Người Việt chi tiêu vượt trội vì lạc quan về kinh tế

Nghiên cứu của Ngân hàng UOB phối hợp với Công ty tư vấn quản lý toàn cầu Boston Consulting Group (BCG) cho thấy, 71% người tham gia khảo sát tại Việt Nam cho biết họ đã có chi tiêu ở nước ngoài trong năm 2024 vượt qua mức trung bình của khu vực ASEAN là 66% và cao hơn tỷ lệ ở các nước Indonesia, Malaysia và Thái Lan.

Tại buổi công bố kết quả Nghiên cứu tâm lý người tiêu dùng ASEAN 2024 chiều ngày 7-11 tại TPHCM, ông Paul Kim, Giám đốc Khối Dịch vụ tài chính cá nhân Ngân hàng UOB Việt Nam, cho biết nghiên cứu của UOB cho thấy người tiêu dùng Việt Nam có mức độ lạc quan cao nhất về triển vọng kinh tế trong nước so với người tiêu dùng khu vực.

Cụ thể, hơn 70% người được khảo sát bày tỏ sự tin tưởng vào triển vọng kinh tế của đất nước trong 6 đến 12 tháng tới sau khi chứng kiến sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong 3 quý đầu năm 2024, với tăng trưởng GDP tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, 71% người khảo sát tại Việt Nam cho biết họ đã có chi tiêu ở nước ngoài trong khu vực ASEAN trong năm qua, chủ yếu là cho các chuyến công tác và du lịch. Trong đó Thái Lan và Singapore là những điểm du lịch phổ biến nhất của người Việt. Tỷ lệ này vượt qua mức trung bình của khu vực là 66% và cao hơn tỷ lệ ở các nước Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Lý giải tại sao người Việt chọn du lịch đến Singapore và Thái Lan phổ biến, đại diện Công ty tư vấn quản lý toàn cầu BCG cho biết, do địa điểm tương đối gần Việt Nam, chỉ bay dưới 2 tiếng và chi phí vé máy bay rẻ hơn các tour du lịch trong nước.

Bên cạnh chi tiêu ở nước ngoài, nghiên cứu của UOB cũng cho thấy trong năm 2024 người tiêu dùng Việt đã tăng chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu. Ba hạng mục hàng đầu mà người tiêu dùng Việt Nam cho biết họ đã chi nhiều hơn trong năm qua là giáo dục cho con cái (42%), chăm sóc sức khỏe (33%) và các dịch vụ tiện ích (33%). Người tiêu dùng Việt Nam cũng chi nhiều hơn cho các trải nghiệm như kỳ nghỉ, ăn uống sang trọng, hòa nhạc và lễ hội so với người tiêu dùng trong khu vực, với 42% người khảo sát ở Việt Nam cho biết họ đã chi tiêu nhiều hơn cho những lĩnh vực này, cao hơn tỷ lệ trung bình của khu vực ASEAN là 35%.

“Thật đáng mừng khi thấy người tiêu dùng Việt Nam dẫn đầu khu vực về sự lạc quan đối với tình hình kinh tế của quốc gia. Tâm lý tích cực này dường như đã góp phần vào sự gia tăng trong chi tiêu xuyên biên giới của người tiêu dùng Việt. Điều này phản ánh sự thành công của Việt Nam trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ổn định và tăng cường hội nhập khu vực”, ông Paul Kim, Giám đốc Khối Dịch vụ Tài chính Cá nhân, Ngân hàng UOB Việt Nam nhận định.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng cho rằng, mặc dù nỗi lo suy thoái đã giảm đi so với năm ngoái nhưng 77% người tiêu dùng Việt Nam vẫn lo lắng về các vấn đề liên quan đến tài chính. Nghiên cứu của UOB cũng chỉ ra rằng gần 60% người tiêu dùng Việt Nam đã dành ra ít nhất 3 tháng chi phí cho các trường hợp khẩn cấp, cao hơn mức trung bình của khu vực là 54%. Gần một nửa số người được hỏi cho biết họ thường xuyên tiết kiệm hơn 20% thu nhập hàng tháng của mình. Nhu cầu đầu tư của người Việt cũng rất mạnh mẽ, với 63% người tiêu dùng Việt Nam phân bổ hơn 10% thu nhập năm của họ cho các khoản đầu tư - cao hơn 10 điểm % so với mức trung bình của khu vực.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt đã chi tiêu chọn lọc hơn, họ biết lựa chọn những gói giảm giá trong thương mại điện tử… Nhiều người đã bắt đầu lên kế hoạch nghỉ hưu, chủ yếu thông qua tài khoản tiết kiệm và tiền gửi cố định. Tuy nhiên, nghiên cứu của UOB cho biết người tiêu dùng Việt vẫn còn hạn chế tham gia bảo hiểm, đặc biệt là đối với bệnh hiểm nghèo, tử vong và thương tật toàn bộ vĩnh viễn. Trong khi 86% người tiêu dùng Việt Nam có bảo hiểm y tế cơ bản, chỉ có 15% có bảo hiểm bệnh hiểm nghèo, thấp hơn mức trung bình của khu vực là 24%. Ngoài ra, chỉ có 13% người tiêu dùng Việt có bảo hiểm tử vong và thương tật toàn bộ vĩnh viễn, thấp hơn so với mức trung bình của khu vực.

NHUNG NGUYỄN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nguoi-viet-chi-tieu-vuot-troi-vi-lac-quan-ve-kinh-te-post767287.html
Zalo