Ngành khoa học cơ bản: Muốn thu hút cần để SV thấy lợi ích của những ngành này

Theo các chuyên gia, hoạt động truyền thông, hướng nghiệp cần được đẩy mạnh hơn để sớm nuôi dưỡng niềm đam mê với khoa học cơ bản cho học sinh từ phổ thông.

Những năm vừa qua, tình hình tuyển sinh các ngành khoa học cơ bản ở nhiều trường đại học gặp khó khăn. Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục đại học cho hay, hầu hết các ngành khoa học cơ bản đều không tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Thậm chí, không ít thí sinh chỉ xếp những ngành này vào lựa chọn cuối cùng khi đăng ký xét tuyển.

Thực tế trên đặt ra nhu cầu cấp thiết phải có những chính sách hỗ trợ, ưu đãi để phân luồng thí sinh, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu trình độ cao, phục vụ trực tiếp cho việc hoạch định các chiến lược phát triển khoa học, công nghệ của đất nước.

Thiếu nhân sự ngành khoa học cơ bản, quốc gia khó hoạch định chiến lược phát triển lâu dài

Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương chia sẻ: “Khoa học cơ bản là những ngành khoa học nghiên cứu để tìm ra những quy luật bản chất của tự nhiên, tạo ra những tri thức cốt lõi, những hiểu biết mới cho nhân loại. Đó là một số ngành như Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học,...

Những phát hiện từ nghiên cứu khoa học cơ bản là cơ sở cho các nghiên cứu khoa học ứng dụng và là nền tảng cốt lõi nhất cho những tiến bộ về công nghệ, kỹ thuật trong hàng loạt lĩnh vực sản xuất.

Ví như đối với Toán học, các kiến thức từ môn đại số, hình học, những phép tính lượng giác, vi phân, tích phân là công cụ để áp dụng trong nhiều ngành nghề như thiết kế kiến trúc, xây dựng, phân tích mô hình kinh tế,...

Hay trong lĩnh vực sinh học, từ lâu các nhà khoa học đã nghiên cứu về gen, các đột biến, tính trạng, quy luật chọn lọc của tự nhiên, rồi dựa vào đó mới phát triển thành những kỹ thuật lai tạo để tạo nên những giống cây trồng chỉ giữ lại các đặc tính tốt như năng suất cao, sức chống chịu bệnh tốt...”.

 Ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. (Ảnh: Nhật Minh)

Ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. (Ảnh: Nhật Minh)

Theo ông Ngô Văn Sửu, một quốc gia nếu thiếu những cán bộ, nghiên cứu viên chất lượng cao hoạt động trong các ngành khoa học cơ bản sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc hoạch định chiến lược phát triển lâu dài cho nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, cơ khí, y tế,...

So với các nhóm ngành khác, đầu tư cho khoa học cơ bản rất tốn kém. Thời gian để các công trình nghiên cứu trong nhóm ngành này cho ra sản phẩm cuối cùng có thể mất 5 năm hoặc thậm chí hàng chục năm. Chính vì thế, nếu không có những nhân lực chuyên môn giỏi và có thâm niên nghiên cứu, nền khoa học của quốc gia sẽ không tích lũy đủ những sáng kiến, tri thức, thậm chí cả những cách làm thất bại cho thế hệ sau rút kinh nghiệm để tổng hợp thành những lý luận, lý thuyết làm cơ sở cho công nghệ mới.

 Sinh viên ngành Hải dương học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội thực hành tại phòng thí nghiệm. (Ảnh: NVCC)

Sinh viên ngành Hải dương học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội thực hành tại phòng thí nghiệm. (Ảnh: NVCC)

Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: “Nguồn nhân lực về khoa học cơ bản được coi là nguồn nhân lực thực hiện các nghiên cứu khoa học lõi, định hướng sự phát triển cho các lĩnh vực cần đến khoa học công nghệ.

Dù vậy, nhiều trường đại học vẫn gặp khó khăn trong việc tuyển sinh các ngành học này vì khoa học cơ bản đòi hỏi năng lực đầu vào phải tốt. Trong khi đó, sau khi ra trường, vị trí việc làm nghiên cứu viên tại phòng thí nghiệm thường có thu nhập không cao, mà công việc thì cực kỳ khó khăn vì đòi hỏi chuyên môn cao và sự dấn thân lớn.

Với một số bạn trẻ có khát vọng, dù biết rằng khi ra trường sẽ không có thu nhập cao và nhiều cơ hội thăng tiến nhưng họ vẫn lựa chọn cống hiến. Tuy nhiên, họ vẫn gặp một khó khăn khác là sự thiếu thốn về các trang thiết bị và nguồn lực để làm việc và tiến hành các nghiên cứu.

Ngoài ra, ngay ở khâu tuyển sinh, hiện nay có rất ít cơ sở giáo dục đại học công bố chính sách ưu đãi riêng biệt cho sinh viên theo học các ngành khoa học cơ bản. Những năm gần đây, chúng ta mới chỉ thấy những chính sách ưu tiên của nhà nước đối với ngành sư phạm thông qua Nghị định 116/2020/NĐ-CP. Còn với các ngành khoa học cơ bản, gần như là chưa có chính sách hỗ trợ nào cho các bạn trẻ, cũng như nhân lực làm trong lĩnh vực này”.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ (người cầm micro), Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: Linh Anh)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ (người cầm micro), Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: Linh Anh)

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ, chưa cần bàn đến tương lai, trong khoảng 20 năm trở lại đây, nước ta đang rất thiếu nhân lực được đào tạo bài bản, có chất lượng chuyên môn tốt làm việc trong các ngành khoa học cơ bản. Tình trạng này nếu tiếp tục diễn ra sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của nhiều hoạt động kinh tế, sản xuất. Đất nước sẽ không thể xây dựng chiến lược phát triển quốc gia dựa trên lao động chất lượng cao, cũng như là dựa vào khoa học kỹ thuật.

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Hiếu, Trưởng Phòng thí nghiệm Cảm biến sinh học, Khoa Sinh học - Công nghệ sinh học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, hiện nay, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh đã được định hướng tiếp cận với các môn khoa học từ sớm. Với bậc trung học cơ sở, đó là các môn liên quan đến STEAM (bao gồm Science - Khoa học, Technology - Công nghệ, Engineering - Kỹ thuật, Art - Nghệ thuật và Math - Toán học); còn bậc trung học phổ thông là các môn STEM.

“Tuy nhiên, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trong thực tế, nhiều trường vẫn còn thiếu các thiết bị thí nghiệm khi giảng dạy các môn học này khiến các bạn học sinh chưa được tạo điều kiện tối đa để tìm tòi, khám phá, qua đó hình thành nên sự yêu thích với các môn khoa học tự nhiên để rồi đăng ký xét tuyển vào các ngành này ở bậc đại học.

Mặt khác, trước đây các trường đại học đào tạo các ngành khoa học cơ bản tuyển sinh rất tốt, song càng ngày tỷ lệ sinh viên đăng ký càng ít. Nguyên nhân không hẳn do sự hạn chế về cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp mà là vì nhiều thí sinh chọn tổ hợp các môn khoa học xã hội để dễ đạt điểm cao hơn trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông”, thầy Hiếu phân tích.

 Thí sinh tham gia Olympic Sinh học sinh viên Việt Nam lần IV, năm 2024, tổ chức tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Website nhà trường)

Thí sinh tham gia Olympic Sinh học sinh viên Việt Nam lần IV, năm 2024, tổ chức tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Website nhà trường)

Cần làm tốt hơn hoạt động truyền thông về khoa học cơ bản trong công tác tuyển sinh

Trước thực tế nhiều trường đại học trên cả nước gặp khó khi tuyển sinh các ngành thuộc nhóm khoa học cơ bản, ông Ngô Văn Sửu bày tỏ: “Giống như ngành khoa học cơ bản, một thời gian dài trước đây, rất ít sinh viên chọn theo học ngành sư phạm. Thay vào đó, số lượng thí sinh dồn hết các nhóm ngành kinh tế, y tế, kỹ thuật.

Tuy nhiên, những năm gần đây, chính nhờ sự phân luồng của nhà nước, mà điển hình là Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm, những ngành đào tạo giáo viên tuyển sinh rất tốt, điểm chuẩn rất cao.

Ở một góc độ nào đó, chế độ này không chỉ giúp nhóm ngành sư phạm thu hút được những học sinh giỏi đăng ký mà còn giúp xã hội nhìn nhận đúng hơn về vai trò quan trọng của công tác đào tạo giáo viên.

Với khoa học cơ bản, để các ngành này phát triển về lâu dài, phải xây dựng được một đội ngũ nhân lực giỏi về chuyên môn, hoạt động bền bỉ, có năng lực thực hiện các nghiên cứu khoa học khó.

Chính vì vậy, ngay từ khâu tuyển sinh, rất cần những chính sách hỗ trợ thiết thực như của nhóm ngành sư phạm để tăng tính hấp dẫn của ngành nghề. Theo ông Ngô Văn Sửu, hỗ trợ ở đây không chỉ xoay quanh học phí, sinh hoạt phí, mà cần tạo điều kiện đầy đủ hơn về phương tiện nghiên cứu, phòng thí nghiệm hiện đại. Qua đó, sinh viên mới có thể tăng cường thực hành, rút kinh nghiệm thực tế, nuôi dưỡng lòng đam mê ngay khi còn đi học”.

Đồng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ cho rằng mặc dù vẫn còn khá sớm khi nói rằng nhờ các chính sách hỗ trợ về học phí, sinh hoạt phí và ưu đãi về cơ hội việc làm mà nhân lực chất lượng cao đã dồn về khối ngành sư phạm. Song, cũng cần phải thừa nhận rằng, những chính sách này chính là chất xúc tác để thay đổi nhận thức của các bạn trẻ, khiến các bạn ngày càng quan tâm hơn đến khối ngành sư phạm.

“Bài học thành công của nhiều quốc gia trên thế giới là phải có những điều kiện đặc biệt để đầu tư cho khoa học cơ bản. Khi đó, các ngành này mới có thể thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng tốt ở đầu vào để các cơ sở giáo dục đại học đào tạo cho đến khi họ lành nghề. Các chính sách ưu đãi cần quan tâm đầu tư cho các điều kiện, môi trường nghiên cứu để tăng hứng thú, động cơ, khuyến khích những người có khát vọng, có năng lực gắn bó lâu dài với ngành.

Tuy nhiên, trước khi có những chế độ, ưu đãi từ nhà nước, hoạt động tôn vinh những nhà nghiên cứu làm khoa học cơ bản cần được đẩy mạnh hơn để lan tỏa tinh thần bền bỉ vượt khó, khát vọng đến các bạn trẻ, giúp các bạn có thêm động lực và niềm tin vào con đường học tập của mình”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ nói.

Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Hiếu cho biết, từ sau đại dịch Covid-19, rất nhiều người được chứng kiến một cách sinh động cách các ngành khoa học cơ bản, trong đó có sinh học, đóng góp như thế nào cho xã hội. Để nghiên cứu và sản xuất ra vacxin, bộ kit xét nghiệm, thuốc điều trị,... trong thời gian ngắn để phục vụ chống dịch đòi hỏi các nhà nghiên cứu phải có kiến thức rất sâu rộng không chỉ trong lĩnh vực Sinh học, mà bao gồm cả Hóa học, Vật lý - những môn học rất quen thuộc trong chương trình giáo dục phổ thông.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Hiếu, Trưởng Phòng thí nghiệm Cảm biến sinh học, Khoa Sinh học - Công nghệ sinh học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Website nhà trường)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Hiếu, Trưởng Phòng thí nghiệm Cảm biến sinh học, Khoa Sinh học - Công nghệ sinh học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Website nhà trường)

“Nếu có một chính sách hỗ trợ cho sinh viên theo học của các ngành khoa học cơ bản, điều đó sẽ rất tốt. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một thực tế rằng, bất cứ ngành học nào cũng có những khó khăn, thách thức đặc thù.

Với các ngành khoa học tự nhiên (như Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học), một trong những công tác chưa làm thực sự tốt nhiều năm qua là giúp cho học sinh thấy rằng nếu các bạn theo học những ngành này sẽ đem lại lợi ích gì. Hoạt động tư vấn tuyển sinh hiện nay vẫn đang diễn ra trong một thời gian rất ngắn, khiến các bạn học sinh chưa nhận thức sâu sắc về điều này. Do đó, cần phải có những talkshow, những buổi trao đổi rộng rãi hơn với nội dung tập trung sâu vào việc giải thích nếu các bạn học sinh lựa chọn các ngành khoa học cơ bản, các bạn sẽ nghiên cứu những gì và đóng góp thực tế cho xã hội như thế nào.

Điểm mấu chốt của hoạt động này là cho các bạn học sinh nhìn thấy sự kết nối liên ngành giữa các lĩnh vực. Ví dụ như với môn Sinh học và câu chuyện Covid-19. Thực tế các bạn không nhất thiết tuyệt đối chỉ học một môn học nào đó mà có thể kết hợp kiến thức từ những ngành khác để phát triển trong ngành chung là khoa học sự sống.

Thứ hai, hoạt động Open Day (ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp) tại các trường đại học nên được đẩy mạnh hơn, để các bạn học sinh có thể tới gặp gỡ trực tiếp các cán bộ quản lý, nghiên cứu viên làm việc tại các phòng thí nghiệm. Tại đó, các bạn có thể hỏi bất cứ điều gì mình quan tâm, được tương tác với các hiện vật, mô hình nhà trường đã chuẩn bị để có cái nhìn sâu sắc nhất, thực tế nhất cách các ngành khoa học đang đóng góp những gì cho xã hội.

Ngoài ra, cũng cần tăng cường đầu tư phòng thí nghiệm khoa học cho các trường phổ thông để ngay từ trung học cơ sở, trung học phổ thông các bạn học sinh đã được tạo điều kiện thực hiện các thí nghiệm đơn giản, qua đó khuyến khích các bạn sự tìm tòi, sáng tạo”, thầy Hiếu đề xuất.

Minh Quân

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nganh-khoa-hoc-co-ban-muon-thu-hut-can-de-sv-thay-loi-ich-cua-nhung-nganh-nay-post245843.gd
Zalo