Nguy cơ mắc bệnh từ quần áo 'hàng thùng'

Cũ người mới ta là thói quen và sở thích của nhiều người khi săn 'hàng thùng' tại các chợ quần áo cũ. Tuy nhiên, hãy cảnh giác bởi hành động này dễ khiến những 'tín đồ hàng thùng' rước bệnh vào người!

Tại Hà Nội, chợ Thành Công (quận Ba Đình), chợ Đông Tác (quận Đống Đa), khu Nghĩa Tân, Bách Khoa... được coi là "thiên đường" của thế giới đồ đã qua sử dụng, hay còn gọi với cái tên là "hàng thùng", "đồ si".

Ghi nhận của phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, chợ hàng thùng Đông Tác với hàng trăm gian hàng lớn nhỏ bán đồ cũ, từ quần áo đến túi xách, giày dép... lúc nào cũng tấp nập người mua bán.

Thùy Linh (24 tuổi, sống tại Hà Nội) cho hay: "Quần áo mùa đông nếu mua mới khá tốn kém nên tôi mua ở đây để tiết kiệm tiền. Ở đây cũng nhiều kiểu dáng, khiến tôi dễ dàng lựa chọn. Khi mua về, chỉ cần mang ra tiệm giặt lại thơm tho là có thể mặc được rồi".

Tương tự, Phan Hoàng Anh (sinh viên Đại học Hà Nội) cho biết: "Cần tiết kiệm chi phí nên mặc đồ si là lựa chọn ưu tiên. Tôi thường hay mua quần áo đã qua dử dụng tại chợ Đông Tác, những món đồ chỉ có giá khoảng 30.000 - 50.000 đồng, phù hợp với túi tiền sinh viên. Ngoài ra tại đây cũng đa dạng mẫu mã, có nhiều sự lựa chọn".

Hoàng Anh đang chọn áo tại chợ Đông Tác. Ảnh: Đan Tâm.

Hoàng Anh đang chọn áo tại chợ Đông Tác. Ảnh: Đan Tâm.

Hoàng Anh cũng cho biết, mặc dù khá e ngại bởi chất lượng của những mặt hàng quần áo đã qua sử dụng. Tuy nhiên vì là sinh viên nên cái gì giá rẻ thì ưu tiên.

Theo một tiểu thương tại chợ Đông Tác, quần áo khi nhập về sẽ được phân loại. Những sản phẩm còn mới, đã qua vệ sinh sẽ được treo lên giá cho khách dễ nhìn. Còn các sản phẩm cũ sẽ đổ đống xuống sàn nhà để người mua tự lựa chọn.

Quần áo cũ được đổ đống dưới sàn nhà để khách hàng lựa chọn. Ảnh: Đan Tâm.

Quần áo cũ được đổ đống dưới sàn nhà để khách hàng lựa chọn. Ảnh: Đan Tâm.

Chia sẻ với Báo Sức khỏe và Đời sống, BSCKII. Bùi Quang Hào - Trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn, BV Da liễu Trung ương thông tin, hầu hết người đi mua quần áo "hàng thùng" đều có chung quan điểm, đồ mua về mang giặt sạch đồng nghĩa với việc quần áo đã được "tiệt trùng" và người sử dụng sẽ tránh được các bệnh ngoài da lây lan qua đường quần áo. Tuy nhiên cả người bán và người mua đều không rõ nguồn gốc bệnh lý của người mặc trước đó.

Ngoài ra trong quá trình bảo quản những mặt hàng này cũng không được kiểm soát như đồ giặt vẫn còn bị ẩm mốc, vứt trên mặt sàn dẫn đến bụi bẩn, những kí sinh trùng có thể trú ngụ trong quần áo.

Một số bệnh lý người mua có thể mắc phải nếu không xử lý, làm sạch quần áo cũ trước khi sử dụng như các căn bệnh: dị ứng, nấm da, gây ngứa, bong tróc da hoặc mụn nước, thậm chí gây ra một số bệnh liên quan đường hô hấp.

Giá rẻ, đa dạng mẫu mã là những điểm khiến chợ hàng thùng luôn tấp nập. Ảnh: Đan Tâm.

Giá rẻ, đa dạng mẫu mã là những điểm khiến chợ hàng thùng luôn tấp nập. Ảnh: Đan Tâm.

Theo BSCKII. Bùi Quang Hào, một số ký sinh trùng như con ghẻ ra khỏi môi trường khoảng 5 ngày mới chết. Do vậy, khi khách hàng mua và mặc phải quần áo của người mắc bệnh ghẻ trước khoảng thời gian đó thì nguy cơ mắc bệnh cao. Quần áo của một người bị nấm khi không được tiệt trùng thì người mặc sau đó sẽ bị lây nhiễm các bệnh như nấm bẹn, nấm thân, lang ben, nấm đồng tiền..

Đặc biệt, đồ lót, đồ tắm cũ là thứ nguy hiểm nhất vì chúng có khả năng chứa nhiều vi khuẩn và nấm mốc, các bác sĩ da liễu khuyến cáo không nên sử dụng bởi một số siêu vi ở dạng tiềm ẩn có thể tồn tại lâu ngày trên vật dụng, bao gồm siêu vi gây bệnh u mềm lây hay mụn cóc... Rất nhiều trường hợp đã bị mắc bệnh vùng kín như lậu, hắc lào, nấm vì mặc đồ lót cũ.

BSCKII. Bùi Quang Hào cũng khuyến cáo, để đảm bảo sức khỏe, tốt nhất mọi người nên mặc quần áo mới, nếu không có điều kiện thì mới phải dùng đồ cũ. Nếu mua đồ si, khi giặt hãy sử dụng nước nóng, từ 60°C trở lên nếu chất liệu quần áo cho phép để tiêu diệt vi khuẩn và nấm mốc. Sử dụng các loại xà phòng hoặc nước xả vải có tính kháng khuẩn, khử trùng.

Đan Tâm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguy-co-mac-benh-tu-quan-ao-hang-thung-169241211115710866.htm
Zalo