Nguy cơ xói mòn niềm tin sau đợt sa thải hàng loạt nhân viên công nghệ
Các đợt sa thải hàng loạt trong ngành công nghệ làm xói mòn niềm tin của người lao động bởi không ai biết số phận mình sẽ ra sao…
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_3_51463758/b0b477de4790aecef781.jpg)
Trong nhiều thập kỷ qua, người phụ nữ tên Daelynn Moyer luôn dễ dàng có những lời mời làm việc trong ngành công nghệ, từng bước thăng tiến từ kỹ thuật viên bảo trì máy tính lên vị trí quản lý, dẫn dắt các nhóm kỹ sư phát triển phần mềm. Dù không có bằng đại học, bà vẫn tự tin rằng công việc trong ngành công nghệ sẽ đảm bảo sự ổn định cho mình cho đến khi nghỉ hưu.
Thế nhưng giờ đây, khi ở tuổi 55, Moyer không còn chắc chắn về tương lai của mình trong lĩnh vực này nữa. Kể từ khi bị Indeed sa thải vào năm ngoái, bà đã nộp đơn vào hơn 140 công ty nhưng không nhận được lời mời làm việc nào.
Bà đang cân nhắc bán ngôi nhà gần Portland, Oregon – một tiểu bang của Mỹ - để mua đất canh tác vì lo ngại rằng công việc mới nếu có cũng sẽ không đủ để trả tiền thế chấp, tác giả Naomi Nix viết trên từ The Washington Post.
"Đó có thể là một cuộc sống giản dị, nhưng ít ra, tôi sẽ cảm thấy có ý nghĩa", bà Moyer nói. "Tôi sẽ không còn cảm giác mình chỉ là một món hàng đã hết giá trị".
Suốt nhiều năm, những người như Moyer đã đổ xô về các công ty công nghệ tại Thung lũng Silicon, bị thu hút bởi mức lương hậu hĩnh, phúc lợi hấp dẫn và cơ hội giải quyết những vấn đề thú vị trong các dự án tiên phong. Các công ty không ngần ngại cung cấp đủ loại đãi ngộ, từ bữa ăn miễn phí, dịch vụ giặt ủi đến các chương trình chăm sóc sức khỏe chuyên biệt.
Sự phát triển dường như không thể cản phá của những nền tảng khổng lồ như Meta, Google và Amazon khiến nhiều người tin rằng ngành công nghệ miễn nhiễm với những đợt cắt giảm nhân sự theo chu kỳ như các ngành khác.
Thế nhưng, sau khi sa thải hàng trăm nghìn lao động trong hai năm 2022 và 2023, ngành công nghệ đã chuyển sang cắt giảm thường xuyên hơn. Mới đây, Meta đã tiếp tục cho khoảng 5% trong tổng số hơn 74.000 nhân viên nghỉ việc, với lý do hiệu suất kém.
Nhiều nhân viên bị mất việc tại Meta đã lên mạng xã hội để tìm kiếm cơ hội việc làm. Một số người ngạc nhiên khi bị sa thải dù đạt đánh giá cao trong các kỳ đánh giá hiệu suất, trong khi những người khác nhận được thông báo ngay cả khi đang nghỉ thai sản.
Trong một nhóm Facebook riêng dành cho cựu nhân viên Meta, những người từng làm việc tại đây đã chào đón những đồng nghiệp mới bị sa thải, theo các tin nhắn mà The Washington Post tiếp cận được.
Một quản lý sản phẩm bị sa thải giấu tên cho biết trong đợt đánh giá giữa năm, anh vẫn được nhận xét là "đạt hoặc vượt kỳ vọng". "Tôi không hề nhận được bất kỳ dấu hiệu nào rằng mình đang làm việc kém hiệu quả hay có nguy cơ bị đưa vào danh sách cần cải thiện hiệu suất", người này nói.
Trong cuộc họp nội bộ cuối tháng trước, CEO Meta Mark Zuckerberg đã giữ vững lập trường về các đợt sa thải, cho rằng thay đổi này sẽ giúp công ty có đội ngũ nhân sự tốt hơn. "Tôi nghĩ điều này khiến công ty trở nên tốt hơn. Tôi không cảm thấy phải xin lỗi vì điều đó", Zuckerberg nói trong đoạn ghi âm cuộc họp mà The Washington Post thu thập được. "Tôi tin rằng hầu hết mọi người ở đây đều muốn làm việc với những đồng nghiệp phù hợp hơn".
Sự thay đổi này cũng có thể là điềm báo cho những gì sắp xảy ra với chính phủ Mỹ, khi Elon Musk – người từng mạnh tay cắt giảm nhân sự tại X (trước đây là Twitter) vào năm 2022 – đang tìm cách áp dụng chiến lược cắt giảm chi phí tương tự để cải tổ khu vực công.
NIỀM TIN LUNG LAY
Tại Thung lũng Silicon, nhiều nhân viên cho rằng các đợt sa thải đã làm xói mòn niềm tin giữa họ và ban lãnh đạo công ty. Một số bắt đầu cân nhắc lại mức độ cống hiến cho công việc, số khác tìm cách học thêm kỹ năng mới – như trí tuệ nhân tạo – để duy trì sức cạnh tranh trên thị trường lao động khắc nghiệt. Nhiều người cũng quan tâm hơn đến tình hình tài chính của công ty trước khi quyết định nhận lời mời làm việc.
"Chúng ta đang chứng kiến sự xói mòn trong sự ổn định việc làm và niềm tin, đặc biệt là với những công ty lớn vừa thông báo sa thải hàng loạt trong khi lợi nhuận và giá cổ phiếu vẫn tăng", Patrick McAdams, CEO công ty tuyển dụng công nghệ Andiamo, nhận xét.
Từ tháng 1 năm ngoái, hàng chục nghìn việc làm trong các ngành văn phòng, bao gồm công nghệ, đã bị cắt giảm. Dữ liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố cho thấy các lĩnh vực dịch vụ kinh doanh chuyên nghiệp và thông tin – trong đó có công nghệ – đã mất khoảng 9.000 việc làm trong tháng 1, do lãi suất cao tiếp tục khiến các công ty thận trọng hơn trong tuyển dụng.
Trong những tháng gần đây, nhiều tập đoàn lớn như Meta, Workday và Amazon đã thông báo kế hoạch cắt giảm nhân sự. Tháng 11 năm ngoái, Google cũng sa thải khoảng hàng tá nhân viên trong nhóm xử lý các yêu cầu pháp lý liên quan đến dữ liệu người dùng. Trước đó, vào tháng 6, công ty này đã cắt giảm khoảng 10 nhân viên thuộc bộ phận xử lý yêu cầu từ chính phủ về dữ liệu cá nhân của người dùng Google. Về đợt sa thải nhóm pháp lý, phát ngôn viên của Google từng cho biết công ty đã thực hiện những thay đổi để tăng hiệu quả làm việc và cũng có bổ sung thêm một số vị trí mới.
Dù sa thải hàng loạt chưa phổ biến trong ngành công nghệ, nghiên cứu cho thấy quyết định cắt giảm nhân sự lặp đi lặp lại có thể để lại những hậu quả tâm lý và tài chính lâu dài cho cả người lao động và doanh nghiệp. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, sa thải làm suy giảm niềm tin của nhân viên, dẫn đến sự gắn kết thấp hơn, tỷ lệ nhân viên tự nguyện nghỉ việc cao hơn và ít đổi mới sáng tạo hơn.
"Khi bạn khiến mọi người cảm thấy họ không còn an toàn nữa, rất khó để họ dám thử nghiệm những ý tưởng mới hoặc thuyết phục người khác chấp nhận quan điểm của mình", Sandra Sucher, giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard, nhận xét.
Sự bất ổn này là điều mới mẻ với nhiều người trong ngành công nghệ. Jean, một nhân viên vừa trúng tuyển vào một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới, đáng lẽ ra phải vui mừng, nhưng lại cảm thấy lo lắng. Sau hai lần bị sa thải chỉ trong vòng chưa đầy một năm, cô không chắc công việc mới sẽ kéo dài được bao lâu.
"Tôi chỉ nghĩ rằng liệu mình có thực sự thuộc về đây không? Nếu lại bị sa thải thì sao?'" cô băn khoăn. "Tôi không thực sự vui vẻ, vì tôi không biết liệu mình có giữ được công việc này hay không”.
Cô vẫn tiếp tục mở rộng mạng lưới quan hệ trong ngành để chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất.
Sean Johnson, một kỹ sư có 15 năm kinh nghiệm, nhận thấy các công ty công nghệ đang đưa ra nhiều đánh giá tiêu cực hơn và siết chặt chính sách làm việc từ xa – điều mà anh cho là cách gián tiếp để sa thải nhân viên.
"Tôi vẫn tin tưởng vào ngành công nghệ", anh nói. "Nhưng nếu phải nghỉ việc trong một khoảng thời gian dài, tôi sẽ học lại về AI và machine learning, vì đó là những lĩnh vực đang thu hút rất nhiều chú ý".
Với Eliot Lee, một quản lý dự án tại Utah, sau nhiều lần mất việc, anh đã thay đổi cách tìm việc, đọc kỹ đánh giá của nhân viên cũ và xem xét tình hình tài chính của công ty trước khi nộp đơn.
"Tôi không còn tin tưởng vào các nhà tuyển dụng nữa", Lee nói. "Trước đây, tôi từng nghĩ công ty là gia đình, là ngôi nhà nghề nghiệp của mình. Giờ thì không”.