Nguồn thu không tưởng của TikTok từ 'ăn xin mạng'
Điều tra của tờ Guardian cho thấy các buổi livestream xin ăn được thuật toán tích cực quảng bá và giúp TikTok thu lợi nhuận lớn bằng cách thu phí và hoa hồng lên tới 70%.

Ba đứa trẻ ngồi xổm trước ống kính máy quay, hai tay úp vào nhau. "Xin hãy ủng hộ chúng con. Chúng con rất nghèo", một cậu bé nói, nhìn thẳng vào ống kính.
Chúng dường như đang ở trong một túp lều bằng gạch bùn ở Afghanistan và sống trong cảnh nghèo đói cùng cực. Tuy nhiên, buổi livestream này lại đang tiếp cận người xem mạnh mẽ hơn bao giờ hết ở Anh và trên toàn thế giới, thông qua TikTok Live.
Trong nhiều giờ, chúng xin những món quà "ảo" mà sau này có thể đổi thành tiền. Khi nhận được một món quà, bọn trẻ liền vỗ tay lịch sự.
Tính phí cắt cổ
Trong một buổi livestream khác, một cô bé nhảy lên và hét lớn "cảm ơn, chúng con yêu cô!" sau khi nhận được một bông hồng, món quà từ một phụ nữ ở Mỹ đã mua nó từ TikTok với giá khoảng 0,01 USD. Tuy nhiên, sự thật là đến khi được quy đổi thành tiền mặt, giá trị của nó có thể chưa bằng 1/3 số tiền ấy.
Theo quy định, TikTok cấm trẻ em và các hình thức "ăn xin mạng" khác mà họ cho là mang tính bóc lột, đồng thời khẳng định có các chính sách nghiêm ngặt đối với người dùng phát trực tiếp nội dung này.

Những buổi livestream "ăn xin mạng" xuất hiện dày đặc trên TikTok. Ảnh: TikTok.
Tuy nhiên, cuộc điều tra của Guardian cho thấy tình trạng này đang được phổ biến trên nền tảng video ngắn này. Thậm chí, các buổi livestream theo kiểu "ăn xin mạng" còn được thuật toán tích cực quảng bá và giúp TikTok thu lợi nhuận từ nội dung này, bằng cách thu phí và hoa hồng lên tới 70%.
Olivier de Schutter, đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về nghèo đói và nhân quyền, gọi xu hướng này là một "diễn biến gây sốc" và cáo buộc TikTok và các bên trung gian "kiếm lời từ sự khốn khổ của người dân".
"Việc cắt xén lợi nhuận từ sự đau khổ của người khác không khác gì hành vi săn mồi trên không gian mạng. Tôi kêu gọi TikTok hành động ngay lập tức và thực thi các chính sách về hành vi ăn xin mạng mang tính bóc lột, đồng thời nghiêm túc xem xét lại khoản hoa hồng mà họ đang thu về từ những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới", Schutter nói.
Theo Guardian, cuộc điều tra được thực hiện từ tháng 1-4/2025 đã tìm thấy bằng chứng về hành vi ăn xin mạng và các hoạt động liên quan ở các quốc gia bao gồm Indonesia, Pakistan, Afghanistan, Syria, Ai Cập và Kenya.
Nhiều buổi livestream này là cảnh các thành viên trong gia đình cầu xin sự giúp đỡ từ cộng động mạng, với bối cảnh thường là những ngôi nhà xập xệ. Tuy nhiên, ẩn sau một số buổi phát sóng này dường như mang dấu hiệu của hoạt động ăn xin mạng có tổ chức.
Ăn xin mạng có tổ chức
Guardian dẫn chứng một tài khoản trên TikTok, phát sóng gần như hàng ngày thường xuyên có sự xuất hiện của nhiều trẻ em khác nhau. Trong một buổi phát sóng vào tháng 2, tài khoản này xuất hiện 7 cậu bé đang xin quà.
Đến ngày hôm sau, những cậu bé khác xuất hiện ở cùng một địa điểm, ngồi cạnh hai người lớn giống nhau. Sau khi được Guardian thông báo về tài khoản này, TikTok đã lập tức khóa nó trong vòng hai giờ. Đáng chú ý, một báo cáo trước đó thông qua công cụ trong ứng dụng lại dường như bị "phớt lờ".

Một livestream với những đứa trẻ nhìn vào màn hình và vỗ tay khi nhận được quà. Ảnh: TikTok.
Cuộc điều tra mới đây tiếp tục tìm thấy một tài khoản khác với 5.300 người theo dõi có hình ảnh một ông già ngồi xe lăn. Guardian cho rằng tài khoản này dường như được điều hành bởi một bên thứ ba nhưng không có thông tin về danh tính. Phần mô tả tài khoản có dòng chữ "người nghèo" kèm theo biểu tượng cảm xúc mặt khóc.
Nguy hiểm hơn, ngoài hành vi ăn xin, ở các buổi livestream, những người nghèo sẵn sàng thực hiện những hành động hạ thấp nhân phẩm và đôi khi nguy hiểm chỉ để đổi lấy quà ảo. Đáng chú ý có thể kể đến những hành động nguy hiểm như tự đánh vào người, thức khuya, bôi bùn lên người hoặc ngủ trước ống kính.
Một buổi livestream ở Indonesia cho thấy hai cô bé nằm trên sàn lát gạch trong một studio nhỏ, không cửa sổ và tường trắng. Chỉ sau đó vài ngày, cùng tài khoản đó đã phát trực tiếp cảnh một người đàn ông đang ngủ trên sàn lát gạch tương tự.
Một buổi phát sóng khác từ Pakistan cho thấy 3 người đàn ông ngồi trong bóng tối với những chiếc xô nhựa và đội mũ dự tiệc trên đầu. Họ dường như ngủ gật trước ống kính và chỉ tỉnh dậy khi nhận được quà để thực hiện một điệu nhảy.
Ra mắt vào tháng 8/2020, TikTok Live là một phần của ứng dụng nơi nhà sáng tạo có thể phát sóng cho người xem theo thời gian thực.
Theo TikTok, 100 triệu người đã phát trực tiếp vào năm 2024, tiếp cận "hàng tỷ người dùng". Những người dùng này có thể tương tác với nhà sáng tạo ngay trên sóng livestream bằng cách gửi bình luận hoặc tặng quà.
Novita Anggraeni, một chuyên gia về hòa nhập xã hội tại Indonesia thuộc tổ chức từ thiện Care International, cho biết nhiều nhà sáng tạo đã sử dụng TikTok Live để "thể hiện tài năng" hoặc "kết nối với mọi người.

Guardian cho rằng các buổi livestream theo kiểu "ăn xin mạng" được thuật toán TikTok tích cực quảng bá và mang lại lợi nhuận lớn bằng cách thu phí và hoa hồng lên tới 70%. Ảnh: TikTok.
Nền tảng này thường được sử dụng bởi những người quay phim cảnh họ hát, nhảy, chơi trò chơi điện tử, vẽ tranh hoặc nấu ăn. Tuy nhiên, Anggraeni nhấn mạng TikTok Live đang ngày càng bị lạm dụng bởi những người coi đó là "con đường tắt để kiếm tiền", với các video "độc hại" về hành vi ăn xin và các hành vi liên quan đang phát triển rất nhanh chóng.
Trong khi đó, Marwa Fatafta của tổ chức quyền kỹ thuật số Access Now cho biết cách TikTok Live được thiết kế đã khuyến khích ăn xin mạng và các hành vi rủi ro tương tự do cơ chế tương tác sẽ tăng phần thưởng.
"TikTok không nỗ lực đủ để đảm bảo rằng kết quả không mong muốn này đang được giải quyết. Tại thời điểm này, việc bóc lột cho mục đích ăn xin có tổ chức không chỉ là một rủi ro có thể thấy trước, mà nó còn là một rủi ro hiện hữu. Vì vậy, nền tảng cần phải giải quyết vấn đề này", Fatafta nói thêm.
Sau khi cuộc điều tra được công bố, TikTok cho biết đã có hành động mạnh mẽ, bao gồm việc xóa các tài khoản bị Guardian gắn cờ. "Bất kỳ nội dung livestream nào có trẻ em xin quà đều không được phép xuất hiện trên TikTok", phát ngôn viên của TikTok tuyên bố.