Nguy cơ ngộ độc Paracetamol từ thói quen tự chữa bệnh tại nhà
Thời gian vừa qua, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Tân Sơn đã tiếp nhận hai trường hợp ngộ độc Paracetamol nghiêm trọng ở độ tuổi học sinh. Nguyên nhân đều do tự ý sử dụng thuốc giảm đau tại nhà mà không có chỉ định của bác sĩ. Cả hai bệnh nhân đều phải nhập viện trong tình trạng cấp cứu, nguy hiểm đến tính mạng nhưng may mắn được phát hiện và điều trị kịp thời.
Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân Đ.T.M.H, 15 tuổi, nhập viện ngày 28/4. Theo người nhà cung cấp thông tin, khoảng 12 tiếng trước khi vào viện, H có biểu hiện đau bụng quanh rốn. Do lo lắng và không muốn làm phiền người thân, em đã tự uống liên tục 12 viên Paracetamol 500mg trong vòng hai giờ đồng hồ với suy nghĩ “uống nhiều sẽ nhanh khỏi”. Tuy nhiên, chỉ sau đó vài giờ, H. bắt đầu nôn liên tục, đau bụng dữ dội kèm theo chóng mặt và đau đầu.
Một trường hợp tương tự xảy ra vào ngày 6/5. Bệnh nhân T.K.H, 15 tuổi, được người nhà đưa đến TTYT huyện Tân Sơn sau khi uống liền 9 viên Paracetamol 500mg để giảm đau bụng kinh. Trong vòng một giờ sau khi uống thuốc, em bắt đầu có triệu chứng nôn nhiều, đau bụng quặn thắt và khó chịu toàn thân.

Khi mắc các biểu hiện đau ốm liên quan đến sức khỏe, người dân nên tới TTYT huyện gần nhất để thăm khám.
Cả hai trường hợp đều được chuyển đến Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc để theo dõi và điều trị tích cực. Các bác sĩ tại khoa nhận định, bệnh nhân đã bị ngộ độc Paracetamol ở mức độ nặng, có nguy cơ tổn thương gan nghiêm trọng nếu không được xử trí kịp thời. Nhờ sự can thiệp nhanh chóng và chuyên môn cao của đội ngũ y bác sĩ, cả hai em đã qua cơn nguy kịch, dần ổn định sức khỏe, đến nay đã được xuất viện.
Thuốc Paracetamol (còn gọi là Acetaminophen) là loại thuốc giảm đau, hạ sốt thông dụng, được sử dụng rộng rãi tại các gia đình vì dễ mua, giá rẻ và được coi là an toàn. Tuy nhiên, Paracetamol chỉ thực sự an toàn nếu được sử dụng đúng liều, đúng cách. Nếu lạm dụng hoặc dùng quá liều, đặc biệt trong thời gian ngắn, thuốc có thể gây tổn thương gan nặng, thậm chí dẫn tới suy thận, suy gan cấp - một tình trạng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng.
Liều Paracetamol tối đa cho người lớn là khoảng 4.000mg/ngày (tức 8 viên loại 500mg) đối với người khỏe mạnh. Đối với trẻ em hoặc thanh thiếu niên thì ngưỡng an toàn thấp hơn, tùy theo cân nặng và chỉ định của bác sĩ. Sau khi dùng Paracetamol, thuốc sẽ được hấp thụ và có nồng độ đạt đỉnh trong khoảng 1 giờ đầu tiên tính từ thời điểm sử dụng thuốc. Trong cả hai trường hợp bệnh nhân 15 tuổi vừa qua, lượng thuốc uống đã vượt xa ngưỡng an toàn, dẫn đến ngộ độc cấp.

Y tá TTYT huyện Tân Sơn chăm sóc bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm.
Thực tế cho thấy, việc ngộ độc thuốc không chỉ xảy ra với Paracetamol mà còn với nhiều loại thuốc khác như: Thuốc cảm cúm, thuốc kháng sinh, thậm chí cả vitamin nếu lạm dụng. Việc dùng thuốc cần tuân thủ hướng dẫn của cán bộ y tế, bác sĩ, tuyệt đối không được chủ quan với bất kỳ loại thuốc nào, dù là thông dụng nhất.
Trước thực trạng trên, TTYT huyện Tân Sơn khuyến cáo: Người dân không tự ý dùng thuốc, đặc biệt là thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt khi không có chỉ định của bác sĩ; khi người bệnh có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và tư vấn. Còn đối với trẻ em và thanh thiếu niên, cha mẹ cần giám sát chặt chẽ việc sử dụng thuốc tại nhà.
Trong bối cảnh thuốc tân dược được bán phổ biến ở hiệu thuốc và trên các nền tảng trực tuyến, việc giáo dục cộng đồng về sử dụng thuốc hợp lý, an toàn là điều vô cùng cần thiết. Từ những trường hợp trên có thể thấy sự chủ quan, thiếu hiểu biết trong việc sử dụng thuốc, đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, bên cạnh vai trò của ngành y tế trong việc nâng cao cảnh báo và kiểm soát thuốc bán lẻ, các bậc phụ huynh, nhà trường và toàn xã hội cũng cần chung tay trong việc giáo dục kỹ năng chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, bảo vệ trẻ an toàn trước nguy cơ ngộ độc thuốc và các tác dụng phụ không mong muốn có thể xảy ra khi sử dụng thuốc không đúng cách.