Thành tựu y khoa trong lĩnh vực can thiệp bào thai tại Việt Nam
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội hiện đang triển khai một nghiên cứu quan trọng nhằm xây dựng quy trình can thiệp trước sinh cho các thai nhi bị thoát vị cơ hoành bẩm sinh, sử dụng phương pháp gây bít khí quản qua nội soi thai nhi.
Hội nghị Nghiên cứu khoa học và chỉ đạo tuyến chuyên ngành sản - phụ khoa Hà Nội lần thứ XII năm 2024 do Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tổ chức ngày 20/12 đã thu hút sự tham gia của hàng trăm bác sỹ, chuyên gia sản khoa từ các tỉnh, thành phố phía Bắc.
Sự kiện đã tạo ra một diễn đàn quan trọng để trao đổi và cập nhật các kiến thức, kỹ thuật mới trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, cũng như phát triển các lĩnh vực chuyên sâu như can thiệp bào thai và điều trị các bệnh cho phụ nữ.
TS.Mai Trọng Hưng, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ rằng, với vai trò là tuyến cuối trong chuyên ngành sản phụ khoa, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội luôn chú trọng công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật, và nâng cao năng lực cho các bệnh viện tuyến dưới.
Theo TS.Hưng, trong những năm qua, chuyên ngành sản phụ khoa đã đạt được những bước tiến quan trọng. Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã triển khai thành công các chương trình sàng lọc trước sinh, can thiệp bào thai, điều trị ung thư phụ khoa, và các vấn đề về sinh sản như vô sinh, hiếm muộn. Những thành tựu này không chỉ có được nhờ vào sự nỗ lực của các chuyên gia trong nước mà còn nhờ vào vai trò của công tác chỉ đạo tuyến.
"Từ năm 2018, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã được Bộ Y tế công nhận là bệnh viện tuyến cuối và được giao nhiệm vụ chỉ đạo tuyến trong chuyên ngành Sản phụ khoa. Hội nghị hôm nay là dịp để chúng tôi hợp tác với các bệnh viện tuyến dưới, chuyển giao kỹ thuật, từ đó nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản và cải thiện chất lượng giống nòi", TS. Mai Trọng Hưng nhấn mạnh.
Một trong những chủ đề nhận được sự quan tâm đặc biệt tại Hội nghị là can thiệp bào thai, đặc biệt là phẫu thuật nội soi thai nhi trong điều trị thoát vị hoành bẩm sinh (CDH).
TS.Phan Thị Huyền Thương, Phó Giám đốc Trung tâm Can thiệp bào thai, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết rằng thoát vị cơ hoành bẩm sinh là một dị tật bẩm sinh hiếm gặp, xảy ra với tỷ lệ khoảng 1/2200 thai kỳ.
Đây là tình trạng mà cơ hoành không phát triển hoàn chỉnh, khiến các tạng tiêu hóa di chuyển lên khoang ngực, gây thiểu sản phổi và tăng áp động mạch phổi, dẫn đến suy hô hấp và tỷ lệ tử vong cao.
Phẫu thuật nội soi thai nhi, đặc biệt là phương pháp FETO (Fetal Endoscopic Surgery), đã chứng minh là một phương pháp can thiệp đầy hứa hẹn trong điều trị các trường hợp CDH nặng và trung bình.
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội hiện đang triển khai một nghiên cứu quan trọng nhằm xây dựng quy trình can thiệp trước sinh cho các thai nhi bị thoát vị cơ hoành bẩm sinh, sử dụng phương pháp gây bít khí quản qua nội soi thai nhi. Dự án này sẽ kéo dài từ tháng 7/2024 đến tháng 6/2027, với mục tiêu nâng cao tỷ lệ sống và giảm thiểu di chứng cho trẻ sau sinh.
Đây là một khiếm khuyết ở cơ hoành do màng khoang ngực bụng đóng không hết khi 9-10 tuần, các tạng tiêu hóa lên khoang ngực, gây ra tình trạng thiểu sản phổi và tăng áp động mạch phổi gây ra tình trạng suy hô hấp và tỷ lệ tử vong cao.
Theo TS.Thương, có khoảng 30-50% trường hợp bào thai bị thoát vị hoành bẩm sinh được đình chỉ thai trước 24 tuần, tỷ lệ sống trung bình là 37,7%. Nếu trẻ chào đời, tình trạng này sẽ gây di chứng lâu dài cho trẻ sống: phụ thuộc oxy, hen, giãn phế quản...
Việc điều trị sau sinh có hiệu quả kém và trẻ có di chứng kéo dài do tình trạng thiểu sản phổi và tăng áp động mạch phổi, đặc biệt với trường hợp thoát vị hoành trung bình và nặng.
Do đó, việc can thiệp trước sinh bằng phương pháp nội soi qua da (FETO) được xem là một can thiệp đầy hứa hẹn cho trường hợp CDH nặng và trung bình.
Với những thành tựu đạt được trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và can thiệp bào thai, nhiều chuyên gia y tế lạc quan cho rằng, tương lai của lĩnh vực sản khoa tại Việt Nam hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, mang đến những giải pháp điều trị tiên tiến, nâng cao chất lượng sống và bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho một thế hệ khỏe mạnh và phát triển bền vững.
Ngoài nội dung trên, tại sự kiện Ths.Nguyễn Cảnh Chương, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã có bài trình bày quan trọng về ung thư cổ tử cung - mối nguy hiểm hàng đầu đối với sức khỏe và tính mạng phụ nữ.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nhiễm vi rút HPV (Human Papillomavirus) là nguyên nhân chính gây ra ung thư cổ tử cung. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, nhiễm HPV gây ra hơn 569 nghìn ca ung thư cổ tử cung và khoảng 311 nghìn ca tử vong trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 4.000 ca ung thư cổ tử cung mới và hơn 2.000 ca tử vong do căn bệnh này. Ung thư cổ tử cung hiện là loại ung thư phổ biến thứ ba ở phụ nữ trong độ tuổi từ 15-44, và mỗi ngày có trung bình 7 phụ nữ tử vong vì bệnh này.
Việc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung qua các phương pháp tầm soát có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm tỷ lệ tử vong và cải thiện tỷ lệ sống sót cho bệnh nhân.