Nhà báo Đinh Đức Hoàng: Người ta điên cuồng săn lùng, như đi tìm vàng
'Càng ngày người ta càng phải làm ra thứ cực đoan hơn để có được sự chú ý và càng ngày càng điên rồ, điên cuồng hơn trong cuộc săn lùng này, nó giống như cuộc đi tìm vàng', nhà báo Đinh Đức Hoàng nhấn mạnh.
Không ít người đã bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí bị xử lý hình sự nhưng tình trạng này vẫn diễn ra.
Đó là vụ việc 4 thanh niên khiêng quan tài diễu phố, quay clip tung lên mạng xã hội nhằm quảng cáo cho một shop quần áo tại TPHCM hồi đầu tháng 3. Hay đoàn siêu xe của thẩm mỹ viện Mailisa ngang nhiên vượt đèn đỏ tại TP Đà Nẵng vào trung tuần tháng 3.
Mới đây nhất, tại TPHCM cũng liên tiếp ghi nhận hình ảnh người đi đường cưỡi vali băng băng di chuyển trên các tuyến phố gây sự chú ý.
Phòng Cảnh sát giao thông TPHCM thông tin, gần đây một số người sử dụng vali điện để di chuyển trên đường phố nhằm sáng tạo nội dung cho mạng xã hội hoặc vui chơi.

Đoàn siêu xe vượt đèn đỏ đỗ trên đường Nguyễn Văn Linh sáng 17/3. Ảnh: Hồ Giáp
Trao đổi với VietNamNet, nhà báo Đinh Đức Hoàng (nick name Hoàng Hối Hận) cho rằng chúng ta nên nhìn nhận những hiện tượng trên như một xu hướng, thậm chí xu hướng toàn cầu thay vì coi đó là các hiện tượng cá biệt.
Cuối năm 2023, Liên Hiệp quốc đã ra một báo cáo nghiên cứu về 'nền kinh tế sức chú ý' (attention economy) - coi sự chú ý của chúng ta như một "tài nguyên" có hạn ở vị trí trung tâm của hệ sinh thái thông tin, bị bao quanh bởi những thông báo và quảng bá giật gân.
Trong đó các kinh tế gia của Liên hiệp quốc nhận định, trong thời đại mà thông tin quá nhiều, quá rẻ thì sức chú ý trở thành tài nguyên để kinh doanh và càng ngày càng đắt.
'Trong 'nền kinh tế sức chú ý' này, ngoài những tập đoàn sử dụng các thuật toán, dùng công nghệ để “ru ngủ” chúng ta thì các cá nhân cũng cho rằng sức chú ý của xã hội là một loại tài nguyên. Và tài nguyên đó càng ngày càng đắt, càng ngày càng khó giành giật. Cho nên càng ngày người ta càng phải làm ra thứ cực đoan hơn để có được sự chú ý', nhà báo Đinh Đức Hoàng nhìn nhận.
'Đây cũng chính là lý do đẩy chúng ta vào tình huống ngày càng nhiều hơn những thứ 'nhố nhăng, cực đoan' vượt ra ngoài khuôn khổ giới hạn tư duy thông thường của con người.
Việt Nam không nằm ngoài xu hướng ấy, thậm chí còn tăng nhanh hơn so với thế giới khi mà ngành thương mại điện tử đang phát triển với tốc độ cao.
Nhiều người cho rằng nếu giành được sức chú ý từ đám đông thì sẽ kiếm được tiền từ nó.
Và càng ngày người ta càng điên rồ, điên cuồng hơn trong cuộc săn lùng này, nó giống như cuộc đi tìm vàng', nhà báo Đinh Đức Hoàng nhấn mạnh.
Xu hướng 'đổ rác' lên không gian mạng
Ở góc nhìn của pháp luật, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội lại cho rằng, những hành vi độc lạ, muốn gây sự chú ý nơi công cộng để trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nếu gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự an toàn xã hội thì sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc.
Trong khi chờ các chế tài xử lý của pháp luật, nhà báo Đinh Đức Hoàng lại cho rằng: “Câu chuyện giành cho người sử dụng internet nhiều hơn. Họ phải nhận thức được rằng đang có một xu hướng “đổ rác” lên internet.
Không ít người sử dụng mạng xã hội dễ dãi tiếp nhận thông tin thậm chí còn gián tiếp tặng thưởng cho những nội dung tưởng như vô hại bằng việc nhấn những nút like, share.
Nhưng hành động này chính là sự tưởng thưởng giá trị kinh tế cho những nội dung rác, độc hại mà chúng ta không nhận thức được rằng đang tham gia vào cỗ máy khuyến khích, sản sinh ra những nội dung nhố nhăng”.