Người Việt mua ôtô nào kể từ đầu năm?
Thị trường xe Việt khởi đầu chậm chạp nhưng vẫn kết thúc quý I với doanh số trội hơn cùng kỳ năm ngoái. Hãng xe nào đã bán nhiều ôtô nhất cho khách Việt?

Thị trường ôtô Việt Nam có sự khởi đầu chậm chạp trong tháng đầu năm trước khi tăng trưởng đều đặn và kết thúc quý I với thành tích bán hàng tương đối ổn.
Báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho thấy trong 3 tháng đầu năm, lượng ôtô các loại mà khách Việt đã mua đạt 77.249 xe, tăng trưởng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù vậy, diện mạo của thị trường ôtô Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể khi những hãng xe tên tuổi lâu đời đang tạm nhường lại phần lớn thị phần cho một hãng xe nội địa.
Xe xanh áp đảo
Trong quý đầu năm, VAMM công bố tổng doanh số ôtô tại Việt Nam đạt 77.249 xe, còn TC Motor cho biết lượng ôtô thương hiệu Hyundai (bao gồm xe thương mại) tại Việt Nam là 11.474 xe.
Riêng với VinFast, hãng này báo cáo doanh số trong quý đầu năm tại Việt Nam đạt hơn 35.100 xe.
Nếu cộng gộp toàn bộ doanh số của các thành viên VAMA, Hyundai và VinFast, riêng doanh số xe điện VinFast đã tương đương hơn 28% lượng tiêu thụ ôtô toàn thị trường Việt Nam trong quý đầu năm.
Số liệu này cũng đồng thời đưa VinFast trở thành hãng xe du lịch bán chạy nhất Việt Nam.
Trong cùng kỳ, doanh số ôtô du lịch của Toyota đạt 11.830 xe, còn lượng ôtô du lịch thương hiệu Hyundai đã bán cho khách Việt là 8.838 xe.

Mitsubishi tiếp tục là hãng xe sở hữu doanh số tốt thứ tư tại Việt Nam với 7.920 xe đã đến tay khách Việt. Những hãng xe tiếp theo trong danh sách bán chạy nhất Việt Nam quý đầu năm lần lượt là Mazda (6.341 xe), Kia (6.200 xe) và Honda (6.084 xe).
Danh mục sản phẩm hạn chế là một phần nguyên nhân đưa Suzuki cùng Isuzu trở thành những hãng xe bán chậm nhất Việt Nam quý đầu năm. Sau 3 tháng, lượng tiêu thụ ôtô du lịch của Suzuki đạt 643 xe, còn số liệu này ở Isuzu là 179 xe.
Áp lực cho nhóm thương hiệu ôtô truyền thống
Ngay từ năm ngoái, nhóm thương hiệu ôtô truyền thống như Toyota, Hyundai, Mitsubishi, Kia, Mazda, Honda đã bắt đầu cảm thấy khó khăn tại Việt Nam trước sức ép từ những cái tên mới.
Dù doanh số tăng gần 10.000 xe so với năm 2023, thành tích bán hàng 66.576 xe mà Toyota đạt được tại Việt Nam hồi năm ngoái vẫn chưa đủ để hãng xe Nhật Bản đòi lại ngôi vương doanh số toàn thị trường.

Toyota chưa thể đòi lại ngôi đầu thị trường xe Việt trước sức ép từ các đối thủ mới. Ảnh: TMV.
Vượt qua được Hyundai (56.784 xe trong năm 2024) nhưng Toyota vẫn phải chấp nhận xếp sau VinFast. Hãng xe điện Việt bán được hơn 87.000 xe cho khách hàng trong nước, còn doanh số quốc tế đạt 97.399 xe.
Trong quý đầu năm, VinFast ra mắt và bắt đầu nhận cọc loạt xe điện Green chuyên dùng cho mục đích kinh doanh dịch vụ vận tải. Hãng cho biết trong vòng 72 giờ đầu mở bán, nhóm xe Green của VinFast đã nhận được tổng cộng gần 46.000 đơn đặt cọc.
Sự có mặt của Minio Green, Limo Green được cho là sẽ tác động không nhỏ đến thị trường xe kinh doanh dịch vụ vận tải. Mitsubishi Xpander là đại diện tiêu biểu của nhóm xe phục vụ nhu cầu kinh doanh dịch vụ, nhưng cục diện ở thị trường này nhiều khả năng sẽ có sự thay đổi trong tương lai.
Không chỉ đối diện sức ép từ VinFast, các thương hiệu ôtô truyền thống tại Việt Nam còn phải cạnh tranh với loạt hãng xe mới từ Trung Quốc. Nhóm này có những cái tên đáng chú ý gồm BYD, Omoda và Jaecoo (thuộc tập đoàn Chery) hay Geely Auto, Lynk & Co và Zeekr của tập đoàn Geely.

BYD là một trong số hãng xe Trung Quốc ra mắt khách Việt gần đây. Ảnh: Phúc Hậu.
BYD ban đầu ra mắt Việt Nam với danh mục gồm toàn bộ là ôtô thuần điện. Mức độ đón nhận mà khách Việt dành cho xe điện của thương hiệu này không quá cao, ít nhiều khiến BYD phải chuyển hướng sang hybrid, với "phát pháo" đầu tiên mang tên BYD Sealion 6.
Jaecoo J7 PHEV cũng gây chú ý tại Việt Nam khi là mẫu xe Trung Quốc đầu tiên ra mắt khách Việt với hệ truyền động hybrid cắm sạc. Tùy chọn này từng rất hiếm tại Việt Nam, với duy nhất Kia Sorento là mẫu xe ở phân khúc phổ thông cung cấp phiên bản PHEV.
Chưa vội ra mắt xe xanh nhưng Omoda hay Geely cũng đã có thể "tạo sóng" tại Việt Nam bằng loạt xe giá rẻ. Omoda C5 (539-669 triệu đồng) và Geely Coolray (538-628 triệu đồng) đang là những lựa chọn rẻ hàng đầu phân khúc SUV cỡ B.

Geely Coolray Standard là một trong những lựa chọn SUV cỡ B rẻ nhất tại Việt Nam. Ảnh: Phúc Hậu.
Thật khó để khẳng định ôtô Trung Quốc sẽ "dễ sống" hơn ở Việt Nam nhờ chiến lược mới hay thông qua "chiêu bài" giá rẻ. Tuy nhiên, việc giới thiệu công nghệ hybrid cắm sạc còn khá mới mẻ với khách Việt hay ra mắt những mẫu xe rẻ hàng đầu phân khúc có thể giúp nhóm thương hiệu này thu hút thêm sự chú ý từ khách hàng.
Chẳng hạn, mẫu xe thuần điện BYD M6 có giá 756 triệu đồng đang cùng với VinFast Limo Green (749 triệu đồng) là các lựa chọn MPV cỡ trung rẻ nhất.
Gần đây, MPV cỡ trung MG G50 khi ra mắt còn gây ấn tượng hơn khi giá khởi điểm 559 triệu đồng đang ngang bằng hoặc rẻ hơn nhiều MPV cỡ nhỏ.

MG G50 bản tiêu chuẩn số sàn có giá bán còn thấp hơn nhiều mẫu MPV cỡ nhỏ. Ảnh: Đan Thanh.
Còn nhóm PHEV vừa trình làng như BYD Sealion 6 và Jaecoo J7 PHEV cũng đang lôi kéo được ít nhiều sự chú ý, tò mò từ khách Việt nhờ quãng đường di chuyển kết hợp hơn nghìn km khi xăng đủ, pin đầy.
Nhìn chung, các thương hiệu ôtô truyền thống tại Việt Nam đang phải đối diện với thách thức, áp lực không nhỏ từ những hãng xe mới.
Cuộc cạnh tranh ngày một khốc liệt sẽ giúp thị trường xe Việt sôi động hơn, giá bán rẻ đi và nhiều mẫu xe mới, công nghệ và tính năng mới cũng có cơ hội trình làng.