Nguy cơ bị Mỹ bỏ qua trong đàm phán với Nga: Châu Âu sẽ làm gì?
Trước nguy cơ không được góp tiếng nói trong đàm phán về Ukraine, nhiều lãnh đạo châu Âu đã đồng loạt lên tiếng thậm chí họp gấp bàn vấn đề này.
Tờ Kommersant (Nga) đưa tin các cuộc đàm phán giữa các phái đoàn Nga và Mỹ về Ukraine sẽ diễn ra tại thủ đô Riyadh (Saudi Arabia) vào ngày 18-2. Theo Kommersant, phía Mỹ dự kiến có sự tham gia của Ngoại trưởng Mark Rubio, Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Walz và Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff.
Nga, Mỹ chưa bình luận về thông tin cuộc đàm phán về Ukraine.
Trước đó, ngày 15-2, phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich (Đức), đặc phái viên Mỹ tại Ukraine – ông Keith Kellogg cũng xác nhận Mỹ sẽ đóng vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán, trong khi Ukraine và Nga là hai bên tham gia chính.
Khi được hỏi về việc đại diện các nước châu Âu khác có tham gia đàm phán về Ukraine không, ông Kellogg cho biết: "Tôi [là người] thực tế. Tôi nghĩ điều đó sẽ không xảy ra".
Phát biểu của ông Kellogg ngay lập tức khiến nhiều lãnh đạo châu Âu bất bình. Nhiều người cho rằng việc để cuộc đàm phán Nga-Ukraine diễn ra mà không có sự tham gia của đại diện các nước châu Âu khác là điều khó có thể chấp nhận.

Ông Keith Kellogg. Ảnh: GETTY IMAGES
Châu Âu lo lắng
Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb đã thẳng thắn nói rõ quan điểm của ông về đàm phán hòa bình Ukraine.
"Không có cách nào chúng ta có thể thảo luận hoặc đàm phán về Ukraine, tương lai của Ukraine hoặc cấu trúc an ninh châu Âu, nếu không có người châu Âu. Nhưng điều này có nghĩa là châu Âu cần phải hành động. Châu Âu cần nói ít hơn và làm nhiều hơn” – ông Stubb nói.
Tờ Financial Times dẫn lời một quan chức Ukraine cho biết việc không có sự tham gia của châu Âu trong các cuộc đàm phán lần này cũng khiến họ không hài lòng.
"Tất nhiên chúng tôi hiểu rằng người Mỹ có những vấn đề riêng của họ với người Nga. Đó không phải là việc của chúng tôi – về mối quan hệ song phương Mỹ-Ukraine. Tuy nhiên, chúng ta cần phải có Ukraine và châu Âu nếu các cuộc đàm phán [là] về Ukraine và châu Âu" – vị quan chức này cho biết.
Tuy nhiên, đây không phải là điều duy nhất khiến châu Âu lo lắng.
Ngày 12-2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí ngăn chặn thương vong trong cuộc chiến, khởi động đàm phán ngay lập tức để chấm dứt xung đột Nga-Ukraine, thống nhất tổ chức một cuộc gặp riêng, theo tờ The New York Times.
Theo The New York Times, thông tin trong cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo cũng không đề cập châu Âu.
Ngay sau cuộc điện đàm, loạt nước châu Âu đã lên tiếng cảnh báo.
Tuyên bố chung của Pháp, Anh, Đức, Ba Lan, Ý, Tây Ban Nha, Ukraine và Ủy ban Châu Âu hôm 12-2 nhấn mạnh: "Mục tiêu chung của chúng ta là đưa Ukraine vào vị thế mạnh mẽ. Ukraine và châu Âu phải tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán nào. Ukraine cần được cung cấp các đảm bảo an ninh mạnh mẽ. Một nền hòa bình công bằng và lâu dài ở Ukraine là điều kiện cần thiết cho một nền an ninh xuyên Đại Tây Dương vững mạnh”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2019. Ảnh: ANADOLU AGENCY
Trước những phản ứng quyết liệt từ phía châu Âu, ngày 16-2, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio khẳng định quá trình đàm phán về xung đột Ukraine vẫn chưa bắt đầu một cách nghiêm túc và nếu các cuộc đàm phán tiến triển, Ukraine và những nước châu Âu khác sẽ được tham gia đàm phán.
Châu Âu chuẩn bị gì?
Ngày 17-2, các nhà lãnh đạo của Pháp, Anh, Đức, Ý, Ba Lan, Tây Ban Nha, Hà Lan và Đan Mạch, cùng các quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) họp tại Paris (Pháp). Các quan chức Pháp trước đó cho biết đây là cuộc họp khẩn cấp về cuộc chiến ở Ukraine và an ninh châu Âu, nhằm phối hợp phản ứng trước việc chính quyền ông Trump mở các cuộc đàm phán với Nga mà không có sự tham gia của châu Âu.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot cho biết những cuộc họp như thế này diễn ra thường xuyên. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi cuộc họp hôm 17-2 "một cuộc họp không chính thức" dành cho những người quan tâm "về hòa bình và an ninh ở châu Âu".
Thậm chí, đài CNN gọi cuộc họp hôm 17-2 không chỉ là cuộc họp cho Ukraine mà còn là cuộc họp để giúp đỡ chính châu Âu. Trong khi đó, Thủ tướng Anh Sir Keir Starmer gọi cuộc họp này là "khoảnh khắc ngàn năm có một đối với an ninh quốc gia của chúng ta khi chúng ta tham gia vào thực tế của thế giới ngày nay".

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ký Cam kết an ninh chung giữa Ukraine và EU vào tháng 6-2024. Ảnh: VĂN PHÒNG TỔNG THỐNG UKRAINE
Theo CNN, với tư cách là một trong những bên ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất, trong cuộc họp này, dù không trực tiếp thảo luận về những điều khoản có thể có trong cuộc đàm phán sắp tới, nhưng các quan chức châu Âu sẽ tìm ra cách để đảm bảo an ninh cho Ukraine.
Trong khi đó, tờ Financial Times cho rằng trong cuộc họp, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về các kế hoạch cụ thể nhằm bảo vệ quốc phòng châu Âu, bất kể trong tương lai có sự hỗ trợ từ Mỹ hay không. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng được cho là sẽ thảo luận cách tốt nhất để hỗ trợ Ukraine và củng cố vị thế đàm phán của họ.
Ngoại trưởng Ba Lan Radosław Sikorski hôm 15-2 cũng xác nhận Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk sẽ đến Paris để tham dự cuộc họp. Theo ông Sikorski, cuộc họp sẽ thảo luận về thách thức châu Âu phải đối mặt trong nhiệm kỳ mới của Tổng thống Trump.