Nguy cơ thất thu thuế hàng giá rẻ từ sàn thương mại nước ngoài vào Việt Nam

Mỗi ngày Việt Nam có hàng triệu đơn hàng giá trị nhỏ từ nước ngoài được đặt qua các sàn thương mại điện tử. Việc đó có nguy cơ thất thu hàng tỷ đồng tiền thuế cho ngân sách nhà nước đặc biệt trong bối cảnh các sàn thương mại điện tử như Temu đang phát triển như 'vũ bão'.

Gần 2 tỷ USD hàng hóa giá trị nhỏ không đóng thuế mỗi tháng

Nửa tháng nay, Temu - phiên bản quốc tế của Pinduoduo, nền tảng thương mại điện tử lớn thứ 2 Trung Quốc đã xuất hiện tại Việt Nam. Các sản phẩm tại Temu được bán với mức giá rẻ chưa từng thấy cùng với chương trình tiếp thị liên kết (affiliate) tại Việt Nam với mức hoa hồng lên tới 30% cho mỗi sản phẩm. Trong khi đó, Temu chưa được đăng ký hoạt động tại Việt Nam nên nguy cơ thất thu thuế từ hoạt động này là rất lớn.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế cho biết, theo Bộ Thông tin truyền thông, hàng hóa nhỏ di chuyển qua biên giới theo thống kê từ tháng 1 - 6/2024, mỗi tháng có từ khoảng 1,3 tỷ - 1,9 tỷ USD hàng hóa nhỏ qua biên giới không phải đóng thuế.

 Hàng miễn thuế giá rẻ đang tràn ngập vào Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Hàng miễn thuế giá rẻ đang tràn ngập vào Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Cơ quan thuế khuyến cáo những tổ chức kinh doanh xuyên biên giới đến những người bán hàng online trên các sàn giao dịch thương mại điện tử cần chủ động đăng ký, nộp thuế trước khi cơ quan thuế “rà” đến tên.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế rất cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các ngành quản lý thương mại điện tử, dữ liệu dân cư cần kết nối với ngành Thuế để chia sẻ dữ liệu, khi đó mới có thể ngăn thất thu thuế từ lĩnh vực đầy tiềm năng này.

“Những hàng hóa này rõ ràng khi đóng thuế đã là một con số rất lớn. Bình quân một ngày khoảng 50 triệu USD vào, ra thị trường Việt Nam, nhưng chúng ta hoàn toàn miễn. Như vậy cơ chế chính sách của chúng ta đang không phù hợp”, ông Đinh Trọng Thịnh nêu rõ.

Dẫn chứng từ các nước trên thế giới, ông Thịnh cho hay, Liên minh châu Âu từ tháng 1/2021 đã bỏ quy định những hàng hóa có giá trị dưới 22 euro phải đóng thuế. Tại nước Anh, 135 bảng Anh trước đây không phải đóng thuế, bây giờ phải đóng thuế. Thái Lan tất cả hàng hóa ra - vào quốc gia mà đều phải chịu thuế suất 7%, không kể lớn nhỏ.

“Nếu mỗi ngày chúng ta có 4 - 5 triệu đơn qua biên giới thì con số thất thoát rất lớn. Vì thế hoàn chỉnh các cơ chế chính sách là việc cần làm ngay. Cơ chế chính sách của chúng ta phải phù hợp với từng điều kiện và theo đúng thông lệ. Năm 2010, bằng Quyết định 78, Chính phủ đề nghị không thu thuế đối với những khoản thu nhỏ dưới 1 triệu đồng để giải tỏa vấn đề thông quan và kiểm tra hải quan. Nhưng đến bây giờ, thời đại khác rồi, kinh tế số chỉ cần 1 giây là đã có đầy đủ, chúng ta không phải miễn cái đó”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, thương mại điện tử của chúng ta có những môi trường đặc biệt vì môi trường số cũng có biên giới. Hầu như chúng ta mua hàng chúng ta cũng không biết rằng là hàng đó chúng ta đang mua của nhà cung cấp nước ngoài. Người tiêu dùng hoàn toàn không hề hay biết được điều đó, chỉ biết là sau khi mua hàng trả tiền xong có hàng hóa đến nhà. Nhưng thực ra, người tiêu dùng hiểu ra khi mua hàng nước ngoài có thể sàn thương mại điện tử nước ngoài có thể trốn tránh nghĩa vụ thuế đối với Chính phủ Việt Nam. Trong khi đó tiêu dùng, toàn bộ mọi thứ trên lãnh thổ Việt Nam. Điều đó đặt ra cho Bộ Thông tin và Truyền thông những thách thức rất lớn.

Sửa đổi quy định thuế hàng hóa giá trị nhỏ

Để giải quyết bài toán trên, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế Nguyễn Thị Lan Anh chia sẻ, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Luật Thuế VAT. Trong tờ trình, có đề xuất bỏ quy định miễn thuế VAT với hàng hóa nhỏ lẻ. Không chỉ Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới cũng đang chú ý đến việc này và họ cũng có đề xuất như vậy. Dự thảo Luật Thuế VAT trình Chính phủ đã đưa quy định đó vào để làm sao hoàn thiện chính sách với hoạt động thương mại điện tử.

Thẩm tra về Dự án Luật Thuế VAT (sửa đổi), Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho hay, dự thảo Luật Thuế VAT (sửa đổi) bổ sung quy định không thu thuế VAT đối với quà biếu, quà tặng trong định mức miễn thuế nhập khẩu theo pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho cá nhân Việt Nam; đồ dùng của tổ chức, cá nhân nước ngoài theo tiêu chuẩn miễn trừ ngoại giao; tài sản di chuyển trong định mức miễn thuế nhập khẩu theo pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Theo Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội, mặc dù không được quy định trong Luật song trên thực tế, việc miễn thuế VAT gắn với miễn thuế nhập khẩu hiện cũng được thực hiện đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng gửi qua chuyển phát nhanh (theo Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg).

Với sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới, lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần trong thời gian qua. Tại Việt Nam, hàng ngày có trung bình 4-5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok,… Nhiều nước đã bỏ quy định miễn thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ để bảo vệ nguồn thu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu.

Ngoài ra, theo bà Lan Anh, Bộ Tài chính cũng đang trình Chính phủ sửa Nghị định 12, trong đó có đề xuất quản lý đối với thương mại điện tử. Đó là việc các tổ chức, cá nhân, các hộ kinh doanh có thể ủy quyền cho các sàn giao dịch điện tử để các sàn này có thể xuất hóa đơn thay cho người kinh doanh thông qua sàn. Thông qua giải pháp này, tất cả các giao dịch thương mại điện tử dù lớn hay nhỏ, giá trị bao nhiêu cũng sẽ được xuất hóa đơn đầy đủ.

Bà Lan Anh khẳng định, xuất hóa đơn đầy đủ sẽ hỗ trợ quản lý thuế, quản lý doanh thu và quản lý giao dịch có hợp pháp hay không, giúp người bán hàng chứng minh được nguồn gốc hàng hóa. Khi đó hàng hóa trong thị trường Việt Nam có thể nâng cao tính cạnh tranh, chống hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng trên thị trường, đặc biệt là sẽ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần tạo điều kiện tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho hay, các hộ và cá nhân kinh doanh thương mại điện tử phải tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế, tự khai, tự tính, tự nộp và tự chịu trách nhiệm về số liệu kê khai.

Cụ thể, đối với nhãn hàng phải kê khai thuế VAT, TNDN trên doanh thu thực tế chốt đơn hàng bán được.

Đối với người livestream nộp thuế theo hai hình thức: nếu cá nhân đăng kí nộp thuế với hộ cá nhân kinh doanh thì nộp thuế 7% trên hoa hồng nhận được từ nhãn hàng (5% VAT, 2% TNCN); nếu cá nhân không đăng kí kinh doanh, coi như làm thuê cho nhãn hàng thì nộp thuế TNCN theo biểu thuế lũy tiến từng phần từ 5% - 35%; nhãn hàng tạm khấu trừ thuế 10% trên hoa hồng trước khi chi trả cho cá nhân, nộp vào ngân sách nhà nước và cá nhân có trách nhiệm tự khai quyết toán thuế năm với cơ quan thuế.

An Nhiên

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/nguy-co-that-thu-thue-hang-gia-re-tu-san-thuong-mai-nuoc-ngoai-vao-viet-nam-d53172.html
Zalo