Nguồn khách nào cho du lịch Việt Nam trong năm 2025?

Năm 2025, Việt Nam phấn đấu đón từ 22-23 triệu lượt khách du lịch quốc tế; phục vụ 120-130 triệu lượt khách du lịch nội địa. Đây là mục tiêu cao nhất về đón khách quốc tế trong năm mà ngành du lịch Việt Nam được đặt ra từ trước đến nay.

Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến khó lường và cạnh tranh điểm đến ngày càng gia tăng, mục tiêu từ 22-23 triệu lượt khách du lịch quốc tế được dự báo là khó khăn với Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng du lịch Việt Nam phải đồng thời mở rộng các nguồn khách và đào sâu các thị trường quen thuộc, song song với việc việc hoàn thiện dịch vụ, quản lý điểm đến ở trong nước.

Khai thác tối đa các thị trường gần

Theo kế hoạch dự kiến năm 2025, ngành du lịch Việt Nam sẽ tổ chức các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam, kết nối doanh nghiệp tại các thị trường nói tiếng Trung; thị trường Hàn Quốc; thị trường Nhật Bản; thị trường Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore)…

Cả năm 2024, châu Á đóng góp gần 80% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Riêng 4 thị trường lớn ở Đông Bắc Á gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản đóng góp gần 60%. Đây được coi là những nguồn khách chính của du lịch Việt Nam nhờ kết nối đường bay thuận lợi, có khả năng tăng trưởng cao và về số lượng và chất lượng và du khách từ một số thị trường được miễn thị thực nhập cảnh.

Thị trường châu Á là nguồn khách quan trọng tại Phú Quốc và nhiều điểm đến của Việt Nam.

Thị trường châu Á là nguồn khách quan trọng tại Phú Quốc và nhiều điểm đến của Việt Nam.

Nghiên cứu của The Outbox Company mới đây cho rằng, Malaysia và Hàn Quốc là những thị trường nhiều tiềm năng nhất của du lịch Việt Nam trong thời gian tới. Theo đó, Malaysia là một trong những thị trường nguồn lớn nhất ở Đông Nam Á, còn Hàn Quốc là nguồn khách có sức chi tiêu hàng đầu trong khu vực.

Theo The Outbox Company, đến cuối năm 2023, chi tiêu du lịch nước ngoài của khách du lịch Malaysia đạt 11,2 tỷ USD, phục hồi 90% so với năm 2019. Nhu cầu du lịch rất lớn, với 84% người Malaysia có kế hoạch thực hiện các chuyến đi nước ngoài, trung bình 1,9 chuyến trong 6 tháng tới (kể từ tháng 12/2024). Những năm qua, khách du lịch Malaysia có sự ổn định và duy trì tỷ trọng đáng kể trong tổng lượng khách đến Việt Nam.

Về Hàn Quốc, The Outbox Company cho rằng đây sẽ là quốc gia chi tiêu nhiều nhất tại châu Á, với chi tiêu cho du lịch đạt 27,8 tỷ USD vào năm 2024. Du lịch nước ngoài của quốc gia này đang gần phục hồi trở lại mức trước đại dịch như năm 2019, trong đó Nhật Bản và Việt Nam là những điểm đến phổ biến nhất. Năm 2024, khách Hàn Quốc chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu khách quốc tế đến Việt Nam. Đáng chú ý, phân khúc du khách người cao tuổi ở Hàn Quốc đang có mức tăng trưởng cao hơn mức trung bình (tính riêng về đi du lịch nước ngòa)i, vì vậy các chiến dịch tiếp thị nên nhắm trực tiếp vào nhóm tuổi này.

Khách quốc tế trải nghiệm ghép tranh từ vải vụn tại cơ sở Vụn Art, Hà Nội.

Khách quốc tế trải nghiệm ghép tranh từ vải vụn tại cơ sở Vụn Art, Hà Nội.

Đa dạng hóa nguồn khách quốc tế

Ông Michael Kokalari, Chuyên gia kinh tế của VinaCapital cho rằng bối cảnh bất ổn của kinh tế và chính trị thế giới sẽ khiến lượng du khách từ Trung Quốc, châu Âu đến Việt Nam khó phục hồi ngay trong năm 2025: “Thị trường khách Trung Quốc chưa khôi phục hoàn toàn do nền kinh tế yếu, ngoài ra kinh tế châu Âu cũng suy giảm. Trung Quốc đang định hướng lại nền kinh tế sản xuất nên cần nhiều năm tới để phục hồi”.

Lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam năm 2024 thấp hơn đáng kể so với giai đoạn trước dịch Covid-19, và được dự báo tiếp tục phục hồi chậm so với năm 2025. Theo các chuyên gia, điều này do nhiều nguyên nhân như Trung Quốc đang ưu tiên du lịch trong nước, bao gồm cả khách quốc tế đến và khách nội địa, thay vì khuyến khích người dân ra nước ngoài, đồng thời khách Trung Quốc cũng đang ưu tiên lựa chọn các điểm đến được miễn thị thực như Thái Lan, Singapore, Malaysia… Ngoài ra, khách du lịch theo đoàn từ Trung Quốc đến từng quốc gia vẫn chịu sự điều tiết, trong đó một số điểm đến chưa nằm trong danh sách được đón tour theo đoàn từ Trung Quốc.

Du khách Ấn Độ được chào đón tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội

Du khách Ấn Độ được chào đón tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dự báo nguồn khách từ thị trường Đài Loan (Trung Quốc) đến Việt Nam, vốn đã tăng trưởng trên 50% trong năm nay so với năm 2023, khó tiếp tục sự bùng nổ vào năm 2025 mà dần bước vào giai đoạn ổn định. Sự mở cửa và thu hút mạnh mẽ của một số điểm đến trong khu vực được dự báo kéo đi một phần khách Đài Loan, thay vì tập trung nhiều vào các tour du lịch Việt Nam như năm 2024.

Trong mục tiêu đa dạng hóa nguồn khách cho du lịch Việt Nam, châu Âu và các nước nói tiếng Anh là những thị trường quan trọng, đặc biệt là những thị trường được hưởng chính sách miễn thị thực đơn phương nhập cảnh vào Việt Nam với thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày như Anh, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha… và những nước có nhiều đường bay thẳng thuận tiện tới Việt Nam như Australia. Một báo cáo gần đây của Hiệp hội Du lịch Australia (ATIA) cho thấy nhu cầu của du khách Australia về các điểm đến như Nhật Bản, Việt Nam và Indonesia đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Du khách Australia tham quan vịnh Lan Hạ.

Du khách Australia tham quan vịnh Lan Hạ.

Ông Nguyễn Hạnh - Tổng giám đốc của Intrepid Travel tại Việt Nam cho biết các thị trường nói tiếng Anh (Australia, New Zealand, Tây Âu, Bắc Mỹ…) sẽ là nguồn khách quan trọng của Việt Nam trong năm 2025 và những năm tiếp theo. Đáng chú ý là các thị trường Australia, New Zealand, Anh, Mỹ, Canada đang tăng trưởng tốt.

“Các tour du lịch Việt Nam đang đứng top đầu về lượng đặt chỗ sớm năm 2025, và Việt Nam cũng xếp thứ 8 trong danh sách tất cả điểm đến toàn cầu mà Intrepid đang khai thác tour du lịch. Trong top 20 tour du lịch mà Intrepid bán chạy nhất trên toàn cầu thì Việt Nam cũng có 3 sản phẩm. Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng 15 – 20% lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2025”, ông Nguyễn Hạnh cho biết.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng là thị trường khổng lồ và đầy hứa hẹn cho du lịch Việt Nam. Với sự gia tăng đáng kể về kết nối hàng không, chính sách thị thực thuận lợi và mong muốn khám phá thế giới ngày càng tăng, thị trường du lịch Ấn Độ đã đạt được những cột mốc chưa từng có. Sự gần gũi về văn hóa và địa lý đóng vai trò quan trọng khi người Ấn Độ du lịch nước ngoài, với khoảng 70% du khách Ấn Độ lựa chọn các điểm đến ở Trung Đông và Nam Á.

Hải Nam/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/nguon-khach-nao-cho-du-lich-viet-nam-trong-nam-2025-post1146354.vov
Zalo