Nguyên tắc điều trị bệnh tăng huyết áp

Tăng huyết áp nếu được dự phòng và điều trị đúng cách sẽ giúp ngăn ngừa, làm chậm tiến triển các biến chứng, đồng thời giảm chi phí điều trị và nâng cao chất lượng cuộc sống.

 Bệnh tăng huyết áp cần phải điều trị lâu dài. Ảnh: Pexels.

Bệnh tăng huyết áp cần phải điều trị lâu dài. Ảnh: Pexels.

Bác sĩ Đào Lê Phương Trang, khoa Dinh dưỡng - Bệnh không lây, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết điều trị tăng huyết áp là một quá trình lâu dài, cần sự theo dõi thường xuyên, phối hợp chặt chẽ giữa bệnh nhân và bác sĩ điều trị.

Ngoài ra, để đạt được hiệu quả điều trị, bệnh nhân còn cần kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ và các bệnh lý đi kèm. Điều trị tăng huyết áp bao gồm điều trị không dùng thuốc và điều trị dùng thuốc.

Theo bác sĩ Trang, điều trị không dùng thuốc hay thay đổi lối sống là điều trị nền tảng dù tăng huyết áp đang ở giai đoạn nào. Ở một số bệnh nhân tiền tăng huyết áp hoặc độ 1, việc tích cực thay đổi lối sống có thể giúp kiểm soát tốt huyết áp mà chưa cần sử dụng đến thuốc hạ áp.

Người bệnh cần có chế độ ăn hợp lý, giảm muối dưới 5g/ngày, đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng. Đồng thời, trong bữa ăn cần tăng cường rau xanh, hoa quả tươi, hạn chế thức ăn nhiều cholesterol, axit béo no (các loại thịt, trứng, mỡ động vật, thức ăn nhanh, sữa và các sản phẩm từ sữa), thức ăn chế biến sẵn và đồ uống có gas.

Song song đó, người có nguy cơ bị huyết áp cao cần duy trì cân nặng lý tưởng, chỉ số khối cơ thể (BMI) 18.5-22.9 kg/m2, vòng bụng dưới 90 cm (nam) và dưới 80 cm (nữ).

Người bệnh nên hạn chế rượu bia, ngừng hút thuốc cũng như tránh xa môi trường có khói thuốc. Mặt khác, người bệnh cần tăng cường hoạt động thể lực, tối thiểu 150 phút/tuần, hoạt động ít nhất ở mức độ vừa phải 5 ngày/tuần, mỗi ngày 30-60 phút.

Một nguyên tắc nữa của điều trị tăng huyết áp không dùng thuốc là người bệnh tránh lo âu, căng thẳng; thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý, tránh bị lạnh đột ngột.

Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc được cá thể hóa dựa vào các đặc điểm của từng bệnh nhân, ưu tiên lựa chọn và phối hợp các nhóm thuốc nhằm đạt được huyết áp mục tiêu sớm, ít tác dụng phụ, có thể sử dụng lâu dài.

Một số nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp được chứng minh giảm nguy cơ biến cố tim mạch như lợi tiểu dạng Thiazide, ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể AT1, chẹn kênh canxi, ức chế beta giao cảm.

Ngoài ra, để đạt được hiệu quả điều trị lâu dài với liều lượng tối thiểu, bác sĩ Trang khuyến cáo bệnh nhân cần tuân thủ điều trị, uống đúng thuốc, đủ liều, không tự ý bỏ thuốc hay giảm liều khi không có chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân nên thường xuyên theo dõi huyết áp tại nhà hoặc tại phòng khám, tái khám đúng hẹn để được đánh giá và chỉnh thuốc định kỳ.

Nguyễn Thuận

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nguyen-tac-dieu-tri-benh-tang-huyet-ap-post1508788.html
Zalo