Nguy cơ từ những chai rượu không rõ nguồn gốc
Các hoạt động gặp gỡ, liên hoan là một thông lệ được tổ chức ở mọi nơi mỗi dịp chia tay năm cũ, chào đón năm mới. Đó cũng là thời điểm nhu cầu sử dụng các loại đồ uống có cồn tăng vọt song đồng thời cũng tiềm ẩn nguy cơ về ngộ độc do rượu kém chất lượng, không bảo đảm an toàn hoặc không rõ nguồn gốc.
Hôm 19/12, sau buổi liên hoan của một tổ chức tại quận Long Biên đã có 20 người phải nhập viện do có biểu hiện ngộ độc và sau đó có 2 người đã tử vong. Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, kết quả xét nghiệm mẫu máu các bệnh nhân cho thấy có acetonitrile và cyanid, hàm lượng methanol thấp hoặc âm tính. Kết hợp với triệu chứng, các bác sĩ nhận định các bệnh nhân bị ngộ độc acetonitrile. Cùng với đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cũng đã tiến hành xét nghiệm các mẫu thực phẩm và đồ uống được sử dụng thì đã xác định số rượu trắng nhóm thực khách mang tới bữa tiệc (20 lít) có nồng độ methanol vượt quá giới hạn cho phép và phát hiện chất acetonitrile. Hiện còn một số bệnh nhân vẫn đang phải điều trị tích cực.
Trong một vụ việc khác xảy ra mới đây, một nhóm thực khách 6 người tập trung ăn uống tại một quán ăn ở thành phố Vũng Tàu. Sau bữa ăn có 4 người phải nhập viện vì có biểu hiện nghi ngộ độc rượu. Sau khi tiến hành các xét nghiệm, Viện Y tế công cộng TPHCM cho biết, trong huyết thanh và huyết tương của cả 4 nạn nhân đều có hàm lượng methanol vượt quá ngưỡng cho phép. Kết quả điều tran xác định các nạn nhân mua rượu không rõ nguồn gốc tại một cửa hàng tạp hóa.
Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều ví dụ về những vụ ngộ độc do sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, để lại những hậu quả hết sức đau lòng, cũng như gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe và an toàn xã hội. Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các vụ ngộ độc rượu là hàm lượng methanol vượt quá ngưỡng cho phép. Các trường hợp ngộ độc methanol trong rượu có thể khiến bệnh nhân tổn thương não, suy thận cấp, diễn tiến tim mạch, thậm chí tử vong, hoặc nếu được chữa khỏi cũng để lại di chứng rất nặng nề.
Trường hợp các thực khách bị ngộ độc rượu có chứa acetonitrile như vụ việc xảy ra ở Long Biên không thực sự phổ biến song cũng hết sức nguy hiểm. Acetonitril là một dung môi công nghiệp được sử dụng trong sản xuất hóa chất, dược phẩm và các ứng dụng kỹ thuật. Nếu acetonitril được sử dụng một cách bất hợp pháp trong quá trình sản xuất rượu hoặc pha trộn rượu giả, thì cũng có thể dẫn tới ngộ độc bởi khi vào cơ thể acetonitril được chuyển hóa thành cyanide, một chất cực độc và có thể gây ngộ độc nghiêm trọng.
Trên thực tế, lượng rượu tiêu thụ mỗi năm ở nước ta là rất lớn, đa dạng về chủng loại và chất lượng, trong số đó rất nhiều loại rượu giả, rượu lậu, rượu gia công kém chất lượng song vẫn được lén lút đưa vào lưu hành tự do trên thị trường, dẫn đến tình trạng ngộ độc rượu ngày càng có xu hướng gia tăng. Theo số liệu thống kê thì mỗi năm cũng có tới cả trăm vụ ngộ độc rượu và dù các cơ quan chức năng đã thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo song vì nhiều lý do khác nhau mà tình trạng sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, không đủ chất lượng vẫn không thể ngăn chặn, đặc biệt là các dịp lễ tết.
Trước nguy cơ tình trạng ngộ độc rượu có xu hướng gia tăng trong thời gian cuối năm, Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế khuyến cáo các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu cần tuyệt đối không sản xuất hoặc tiêu thụ các loại rượu pha chế từ nguyên liệu hoặc cồn không đảm bảo chất lượng, không có nhãn mác hoặc chưa công bố tiêu chuẩn chất lượng.
Cùng với đó, cơ quan chức năng cũng phải triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, tổ chức các đoàn liên ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, kịp thời phát hiện, xử lý các cơ sở vi phạm qui định trong sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là đối với các cơ sở nấu rượu thủ công. Đồng thời, chú trọng tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về đảm bảo an toàn thực phẩm, cảnh báo nguy cơ và hậu quả của việc sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, rượu tự pha chế không bảo đảm chất lượng có thể dẫn đến ngộ độc rượu, góp phần giúp người dân có thông tin để nhận diện các sản phẩm thực sự an toàn.
Dù sao đi nữa, có lẽ yếu tố quan trọng hơn cả là mỗi cá nhân cần phải tự nâng cao nhận thức, thói quen khi sử dụng rượu bia và tuyệt đối không tiêu thụ các loại rượu, đồ uống có cồn không rõ nguồn gốc và xuất xứ. Dịp cuối năm là thời điểm nhiều người thường xuyên phải tham gia các buổi liên hoan tổng kết song vẫn cần phải hết sức tỉnh táo để không làm dụng rượu bia quá đà để từ đó có thể tạo ra một môi trường lành mạnh hơn cho những ngày lễ tết, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.