Người Việt xây dựng văn hóa số
Cuốn sách đầu tiên về văn hóa số đến từ chuyên gia của Việt Nam được mang tên: Văn hóa số - Gỡ bỏ rào cản trong chuyển đổi số. Văn hóa luôn là yếu tố đầu tiên và cũng là yếu tố cốt lõi quyết định sự phát triển bền vững của một quốc gia, dân tộc, và cũng là giá trị cốt yếu mang tính nhận diện thương hiệu. Trong bối cảnh chuyển đổi số, quá trình xây dựng, bồi dưỡng văn hóa số vô cùng quan trọng, cần tới một chiến lược và tầm nhìn dài hạn, song cũng cần có những giải pháp thiết thực, cụ thể.
Hợp tác trong văn hóa số nghĩa là chia sẻ. Đó là sự chia sẻ những ý tưởng, dữ liệu để phục vụ cộng đồng, phục vụ đối tác. Chia sẻ hạ tầng dùng chung hoặc công cụ để tối ưu chi phí, chia sẻ kỹ năng và kiến thức để cùng giải quyết vấn đề của khách hàng tốt hơn. Hợp tác trong văn hóa số cũng là kết nối sức mạnh của cộng đồng để tạo ra những giá trị bền vững hơn. Đây được coi là một trong những đóng góp quan trọng của cuốn sách.
Tác giả luôn đặt ra câu hỏi: muốn làm văn hóa số thì bắt đầu từ đâu? Hãy bắt đầu từ việc đo lường, bạn chỉ có thể quản trị được những gì bạn có thể đo lường được. Tuy nhiên, trước khi việc đo lường được tiến hành, bạn cần phải hiểu rõ những gì bạn muốn đo và kết quả sau khi đo sẽ được dùng để làm gì.
Vậy đo lường văn hóa số là đo lường cái gì?
Đó là đo lường tổ chức có tạo được môi trường, cơ chế, chính sách, công cụ và công nghệ để nhân viên thực thi. Ngoài ra, cũng cần phải đo lường xem các cá nhân nhận thức và hành xử như thế nào, hợp tác nội bộ và với bên ngoài ra sao. Cuối cùng, cũng cần phải đo lường xem các biểu hiện của văn hóa số được nhìn và cảm nhận thế nào trong tổ chức, từ văn phòng được thiết kế, cho đến nội dung truyền thông, hay những hoạt động nhằm gia tăng gắn kết, thu hút nhân tài.
Tác giả cũng chỉ ra cần đặc biệt chú ý tới “chiếc cửa sổ vỡ”. Bắt nguồn từ một lí thuyết khởi xướng bởi một nhà tâm lí học Philip Zimbardo và phát triển bởi nhà khoa học xã hội George Kelling. Nghĩa là nếu một chiếc cửa sổ bị vỡ kính mà cứ để vậy không sửa chữa thì những người đi qua sẽ không quan tâm, không thấy có trách nhiệm, cũng không thấy có vấn đề gì. Không lâu sau, nhiều cánh cửa sổ khác sẽ bị đập vỡ và dần ý thức về sự vô chủ, hỗn loạn sẽ lan rộng.
Bài học rút ra đó là, nếu tất cả mọi người đều nhìn thấy vấn đề nhưng không ai giải quyết, họ sẽ hạ thấp tiêu chuẩn về mọi thứ của tổ chức. Hậu quả lâu dài là những điều lớn lao hơn cũng sẽ được thực hiện với tiêu chuẩn thấp như vậy.
Một vấn đề nữa khá thú vị được tác giả đặt ra: làm sao để biết mình định hình vậy là đúng hay sai.
Văn hóa luôn là sự lựa chọn, sẽ không có đúng hay sai. Các chiều kích văn hóa hoàn toàn phụ thuộc vào đặc trưng đến từ văn hóa bản địa, văn hóa quốc gia, văn hóa tổ chức, văn hóa cá nhân. Hiểu đơn giản thì văn hóa chính là cái cây bạn trồng. Chúng ta chọn cây lấy gỗ hay cây lấy trái là lựa chọn của chúng ta. Định hình văn hóa thế nào thì cũng cần giữ bản sắc riêng, giúp tổ chức phát triển bền vững, đạt được mục đích lớn hơn.
Văn hóa số không số hóa con người mà nó giúp con người làm việc hiệu quả hơn trong quá trình chuyển đổi số.
Đặc trưng của văn hóa số có thể được gọi tên: Hợp tác, sáng tạo, nhạy bén, đồng cảm, dám thử nghiệm những điều chưa từng thử nghiệm. Đó luôn là những biểu hiện của một con người số trong một tổ chức có văn hóa số mạnh.
Trong bộ chỉ số đo lường mức độ chuyển đổi số do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, văn hóa số là một trong 6 trụ cột cùng với khách hàng, chiến lược, công nghệ, vận hành, dữ liệu.
Vậy thì khi khởi động xây dựng văn hóa số cho tổ chức, sau tất cả, mọi đơn vị tổ chức có thể lựa chọn cách này hay cách khác. Một lần nữa tác giả nhấn mạnh, văn hóa luôn là sự lựa chọn có chủ đích của mỗi chủ thể khi vận hành. Người đứng đầu tổ chức đơn vị, địa phương sẽ hiểu rõ nhất chỉ số nào thực sự cần thiết cho mình.
Tác giả Lê Quang Vũ, Ceo của Công ty Blue C - một công ty chuyên tư vấn về văn hóa doanh nghiệp. Hiện các tập đoàn, tổng công ty lớn như Mobifone, Vietnam Airlines, Petrolimex, SHB đều được Blue C tư vấn. Văn hóa số là khái niệm được nhắc nhiều vào cuối thế kỷ XX. Nhiều công ty lớn trên thế giới đã quan tâm tới vấn đề này. Sách của tác giả Lê Quang Vũ bàn về một chủ đề vừa mang tính thời sự, lại đậm tính cốt lõi. Khi văn hóa số được định hình, được gìn giữ và phát huy, chắc chắn sẽ mang lại sức mạnh nội sinh cho tổ chức số. Điểm đặc sắc của cuốn sách, đó là viết về văn hóa, lại rất khoa học, chỉ rõ trong hệ thống dữ liệu, định vị rõ ràng từng thành tố. Có cảm giác, Lê Quang Vũ đang bóc từng lớp hành, mỗi lớp áo là thêm một sự nhận diện từng thành tố, đặc điểm kết cấu nên bản sắc số cho đơn vị, tổ chức. Sách cũng có thể được coi là cẩm nang số cho bất cứ đơn vị tổ chức nào trong hành trình xây dựng văn hóa số. Điểm cộng của sách còn là trình bày bắt mắt, dễ nhận diện. Đây cũng được xem là điểm chạm độc giả tốt, nhất là trong bối cảnh nhiều người thích đọc sách online hơn sách in.