Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương - Vị kỹ trị trầm lặng, tấm gương sáng vì dân, vì nước
Với tôi, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương không chỉ là một vị lãnh đạo cấp cao, mà còn là một người thầy lớn - người đã gieo vào tôi niềm tin rằng: trí tuệ, chân thành và trách nhiệm vẫn luôn là cốt lõi của sự lãnh đạo.

Chủ tịch nước Trần Đức Lương đón Tổng thống Pháp Jacques Chirac thăm chính thức Việt Nam và dự Hội nghị Thượng đỉnh Cộng đồng Pháp ngữ lần thứ 7 tại Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)
Là người từng công tác trong lĩnh vực nghiên cứu quản lý kinh tế và tại Văn phòng Chủ tịch nước, tôi có may mắn được tiếp xúc, phục vụ và làm việc cùng bác Trần Đức Lương ở nhiều cương vị khác nhau. Những trải nghiệm ấy để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc về một con người trầm lặng, giản dị mà kiên định, một nhà lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, trách nhiệm cao và hết lòng vì nước, vì dân.
Hay tin Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương từ trần, tôi lặng đi trước một mất mát quá lớn. Với tôi - và chắc hẳn với rất nhiều người từng gắn bó, làm việc, tiếp xúc trực tiếp, từng lắng nghe, từng được bác truyền cảm hứng bằng sự điềm đạm và trí tuệ, sự ra đi ấy là một nốt lặng buồn, chạm đến tận sâu tâm khảm.
Những năm tháng công tác tại cơ quan nghiên cứu khoa học về quản lý kinh tế và Văn phòng Chủ tịch nước, tôi rất may mắn được tiếp xúc gián tiếp hoặc trực tiếp phục vụ đồng chí Trần Đức Lương ở nhiều cương vị khác nhau: (Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó thủ tướng Chính phủ (1987 - 1997) và mười năm sau cùng 1997 - 2006 là Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đã in đậm trong tâm trí tôi những ấn tượng khó quên về tình cảm chân thành, về phong cách làm việc năng động, khoa học, cẩn trọng, tỷ mỉ và sâu sắc.
Trong ký ức tôi, hình ảnh Chủ tịch nước Trần Đức Lương luôn gắn liền với những buổi họp đầy tính chuyên môn, nơi bác bao giờ cũng là người đến sớm nhất, lặng lẽ ngồi nghe trọn vẹn từng ý kiến, từng băn khoăn của các đồng chí, đồng nghiệp. Trầm lặng, ít nói, nhưng bằng nụ cười hiền, mỗi lần bác cất lời là để lại dấu ấn sâu sắc bởi cách nói súc tích, đi thẳng vào vấn đề và đặc biệt là tinh thần cầu thị, lắng nghe, luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Các kết luận cuộc họp của bác thường ngắn gọn, xúc tích, dễ hiểu, nhưng mỗi lời phát biểu dường như đều được chắt lọc kỹ lưỡng, ngắn gọn mà sâu sắc, khiến người nghe phải suy ngẫm thật lâu. Trong ánh mắt khi ấy, tôi thấy rõ một nỗi niềm băn khoăn, trăn trở và tâm huyết của vị Chủ tịch nước đau đáu với sự cường thịnh của dân tộc, sự phát triển bền vững của đất nước.
Tôi may mắn từng được tham dự cuộc họp do bác chủ trì, và cho đến hôm nay, lời căn dặn của bác vẫn còn in đậm trong tâm trí nhớ: Mọi chính sách, mọi quyết sách lớn nhỏ đều phải xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, từ hơi thở của nhân dân, đặc biệt là những người dân còn lam lũ, vất vả nơi vùng sâu, vùng xa. Nếu không giải quyết được những điều thiết thực với họ, thì chính sách ấy, dù có hay đến đâu, cũng chưa thể gọi là thành công.
Với tôi, đó không chỉ là một lời nhắc nhở, mà là một triết lý hành động, là kim chỉ nam đầy nhân văn cho những ai còn đang mang trên vai trọng trách với dân, với nước.
Khi giữ trọng trách Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó thủ tướng Chính phủ (1987-1997), đồng chí Trần Đức Lương được Thủ tướng Chính phủ phân công phụ trách các ngành kinh tế kỹ thuật và cải tiến quản lý kinh tế, đồng chí đã phấn đấu bền bỉ, hoàn thành nhiệm vụ được Thủ tướng và Chính phủ giao phó. Đặc biệt, thực hiện đường lối đổi mới do Đại hội Đảng lần thứ VI đề ra, đồng chí đã dành nhiều thời gian công sức chỉ đạo các ngành, các cơ quan nghiên cứu đề ra các cơ chế chính sách nhằm từng bước xóa bỏ cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp, tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất và người lao động được quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh dần hướng tới môi trường kinh doanh bình đẳng trước pháp luật.
Các cơ chế, chính sách và luật pháp nổi bật đã trình Chính phủ, Quốc hội ban hành đó là: Quyết định số 217 - HĐBT lần đầu tiên thể chế hóa cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bằng kế hoạch hóa ba phần và trao quyền tự chủ cao hơn cho các xí nghiệp, cơ sở sản xuất và người lao động, với tinh thần đổi mới của Quyết định 217, Chính phủ hoàn thiện cơ chế mới thông qua các Nghị quyết 385-HĐBT và 388-HĐBT. Đồng thời, trong quá trình hoàn thiện các văn bản đó, bác Trần Đức Lương tiếp tục chỉ đạo sát sao các cơ quan nghiên cứu quản lý cùng các bộ, ngành nghiên cứu hình thành các dự án luật, trước hết là luật cho các tổ chức kinh tế thuộc các thành phần khác nhau tạo cơ sở cho việc hình thành luật chung cho tất cả các thành phần kinh tế sau này.
Thời điểm ấy, tôi may mắn được tham gia trong nhóm nghiên cứu các đề án chính sách do đồng chí Trần Đức Lương trực tiếp chỉ đạo. Khi ấy, tôi cũng như các anh em, cán bộ làm công tác nghiên cứu đều được căn dặn rằng: đây là việc làm khó khăn, mới mẻ, vì ta chưa có kinh nghiệm nên phải nghiên cứu sâu về tình hình cụ thể của đất nước đồng thời chọn lọc các kinh nghiệm của nước ngoài.
Tôi nhớ mãi cách bác đề xuất dùng khái niệm "doanh nghiệp" thay cho "xí nghiệp" để hướng tới sự nhất quán giữa các loại hình kinh tế. Cũng chính từ tư duy đó cùng với sự chỉ đạo sát sao của đồng chí sau mấy năm nghiên cứu cơ bản dự thảo luật đã được trình lên Quốc hội xem xét và thông qua là: Luật Doanh nghiệp tư nhân (1990), Luật Dầu khí (1993), Luật Đất đai (1993), Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (1995), Luật Doanh nghiệp nhà nước (1995) và Luật Hợp tác xã (1996); các Luật, Quyết định này đã góp phần hình thành, hoàn thiện từng bước môi trường pháp lý cho các tổ chức kinh tế khác nhau hoạt động trong nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Hai ngày qua, tôi đã lặng lẽ đọc từng bài viết, từng dòng tin trên báo chí và các kênh truyền thông trong nước lẫn quốc tế, như một cách để tưởng nhớ và hiểu sâu hơn về những gì bác Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước đã để lại cho dân, cho nước. Mỗi bài viết như một lát cắt, một mảnh ghép trong bức chân dung lớn về một nhà kỹ trị, một vị lãnh đạo đất nước tận tâm, trí tuệ, bản lĩnh và đầy trách nhiệm. Dấu ấn của nguyên Chủ tịch nước hiện diện rõ nét trên nhiều lĩnh vực, từ đối nội đến đối ngoại, từ những chính sách phát triển kinh tế đến các chủ trương lớn về chính trị, chính sách an sinh xã hội. Nhưng trên tất cả, điều đọng lại trong tôi không chỉ là những con số hay sự kiện, mà là tinh thần dấn thân vì dân, vì nước - lặng lẽ, bền bỉ, mà sâu sắc vô cùng.
Tôi nhớ lại lần mình được trực tiếp chứng kiến Chủ tịch nước Trần Đức Lương với vai trò là chủ nhà chuẩn bị Hội nghị Cấp cao Cộng đồng Pháp ngữ. Ngay sau khi nhậm chức (1997), đồng chí được phân công chuẩn bị nội dung và chủ trì Hội nghị quốc tế đầu tiên ở nước ta đó là Hội nghị Cấp cao lần thứ VII của Cộng đồng Pháp ngữ, thu hút 35 nguyên thủ quốc gia có sử dụng tiếng Pháp. Khi ấy, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã tự tay rà soát kịch bản đón tiếp từng nguyên thủ, từ câu chào đến vị trí đặt quốc kỳ.
Có thể nói, đây là thể nghiệm đầu tiên thành công đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ đổi mới. Thành công của Hội nghị là sự mở đường cho việc phát triển quan hệ ngày càng sâu rộng với các nước trên thế giới và nâng cao một bước vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời rút kinh nghiệm cho việc đăng cai tổ chức các hội nghị quốc tế sau này.
Thực tế đã cho thấy vào năm 2004, nước ta đã đăng cai và tổ chức rất thành công Hội nghị Cấp cao Á - Âu lần thứ 5 (ASEM-V) tại Hà Nội, đồng chí Trần Đức Lương được phân công chuẩn bị nội dung và chủ trì Hội nghị.
Là một thành viên trong Tiểu ban Chuẩn bị Hội nghị, tôi còn nhớ rõ từ đầu năm 2004, trước khi diễn ra Hội nghị, nhiều hãng thông tấn, báo chí phương Tây cố tình xoáy vào những mâu thuẫn trong quan điểm giữa hai lục địa Á - Âu, nhất là vấn đề kết nạp thành viên mới, trong đó có hay không việc kết nạp Myanmar vào ASEM, hay sự nghi ngờ việc Hội nghị có diễn ra ở Hà Nội hay không?
Việc làm này của các hãng thông tấn phương Tây không chỉ nhằm mục đích không muốn cho Hội nghị diễn ra, mà còn nhằm bóp méo hình ảnh của Việt Nam. Trước tình hình đó lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đã tiến hành nhiều cuộc tiếp xúc với lãnh đạo một số nước để trao đổi và mời tham dự Hội nghị.

Phiên khai mạc Hội nghị cấp cao Á - Âu lần thứ 5 (ASEM 5), ngày 8/10/2004 tại Hội trường Ba Đình (Hà Nội) với sự tham dự của 38 Trưởng đoàn các nước Á - Âu. Chủ tịch nước Trần Đức Lương đọc diễn văn khai mạc. (Ảnh: TTXVN)
Trong cuộc gặp gỡ, hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ tướng Anh Tony Blair - người được các hãng thông tấn phương Tây coi là có quan điểm khác biệt hoàn toàn với ASEAN về việc kết nạp thành viên mới, đặc biệt là Myanmar vào ASEM, nhưng qua hội đàm, Thủ tướng Anh đã bày tỏ quan điểm với đồng chí Trần Đức Lương rằng: “Dư luận vốn vẫn như vậy khi diễn ra các sự kiện chính trị lớn; rằng ông tin Hội nghị sẽ thành công” và nhất trí với đồng chí Trần Đức Lương rằng: không nên để vấn đề của một nước ảnh hưởng đến những mục tiêu tốt đẹp mà hai châu lục phải vươn tới.
Quá trình chuẩn bị Hội nghị, đồng chí Trần Đức Lương đã chỉ đạo sát sao từ nội dung Hội nghị đến cách thức tiếp đón khách sao cho thể hiện rõ lòng tôn trọng và hiếu khách của dân tộc ta, làm cho bạn thấy được một nước Việt Nam hòa bình, tươi đẹp đang vươn tới...
Cuối cùng, Hội nghị ASEM-V đã diễn ra tại Thủ đô Hà Nội ngày 8/10/2004 với kết quả rực rỡ như nhiều nguyên thủ các nước đánh giá. Thủ tướng Lý Hiển Long nói: “Điều kỳ diệu nhất của Hội nghị cấp cao này chính là việc cuối cùng nó đã diễn ra” và đã đạt được Tuyên bố Hà Nội về quan hệ đối tác kinh tế Á - Âu và tuyên bố về đối thoại giữa các nền văn minh; Tổng thống Pháp Jacques Chirac nói với đồng chí Trần Đức Lương “Người phương Đông có câu “Nhân vô thập toàn” với tôi, Hội nghị ASEM-V chỉ có một khuyết điểm duy nhất, đó là tôi phải chia tay quá sớm với Ngài và nhân dân Việt Nam vì kế hoạch thăm Trung Quốc”. Khi rời Việt Nam ông đã đặt tay lên ngực và nói với đồng chí Trần Đức Lương câu “tuyệt vời” rằng cũng như như Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ tổ chức tại Hà Nội mấy năm trước, Hội nghị cấp cao ASEM-V lần này đã thành công tới mức chưa từng có một Hội nghị ASEM nào tổ chức được như vậy.
Còn Chủ tịch Ủy ban châu Âu Romano Prodi thì cho rằng, ASEM V không chỉ là một Hội nghị lịch sử với việc kết nạp liền một lúc 13 thành viên mới, mà còn là Hội nghị đầu tiên đề cập nhiều vấn đề thiết thực, trong đó đáng kể nhất là cam kết hợp tác kinh tế, tất cả các trưởng đoàn cảm ơn về điều này. Tổng thống Hàn Quốc, lần đầu tiên đến Việt Nam thì liên tục tỏ sự ngưỡng mộ trước thái độ thân thiện và bầu không khí hòa bình của nhân dân và đất nước Việt Nam...
Thật vui mừng và tự hào về thành công của Hội nghị, qua những lời đánh giá chân thành, tốt đẹp của nguyên thủ các quốc gia tham dự Hội nghị đã thể hiện rõ vị thế của Việt Nam được nâng cao một bước trên trường quốc tế.
Tại Diễn đàn Hội nghị cấp cao thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (tháng 9/2000) bàn về chương trình thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, thay mặt Đảng, Nhà nước ta Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã đọc diễn văn ngay trong buổi sáng phiên khai mạc. Bài phát biểu đã đề cập thẳng những ưu tiên mà cộng đồng quốc tế và Liên hợp quốc cần giải quyết là vấn đề phát triển và xóa đói giảm nghèo, tăng cường củng cố hòa bình, ổn định, xây dựng các quan hệ quốc tế công bằng, văn minh, tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia và đưa ra sáng kiến lấy thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI là “Thập kỷ của những nỗ lực toàn cầu cao nhất nhằm xóa đói, giảm nghèo”, đề xuất được Liên hợp quốc đánh giá cao. Tổng thư ký Liên hợp quốc đánh giá Việt Nam là một trong những nước đề xuất chương trình thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.
Năm 2005, Đại hội đồng Liên hợp quốc đánh giá 5 năm thực hiện chương trình thiên niên kỷ đã chính thức đánh giá cao và tuyên dương thành tích xóa đói giảm nghèo của Việt Nam trong 5 năm đầu của thế kỷ XXI.
Trải qua từng sự kiện, từng cột mốc của đất nước, tôi luôn thấy một Chủ tịch nước Trần Đức Lương thầm lặng, nhưng kiên định, khiêm nhường mà quả cảm, một người lãnh đạo không thích đứng giữa đám đông, nhưng luôn đứng giữa những thời khắc quan trọng nhất.
Hôm nay, khi viết lại những dòng này, ký ức về nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương vẫn hiện lên rõ mồn một - từ ánh mắt, dáng đi, nụ cười hiền từ, cách bắt tay thật chặt và lời căn dặn nhẹ nhàng mà thấu đáo. Với tôi, bác Trần Đức Lương không chỉ là một vị lãnh đạo cấp cao, mà còn là một người thầy lớn - người đã gieo vào tôi niềm tin rằng: trí tuệ, chân thành và trách nhiệm vẫn luôn là cốt lõi của sự lãnh đạo.
Tấm lòng, trí tuệ và bản lĩnh của đồng chí sẽ mãi là ánh sáng dẫn đường cho các thế hệ mai sau.
PGS.TS Nguyễn Văn Bích từng đảm nhiệm chức vụ Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, đồng thời là Trợ lý Chủ tịch nước trong giai đoạn từ đầu những năm 2000 đến ít nhất là năm 2006. Trong vai trò này, ông đã tham gia tích cực vào công tác tham mưu, hỗ trợ Chủ tịch nước trong các hoạt động đối nội và đối ngoại. Cụ thể, vào ngày 14/7/2005, ông Nguyễn Văn Bích đã chủ trì buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố Luật Kiểm toán Nhà nước, thể hiện vai trò quan trọng trong việc truyền đạt và triển khai các chính sách pháp luật của Nhà nước.
Ngoài ra, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2006 của Văn phòng Chủ tịch nước, ông đã trình bày báo cáo tổng kết, được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đánh giá cao về những nỗ lực và kết quả đạt được trong công tác tham mưu, đóng góp vào hoạt động chỉ đạo và điều hành của Chủ tịch nước và Phó chủ tịch nước.
Với những đóng góp xuất sắc trong công tác, ông Nguyễn Văn Bích đã được trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì - một trong những phần thưởng cao quý của Nhà nước, ghi nhận sự cống hiến của ông trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.