Dự án đường sắt tốc độ cao - cơ hội vàng cho công nghiệp hỗ trợ

Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam là một trong những dự án chiến lược phát triển hạ tầng giao thông của quốc gia, hứa hẹn tạo cú hích phát triển kinh tế-xã hội.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Nguyễn Vân, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) TP Hà Nội (HANSIBA) khẳng định, dự án này là cơ hội rất lớn cho ngành CNHT, cần có cơ chế, chính sách để doanh nghiệp trong nước có thể tham gia đầu tư.

Ông Nguyễn Vân.

Ông Nguyễn Vân.

Phóng viên (PV): Thưa ông, thực hiện chủ trương của Đảng, căn cứ đề xuất của Chính phủ, Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam. Dự án này có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của đất nước?

Ông Nguyễn Vân: Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam là dự án đặc biệt quan trọng của đất nước, với tổng mức đầu tư rất lớn và hội tụ hàm lượng khoa học-công nghệ cao, tác động toàn diện trên tất cả lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh. Dự án với mục tiêu kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm, giảm thời gian di chuyển và tăng cường năng lực vận tải, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.

Đặc biệt, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam là minh chứng rõ ràng cho tư duy đổi mới trong phát triển hạ tầng quốc gia, kết hợp hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường và là biểu tượng của khát vọng, tinh thần đổi mới, hành động quyết liệt của Đảng, Nhà nước nhằm mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Thiết bị Điện MBT. Ảnh: HƯƠNG DỊU

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Thiết bị Điện MBT. Ảnh: HƯƠNG DỊU

PV: Việc triển khai dự án này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp liên quan, trong đó có CNHT. Vậy đâu là cơ hội cho ngành CNHT, thưa ông?

Ông Nguyễn Vân: Theo tính toán, việc đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam với tổng mức đầu tư 67,34 tỷ USD sẽ tạo ra thị trường xây dựng giá trị khoảng 33,5 tỷ USD. Như vậy, dự án này không chỉ giúp hiện đại hóa hệ thống giao thông mà còn mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp CNHT, đặc biệt trong các lĩnh vực cơ khí, chế tạo, tự động hóa, sản xuất thép, vật liệu xây dựng và linh, phụ kiện, như việc sản xuất và cung cấp các vật liệu: Bê tông, thép; các cấu kiện hạ tầng như cầu, cống, đường hầm... Một cơ hội lớn khác là việc tiếp nhận chuyển giao và làm chủ công nghệ trong ngành đường sắt. Các doanh nghiệp CNHT sẽ có cơ hội tiếp nhận công nghệ tiên tiến từ các đối tác quốc tế, đặc biệt là các quốc gia có kinh nghiệm phát triển đường sắt cao tốc như Nhật Bản, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp CNHT rất hy vọng việc được tham gia dự án với tinh thần doanh nghiệp Việt Nam phải làm chủ trong dự án này; “huy động cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh của nhân dân và doanh nghiệp tham gia triển khai thực hiện dự án”-đúng như kết luận của Thường trực Chính phủ về dự án. Hơn nữa, Chính phủ cũng cam kết sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính, nguồn vốn và công nghệ để các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia vào các giai đoạn sản xuất, cung cấp sản phẩm và đầu tư vào dự án. Đây là một tín hiệu rất tích cực đối với các doanh nghiệp CNHT trong nước.

PV: Cơ hội đã rõ, nhưng làm sao để doanh nghiệp CNHT trong nước nắm bắt được, thưa ông?

Ông Nguyễn Vân: Để doanh nghiệp CNHT trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam, HANSIBA và cộng đồng doanh nghiệp nói chung đề xuất Chính phủ, bộ, ngành Trung ương có những chương trình làm việc trực tiếp với các tổ chức hội, hiệp hội. Các cuộc làm việc này nhằm nắm bắt về năng lực sản xuất, cung ứng thiết bị, sản phẩm có thể đáp ứng, hợp tác với các đơn vị tổng thầu dự án trong nước và quốc tế được tham gia vào dự án trước thời điểm khởi công (vào năm 2027). Từ đó có cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính, nguồn vốn, công nghệ để “đặt hàng” và xây dựng “bộ tiêu chí” để doanh nghiệp trong nước có thể tham gia đầu tư, cung ứng sản phẩm cụ thể.

Về phần mình, các doanh nghiệp cũng cần bám sát, nắm bắt kịp thời thông tin liên quan đến dự án được các cơ quan hữu quan công bố và báo chí, truyền thông đăng tải. Tiếp tục đẩy mạnh, cải tiến năng lực sản xuất, hợp tác cùng các đối tác quốc tế đến từ những quốc gia phát triển, đã đầu tư khai thác đường sắt tốc độ cao.

PV: HANSIBA đã có những giải pháp như thế nào để hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên tham gia dự án này, thưa ông?

Ông Nguyễn Vân: Dự án này hội tụ hàm lượng khoa học-công nghệ rất cao. Do vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh việc cải thiện năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, HANSIBA cùng các thành viên của Hiệp hội đã và đang kết nối với các đối tác quốc tế để hợp tác trong việc sản xuất, chuyển giao công nghệ và cung cấp sản phẩm cho các dự án công nghiệp liên quan. Cụ thể, thời gian qua, HANSIBA đã triển khai việc kết nối, hợp tác sản xuất, chuyển giao công nghệ, tư vấn quản trị và cung cấp chứng chỉ quốc tế giữa các công ty thành viên của Hiệp hội với đối tác nước ngoài đến từ Nhật Bản, Trung Quốc đã thực hiện cung ứng sản phẩm CNHT và công nghệ cao trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, máy bay và tàu cao tốc ở ngay trong các dự án hạ tầng như Khu công nghiệp HANSSIP tại Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố ở Việt Nam.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sự hỗ trợ từ Chính phủ, chúng tôi tin rằng các doanh nghiệp CNHT sẽ có thể nắm bắt cơ hội, đóng góp vào sự thành công của dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

KHÁNH AN (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/du-an-duong-sat-toc-do-cao-co-hoi-vang-cho-cong-nghiep-ho-tro-812652
Zalo