Nguy cơ IS trỗi dậy tại Syria sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Assad

Chuyên gia lo ngại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể lợi dụng khoảng trống quyền lực sau sự sụp đổ của chính quyền Assad để trỗi dậy, gây bất ổn tại Syria và khu vực.

Sự sụp đổ của chính quyền Assad có thể tạo ra khoảng trống cho tổ chức IS trỗi dậy. (Nguồn: Reuters)

Sự sụp đổ của chính quyền Assad có thể tạo ra khoảng trống cho tổ chức IS trỗi dậy. (Nguồn: Reuters)

Trong bài đăng trên báo The New York Times ngày 15/12, Charles Lister, Giám đốc chương trình Syria và chống khủng bố tại Viện Trung Đông, nhận định sự sụp đổ đột ngột của chế độ Assad sau 53 năm cầm quyền đã đem lại sự kỳ vọng vào một tương lai mới.

Tuy nhiên, một cảm giác lo sợ cũng gia tăng ở Đông Bắc Syria, nơi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng từng kiểm soát những vùng đất rộng lớn. Mặc dù nhóm này đã mất kiểm soát gần như toàn bộ những vùng lãnh thổ trước đó, nhưng mối đe dọa của chúng vẫn chưa biến mất.

Ngược lại, IS đã tiến hành gần 700 cuộc tấn công ở Syria kể từ tháng 1, tăng gấp ba lần so với năm ngoái. Mức độ tinh vi và nguy hiểm của các cuộc tấn công của IS cũng tăng vọt trong năm nay.

Ngoài chiến dịch tấn công kéo dài nhiều tháng của IS vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Syria, mạng lưới tống tiền khét tiếng của nhóm này cũng đã quay trở lại hoạt động, đem lại nguồn tài chính mới cho tổ chức khủng bố này.

Việc chống lại tổ chức IS không hề đơn giản và đòi hỏi các hành động phức tạp có tính kết nối, không chỉ là riêng hoạt động quân sự. Xét cho cùng, IS là triệu chứng của sự hỗn loạn do cuộc nội chiến ở Syria gây ra chứ không phải là nguyên nhân.

IS dựa vào sự bất ổn, đau khổ và bất bình của người dân địa phương để tuyên truyền, lôi kéo, tuyển dụng và biện minh cho các hành động của mình.

Để ngăn IS lợi dụng khoảng trống quyền lực do sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad để lại, Mỹ và các đồng minh phải sử dụng mọi công cụ có sẵn để chống lại sự trỗi dậy của nó.

Các lực lượng của chế độ Assad, những người đã cố gắng chống lại sự mở rộng của tổ chức IS, đã từ bỏ các vị trí của họ trên khắp miền Trung Syria.

Các lực lượng đối lập Syria đã tìm cách kiểm soát một số khu vực bị bỏ trống này, nhưng lực lượng của họ rất ít và khả năng phối hợp trong một chiến dịch sa mạc phức tạp chống lại IS cũng chỉ ở mức hạn chế.

Phản ứng đối phó đầu tiên của Mỹ trước khoảng trống đột ngột này diễn ra vào 8/12, khi máy bay Mỹ tấn công hơn 75 mục tiêu của IS trên khắp miền Trung Syria.

 Binh sỹ Mỹ được triển khai tại căn cứ Al-Tanf, Syria. (Nguồn: Quân đội Mỹ)

Binh sỹ Mỹ được triển khai tại căn cứ Al-Tanf, Syria. (Nguồn: Quân đội Mỹ)

Quân đội Mỹ, hiện bố trí 900 binh sỹ tại Syria, sẽ cần phải cảnh giác trong những tuần tới, chuẩn bị tấn công IS ở những nơi chúng tìm cách tích lũy tài nguyên, tập hợp lực lượng hoặc phát động các cuộc tấn công.

Phần lớn Syria vẫn là một mớ hỗn độn của các lực lượng phe phái, mỗi phe có một động cơ riêng. Trong tám năm qua, Mỹ đã hợp tác với Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), một liên minh do người Kurd lãnh đạo đã mở đường cho sự sụp đổ của Nhà nước Hồi giáo ở Raqqa vào năm 2017.

SDF hiện đang phải đối mặt với khó khăn mang tính sống còn khi Quân đội Quốc gia Syria, nhóm dân quân đối thủ được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, đã chiếm được các thị trấn chiến lược từ SDF và hiện có thể nhắm tới thành phố Kobani mang tính biểu tượng của người Kurd.

Ngày 10/12, Mỹ làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn giữa hai phe phái đối lập này, nhưng nó rất mong manh.

Tính đến ngày 13/12, quyền kiểm soát của SDF đối với lãnh thổ của họ cho thấy dấu hiệu đang lung lay. Các cuộc biểu tình chống lại SDF ở Raqqa và Deir ez Zour đã leo thang thành bạo lực và hỗn loạn, với các báo cáo về việc SDF nổ súng vào dân thường.

Mỹ phải hợp tác chặt chẽ với SDF để ngăn chặn leo thang. Điều này sẽ đòi hỏi sự giám sát của quân đội và nhiều biện pháp ngoại giao hơn, trong đó chuyến đi của Ngoại trưởng Antony Blinken tới Ankara cách đây vài ngày là một bước đi đúng đắn bởi Thổ Nhĩ Kỳ nắm giữ nhiều “chìa khóa” trong cuộc xung đột này.

Mặc dù đáng lo ngại, tình hình hiện nay cũng mang đến những cơ hội mới cho Mỹ trong cuộc chiến chống lại tổ chức IS. Các bộ lạc và lực lượng dân quân Arab ở Deir ez Zour đã chiến đấu với IS trong một thập kỷ. Trường hợp Mỹ không muốn triển khai thêm lực lượng vào Syria, họ có thể hợp tác với các lực lượng này.

 Bất ổn, hỗn loạn tại Syria là môi trường thuận lợi cho IS trỗi dậy. (Nguồn: NBC News)

Bất ổn, hỗn loạn tại Syria là môi trường thuận lợi cho IS trỗi dậy. (Nguồn: NBC News)

Bên cạnh đó, trong bối cảnh tình hình biến động và bất ổn này, một cuộc khủng hoảng tù nhân đang diễn ra ở Đông Bắc Syria, nơi hàng chục nghìn tù nhân IS đang bị giam giữ trong các nhà tù do SDF quản lý.

Những người bị giam giữ này phải được trả về nơi xuất phát của họ, và khi thích hợp, phải bị truy tố vì những tội ác mà họ đã phạm phải khi còn liên quan đến tổ chức IS.

Sự sụp đổ của chế độ Assad có thể mở ra những con đường mới để hồi hương những người nước ngoài bị giữ tại các trại giam này. Chính quyền Assad đã bình thường hóa quan hệ với một số quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi - một phần đáng kể người bị giam giữ trong các nhà tù và trại giam của SDF có quốc tịch từ những nước này.

Việc tổ chức hồi hương giữa SDF và các quốc gia này là điều không thể khi ông Assad vẫn còn nắm quyền. Nhưng khi chính quyền Assad sụp đổ, chương trình hồi hương có thể được thúc đẩy mạnh mẽ.

Cuối cùng, theo chuyên gia Charles Lister, không có cách giải quyết nhanh chóng nào cho vấn đề IS. Nhưng nếu không sớm hành động, các đồng minh của Mỹ tại Syria cuối cùng có thể bị chia rẽ bởi tranh chấp nội bộ và các cuộc tấn công từ bên ngoài, buộc Mỹ phải rút quân khỏi Syria.

Chính sách đối ngoại của Mỹ trong khu vực có thể thay đổi trong chớp mắt khi Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tuyên bố Mỹ không nên "liên quan gì" đến tương lai của Syria. Nhưng nếu không làm gì thì tổ chức IS sẽ có cơ hội trỗi dậy một lần nữa./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nguy-co-is-troi-day-tai-syria-sau-su-sup-do-cua-chinh-quyen-tong-thong-assad-post1002251.vnp
Zalo