Nguyên nhân sâu xa khiến Thủ tướng Nhật Bản Kishida không tái tranh cử

Hôm nay (14/8), Thủ tướng Fumio Kishida thông báo sẽ không tham gia tranh cử vị trí lãnh đạo của đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới đây. Điều này đồng nghĩa với việc Nhật Bản sẽ có thủ tướng mới sau cuộc bầu cử của LDP.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ không tái tranh cử vị trí chủ tịch LDP. (Ảnh: Reuters)

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ không tái tranh cử vị trí chủ tịch LDP. (Ảnh: Reuters)

"Cách rõ ràng nhất để chứng minh LDP đã thay đổi là tôi sẽ từ chức. Tôi không tham gia tranh cử vị trí chủ tịch LDP sắp tới", Japan Times dẫn lời ông Kishida phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 14/8.

"Chính trị không thể vận hành nếu không có lòng tin của dư luận. Bây giờ tôi sẽ tập trung vào việc ủng hộ lãnh đạo mới của LDP với tư cách là thành viên của đảng”, ông nói.

Thông báo được Thủ tướng Fumio Kishida đưa ra một tuần trước khi một ủy ban bầu cử nội bộ của LDP dự kiến công bố ngày bầu cử lãnh đạo của đảng.

Một cuộc thăm dò do hãng thông tấn Kyodo thực hiện cuối tháng 7 vừa qua cho thấy, tỷ lệ ủng hộ nội các của Thủ tướng Fumio Kishida chỉ ở mức 24,6%.

Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ ủng hộ nội các của Thủ tướng Kishida ở dưới mức 30% trong 9 lần khảo sát liên tiếp kể từ tháng 11 năm ngoái, trong bối cảnh dư luận tiếp tục không hài lòng với cách ông điều hành chính phủ.

Về câu hỏi, liệu những người tham gia khảo sát bận tâm vụ bê bối các quỹ chính trị trong đảng Dân chủ Tự do (LDP) khi tham gia cuộc tổng tuyển cử tiếp theo hay không, 73,3% cho biết họ sẽ suy nghĩ điều này.

Hồi tháng 4, LDP trừng phạt 39 thành viên, trong đó có 2 thành viên cấp cao, vì vụ bê bối quỹ chính trị. Quyết định của ủy ban kỷ luật LDP được đưa ra sau khi một số phe phái của đảng bị phát hiện gian lận báo cáo kế toán để biển thủ một phần nguồn thu từ các sự kiện gây quỹ trong nhiều năm, khiến hàng trăm triệu yen được chuyển lại cho những thành viên đã bán vé sự kiện. Khi đó, Thủ tướng Kishida cho biết vụ bê bối gây ra "trở ngại lớn và nặng nề" cho đảng.

Sau bê bối, LDP mất tất cả 3 ghế trong cuộc bầu cử bổ sung vào quốc hội tại Nagasaki, Shimane và Tokyo.

Khi được hỏi về trách nhiệm đối với thất bại này, Thủ tướng Kishida cho biết ông sẽ không từ chức mà cam kết cải tổ đảng, bao gồm thắt chặt quy định về các quỹ chính trị.

Vụ bê bối khiến tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Kishida giảm mạnh. Ông đã thay thế một số bộ trưởng trong nội các và những nhân vật cấp cao khác khỏi vị trí điều hành của đảng, nhưng tỷ lệ ủng hộ của dư luận dành cho chính phủ của ông vẫn chỉ loanh quanh trên mức 20%.

Bên cạnh đó, trong cuộc khảo sát của Kyodo, 74,2% người trả lời cho biết họ không nghĩ mức cắt giảm thuế thu nhập và thuế cư trú trị giá 40.000 yen (254 USD) mà chính phủ triển khai từ tháng 6 có thể giúp người dân đủ trang trải cuộc sống khi chi phí sinh hoạt tăng cao.

Về những bê bối gần đây trong Bộ Quốc phòng và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản vì xử lý sai những thông tin nhạy cảm liên quan đến lực lượng trên biển, 48,2% người trả lời cho rằng Bộ trưởng Quốc phòng Minoru Kihara phải chịu trách nhiệm bằng cách từ chức.

Ông Ryo Sakai - Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ trên biển, từ chức hồi tháng 7 vì những vụ bê bối khiến 218 thành viên của Lực lượng Phòng vệ bị sa thải, giáng chức, đình chỉ, cắt giảm lương và khiển trách. Các hành vi vi phạm được xác định gồm xử lý sai thông tin mật, lạm quyền và gian lận trong việc đề xuất trả lương.

Một cuộc thăm dò dư luận do báo Asahi Shimbun thực hiện trong tháng 7 cho thấy, 74% số người được hỏi cho biết họ không muốn ông Kishida tiếp tục giữ chức vụ thủ tướng sau cuộc bầu cử của LDP vào tháng 9.

"Một thủ tướng đương nhiệm của LDP không thể tham gia tranh cử vị trí chủ tịch của đảng nếu ông ấy không chắc chắn sẽ giành chiến thắng. Giống như những nhà vô địch sumo vậy. Bạn không chỉ giành chiến thắng, mà bạn cần phải giành chiến thắng một cách duyên dáng", Koichi Nakano, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Sophia, nói với Reuters.

Với sự ra đi của ông Kishida, cuộc đua giành vị trí chủ tịch LDP tạo cơ hội cho một số ứng cử viên tiềm năng, bao gồm: Tổng thư ký LDP Toshimitsu Motegi, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba và Bộ trưởng kỹ thuật số Taro Kono. Những ứng viên khác, như: Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi, Bộ trưởng an ninh kinh tế Sanae Takaichi cũng được đánh giá là có tiềm năng.

Người kế nhiệm Thủ tướng Kishida sẽ phải đoàn kết các phe phái bất đồng ý kiến trong đảng và xử lý vấn đề chi phí sinh hoạt tăng cao, căng thẳng địa - chính trị với Trung Quốc và khả năng ông Donald Trump trở lại làm tổng thống Mỹ vào năm tới.

Thu Loan

Theo Japan Times, Kyodo

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nguyen-nhan-sau-xa-khien-thu-tuong-nhat-ban-kishida-khong-tai-tranh-cu-post1663608.tpo
Zalo