Người Việt rầm rộ mua hàng Trung Quốc trên Temu: Có thật được giảm giá đến 90%?

Mặc dù chưa được đăng kí hoạt động tại Việt Nam, sàn thương mại điện tử Temu của Trung Quốc đã làm mưa làm gió trên các nền tảng mạng xã hội. Người tiêu dùng Việt khắp nơi rủ nhau cài đặt ứng dụng Temu để mua hàng giá rẻ.

Hàng Trung Quốc bán trên Temu giá rẻ “sập sàn”

Với khẩu hiệu “Temu: Mua sắm như tỷ phú”, ngoài triển khai mô hình kinh doanh kết nối trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng, loại bỏ các chi phí trung gian, người tiêu dùng Việt còn háo hức tham gia Temu vì nhiều sản phẩm được quảng cáo là giảm giá “sập sàn” lên đến 90%.

Trong khi nhiều người đang chia sẻ liên kết của Temu để nhận tiền thưởng lên đến 150 nghìn đồng cho mỗi lần giới thiệu bạn bè thành công thì anh Đào Toàn, trú tại TP Hồ Chí Minh đã nhận trên tay 6 món đồ đặt trên Temu.

Anh Toàn đặt 6 món đồ trên Temu và chỉ phải thanh toán 305 nghìn đồng nhờ áp các mã giảm giá cho đơn hàng đầu tiên.

Theo anh Toàn, anh mua nhiều món đồ từ nhiều gian hàng khác nhau trên ứng dụng Temu nhưng hàng giao về được gói chung trong một bọc và chỉ mất 6 ngày là nhận được hàng.

Cũng nhận đơn hàng đầu tiên đặt qua Temu chỉ sau 4 ngày đặt hàng từ Trung Quốc, anh Chiến, trú tại Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, Temu đang triển khai nhiều ưu đãi thu hút người dùng tại Việt Nam. Vì vậy, người tiêu dùng nên tận dụng thời gian này để mua hàng sẽ nhận được nhiều mã giảm giá sâu.

Đồng hồ nam kèm 3 chiếc vòng tay bán trên Temu chỉ 31,5 nghìn đồng sau khi giảm 80%.

“Tôi mua bộ 4 món gồm đồng hồ nam chống nước và 3 chiếc vòng tay thạch anh với giá chỉ 31 nghìn đồng, 10 chiếc móc dán tường chỉ 14 nghìn đồng, sạc ô tô một cổng màn hình kỹ thuật số với 4 cổng USD với giá chỉ 29,5 nghìn đồng, giảm giá tới 88%. Đặt hàng từ nhiều shop khác nhau mà được gói chung vào một hộp, như kiểu Temu họ có sẵn hàng ở một kho, mình đặt hàng là họ đóng luôn, giao ngay. Hàng gửi từ Trung Quốc về Việt Nam mà mất có 4 ngày lại miễn phí. Tôi quá ưng”, anh Chiến nói.

Mua hàng qua Temu: Coi chừng mất tiền mua bực vào người

Anh Chiến khá hào hứng và ưng ý với đơn hàng đầu tiên của mình. Tuy nhiên, anh Chiến cho rằng, Temu có khá nhiều nhược điểm. Đầu tiên là người mua hàng phải thanh toán trước bằng thẻ Visa, thẻ thanh toán quốc tế hoặc Apple Pay, không được thanh toán khi nhận hàng. Vì vậy, sẽ không ít người lo ngại về việc mua phải hàng kém chất lượng, không như quảng cáo, được trả hàng nhưng thủ tục sẽ tốn nhiều chi phí. Ngoài ra, dễ bị hack thẻ ngân hàng khi liên kết với nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc.

Giá giảm sâu, giao hàng nhanh, miễn phí vận chuyển nhưng khách hàng phải trả tiền trước mới được giao hàng nên rủi ro mua phải hàng kém chất lượng, không đúng như quảng cáo là rất lớn.

“Bạn tôi ở Nhật Bản từng bị trừ tiền trong thẻ ngân hàng hơn chục lần trong một ngày mặc dù hôm đó không đặt hàng gì. Khi liên hệ với ngân hàng thì được biết đó là thanh toán mua hàng trên app Temu trong khi chỉ mua một lần cách đó 2 tuần. Vì vậy, việc liên kết thẻ với ứng dụng của Trung Quốc không phải an toàn tuyệt đối”, anh Chiến nói.

Ngoài ra, khi nghiên cứu kỹ, anh Chiến cho rằng, hàng hóa trên Temu không phải đều rẻ. Có những sản phẩm họ để rẻ trong thời gian đầu khuyến mãi, một số sản phẩm còn đắt hơn các sàn thương mại điện tử khác

Một chiêu trò khác được các gian hàng trên Temu sử dụng đó là dùng hình ảnh và mô tả không chính xác của sản phẩm. Hình ảnh mô tả khác xa với thực tế hoặc dùng hình ảnh đánh lừa người tiêu dùng.

Chỉ bán miếng dán nhưng lại đăng cả chiếc áo với mã giảm giá 83%.

“Ví dụ họ chỉ bán miếng dán decal nhưng đăng cả chiếc áo lên, niêm yết giá giảm tới 83%, từ 78,6 nghìn đồng xuống còn 12,5 nghìn đồng. Người dùng không chú ý, tưởng họ bán chiếc áo với giá chỉ 12,5 nghìn đồng liền mua ngay. Khi nhận về chỉ được một miếng dán bằng bàn tay”, anh Chiến phân tích.

Tương tự, nhận 6 món đồ từ Temu, anh Toàn cho biết, chất lượng hình ảnh quảng cáo thì tuyệt vời mà sản phẩm nhận về thì không như mong đợi, không như video mô tả.

“Chiếc quần 270 nghìn đồng nhưng giảm giá dành cho khách hàng mới nên tôi chỉ còn phải thanh toán 35 nghìn đồng. Tuy nhiên, phải mua đủ tiền hàng là 260 nghìn đồng thì mới được thanh toán nên tôi mua thêm 5 sản phẩm khác”, anh Toàn nói.

Với mục đích ban đầu chỉ là mua một chiếc quần vì được giảm giá lên tới hơn 70% nhưng khi anh Toàn nhận về thì khác hẳn hình ảnh của họ đăng lên, không hợp với phong cách của anh. Trong 5 món hàng còn lại, chỉ có mấy đôi tất là ổn nên anh làm thủ tục trả lại các món hàng khác vì không ưng ý.

Để trả hàng, anh Toàn phải tự đi in phiếu và mang tới bưu cục của Best Express để gửi, chưa biết khi nào mới được hoàn tiền.

Chiếc đồng hồ giảm giá tới 83% nhưng lại có giá ngang bằng sản phẩm cùng loại được đăng lên các sàn thương mại điện tử khác chưa giảm giá.

Không chỉ vậy, anh Toàn còn cho biết, nhiều sản phẩm ở Temu nâng giá lên rồi để giảm giá ảo nhằm thu hút người mua là chính.

“Các sản phẩm khác thì giá cũng bình thường, không rẻ hơn Shopee hay Lazada. Ví dụ như chiếc đồng hồ thông minh, màn hình cảm ứng, chống nước, hàng gia công, không phải hàng có thương hiệu, trên Temu niêm yết giá giảm tới 83%, chỉ còn hơn 200 nghìn đồng nhưng các sàn thương mại điện tử khác cũng chỉ bán khoảng giá đó. Vì vậy, phần lớn là giảm giá ảo”, anh Toàn phân tích.

Vì vậy, người tiêu dùng phải thực sự tỉnh táo, nghiên cứu và lựa chọn sản phẩm phù hợp, kỹ càng, so sánh giá với các nền tảng thương mại điện tử khác trước khi xuống tiền để tránh trường hợp mua phải hàng với giá ảo, kém chất lượng, mất tiền mua bực vào người.

Hồng Cảnh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nguoi-viet-ram-ro-mua-hang-trung-quoc-tren-temu-co-that-duoc-giam-gia-den-90-20424251005400631.htm
Zalo