Nguồn sức mạnh tinh thần bước vào kỷ nguyên mới

Đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trên chặng đường mới, những tư tưởng, lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân vững tin chào đón những cơ hội, vận hội mới của đất nước. Phóng viên (PV) Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) đã có cuộc phỏng vấn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Ngọc Trâm, Trường đại học Thủ Dầu Một về nội dung này.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Ngọc Trâm là một trong những thành viên tham gia sáng lập và xây dựng chương trình giảng dạy bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh).

Học và làm theo Bác bằng trái tim

PV: Là giảng viên giảng dạy bộ môn Lịch sử, có nhiều thời gian nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chắc chắn trong những ngày tháng Năm - tháng với nhiều hoạt động hướng về kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Bác, ông có những cảm xúc rất đặc biệt?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Ngọc Trâm: Mỗi lần nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi luôn có cảm xúc rất đặc biệt - đó là sự kính trọng sâu sắc, lòng biết ơn và niềm tự hào dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với tôi không chỉ là một lãnh tụ kiệt xuất, nhà tư tưởng lớn mà còn là hiện thân cho tinh thần dân tộc và phẩm chất đạo đức cách mạng của người Việt Nam hiện đại. Khi nghiên cứu sâu về cuộc đời, tư tưởng và phong cách của Người, tôi cảm nhận được ở Bác sự kết tinh đặc biệt giữa trí tuệ phương Đông và phương Tây, giữa chủ nghĩa yêu nước truyền thống và chủ nghĩa nhân văn hiện đại. Bác không chỉ là người mở đường cho cách mạng Việt Nam mà còn gieo mầm lối sống chân thành, khiêm tốn, yêu thương con người, đầy tính nhân văn và triết lý sống sâu sắc.

Lãnh đạo tỉnh tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân xuất sắc trong học và làm theo Bác tại lễ kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lãnh đạo tỉnh tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân xuất sắc trong học và làm theo Bác tại lễ kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong giảng dạy, tôi luôn nỗ lực truyền đạt đến sinh viên không chỉ kiến thức lịch sử mà còn là cảm hứng và niềm tin vào những giá trị bền vững mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại. Những lúc đứng lớp, chia sẻ về quê hương, gia đình Bác; hành trình Bác ra đi tìm đường cứu nước; phong cách làm việc giản dị mà hiệu quả của Người..., tôi nhận thấy ánh mắt chăm chú của sinh viên. Điều đó cho thấy sức sống mạnh mẽ và sự lan tỏa kỳ diệu của tư tưởng Hồ Chí Minh qua từng thế hệ.

PV: Khi Bộ Chính trị ban hành và triển khai Chỉ thị 05/CT-TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã được đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân hưởng ứng và thực hiện với hàng trăm ngàn phần việc, mô hình hoạt động hiệu quả. Ông có thể chia sẻ về điều này?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Ngọc Trâm: Khi nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, ai trong chúng ta cũng một lòng kính trọng, biết ơn và ngưỡng mộ chân thành. Và tôi nghĩ, đó chính là lý do quan trọng khiến Chỉ thị 05 được đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tích cực hưởng ứng. Từ phong cách làm việc và cuộc sống của Người, chúng ta đã đúc kết được học và làm theo Bác chính là quá trình thực hành phương pháp khoa học: thực tiễn - lý luận - thực tiễn. Cụ thể, đó chính là phong cách nói đi đôi với làm, làm việc dân chủ, gần gũi, khoa học. Chỉ thị 05 đã khẳng định vai trò đạo đức trong nền tảng phát triển đất nước, chính vì thế, khi triển khai, từ cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân với sự kính trọng của mình đã tích cực học tập và làm theo Bác. Từ tác phong nêu gương, xây dựng lối sống liêm, chính, giản dị của mỗi cán bộ, đảng viên đến lối sống đẹp, tử tế, thiếu niên, nhi đồng rèn luyện theo 5 điều Bác dạy… được triển khai rộng khắp với rất nhiều việc làm tốt đẹp. Tất cả đã tạo tiền đề cho nền công vụ phục vụ, xây dựng văn hóa chính trị và nền hành chính phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập.

Vững tin bước vào kỷ nguyên mới

PV: Cả cuộc đời của Bác có thể gói gọn trong 4 từ “vì nước, vì dân”. Vậy ông có thể chia sẻ thêm, học và làm theo Bác chúng ta nghĩ tới những việc làm gì và cần thực hiện như thế nào?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Ngọc Trâm: Học và làm theo Bác không phải điều gì xa vời hay hình thức, mà chính là bắt đầu từ những hành động cụ thể, gần gũi đời sống hằng ngày. Cả cuộc đời của Bác gói gọn trong 4 từ “vì nước, vì dân”, nên học theo Bác cũng chính là học tinh thần phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân bằng tất cả sự chân thành, liêm khiết và trách nhiệm.

Những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn để mỗi người dân Việt Nam sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc

Những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn để mỗi người dân Việt Nam sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc

Để làm được, mỗi cán bộ, đảng viên phải tiếp tục nêu gương đạo đức, lối sống giản dị, tận tụy với công việc và trách nhiệm với nhân dân. Với người dân, học và làm theo Bác chính là lao động chân chính, lối sống tử tế, giúp đỡ mọi người. Với thế hệ trẻ là chăm chỉ học tập, rèn luyện, có hoài bão, cống hiến.

Học và làm theo Bác sẽ hiệu quả khi chúng ta thực hiện theo phương pháp: từ nhỏ đến lớn, từ cá nhân đến tập thể; làm tốt công việc chuyên môn, tinh thần tự soi, tự sửa để tự rèn luyện đạo đức, mỗi ngày cũng tự kiểm điểm mình để bản thân hoàn thiện hơn.

PV: Học tập và làm theo Bác sẽ cho chúng ta niềm tin như thế nào để tất cả cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân vững tin bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thưa ông?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Ngọc Trâm: Học và làm theo Bác, điều đầu tiên mỗi chúng ta nhận được chính là niềm tin vào con đường chính nghĩa mà Đảng và dân tộc đã lựa chọn, đó là con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Thứ hai, học theo Bác là học cách tin vào sức mạnh nội lực của dân tộc mình. Bác luôn đặt niềm tin vào nhân dân, vào lòng yêu nước, trí tuệ, phẩm chất của người Việt Nam. Khi làm theo Bác, chúng ta thêm vững tin rằng: dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, nếu mỗi người Việt đều phát huy được phẩm chất tốt đẹp thì dân tộc ta sẽ không thua bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Thứ ba, học Bác là học tinh thần cống hiến không màng danh lợi, học đức tính giản dị, chí công vô tư, tận tụy vì dân, vì nước. “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp”. Và khi những bông hoa ấy cùng nở, cả đất nước sẽ rực rỡ sắc xuân. Đó là niềm tin vào sự đổi thay, bắt đầu từ chính mỗi con người cụ thể. Và học Bác là học tinh thần “Đoàn kết, kỷ luật và trách nhiệm” - điều đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới, đầy cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Đoàn kết là sức mạnh vô địch. Kỷ luật là nền tảng cho hành động hiệu quả và trách nhiệm chính là thước đo phẩm giá của người cán bộ, đảng viên!

“Chỉ thị 05/CT-TW không chỉ là một văn bản chỉ đạo mang tính chính trị mà còn chạm đến trái tim, lương tri và trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam. Khi học và làm theo Bác, người dân không chỉ tuân thủ chủ trương mà còn được truyền cảm hứng từ tình cảm thiêng liêng đã tồn tại trong lòng dân tộc từ lâu. Chính vì vậy, các phong trào, mô hình, phần việc cụ thể gắn với Chỉ thị 05 đã trở nên sinh động, thiết thực và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Ngọc Trâm

Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên hội nhập, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và đặc biệt là kỷ nguyên dân tộc Việt Nam đang vươn mình mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trong hành trình ấy, học và làm theo Bác, chúng ta có niềm tin son sắt vào Đảng, vào dân tộc, vào chính mình để mỗi người trở thành một mắt xích bền vững trong guồng quay xây dựng đất nước.

PV: Trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Ngọc Trâm!

Nguyễn Nga (thực hiện)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/554/172910/nguon-suc-manh-tinh-than-buoc-vao-ky-nguyen-moi
Zalo