Nguyễn Bổng và tập tản văn 'Thảo thơm quê nhà'
Cơm rảm, canh cải nấu cá rô, nem tung, canh khoai, nộm hoa chuối, cháo su hào, canh dưa nấu cá trê, canh bầu nấu tôm... Những món ăn giản dị, dân dã tạo nên những “bữa tiệc” đơn sơ mà đậm đà, thấm đậm vị quê, tình quê, hồn quê. Tất cả được khắc họa trong tập tản văn “Thảo thơm quê nhà” của nhà văn Nguyễn Bổng.
Tác giả Nguyễn Bổng, tên thật là Nguyễn Văn Bổng, sinh năm 1952, ở xã Hải Tây (Hải Hậu). Sinh ra, lớn lên từ vùng quê lam lũ nghèo khó, như bao thanh niên thời ấy, ông sống chan hòa, ngụp lặn giữa thế giới mát lành của làng quê. Trong từng nhịp đập của trái tim, từng hơi thở của mình, ông thâu góp được cái khí trời của đồng đất quê thanh bình. Những điều nhỏ bé, giản dị đã nuôi dưỡng tâm hồn ông, khơi gợi niềm yêu thích văn chương ngay từ nhỏ. Nguyễn Bổng chia sẻ, do nhà nghèo nên ông không có điều kiện học hành đầy đủ. Nhưng ông luôn tranh thủ mọi lúc mọi nơi để học văn. Tháng 6/1968, ông viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Gần 10 năm chiến đấu ở các chiến trường, tham gia các chiến dịch lớn từ Chiến dịch Mậu Thân (1968), Chiến dịch Nguyễn Huệ (1972), Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975), ông đã chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh, nhiều đồng đội hy sinh, nhiều đồng đội mang trong mình nhiều vết thương. Cũng tại các chiến trường, ông gặp đồng đội là những bậc đàn anh đã từng theo học các trường đại học, cao đẳng, họ luôn mang theo sách bên mình. Tranh thủ những lúc nghỉ ngơi, ông thường mượn sách của họ đọc. Những trang sách đọc vội ở chiến trường đã giúp ông tích lũy kiến thức, vốn từ ngữ, cách hành văn. Ông còn tham gia nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ và làm báo chiến trường.
Rời quân ngũ, từ năm 1976, ông trải qua nhiều vị trí công tác tại địa phương. Được sự tin tưởng của Đảng bộ, nhân dân xã Hải Tây, năm 1985, ông được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã. Đau đáu với miền quê đói nghèo, gần 30 năm là Bí thư Đảng ủy xã, ông đã đưa Hải Tây từ một vùng quê nghèo khó trở thành một trong những điểm sáng của huyện Hải Hậu trong phát triển kinh tế, đời sống người dân có nhiều thay đổi. Công tác bận rộn nhưng ông vẫn dành thời gian viết bài cho các báo, tạp chí Trung ương và địa phương như: Báo Nam Định, Báo Nam Hà, Báo Phụ nữ Việt Nam, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, Báo Tiền phong, Tạp chí Văn nghệ quân đội, Văn nghệ Công an... Khi còn đang công tác, có điều kiện đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, có nhiều chất liệu cho sáng tác nên ông viết rất khỏe.
Là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh (bộ môn Văn xuôi), từ năm 2000, đến nay ông đã từng xuất bản 2 tập thơ, 2 tập truyện ngắn và một tập tản văn. Tập tản văn “Thảo thơm quê nhà” được xuất bản năm 2021 (NXB Hội Nhà văn), gồm 49 bài viết được chọn ra từ hơn 100 tác phẩm ông viết trong hơn 30 năm, đã được đăng tải trên các báo từ Trung ương đến địa phương. Các bài viết đã đem lại cho tác giả trên 10 giải thưởng văn học nghệ thuật các cấp.
Trong tản văn “Thảo thơm quê nhà”, Nguyễn Bổng đưa người đọc sống lại những cảm giác, những tình cảm ấm áp qua những hương vị quê nhà, qua những món ăn đồng nội đặc trưng, riêng có: cơm rảm, vối quê, canh cải cá rô, nem tung, mắm tôm, gỏi quê, lẩu cá khoai, canh dưa, bánh đúc... Với ông, muốn viết thì phải đi, phải gặp, phải trò chuyện với nhân vật thì mới có một tác phẩm chân thật, sâu sắc. Vì vậy, viết về chủ đề gì, ông cũng say sưa, đi đến tận cùng ngõ ngách, xới xáo, liên tưởng. Chảy trong mỗi câu văn của Nguyễn Bổng là phong cảnh làng quê, tạo vật với một đời sống ẩm thực, cách chế biến món ăn, cách thưởng thức độc đáo, tinh tế đến tận cùng của sự chi chút nâng niu, ấp iu trân quý. Viết về ẩm thực, ông viết về những món ăn dân dã quê mình với những suy nghĩ sâu sắc và trải nghiệm. Nhắc về món cá mè nướng, ông nhớ lại: “Khi gió may rải đồng, nắng ong ong khô khốc, sương muối buốt lưng, cỏ gà lụi tận cuộng, ruộng nẻ toác đút lọt bàn chân... Người làng tôi rủ nhau đi tát rẽ ao để có thực phẩm ăn Tết... Chỉ khi nào nghe tiếng bát gầu vơi nước khua lộc cộc đều đều thì biết đã cạn nước ao và cuộc vây bắt cá sắp bắt đầu. Trong mâm cỗ cúng, mừng tân gia hay cơm cúng trưa ba mươi Tết xưa, đĩa cá mè úp vung, nướng trấu điền dã thường góp mặt”. Hay khi “còn nhỏ, anh em tôi thường rơi vào cảnh con mèo đeo con chuột ra vật vạ lê la đầu ngõ ngóng mẹ về chợ để được chia quà. Có lẽ làm gì, ở đâu, bao lâu thì tấm bánh đúc đón tay của mẹ vẫn làm chúng tôi nhớ dai dẳng nhất. Nó ngon bởi khi đói đã đành, mà nó còn ngon bởi làm từ ngọc thực có thể thay cơm, ngon ngay ở cách chia từ bàn tay mẹ...” (bánh đúc). Những dòng văn của tác giả như tiếng nói của chính những nhân vật, vì bản thân tác giả đã sống cùng, đồng hành, trực tiếp chế biến và thưởng thức. Viết về cơm rảm, thứ cơm được tạo bởi những hạt thóc rơi rụng gom nhặt trong bùn đất đồng quê, tác giả kể lại: “Từ nhỏ, tôi được bà cầm tay chỉ bảo cho cách móc nắm đất dẻo chấm tẩm những hạt thóc rụng rơi lẫn vào cỏ. Phải dùng mười ngón tay rẽ ngôi từng lớp cỏ như người ta chãi tóc tìm chấy để chấm nắm đất dẻo vào những hạt thóc lộ ra, hút cả những hạt thóc giắt vào những vết thương nứt nẻ của đất... Tối đến, bên cầu ao, dưới ánh đèn chai mờ đục, mẹ ngồi cặm cụi bửa từng nắm đất, bóp tơi bời những vất vả, những gom nhặt trong ngày...”. Cái nghèo, cái đói như một phần tất yếu của cuộc sống trước đây nên bát cháo, củ chóc luộc ăn với cọng cải già muối chua, tấm bánh đúc... cũng ngon, đã đưa gia đình ông và những người xung quanh vượt qua những năm tháng vất vả, bữa đói bữa no: “Chẳng có loại cơm nào ngon bằng cơm rảm quê tôi. Ngon theo đúng nghĩa đen đã đành, còn ngon bởi cái tình người, hương đất, hồn quê, thời gian và cả bão giông, mưa nắng, mồ hôi... chiu chắt nhập hồn, nhập thần thái vào nhau mới nên”.
Bên cạnh những trang văn nhớ lại những món ăn dân dã, ông cũng có những trang văn độc đáo về đồng đất quê ông, nơi có những đặc sản đã thành thương hiệu cả nước như: Gạo Tám xoan, rượu Xương Điền, bánh nhãn, bánh chưng bà Thìn, cá nướng úp trấu... Nhiều người đã viết về những món ăn này, Nguyễn Bổng cũng viết về đặc sản quê mình nhưng không đơn thuần chỉ ra mùi vị ngon thơm, ngọt ngào đọng lại trong cảm giác của người thưởng thức mà ông mô tả lại những “một nắng hai sương” chăm cây lúa tám, thấp thỏm chọn thời điểm gieo mạ cấy trồng, đếm từng ngày từ khi lúa trỗ, rồi thấy bát cơm gạo tám xoan ngon hơn, thơm hơn. Hay nhắc về miếng bánh chưng bà Thìn, tác giả nhớ lại: “Tò mò và hiếu động, mấy đứa bạn chăn trâu rủ nhau chân đất đầu trần, cuốc bộ gần mười cây số chung tiền mua một cái bánh chưng của bà chia nhau ăn nếm cho biết mùi. Ngon ơi là ngon... Có đêm mơ được ăn bánh chưng bà Thìn đến căng bụng, lồi rốn, vỗ binh binh”. Nhắc về đặc sản bánh nhãn, tác giả tự hào “Bánh ngự trên mâm cúng lễ hội, bánh theo ba lô anh bộ đội ra tận vùng đảo xa, lên biên giới và khắp các miền Tổ quốc. Nhiều con, em Hải Hậu học tập, công tác ở nước ngoài đã mang theo bánh nhãn làm quà vượt qua vạn dặm coi đó là biểu tượng cội nguồn, gốc rễ của bản sắc văn hóa dân tộc Việt mà tự hào cùng bạn bè gần xa”. Trên tất cả, ta sẽ trân trọng sự linh thiêng của đất trời trong từng sản vật.
Sau những hương vị ẩm thực phong phú độc đáo của quê nhà, tác giả đưa người đọc trở về, chìm vào không gian bình yên, thanh lắng của làng quê. Nơi ấy, có những “chiều vơi, cổng làng, khói bếp, tiếng gọi con cuốc cuốc, sông quê, câu ca cổ, cối giã gạo ơi, vừng muối, dong riềng, cau Hải Đường, cất tép đồng, đụng lợn ăn Tết...”. Nơi đó còn có tình cảm gia đình, anh em, làng xóm. Dù đói nghèo nhưng chân chất, mộc mạc, đậm đà nghĩa tình. Đọc “Viết trước ngày giỗ bố” ta thấy rưng rưng, xúc động trước tình cha con. “Trời rét căm căm, giữa đồng hun hút gió, bố xoay lưng che cho con và nhỏn nhẻn nhặt hết những nhát dong để ăn, dành phần cơm cho con. Con nhìn bố không nỡ ăn, bố nhường con và bảo: con đang sức ăn, sức lớn cần ăn nhiều hơn, để có sức cắt cỏ, chăn trâu giúp bố. Để con ăn ngon hơn, bố run run nhón vài nhón cơm ăn lấy lệ, hình như đuôi mắt bố ngân ngấn, chắc bố thương con vì chả mấy khi được bữa cơm no không hấp khoai, hấp chóc”. Người cha nhỏ bé, lam lũ, vất vả nhưng thương con vô bờ, khát khao cháy bỏng mong con khôn lớn, trưởng thành, hết lòng phụng sự Tổ quốc. Và có lẽ những điều tốt đẹp đó của người cha đã rót đủ đầy vào Nguyễn Bổng để thôi thúc ông cầm bút viết sâu sắc, thấm đẫm đến vậy.
Ông còn viết về những con người mà ông từng gặp gỡ, tiếp xúc, gắn bó. Đó là đạo diễn điện ảnh - Nghệ sĩ Nhân dân Trần Văn Thủy, người đạo diễn tài ba đã làm ra những tác phẩm điện ảnh gây tiếng vang không chỉ trong nước mà còn vang xa trên thế giới. Đó là những người ông đã gặp một thời chiến đấu ở chiến trường miền Nam, chiến trường Lào, Cam-pu-chia. Những con người ở vùng miền ấy được tái hiện lên lung linh, trang trọng với niềm yêu thương.
Đọc tản văn “Thảo thơm quê nhà”, ông Nguyễn Văn Nhượng, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh khẳng định: “Những trang văn anh viết, thoát ra từ những chắt chiu gập ghềnh muôn nẻo của cuộc đời chân mộc, thảo thơm, có nước mắt mồ hôi, có tảo tần lam lũ, có mặn mòi nồng thắm, có suy tư chiêm nghiệm sâu sắc, thấm thía... Chỉ có thể định tính mà không thể định lượng. Với sự từng trải rất sâu, rất rộng mà không phải tác giả nào cũng may mắn có được, văn anh kết tinh từ chính những trải nghiệm nổi chìm gian nan của cuộc đời, từ chính những quan sát tinh tế chắt lọc trong hương đất tình người, trong ký ức vừa đẹp đẽ tươi ròng nhựa sống, vừa tràn trề ẩn ức nhân sinh”. Còn nhà giáo Mai Tiến Nghị, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam lại cảm nhận được sự tinh tế của tác giả trong cách nhìn sự vật. “Sự tinh tế của anh đủ chiều kích âm dương ngũ hành trong thanh, sắc, mùi, vị và liên kết các yếu tố ấy... Sự tinh tế đến mức ấy để khẳng định cái tình của tác giả với mỗi thân phận con người. Chỉ người trong cuộc mới thấy và cảm nhận được tinh tế như vậy... Anh cởi lòng cởi dạ mà viết, mộc mạc chân tình thể hiện, để cái dân dã làm đẹp cái cao sang, cái cao sang tôn vinh cho cái tầm thường dân dã... Với tôi, ấm lòng khi đọc “Thảo thơm quê nhà”.