Nguy cơ tiềm ẩn từ thực phẩm 'chợ mạng' giữa mùa hè oi bức

Các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng cần tỉnh táo trong việc lựa chọn thực phẩm ở những siêu thị lớn, cửa hàng có giấy phép, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Thực phẩm được rao bán trên chợ mạng. (Ảnh: Vietnam+)

Thực phẩm được rao bán trên chợ mạng. (Ảnh: Vietnam+)

Ngày nay, với sự phát triển của các sàn thương mại điện tử, các kênh buôn bán trực tuyến, mua bán thực phẩm trên “chợ mạng” đang ngày càng phổ biến cùng sự tiện ích và giá cả phải chăng. Mua hàng online mang lại nhiều tiện lợi như giúp khách dễ dàng chọn lựa, tiết kiệm thời gian đi lại... Nhưng bên cạnh đó nó tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nhất là đối với những mặt hàng thực phẩm được chế biến sẵn.

Khi sự tiện lợi đi đôi với những rủi ro

Hình thức mua bán trực tuyến thu hút người tiêu dùng mọi lứa tuổi bởi sự đa dạng và tiện dụng. Dạo quanh các trang mạng xã hội hay các sàn thương mại điện tử, có thể thấy, các loại sản phẩm, hàng hóa, từ rau, củ, quả đến thịt gia súc, gia cầm, hải sản, hàng chế biến sẵn... Chỉ sau một cú click chuột, hàng sẽ được giao ngay theo theo gian mà người mua ấn định. Giá cả từ bình dân đến cao cấp.

Thêm đó, vào thời điểm tháng Năm, thời tiết trên cả nước đều nắng nóng cực độ, đỉnh điểm là các tỉnh phía Bắc có nhiều nơi nền nhiệt có thể lên tới 40 độ C. Đường phố vắng lặng, người dân e ngại ra đường ngay cả khi cần mua sắm nhu yếu phẩm cho gia đình.

Và mua bán thực phẩm trực tuyến là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều gia đình. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, hàng loạt địa chỉ bán thực phẩm chế biến sẵn sẽ hiện ra. Người mua hàng chỉ cần lựa chọn, chốt đơn rồi thanh toán và được giao hàng đến tận cửa nhà mà không cần “đội nắng” ra đường.

“Các mặt hàng thực phẩm online nhiều khi còn đa dạng và phong phú hơn cả chợ truyền thống. Thậm chí, sau khi tôi áp mã giảm giá, giá thành những loại thực phẩm đó còn rẻ hơn ngoài chợ hay siêu thị nhiều,” chị Thu Hà (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết.

Trong khi đó, chị Nguyệt (Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng các sản phẩm bán trực tuyến, đặc biệt là thực phẩm, đồ ăn không phải lúc nào cũng như quảng cáo, giới thiệu trên mạng. Đợt trước, chị Nguyệt được ăn thử bánh bao handmade của hàng xóm thấy khá ngon nên đặt 2 hộp. Nhưng khi nhận về, chị phát hiện bánh bao xuất hiện lốm đốm mốc ngoài vỏ bánh.

Hầu hết các địa chỉ bán hàng trực tuyến đều không có giấy phép kinh doanh, các sản phẩm chế biến không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, không có thông tin về nguyên liệu chế biến cũng như hạn sử dụng. Trong khi đó, đa số các chủ gian hàng đều đưa ra các lời quảng cáo, cam kết bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, song chất lượng thật của sản phẩm liệu có như lời quảng cáo hay không thì khó có thể kiểm chứng?

 Mùa hè nắng nóng, nhiều người dân chọn gọi thực phẩm bán trên mạng thay vì phải đi ra chợ. (Ảnh: Vietnam+)

Mùa hè nắng nóng, nhiều người dân chọn gọi thực phẩm bán trên mạng thay vì phải đi ra chợ. (Ảnh: Vietnam+)

Đặc thù công việc bận rộn cùng thời tiết oi bức tại Hà Nội, mua thực phẩm trực tuyến là sự lựa chọn hàng ngày của chị Ngọc Thảo (Cầu Giấy), chị chia sẻ: “Có những hôm lịch học dày, không có thời gian để nấu cơm, tôi thường lên các app giao hàng online để đặt đồ ăn. Tôi có một quán bún đậu mắm tôm quen thường xuyên ‘đóng họ’ ở đó, nhưng một hôm quá giờ quán mở cửa, mình có đặt đồ ăn ở một quán khác, vì thấy đánh giá khá ổn.”

Tuy nhiên, khi ăn miếng chả cốm, chị Thảo cảm thấy buồn nôn và phát hiện chả có vị chua và rất hôi. Phản hồi lại với quán, chị chỉ nhận được lời xin lỗi qua loa.

Cẩn trọng với thực phẩm online

Việc mua - bán thực phẩm online chủ yếu được thực hiện dựa trên niềm tin giữa người bán và người mua. Người nội trợ đều lựa chọn thực phẩm dựa trên hình ảnh được chụp và đưa lên mạng theo cảm tính. Không ít người vẫn chưa nhận thức được trách nhiệm và quyền lợi ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân, còn cả tin và dễ dãi trước những lời quảng cáo. Cứ thấy bắt mắt, giá cả phải chăng là mua. Chính vì vậy, bên cạnh những tiện ích thì việc mua thực phẩm chế biến sẵn được bán online cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm, đặc biệt là trong thời điểm nắng nóng cũng dễ gây ôi thiu thực phẩm nếu không được bảo quản đúng cách…

Nhiều đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm giả, hàm lượng chất dinh dưỡng thấp hơn tiêu chuẩn công bố hoặc các sản phẩm có thành phần các chất không đúng theo tiêu chuẩn quy định. Bên cạnh đó sản phẩm chứa các chất phụ gia không cho phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép…

Mới đây, vụ ngộ độc tập thể xảy ra tại tỉnh Đồng Nai, khiến 547 người bị ngộ độc sau khi tiêu thụ bánh mì được bán tại tiệm Cô Băng (phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh) trong 2 ngày 30/4 và 1/5. Các triệu chứng chủ yếu của bệnh nhân bao gồm đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, sốt và được chẩn đoán là nhiễm trùng đường ruột. Nguyên nhân được cơ quan chức năng công bố do vi sinh vật Salmonella trong thịt lợn đã qua chế biến, chả lụa. Tiệm bánh mì này không có đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm…

Hay như trong tháng 3/2024, tại quán cơm gà Trâm Anh (Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đã xảy ra vụ ngộ độc khiến 369 người phải đến các cơ sở y tế thăm khám, điều trị. Vi khuẩn gây ngộ độc là Salmonella spp, Bacillus cereus, Staphylococcus aureus được tìm thấy trong cơm, gà xé, sốt trứng, dưa chua, hành phi.

 Các chuyên gia khuyên nên mua hàng thực phẩm ở nhưng nơi uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. (Ảnh: Vietnam+)

Các chuyên gia khuyên nên mua hàng thực phẩm ở nhưng nơi uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. (Ảnh: Vietnam+)

Trước đó, vụ ngộ độc thực phẩm khiến hàng chục người bị ngộ độc, liệt cơ, khó thở… phải nhập viện sau khi ăn sản phẩm Pate Minh Chay từ năm 2000 cũng gây hoang mang dư luận. Nguyên nhân được xác định là do một loại vi khuẩn có độc tố mạnh, vi khuẩn Clostridium botulinum type B trong sản phẩm. Độc tố của vi khuẩn này có động lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ tử vong.

Nhận định về vấn đề này, bác sĩ Hoàng Thu Huyền - Trưởng khoa An toàn thực phẩm, Trung tâm Y tế Hà Đông cho biết: “Việc sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Thứ nhất là nó sẽ gây ra ngộ độc cấp tính với triệu chứng như đau bụng, nôn, tiêu chảy. Thứ hai là nếu như thực phẩm có có tồn dư các hóa chất bảo vệ thực vật, sẽ gây ra các triệu chứng đau đầu dữ dội và nôn ói.”

Nhấn mạnh thêm, bác sĩ Hoàng Thu Huyền cho rằng nếu sử dụng những thực phẩm không đảm bảo trong thời gian dài, các chất độc hại tích lũy trong cơ thể sẽ làm suy giảm hệ miễn dịch, nguy cơ dẫn đến các bệnh như tim mạch, ảnh hưởng đến hệ thần kinh, thậm chí là ung thư.

Mặt khác, khi lựa chọn thực phẩm trực tuyến, người tiêu dùng cần phải biết quy trình bảo quản và vận chuyển thức ăn an toàn. Thực tế cho thấy trong các thành phố lớn như Hà Nội hiện nay, hình thức giao hàng chủ yếu bằng vận chuyển xe máy, không đảm bảo được môi trường nhiệt độ cho thực phẩm. Thêm đó, vào mùa nắng nóng, độ ẩm và nhiệt độ cao là môi trường thuận lợi để vi khuẩn, vi sinh vật phát triển mạnh khiến thực phẩm nhanh bị ôi thiu. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hoa, chuyên gia dinh dưỡng, Trung tâm dinh dưỡng Hà Nội cho biết tình trạng ngộ độc thực phẩm thường có dấu hiệu gia tăng trong thời điểm hè.

Bà Hoa khuyến cáo, các đồ ăn nhanh trên mạng đa dạng nhưng thường chứa hàm lượng muối, đường, chất béo xấu rất cao. Người ăn nên lựa chọn các món ăn cân đối về dinh dưỡng, không nên lựa chọn theo sở thích có thể dẫn tới mất cân bằng dinh dưỡng. Không ăn thức ăn ôi thiu hay đã hết hạn sử dụng.

“Người tiêu dùng cần thông thái trong việc lựa chọn thực phẩm ở những siêu thị lớn, cửa hàng, hộ kinh doanh có giấy phép, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ, thành phần dinh dưỡng và hạn sử dụng rõ ràng, không mua thực phẩm trôi nổi, không có nhãn mác,” bà Hoa nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nguy-co-tiem-an-tu-thuc-pham-cho-mang-giua-mua-he-oi-buc-post956009.vnp
Zalo