Nguyễn Thế Kiên: Nết quê chưa bao giờ cũ

Theo nhà thơ Nguyễn Thế Kiên, cái hồn cốt của quê làm nên văn hóa làng, làm nên sự chân thành, thật thà thơm thảo của người quê!

Hồn quê ở trong từng nếp nhà, cánh đồng, từng cái ao chuôm, ngõ ngách, trong hạt lúa củ khoai, củ sắn, vườn rau, trong câu chuyện của ông bà, cha mẹ, mới là cái bồi tụ nên nét đặc trưng của văn hóa làng quê Việt Nam qua những biến đổi của thời gian và lịch sử! Câu chuyện giữa chúng tôi và Nguyễn Thế Kiên thơm mùi châu chấu nướng, rơm rạ, cánh đồng.

Nhà thơ Nguyễn Thế Kiên.

Nhà thơ Nguyễn Thế Kiên.

- “Ngược xuôi đi giữa tảo tần/ Hồn rơm vía rạ hóa thân mà thành”,có phải vì sinh ra từ làng, lớn lên từ đồng ruộng; Chính gốc gác “nhà quê” đã ám vào những câu thơ của anh chăng?

+ Thật ra thì cái gốc gác nhà quê đã nhập vào vía chữ thơ tôi, cánh đồng và làng quê, người quê, nết quê đối với tôi là một tài sản vô giá. Bởi vì thế nên chảy suốt mười lăm tập thơ mà tôi đã xuất bản luôn thấm đẫm hồn vía của mạch đồng quê ấy. Tôi sinh ra ở xứ đồng chiêm trũng Ý Yên, Nam Định, thuộc trấn Sơn Nam Hạ cũ. Tuổi thơ của tôi là bát ngát đồng xanh, là cái tôm cái tép, hạt lúa, củ khoai mang thân phận con người, như trong những câu ca dao cổ tích. Ngấm và thấm những điều ấy từ cánh đồng, từ quê hương, từ văn hóa và gốc gác nhà quê, mà thơ tôi trổ thành câu chữ! Lời quê, tiếng quê, đã giúp tôi lập ngôi câu chữ của mình trong thơ!

Từ góc nhìn của riêng tôi, thì cái nết quê, cái văn hóa đồng quê kia chưa thấy bị cũ đi chút nào cả! Trong xã hội Việt Nam hôm nay, nó vẫn hiện hữu đậm nét qua cách ngoại giao, ứng xử của nhiều nhà chính khách hàng đầu đất nước, tới những thường dân của xứ sở này! Và với tôi, có lẽ cái nết văn hóa ấy, nếp làng ấy, chả bao giờ cũ, chả bao giờ bị hòa tan ở bất cứ thời thế nào, bởi nó là cội nguồn và khí cốt của người Việt! Với tôi, những cung bậc từ phía ruộng đồng vẫn quá đủ để cho tôi soi chiếu và chiêm nghiệm về những biến động từ bể phù sinh hôm nay!

- Đã có nhiều nhà thơ thành công, ngay ở quê ông, Nguyễn Bính được định danh là “nhà thơ chân quê”, ông có cảm nghĩ như thế nào nếu gọi ông, một “hậu duệ” của Nguyễn Bính là nhà thơ của “hồn quê”.

+ Tôi may mắn sinh ra trên mảnh đất sản sinh ra một thần đồng thơ lục bát Nguyễn Bính. Vì mê ông, ngưỡng mộ ông mà tôi tìm đến thơ. Nói hậu duệ thì ưu ái cho tôi quá, nhưng thú thật, vương vít được chút tài hoa trong câu chữ của bậc tiền nhân là tôi đã hạnh phúc lắm rồi. Mọi định danh cho một cách viết, một tư duy thơ chỉ là tương đối! Tuy nhiên, thi sĩ Nguyễn Bính là một ngôi sao lớn trong bầu trời thi ca Việt Nam, làm nên tên tuổi ông ấy là những bài thơ quê chân chất, dung dị mà đa tầng, đọc thơ Nguyễn Bính là thấy hiện lên trong câu chữ thơ ấy cái nết quê thuần hậu, cái tình quê đằm thắm và nhiều thứ khác rất đặc trưng cái nết thôn quê đã hiện hữu ở dưới gầm trời này! Còn với tôi, tôi không dám và chả bao giờ đem mình so sánh với tiền nhân, tôi chỉ mang cái hồn quê ám quyện vào câu chữ. Tôi trân quý cái sâu thẳm trong nguồn mạch làm nên cái nết quê, cái tình quê kia. Ấy là phần linh thức của làng quê, của văn hóa lúa nước.

Người ta gọi tôi thế nào qua thơ tôi, ấy là quyền của bạn đọc, còn với tôi, trong cái hồn quê ấy, tư duy thơ tôi không bị bó buộc bởi thực tại, bởi rạ rơm mùa cũ, bởi mái tranh, mái ngói, hay bởi biệt thự, xe sang đang dần xuất hiện ở các làng quê. Cái hồn cốt của quê trong ấy mới làm nên văn hóa làng, làm nên sự chân thành, tử tế của người quê! Nó mới là cái bồi tụ nên nét đặc trưng của văn hóa làng quê Việt Nam qua những biến đổi của thời gian và lịch sử!

Hồn quê ấy, như nhà báo đã dẫn, nó là sự tử tế, sự thân ái, nhân hậu, công bằng, chịu thương chịu khó của những người nông dân. Nó liên tục được xây dựng, được bồi đắp và mở rộng biên độ bằng trí tuệ qua mỗi thế thời. Từ góc riêng của mình, tôi trộm nghĩ, đất nước này sẽ ra sao nếu cái nguồn mạch quê, cái hồn quê kia ngày một vơi đi trong đời sống của người Việt? Với tôi, hồn quê là nét đặc trưng để làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Mà bản sắc văn hóa của một dân tộc, gần như là một bộ quy chuẩn, quy ước, để từ đó, người ta nhìn nhận, quy chiếu, đánh giá về những sự việc, hiện tượng đã và đang diễn ra trong đời sống xã hội của dân tộc ấy!

Hồn quê, khi nhìn theo nghĩa rộng, nó có giá trị lớn như vậy, cho nên dù ở bất cứ thời đại nào, thì nó rất cần được bảo tồn, gìn giữ và chuyển tải! Và nếu chuyển tải nó bằng lời quê, tiếng quê, tình quê, thì thơ Lục bát luôn là một lợi thế để lựa chọn!

- Ông viết nhiều thể loại, thơ, văn xuôi, tiểu luận phê bình; riêng thơ cũng nhiều thi pháp nhưng vì “nghiện” thơ lục bát, mà lấy luôn nickname là “Kiên lục bát”. Theo ông, hiện nay thơ đang chuyển dịch như thế nào? Nhiều người chú trọng vào “ngắt câu, bẻ dòng”, thêm dấu chấm trong câu... Đó có phải thể hiện sự lúng túng trong sáng tạo không? Liệu có phải khi nội dung nghèo nàn thì người ta hay chú trọng đến hình thức?

Tập thơ lục bát của tác giả Nguyễn Thế Kiên.

Tập thơ lục bát của tác giả Nguyễn Thế Kiên.

+ Cảm ơn anh, đây là một câu hỏi thú vị mà tôi được nhận. Nó thú vị bởi tính chuyên môn và ở tầm khái quát nằm trong nội hàm của câu hỏi, thế hệ tôi và anh vài ba mươi năm trước, khi cầm bút làm thơ là nghĩ và viết theo cảm xúc, cảm xúc là chính, cảm xúc ấy được sinh ra từ góc nhìn, từ nhân sinh quan của mỗi nhà thơ, rồi nó nhập vào câu chữ mà thành thơ vậy! Nhưng bởi chúng ta tôn thờ cảm xúc thơ quá, mà dẫn đến sự xung đột trong sáng tác, sự bất nhất về tư tưởng trong chính những bài thơ của chúng ta! Là người làm thơ, va đập với thơ liên tục trong mấy mươi năm qua, tôi mới nhận ra điều ấy. Thơ cần lắm một tư duy tổ chức nhất quán cho mỗi bài thơ, mỗi tập thơ, tư duy thơ ấy sẽ hình thành nên tư tưởng và sắc thái riêng của mỗi nhà thơ!

Thơ hôm nay đã có rất nhiều cái khác, ấy là bên cạnh cảm xúc, thơ cần được xây dựng bởi chính tư duy và trí tuệ của nhà thơ! Thơ hôm nay đang hướng vào các tầng thức sâu hơn, vi tế hơn của sự việc, sự vật hiện tượng, hướng vào những nỗi niềm sâu kín hơn của kiếp nhân sinh! Thơ hôm nay tiếp cận, dìu đỡ và giải phóng những nỗi niềm người bằng trí tuệ, bằng sự minh định của tri thức! Đấy chính là sự chuyển dịch vô cùng cần thiết cho thơ, có như thế thơ mới có thể tiếp cận, tương tác và chia sẻ với cuộc sống của thời đại này!

Về việc “ngắt câu, bẻ dòng” trong thơ truyền thống mà chúng ta thường gặp trong vài mươi năm trở lại đây, cụ thể là thơ Lục bát, hiện đang tồn tại hai hướng làm. Hướng thứ nhất là làm mới theo kiểu bẻ gãy cấu trúc câu thơ Lục bát, ngắt dòng, xuống dòng liên tục, để mong thơ mình đỡ bị mòn cũ bởi sự quen thuộc của thơ Lục bát. Cách làm này chỉ là một biện pháp tình thế để nhằm một mục đích nào đó của tác giả, thực tế nó không làm tăng tính thẩm mỹ và nghệ thuật của bài thơ. Hướng làm này, đúng như quy luật mà anh đã nêu trong câu hỏi: khi nội dung nghèo nàn thì người ta hay chú trọng đến hình thức?

Hướng thứ hai, là ngắt dòng để tạo hiệu ứng, để làm tăng sức chở, làm tăng biên độ và sức lay gợi cho câu chữ của thơ mình. Nhiều tác giả lại sử dụng phương pháp vắt dòng, ngắt dòng trong thơ Lục bát hiện đại, với mục đích để biểu đạt trọn vẹn ý thơ mà mình muốn truyền tải... Cách ngắt dòng, vắt dòng, xuống dòng trong trường hợp này là sự tìm tòi sáng tạo về nghệ thuật, rất đáng ghi nhận.

Xin lấy ví dụ về một cung Lục bát được ngắt dòng của thi sĩ Trần Đăng Thao mới xuất bản. Trong ấy, nhà thơ đã ngắt câu thơ ra như thế này: “Khói hương/ Lặng lẽ/ Lên trời/ Đường xa thăm thẳm/ Cõi người/ Bể dâu/ Con về/ Chẳng thấy mẹ đâu/ Ngoài sân/ Chỉ một giàn trầu/ Mồ côi!”. Giờ chúng ta thử để liền lại theo cách trình bày của thơ lục bát truyền thống: “Khói hương lặng lẽ lên trời/ Đường xa thăm thẳm cõi người bể dâu/ Con về chẳng thấy mẹ đâu/ Ngoài sân chỉ một giàn trầu mồ côi!”.

Rõ ràng khi chuyển về cách trình bày của thơ Lục bát truyền thống, thì ý tứ thơ, không gian thơ cùng các tầng nghĩa của ngôn ngữ thơ đã bị làm hẹp, làm mỏng lại, thậm chí bị mất nghĩa biểu đạt (như ở câu thơ thứ hai). Ấy là chưa kể đến cái cách ngắt mạch của thi sĩ Trần Đăng Thao, còn ngầm biểu đạt sự thổn thức, nấc nghẹn trong mạch chữ kia! Bởi vậy, việc ngắt câu, bẻ dòng trong thơ Lục bát của sự sáng tạo nghệ thuật, khác hẳn cái cách “bẻ câu, bẻ dòng” chỉ với mục đích làm mới về hình thức!

Ngô Đức Hành (thực hiện)

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/nguyen-the-kien-net-que-chua-bao-gio-cu-i739999/
Zalo