đề, Chuyện hôm nay, theo tôi có thể biên tập thành sách, thêm một loại ấn phẩm của Người Đô Thị.
Cuối năm 2014, Tạp chí Người Đô Thị có những thay đổi (biến động) mạnh về tổ chức, cho dù vẫn giữ tôn chỉ ban đầu, nhưng phong cách thể hiện có khác?
Biến động tổ chức anh nhắc đến là câu chuyện năm 2013 của nhóm nhà báo trong TP.HCM, do nhà báo Đặng Tâm Chánh đại diện, tìm gặp ban biên tập Người Đô Thị trao đổi muốn hợp tác đầu tư. Cũng từ đây, tôi hạnh ngộ với hai nữ nhà báo Nguyễn Thế Thanh, Nguyễn Minh Hiền và sau này là nhà báo Nguyễn Đào Vĩnh Huy. Trước đó hầu như chúng tôi không biết nhau, chỉ bằng trực cảm tin tưởng tôi đồng ý cho tổng biên tập khi đó bàn giao tờ Người Đô Thị cho họ cùng làm. Tất nhiên với nguyên tắc họ sẽ hỗ trợ xử lý dứt điểm các tồn tại tài chính giúp tổng biên tập lúc đó. Nên không có chuyện “mua bán” gì ở đây, là việc cần nói ra một lần cho mãi mãi.
Thế nhưng họ cũng không làm cho tờ Người Đô Thị hoạt động hiệu quả như mong muốn. Báo cáo của ban biên tập thời điểm đó cho biết tạp chí vẫn tiếp tục gặp khó khăn lớn về tài chính nên đã quyết định cải tổ toàn diện nội dung, hình thức, quảng cáo, phát hành... Nhà báo Tâm Chánh và một vài người trong nhóm ban đầu không tiếp tục làm tờ Người Đô Thị nữa, nên cũng có thể xem là khép lại thêm một chặng đường rất ngắn của tờ tạp chí.
Chặng đường tiếp theo của tờ Người Đô Thị với thay đổi măng-sét, hình thức trình bày, định kỳ phát hành và định hướng nội dung như hiện nay là từ cuối năm 2014, được các nhà báo Thế Thanh, Minh Hiền, Vĩnh Huy cùng một số người khác tiếp tục chèo chống vững vàng tờ tạp chí đến nay.Công lao to lớn đó thuộc về họ. Tôi được ban biên tập mời tham gia trong ban tư vấn của Người Đô Thị. Và đúng như anh đề cập, tôn chỉ không thay đổi.
Nói “phong cách” hơi rộng, sở dĩ cách thể hiện khác do Người Đô Thị hôm nay có nhiều người trẻ tuổi hơn đang làm việc trong và ngoài tòa soạn. Sức trẻ tràn vào bài vở trữ tình hơn, tính thị dân rõ nét hơn, tương tác với lượng độc giả rộng, “chiều” họ hơn. Nhờ có thêm tạp chí điện tử mà những bài dài, thậm chí rất dài vẫn được chấp nhận - điều trước kia chúng tôi không thể. Di sản đô thị và môi trường, những vấn đề có tính thời đại, cũng được quan tâm hơn. Đây là giai đoạn thành công nhất của Người Đô Thị.
Mười năm qua, là người gắn bó cùng Người Đô Thị bộ mới với tư cách là lãnh đạo chủ quản, xin ông đánh giá khái quát tiến trình này?
Tạm lấy hình ảnh tòa nhà để minh họa, thì các thế hệ chúng tôi đóng góp phần lớn ở nền móng tòa cao tầng. Chẳng mấy ai để ý cái móng nằm trong lòng đất, nhưng nó gánh sức nặng tòa nhà.
Có chút may mắn cho những người mở đầu và tiếp tục cùng Người Đô Thị trong tiến trình của nó, dù trong số họ có người đã chia tay từ lâu, nhưng được an ủi rằng mình là một phần của cái móng nhà ấy. Bởi chí ít những người kế tục không phá móng để xây lại hoàn toàn, không phải “bắt đầu từ chỗ bắt đầu”, rằng sức lực, của cải, trí tuệ của những người đi trước đã không uổng phí.
Các khách mời tại sự kiện triển lãm và ra mắt hai cuốn sách ảnh: Tử tù, cựu tù Côn Đảo: Ngày trở lại và Biệt đội giữ bình yên “đất lửa” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á, tổ chức 27.7.2023 tại TP.HCM, được giới thiệu trên Người Đô Thị. Ảnh: Trung Dũng
TS. Phạm Sỹ Liêm từng nói về sự ra đời các tổ chức của mình: “Chúng ta lập ra nó không vì nó, để kiếm tiền thì mở công ty tốt hơn, mà để được cống hiến, dù rất nhỏ bé, cho xã hội này”. Chúng ta sẽ cùng nhớ lâu bác Liêm, chị Minh Hiền, những người đã cống hiến một phần đời họ cho tiến trình gian khổ của tờ Người Đô Thị.
Với bề dày kinh nghiệm của mình, ông nhận định gì về xu hướng, cũng như những thách thức mà các tạp chí ấn bản in, cũng như online, trong xã hội cạnh tranh thông tin hiện nay?
Tôi chỉ xin chia sẻ suy nghĩ của mình về một vài vấn đề chung.
1.Về không gian: Hà Nội, TP.HCM đã mở rộng gấp nhiều lần trong mấy chục năm qua. Cảm nhận về độ lớn của nó đã ra ngoài các không gian quyến rũ, thân thuộc “mùi hoa sữa nồng nàn” hay “lá me lất phất bay” ở vùng lõi hai thành phố, với nhiều quận mới, khu đô thị mới sang trọng, hiện đại lẫn vô vàn xóm trọ ổ chuột. Sự chuyển động từ các không gian mới mênh mông đó nên được phản ánh trên tờ Người Đô Thị.
2. Về người đô thị: nhân khẩu học cả hai thành phố đã đảo lộn căn bản. Không chỉ người Việt từ các vùng nông thôn, mà người các dân tộc thiểu số ở vùng núi, người từ các quốc gia, chủng tộc khác tới nhập cư và đã chiếm đa số. Đa số nhân khẩu đủ sức tác động mạnh đến lối sống, văn hóa của hai thành phố. Có lẽ bạn đọc sẽ mong có nhiều câu chuyện thú vị về chủ đề này?
3. Tiếp tục bùng nổ đô thị và năng lượng mới: lấy Nghị quyết 06-NQ/TW làm kế hoạch, thì chỉ một năm nữa (2025) tỷ lệ đô thị hóa phải đạt tối thiểu 45% với 950 - 1.000 đô thị các loại (hiện có 902), đến 2030 có 1.000 - 1.200 đô thị. Xã hội Việt Nam tiếp tục biến động lớn với tốc độ đô thị hóa chưa có dấu hiệu chậm lại và quy mô phát triển năng lượng mới sẽ định hình lại cấu trúc đô thị. Người Đô Thị không thể đứng ngoài, sẽ góp tiếng nói thế nào trong công cuộc kiến tạo khổng lồ và chứa nhiều rủi ro này?
Một trong những cuộc gặp gỡ cộng tác viên của Người Đô Thị. Ảnh: Song Nguyễn
Mấy vấn đề vừa nêu cũng có thể gọi là thách thức, nhưng tôi có niềm tin vào tờ Người Đô Thị, khả năng ứng phó linh hoạt trong một xã hội không ngừng vận động và chuyển tải mọi vấn đề mới một cách thông thái, thú vị của các bạn và cả thế hệ sẽ tiếp nối các bạn. Chúng ta đang sống trong thời đại trí tuệ nhân tạo, AI có thể viết và biên tập bài. Vậy tương lai năng lực của người làm báo sẽ là tập trung vào phát hiện vấn đề, tư duy tích hợp và tạo logic cho nó thực hiện. Và xu hướng xem, nghe ngày càng cao, nên cần nền tảng kỹ thuật và nhân lực chuyên nghiệp tạo các sản phẩm truyền thông đa dạng.
Những ngày này 17 năm trước, chúng tôi đang làm số tạp chí đầu tiên. Nghĩ mãi không ra hình ảnh dùng cho bìa 1, đi loanh quanh tình cờ gặp cô bạn thời thơ ấu đưa các cháu nhỏ ra vườn hoa Lý Thái Tổ vẽ phong cảnh. Tôi xin cô giáo cho trẻ vẽ “thành phố chúng muốn có” và nhờ anh Trần Thành Công chụp. Những bức tranh “Thành phố tương lai” của đứa trẻ nào cũng tươi tắn và đều có cây xanh trên nền trời xanh lên bìa Người Đô Thị số Xuân Đinh Hợi - 2007, nhưng ước mơ về những thành phố trong lành ấy của những đứa trẻ càng xa vời sau 17 năm nhìn lại.
Năm mới 2025 đang đến, tôi xin chúc toàn tòa soạn sức khỏe, hạnh phúc, thành công!
Duy Thông thực hiện