Nguồn thu NCKH bằng 0, Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng nói do đặc thù ngành đào tạo

'Do đặc thù về ngành đào tạo của Nhà trường, các NCKH dưới dạng đề tài không thực hiện chuyển giao công nghệ trực tiếp để có nguồn thu trực tiếp từ hạng mục này'.

Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng được thành lập theo Quyết định số 709/QĐ-TTg ngày 26/08/2002 với tiền thân là Cơ sở Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Đà Nẵng (thành lập ngày 14/4/1985).

Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng có sứ mạng đào tạo và nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa, văn minh nhân loại, góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Về tầm nhìn, trường có định hướng trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa, xã hội và nhân văn ngang tầm khu vực và quốc tế.

Trường có địa chỉ tại số 131 Lương Nhữ Hộc, Phường Khuê Trung, Quận Cẩm Lệ, Thành phố Đà Nẵng và địa chỉ số 41 Lê Duẩn, Quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng.

Hiện trường do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hữu Phúc làm Hiệu trưởng, Tiến sĩ Đào Thị Thanh Phương làm Chủ tịch Hội đồng trường.

Nhiều băn khoăn về tình hình đội ngũ giảng viên cơ hữu

So sánh báo cáo công khai về đội ngũ giảng viên cơ hữu của nhà trường trong 3 năm học gần đây (2022-2023, 2023-2024, 2024-2025) cho thấy, số lượng giảng viên là phó giáo sư, tiến sĩ của trường có xu hướng gia tăng. Trong khi đó, đội ngũ giảng viên là thạc sĩ của trường lại có xu hướng giảm.

 Số lượng đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng do phóng viên tổng hợp dựa trên báo cáo công khai 3 năm học gần nhất.

Số lượng đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng do phóng viên tổng hợp dựa trên báo cáo công khai 3 năm học gần nhất.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Bình - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Ngữ, Đại học Đà Nẵng cho biết:

“Từ thời điểm 31/12/2018 đến thời điểm 31/12/2021, nhà trường có 08 phó giáo sư trong biên chế. Đến thời điểm 31/12/2022, nhà trường có 07 phó giáo sư trong biên chế (do 01 người nghỉ hưu). Hiện nay, số lượng phó giáo sư đang công tác tại nhà trường là 05 người (do có 02 người nghỉ hưu). Tuy nhiên, 02 giảng viên đó vẫn tiếp tục ký hợp đồng làm việc với nhà trường theo Quy định số 621/QĐ-ĐHNN ngày 12/4/2023 về Quy định ký hợp đồng lao động đối với giảng viên có trình độ cao đã nghỉ hưu của Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng.

Do vậy, ở thời điểm hiện tại, số lượng phó giáo sư thực tế làm việc, giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại trường là 07 thầy cô.

Trước đây, theo khoản 1, Điều 9, Nghị định 141/2013/NĐ-CP, giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và giảng viên có trình độ tiến sĩ đang công tác tại cơ sở giáo dục đại học được kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu để giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, từ năm 2022, Chính phủ có ban hành Nghị định 50/2022/NĐ-CP ngày 2/8/2022 về việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, các phó giáo sư, giáo sư chỉ được kéo dài thời gian công tác tối đa không quá 5 năm (60 tháng) trong khi trước đó là 7 -10 năm.

Trên thực tế, những giảng viên có trình độ tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư là những người có kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu tốt, có đóng góp rất tích cực vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo và phát triển nhà trường. Nhằm có thể tiếp tục sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao này, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng đã ban hành Quy định 621 nói trên. Các thầy cô khi ký hợp đồng làm việc, phải thỏa mãn các điều kiện cụ thể được nêu trong Quy định 621. Số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ của nhà trường tăng đều trong những năm qua, cụ thể:

Sự gia tăng về số lượng tiến sĩ như trên là do nhà trường luôn quan tâm đến việc phát triển đội ngũ giảng viên, tạo mọi điều kiện và hỗ trợ cho cán bộ viên chức, giảng viên đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn trong và ngoài nước. Đây là kết quả của một quá trình phấn đấu dài với sự nỗ lực rất lớn từ cá nhân giảng viên được cử đi học lẫn cán bộ lãnh đạo quản lý các đơn vị trong việc điều phối nguồn nhân lực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của Nhà trường, trong lúc những giảng viên khác đi học tiến sĩ. Đây cũng được xem là chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài của nhà trường.

Ngoài ra, việc tăng số lượng giảng viên là tiến sĩ cũng do sự giảm đi về số lượng thạc sĩ. Cụ thể, nhiều thạc sĩ đã hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ trong và ngoài nước; một số thạc sĩ đã đến tuổi nghỉ hưu và xin nghỉ vì lý do cá nhân”.

Bên cạnh đó, đối với việc nhiều năm liền nhà trường không có giảng viên có chức danh giáo sư, thầy Bình thông tin:

“Việc phấn đấu để được công nhận đạt chuẩn và được bổ nhiệm chức danh giáo sư tại các cơ sở giáo dục đại học luôn là mong mỏi của cá nhân các thầy cô và niềm vinh dự cho nhà trường. Hiện nay, các thầy cô có học hàm phó giáo sư của nhà trường vẫn đang tiếp tục phấn đấu, tích lũy kinh nghiệm và công trình khoa học để có thể đáp ứng các tiêu chuẩn giáo sư của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước. Tuy nhiên, do tiêu chuẩn cao nên lộ trình chuẩn bị điều kiện cũng bị kéo dài hơn.

Quy định 621 của nhà trường ban hành nhằm ký hợp đồng làm việc với thầy cô có trình độ cao, có học vị tiến sĩ, có học hàm phó giáo sư và giáo sư. Thế nhưng đến nay, nhà trường chưa mời được thầy cô nào có học hàm giáo sư do còn gặp khó khăn trong việc thỏa mãn các yêu cầu. Việc chưa có giảng viên là giáo sư không làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của nhà trường. Hiện nay, lực lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ của nhà trường luôn đảm bảo cho quá trình, công tác đào tạo trình độ sau đại học.

Ngoài ra, trên tinh thần phối hợp giữa các cơ sở giáo dục đại học, nhà trường còn mời thêm thầy cô có học hàm phó giáo sư trong khu vực và trên toàn quốc tại một số cơ sở giáo dục đại học tham gia giảng dạy như Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế; Trường Đại học Vinh; Trường Đại học Quy Nhơn và Trường Đại học Đà Lạt. Những giảng viên này đều tham gia rất tích cực và hiệu quả vào quá trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ của nhà trường. Chính vì vậy, các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của nhà trường luôn được đảm bảo với chất lượng ngày càng cao”.

Nhiều năm liền không có nguồn thu từ nghiên cứu khoa học

Theo tìm hiểu của phóng viên trên website, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng có sứ mạng đào tạo và nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa, văn minh nhân loại, góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Theo báo cáo công khai tài chính của nhà trường cụ thể như sau:

 Nguồn thu của Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng trong báo cáo công khai 3 năm học gần đây.

Nguồn thu của Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng trong báo cáo công khai 3 năm học gần đây.

Trước thực tế nguồn thu từ nghiên cứu khoa học của trường nhiều năm liền đều không có, thầy Bình cho hay: “Về hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng hàng năm có từ khoảng 15 đến 22 đề tài khoa học các cấp được giao cho cán bộ giảng viên triển khai thực hiện.

Do đặc thù về ngành nghề đào tạo của nhà trường, các nghiên cứu khoa học dưới dạng đề tài không thực hiện chuyển giao công nghệ trực tiếp để có nguồn thu trực tiếp từ hạng mục này. Các đề tài được triển khai thực hiện và chuyển thành những sản phẩm ứng dụng trực tiếp trong dạy học và phục vụ cộng đồng.

Chính vì vậy, hoạt động nghiên cứu khoa học cũng được ghi nhận đóng góp vào nguồn thu từ những hợp đồng đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho giáo viên phổ thông thuộc các Sở Giáo dục và Đào tạo tại tỉnh/ thành trên cả nước; đào tạo bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ cho giảng viên của các cơ sở giáo dục đại học trong nước.

Theo đó, trung bình mỗi năm, các hoạt động liên quan đến khoa học công nghệ thông qua những hoạt động bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ, dự án và các nguồn thu hợp lệ khác đã mang lại nguồn thu khá lớn cho Nhà trường. Giai đoạn 2019-2023, Nhà trường thu được số tiền trên 23 tỷ đồng, riêng năm 2023 thu được gần 5 tỷ đồng với những hoạt động này".

Cũng theo báo cáo công khai tài chính trong những năm gần đây của Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng, nguồn thu từ học phí, từ nguồn hợp pháp khác đều đang có xu hướng tăng.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Bình chia sẻ: “Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng là đơn vị sự nghiệp công lập có mức độ tự chủ tài chính là tự đảm bảo một phần chi thường xuyên (nhóm 3) theo quy định của Nghị định 60/NĐ-CP. Mức thu học phí thực hiện theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo áp dụng từ năm học 2021- 2022.

Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và nhằm kiểm soát lạm phát, chia sẻ khó khăn với phụ huynh, sinh viên, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 165/2022/NQ-CP chỉ đạo giữ ổn định mức học phí qua các năm học nhằm đảm bảo an sinh, xã hội. Do đó, mức học phí của những cơ sở giáo dục công lập trong đó có Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng được giữ ổn định trong 03 năm học vừa qua (từ năm học 2020-2021 đến năm học 2022-2023).

Đến ngày 31/12/2023 Chính phủ ban hành Nghị định 97/2023/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP trong đó lùi lộ trình tăng học phí 01 năm. Nhà trường khẳng định thu học phí đúng theo các quy định vì vậy, nguồn thu học phí trong 03 năm học gần nhất của nhà trường tương đối ổn định.

Nguồn thu hợp pháp khác trong những năm gần đây có xu hướng tăng nhẹ do đặc thù là một trong ba trường chuyên ngữ của cả nước. Chính vì vậy, nhà trường luôn tận dụng lợi thế này để tích cực tìm kiếm, cung cấp những dịch vụ đào tạo bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ; công tác khảo thí ngoại ngữ cho các địa phương, tổ chức, cá nhân có nhu cầu; tăng cường liên kết hợp tác quốc tế…”.

Quy mô bậc đào tạo sau đại học, đại học vừa làm vừa học có xu hướng giảm

Qua báo cáo công khai về quy mô đào tạo thực tế, phóng viên thấy rằng, những năm gần đây, quy mô đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ và đại học vừa làm vừa học có xu hướng giảm. Trong khi đó, quy mô đào tạo hệ đại học chính quy lại có xu hướng tăng.

 Quy mô đào tạo của Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng trong báo cáo công khai 3 năm học gần đây.

Quy mô đào tạo của Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng trong báo cáo công khai 3 năm học gần đây.

Thông tin về thực tế này, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Bình cho biết: "Đối với bậc đào tạo sau đại học, công tác tuyển sinh và đào tạo sau đại học tại nhà trường trong thời gian qua tuy không tăng mạnh nhưng vẫn duy trì được đà tăng đều, ổn định.

Hiện nhà trường đang triển khai mở thêm một số ngành đào tạo thạc sĩ mới để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Ngoài ra, nhà trường đang có 02 chương trình liên kết với nước ngoài để tạo cho học viên được có cơ hội học tập và nhận bằng của các trường uy tín trên thế giới.

Đối với hệ đào tạo đại học vừa làm vừa học, trong thời gian qua, nhu cầu của xã hội về các ngành đào tạo bằng vừa làm vừa học đã gần đến ngưỡng bão hòa. Như vậy, có thể thấy nhu cầu học không tăng nên số lượng tuyển sinh đối với hệ này của trường có giảm. Tuy nhiên, nhà trường vẫn tuyển sinh được trung bình mỗi năm khoảng 3 - 4 lớp. Bên cạnh ngành Ngôn ngữ Anh truyền thống, Nhà trường cũng tuyển sinh thêm đối với ngành Tiếng Pháp và Tiếng Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu của xã hội".

Mặt khác, theo Tiêu chí 3.1 của Chuẩn cơ sở Giáo dục đại học, từ năm 2030, diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25 m2.

Trong khi đó, theo báo cáo công khai về cơ sở vật chất năm học 2024-2025 của Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng, diện tích đất/sinh viên chỉ đạt 2,7m2. Trong khi quy mô đào tạo sinh viên hệ đại học chính quy của nhà trường đang ngày càng gia tăng.

Về vấn đề này, thầy Bình cho biết: "Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng được Thành phố Đà Nẵng giao sử dụng đất theo Quyết định số 8924/QĐ-UBND ngày 18/12/2006 với diện tích 15.970m2; theo Quyết định số 5080/QĐ-UBND ngày 24/12/2020 phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1:500 Đại học Đà Nẵng, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, Thành phố Đà Nẵng với tổng diện tích đất 1.100.038 m2. Trong đó, nhà trường được sử dụng với diện tích đất 59.237m2.

Ngoài ra, theo chỉ đạo của Đại học Đà Nẵng, cơ sở vật chất trong toàn Đại học Đà Nẵng được dùng chung cho các trường thành viên nên nhà trường được giao sử dụng thêm 1.780 m2 tại cơ sở 41 Lê Duẩn, Quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng. Và với quy mô đào tạo của nhà trường ngày càng tăng Đại học Đà Nẵng sẽ bố trí thêm để đảm bảo theo tiêu chuẩn cơ sở giáo dục đại học.

Với những thực tế trên, nhà trường định hướng đến 2030 vẫn đảm bảo diện tích đất tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25m2".

Tường San

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nguon-thu-nckh-bang-0-truong-dh-ngoai-ngu-da-nang-noi-do-dac-thu-nganh-dao-tao-post245722.gd
Zalo