Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương và dấu ấn với ngành điện Việt Nam
Trong suốt quãng đời hoạt động của mình, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã có nhiều đóng góp cho Đảng, đất nước và Nhân dân, trong đó có ngành điện Việt Nam.
Những dấu ấn khó phai trên các công trình trọng điểm
Khi nhắc đến nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, trong lòng những người làm trong ngành Công Thương, đặc biệt là ngành điện Việt Nam, luôn dâng trào những cảm xúc khó tả. Ông là người đã âm thầm đóng góp trí tuệ, tấm lòng và niềm tin mãnh liệt vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó có ngành điện Việt Nam.
Sinh ra tại Quảng Ngãi, miền đất nghèo khô cằn, khắc nghiệt, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương sớm mang trong mình tinh thần kiên cường, cần cù của người con miền Trung. Tốt nghiệp Đại học Mỏ - Địa chất, ông chọn gắn bó với ngành công nghiệp, địa chất. Một ngành đầy khó khăn nhưng mang ý nghĩa chiến lược với sự phát triển của quốc gia trong bất cứ thời kỳ nào.
Trong những năm tháng làm việc tại ngành địa chất, ông không chỉ là nhà kỹ thuật giỏi mà còn là nhà quản lý với tầm nhìn chiến lược. Ông cũng là kiến trúc sư giúp hoạch định các vùng khai thác năng lượng, đặc biệt là cho ngành thủy điện trong giai đoạn đầy khó khăn của đất nước.
Theo Anh hùng Lao động (AHLĐ), TS. Thái Phụng Nê - nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng, nguyên Phó Thủ tướng, Chủ tịch nước Trần Đức Lương là một người cần mẫn, sâu sát, gắn bó và có nhiều công lao đối với ngành điện Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực thủy điện.
Trở lại thập kỷ 80, những người trong ngành điện luôn nhớ đến những lần nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương lặn lội đến công trình thủy điện Hòa Bình, một trong những dự án trọng điểm quốc gia sau thời kỳ đất nước được thống nhất. Với vai trò là Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất (sau là Tổng cục Mỏ - Địa chất) và con mắt nhà nghề, ông đã đưa ra những ý kiến chỉ đạo, góp ý mang tính quyết định, góp phần thành công của công trình. Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã từng khẳng định, nguồn điện là huyết mạch phát triển, tương lai công nghiệp hóa đất nước trông cậy vào nó.

Phó Thủ tướng Trần Đức Lương (hàng đầu, thứ hai từ trái sang) cắt băng khởi động tổ máy số 8 Thủy điện Hòa Bình (năm 1994). Nguồn: Sách Hòa Bình – Ánh điện không bao giờ tắt
Không chỉ ở thủy điện Hòa Bình, sau này, khi giữ cương vị Chủ tịch nước (1997 - 2006), ông tiếp tục thể hiện sự quan tâm sâu sắc tới việc phát triển thủy điện từ lớn đến nhỏ. Trong đó có công trình thủy điện Sơn La, nhà máy lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á thời điểm đó.
Trong chuyến công tác tới Sơn La năm 2005, ông đã phát biểu: “Trong công nghiệp, phát huy thế mạnh tài nguyên về thủy điện và vật liệu xây dựng, Sơn La nên tận dụng thời cơ, khuyến khích phát triển thủy điện nhỏ và vừa, đồng thời phát triển công nghiệp phục vụ cho xây dựng, qua đó sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư và tạo bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh”. Ông cũng trực tiếp thăm hỏi các hộ dân tái định cư, lắng nghe nỗi lo và chia sẻ với người dân bị ảnh hưởng và truyền cho họ niềm tin về ánh sáng điện sẽ mang lại cuộc sống mới, tốt đẹp hơn.
Trong quá trình công tác, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương cũng đã tới thăm công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Ialy vào ngày 12/9/1999. Tới năm 2002, khi trở lại thăm cán bộ công nhân viên (CBCNV) nhà máy này, Chủ tịch nước đã khẳng định: “Thủy điện Ialy mãi mãi là biểu trưng cho bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà”.

Dòng lưu bút của Chủ tịch nước Trần Đức Lương
Trong dòng lưu bút, Chủ tịch nước Trần Đức Lương chúc tập thể cán bộ, công nhân viên nhà máy phát huy truyền thống tốt đẹp, xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Những lời chúc, kỳ vọng đó đã thể hiện tình cảm sâu sắc, đồng thời, tạo sự khích lệ, là nguồn động viên lớn cho cán bộ, công nhân viên Thủy điện Ialy nói riêng, CBCNV ngành điện lực Việt Nam nói chung trên hành trình đảm bảo “điện đi trước một bước” trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Và những đóng góp cho ngành điện Việt Nam
Theo anh hùng Thái Phụng Nê, bên cạnh sự quan tâm về thủy điện, trong giai đoạn 1992 - 1994, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương khi đó là Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách công nghiệp đã đưa ra quyết định triển khai tổ chức sản xuất trong nước cột góc. Cột chịu lực vốn có thiết kế phức tạp, đồng chí yêu cầu phải đem ra thử tải thực tế, đánh giá biến dạng... Khi đạt yêu cầu kỹ thuật, mới được phép triển khai đại trà. Chính cách chỉ đạo vừa thực tế, vừa tỉ mỉ ấy đã giúp các nhà thầu, đơn vị kỹ thuật từng bước làm chủ công nghệ, nâng cao nội lực của ngành điện Việt Nam trong việc thi công các công trình lớn.
Không chỉ trong thi công, ở khâu đấu thầu mua sắm thiết bị cho dự án đường dây 500kV mạch 1 - là đấu thầu quốc tế, khi đó Phó Thủ tướng Trần Đức Lương còn yêu cầu các đơn vị tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch. Những kết quả đấu thầu lớn đều được ông trực tiếp xem xét, cho ý kiến phê duyệt, đảm bảo chọn được nhà thầu uy tín, chất lượng, tối ưu chi phí đầu tư.
Với công trình đường dây 500kV mạch 2, triển khai trong giai đoạn ông Trần Đức Lương giữ cương vị Chủ tịch nước, ông vẫn dành thời gian nghe chủ đầu tư công trình và các đơn vị thi công báo cáo về quá trình thi công. Điều đó là minh chứng cho sự quan tâm bền bỉ và gắn bó dài lâu của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương với ngành điện lực Việt Nam – một lĩnh vực luôn được xác định là “đi trước một bước” trong phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Trần Đức Lương (hàng đầu, thứ 3 từ phải sang) và đoàn công tác đến dự lễ khởi công đường dây 500kV mạch 1, kiểm tra công tác xây dựng vị trí cột đầu tiên của đường dây 500kV mạch 1 (năm 1992). Nguồn ảnh: CSDL EVN
Trong suốt thời kỳ đảm nhận vai trò Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực công nghiệp, năng lượng và sau này là Chủ tịch nước, ông Trần Đức Lương đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc, đặc biệt trong công tác chỉ đạo chiến lược và triển khai thực tế các dự án điện lớn, từ quy hoạch dài hạn cho đến tổ chức thi công cụ thể. Cùng với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương chính là người góp phần để tạo nền móng vững chắc cho một ngành điện có quy hoạch tổng thể, có tầm nhìn dài hạn, bài bản và khoa học.
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương cũng là một trong những lãnh đạo trực tiếp tham gia chỉ đạo xây dựng và phê duyệt các quy hoạch điện quốc gia giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới, bao gồm Quy hoạch Điện IV, V, VI. Đây là những quy hoạch có tính chất định hình lâu dài cho hệ thống điện Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu tăng trưởng năng lượng bùng nổ, công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước bước vào giai đoạn tăng tốc. Những quy hoạch này đã tạo nền tảng cho việc phát triển đồng bộ các nguồn điện và lưới điện truyền tải trên cả nước.
Hay trong chương trình điện khí hóa nông thôn, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã cùng các lãnh đạo khác đặt nền móng cho chương trình điện khí hóa nông thôn, góp phần đưa tỷ lệ hộ dân có điện từ 14% năm 1991 lên gần 90% vào năm 2005. Đây là con số ấn tượng, mang ý nghĩa lịch sử, giúp nâng cao chất lượng sống, mở ra cơ hội phát triển cho hàng triệu hộ dân vùng sâu, vùng xa.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phó Thủ tướng Trần Đức Lương, Bộ trưởng Thái Phụng Nê tham dự Lễ khởi công công trình thủy điện Ialy năm 1993. (Ảnh: EVN)
Có thể khẳng định, trong suốt quãng đời cống hiến cho cách mạng, cho đất nước, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương luôn giữ cho mình tác phong giản dị, gần gũi, điềm đạm và khiêm nhường nhưng không hề thiếu sự quyết đoán. Điều đó đã được minh chứng bằng sự tín nhiệm cao trong bộ máy lãnh đạo, được cán bộ cấp dưới kính trọng và nhân dân tin yêu.
Giờ đây, ánh sách điện đã phủ kín các vùng miền đất nước, góp phần quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cao hơn cả là niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào đất nước. Có được thành quả ấy, không thể không nhắc đến nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương với khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh.
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã từ trần hồi 22 giờ 51 phút ngày 20/5/2025, tại nhà riêng, hưởng thọ 88 tuổi. Sự ra đi của ông là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta nhưng tấm gương đạo đức, trí tuệ và tâm huyết của ông sẽ luôn sống mãi trong tâm khảm mỗi cán bộ, đảng viên và đồng bào.
Lễ tang ông được tổ chức theo nghi thức Lễ Quốc tang trong hai ngày 24 và 25 tháng 5 năm 2025. Trong thời gian này, các cơ quan, công sở, nơi công cộng treo cờ rủ, không tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí.