Nguyên lí căn bản và công nghệ lõi là nền tảng, sứ mệnh của các ngành khoa học

Việc trang bị kiến thức nền tảng về nguyên lí căn bản và công nghệ lõi không làm giảm khả năng thích ứng của sinh viên với thực tế công việc.

Trong bối cảnh cạnh tranh và yêu cầu tăng trưởng nhanh, xu hướng tuyển dụng của nhiều tổ chức, doanh nghiệp… ngày càng chú trọng nhiều vào việc tìm kiếm những ứng viên "sẵn sàng làm việc", có kĩ năng thực hành và kinh nghiệm thực tế.

Điều này tạo ra áp lực lớn đối với các cơ sở giáo dục đại học khi họ bị buộc phải điều chỉnh chương trình đào tạo để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung vào mục tiêu trước mắt mà bỏ qua nền tảng căn bản của tri thức khoa học và công nghệ lõi, chúng ta sẽ phải đối mặt với nguy cơ suy giảm chất lượng nguồn nhân lực trong dài hạn.

Sự dịch chuyển đáng lo ngại

Nếu nghiên cứu kĩ các chương trình đào tạo đại học ở một cơ sở sở giáo dục hiện nay, chúng ta có thể nhận thấy có sự thay đổi đáng kể cả về cấu trúc lẫn nội dung.

Những học phần mang tính nguyên lí, lí thuyết nền tảng dần bị thay thế bởi các môn học tập trung vào “kĩ năng nghề”, “kĩ năng mềm”...

Công nghệ lõi, vốn là nền tảng để phát triển và đổi mới đâu đó cũng bị xem nhẹ, nhường chỗ cho các công nghệ ứng dụng mang tính ngắn hạn, kiểu "mì ăn liền".

Điều này không chỉ làm giảm đi tính chiều sâu của các chương trình đào tạo mà còn dẫn đến hệ quả là nguồn nhân lực sau tốt nghiệp thiếu năng lực phát triển tư duy độc lập và sáng tạo.

Họ có thể dễ dàng tiếp cận ngay với các công việc mang tính kĩ thuật trước mắt, nhưng lại gặp khó khăn khi đối mặt với những thách thức mới, đòi hỏi sự đổi mới và khả năng tự học suốt đời.

Giá trị bền vững của các nguyên lí căn bản và công nghệ lõi

Nguyên lí căn bản là những quy luật, định lý, khái niệm cốt lõi của các ngành khoa học tự nhiên, xã hội và kỹ thuật. Đây là nền tảng giúp con người hiểu rõ bản chất của các hiện tượng và vấn đề trong cuộc sống.

Ví dụ, trong Vật lý, các định luật Newton là nguyên lí căn bản giải thích sự chuyển động của các vật thể. Trong Toán học, các khái niệm về tập hợp, hàm số hay xác suất là nền tảng để phát triển các lí thuyết phức tạp hơn.

 Ảnh minh họa: Đại học Quốc gia Hà Nội

Ảnh minh họa: Đại học Quốc gia Hà Nội

Công nghệ lõi là những công nghệ nền tảng, cốt lõi, tạo ra giá trị bền vững và khả năng cạnh tranh lâu dài cho các sản phẩm và hệ thống. Đây là cơ sở để phát triển các công nghệ ứng dụng khác.

Ví dụ, trong ngành Công nghệ thông tin, thuật toán mã hóa dữ liệu, trí tuệ nhân tạo hay hệ điều hành là những công nghệ lõi. Trong lĩnh vực sản xuất, công nghệ vật liệu mới như composite hay nano là nền tảng cho nhiều ứng dụng tiên tiến.

Nguyên lí căn bản và công nghệ lõi nếu chưa được chú trọng từ bản chất và giảng dạy một cách khô khan sẽ làm cho người học cảm thấy rất chán học. Nhưng ngược lại, chúng chính là những nền tảng vững chắc giúp con người hiểu sâu sắc về bản chất của các vấn đề khoa học và công nghệ. Do vậy thay vì bỏ đi hay phớt lờ giá trị thật sự thì quả là rất đáng lo ngại.

Nếu làm tốt thì nhờ đó mà các cử nhân khoa học được trang bị khả năng phân tích, tư duy phản biện và phát triển các giải pháp sáng tạo trong mọi lĩnh vực.

Công nghệ lõi là nền tảng để tạo ra các công nghệ ứng dụng tiên tiến, giúp doanh nghiệp và xã hội không chỉ bắt kịp mà còn dẫn dắt các xu hướng phát triển mới.

Khi sở hữu kiến thức vững chắc về công nghệ lõi, người học sẽ không chỉ biết sử dụng các công cụ sẵn có mà còn có khả năng cải tiến, phát minh những giải pháp hoàn toàn mới.

Để phát huy tối đa hiệu quả của nguyên lí căn bản và công nghệ lõi trong chương trình đào tạo, cần có sự kết nối chặt chẽ giữa các khối kiến thức nền tảng và các học phần ứng dụng.

Khi kiến thức lí thuyết được gắn kết với thực tiễn, sinh viên không chỉ hiểu sâu về bản chất các vấn đề mà còn biết cách vận dụng linh hoạt vào các bối cảnh khác nhau trong cuộc sống và công việc.

Định hướng ứng dụng không có nghĩa là giảm bớt giá trị của lí thuyết, mà là cầu nối giúp lí thuyết trở nên sống động và có ý nghĩa hơn.

Ví dụ, khi học về các định luật Vật lý, sinh viên có thể tham gia vào các dự án nghiên cứu ứng dụng thực tiễn như phát triển công nghệ năng lượng tái tạo hoặc thiết kế các hệ thống cơ khí thông minh.

Sự tích hợp này không chỉ giúp sinh viên hiểu rõ giá trị của kiến thức nền tảng mà còn trang bị cho họ tư duy sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề hiệu quả.

Sứ mệnh của các ngành đào tạo cử nhân khoa học

Trước những thách thức hiện nay, các ngành đào tạo cử nhân khoa học cần khẳng định lại sứ mệnh của mình: Đào tạo nguồn nhân lực không chỉ giỏi thực hành mà còn có nền tảng tri thức vững chắc để phát triển bền vững.

Điều này đòi hỏi các cơ sở giáo dục đại học phải cân bằng giữa yêu cầu của thị trường lao động và nhiệm vụ phát triển khoa học lâu dài.

Cần phải khẳng định rằng, việc trang bị kiến thức nền tảng về nguyên lí căn bản và công nghệ lõi không làm giảm khả năng thích ứng của sinh viên với thực tế công việc.

Ngược lại, đây chính là hành trang quý giá giúp họ tự tin đối mặt với mọi sự thay đổi của thế giới, có năng lực tự học, tự nghiên cứu và sáng tạo không ngừng.

Trong bối cảnh hiện nay, xã hội cũng cần có cái nhìn khách quan và toàn diện hơn về giá trị của nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về khoa học cơ bản.

Các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng hãy đồng hành cùng các cơ sở giáo dục đại học trong việc phát triển chương trình đào tạo, không chỉ dừng lại ở việc yêu cầu kĩ năng thực hành mà còn chú trọng đến năng lực tư duy, khả năng giải quyết vấn đề và sáng tạo của người học.

Đã đến lúc chúng ta cần tái định nghĩa lại "chất lượng nguồn nhân lực" không chỉ dựa vào khả năng làm việc ngay mà còn dựa vào tiềm năng phát triển lâu dài. Đầu tư cho giáo dục cơ bản, nguyên lí căn bản và công nghệ lõi chính là đầu tư cho tương lai bền vững của quốc gia.

Hướng Sáng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nguyen-li-can-ban-va-cong-nghe-loi-la-nen-tang-su-menh-cua-cac-nganh-khoa-hoc-post249041.gd
Zalo