Người vẽ mặt nạ thời gian ở phố Hội
Trong không gian cổ kính dưới mái đình hàng trăm năm tuổi, người nghệ nhân già dồn hết tâm huyết, say mê tạo nên những chiếc mặt nạ nhiều màu sắc, đa biểu cảm.
Ông là Bùi Quý Phong - người vẽ mặt nạ nổi tiếng ở phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam. Với ông, mỗi chiếc mặt nạ chứa đựng một câu chuyện riêng, một hành trình tìm về nét văn hóa truyền thống. Và, cuộc rong chơi với mặt nạ thời gian của nghệ nhân năm nay bước sang tuổi thất thập đã góp phần gìn giữ linh hồn phố Hội.
Mỗi mặt nạ có một đời sống riêng biệt
Trái ngược với nhịp sống sôi động trên các con phố, bên trong đình Minh Hương (14 Trần Phú, TP Hội An) - nơi trưng bày hàng trăm chiếc mặt nạ thời gian của nghệ nhân Bùi Quý Phong - lại rất tĩnh lặng khi ai nấy đều say sưa tô vẽ những chiếc mặt nạ đậm chất nghệ thuật của riêng mình.
Trời ngả dần về trưa, “The Timing Masks Hoi An” (Mặt nạ thời gian Hội An) đón đoàn khách nước ngoài đầu tiên trong ngày đến tham quan. Những vị khách phương xa bày tỏ sự thích thú, ấn tượng với những chiếc mặt nạ treo dày đặc trên các bức tường. Họ trầm trồ thán phục sự tài hoa của người cầm cọ khi thể hiện muôn hình vạn trạng sắc thái của mặt nạ, từ hạnh phúc đến giận dữ, “100 cái, 100 khác”.
Ông Bùi Quý Phong, nghệ nhân từng nổi tiếng với nghề làm đầu lân ở Hội An tươi cười giới thiệu sơ lược các sản phẩm nghệ thuật của mình. Đây là kết quả của quá trình sáng tạo nghệ thuật không ngừng nghỉ, của những khoảnh khắc dồn hết tâm huyết, giãi bày cảm xúc của người họa sĩ lên các vật liệu vốn vô tri, vô giác, tạo nên những câu chuyện về mặt nạ dân gian.
Từ 2 thập kỷ trước, ông đã để tâm tìm hiểu khái niệm “mặt nạ thời gian”. Và sau 10 năm ở ẩn, ông quyết tâm quay lại với nghề. “Mỗi mặt nạ là một linh hồn duy nhất, bởi lẽ, để sáng tạo ra một chiếc mặt nạ cần có thời gian khác nhau, cảm xúc của tác giả cũng không giống nhau. Mỗi chiếc mặt nạ chứa đựng một linh hồn, một đời sống duy nhất. Đó là khoảnh khắc thời gian mỗi chiếc mặt nạ đã sống được trọn vẹn với số phận và tâm trạng của mình.
Thời gian của mỗi linh hồn mặt nạ trải qua với khoảnh khắc vui - buồn, hỉ - nộ, ái - ố..., mang thông điệp về cuộc sống của chính mặt nạ. Và tác giả sẽ là người kể lại câu chuyện ấy”, ông Phong cười hiền, giải thích về khái niệm “mặt nạ thời gian”.
Từ những vật liệu giản đơn, thân thiện môi trường như tre, dây mây, giấy bồi…, trải qua các công đoạn thủ công, gần 10 năm qua, ông Phong đã sáng tạo, vẽ nên hàng nghìn chiếc mặt nạ, gồm mặt nạ tuồng cổ Việt Nam truyền thống, mặt nạ dân gian, mặt nạ hiện đại và mặt nạ trẻ em, để chúng không bị lai căng, không bị nhầm lẫn với mặt nạ Kinh kịch đầy rẫy bên ngoài. Với ông, bán mặt nạ cho du khách không đơn thuần là bán sản phẩm, mà còn là truyền đi câu chuyện về số phận mỗi chiếc mặt nạ.
Cầm trên tay chiếc mặt nạ có nửa gương mặt người nam, người nữ và chim bồ câu, ông Phong nói, đây là chiếc mặt nạ hạnh phúc, tượng trưng sự hòa hợp âm dương, sắc màu viên mãn. Còn chiếc mặt nạ đặt chính giữa cửa hàng có khuôn mặt giận dữ với những chiếc răng nanh, nếp nhăn cau có như lời nhắc nhở: “Sự giận dữ làm biến dạng tâm hồn, xấu xí sắc diện. Phải biết cách kìm chế nguồn năng lượng xấu khi giận dữ”.
Hướng dẫn du khách vẽ mặt nạ
Để bảo tồn nét văn hóa dân gian, tạo sự kết nối giữa các thế hệ, khơi dậy niềm yêu thích nghệ thuật truyền thống, nhiều năm qua, ông Phong dành thời gian hướng dẫn du khách làm mặt nạ, giúp họ có những trải nghiệm đáng nhớ.
Mỗi tour hướng dẫn làm mặt nạ thường kéo dài khoảng hai tiếng đồng hồ. Du khách được tìm hiểu và thực hành các công đoạn chính để hoàn thiện chiếc mặt nạ. Đó là: Phát giấy tạo nền mặt nạ; vào mây định hình cấu trúc mặt nạ; đắp thạch cao hoàn thiện hình dáng mặt nạ. Thú vị nhất là công đoạn vẽ, du khách có thể thỏa sức sáng tạo và trang trí theo phong cách riêng của mình.
“Mỗi mặt nạ mang trọng trách tâm linh, thể hiện ước nguyện thầm kín của chủ nhân. Vì thế, tôi trò chuyện cùng khách để thấu hiểu điều ẩn chứa bên trong mỗi người, từ đó hướng dẫn về màu sắc, đường nét phù hợp với tính cách chủ nhân”, ông Phong nói và chia sẻ thêm: Mặt nạ trong Kinh kịch có thể đa màu sắc để biến hóa, nhưng mặt nạ dân gian Việt Nam không phối quá bốn màu, và tuân theo nguyên lý âm - dương.
Ông dành nhiều tình cảm, chú trọng vẽ mặt nạ tuồng dân gian với đa sắc thái biểu cảm, vì muốn người xem, dù có phông nền kiến thức về nghệ thuật tuồng đến đâu, chỉ cần nhìn đã hình dung được tính cách mặt nạ đó đại diện.
Ban đầu, nhiều người ngần ngại với mặt nạ tuồng do không có thời gian và thiếu am hiểu bộ môn nghệ thuật này. Để khắc phục, ông Phong dốc tâm giúp mọi người tìm hiểu về mặt nạ dân gian, trên cơ sở tương tự mặt nạ tuồng cổ, với thông điệp gần gũi.
Ông làm mặt nạ dân gian có thần thái, “nhan sắc”, gây ấn tượng để họ cầm lên chọn lựa, rồi từ từ tìm hiểu. Sau đó, ông biến tấu ít nhiều trên nền chất liệu dân gian, cho “ra lò” những mặt nạ mô phỏng nhân vật phim hoạt hình, mặt nạ màu sắc tươi hồng biểu lộ sự vui vẻ, hạnh phúc…
Sự đơn giản giúp mặt nạ dân gian nhanh chóng thu hút sự yêu thích của đông đảo mọi người. Khi cảm mến, họ tự nhiên muốn tìm hiểu thêm về môn nghệ thuật độc nhất vô nhị này. Ông Bùi Quý Phong mong muốn du khách không chỉ coi mặt nạ như một “trò chơi văn hóa”, mà còn là một “nhu cầu văn hóa”, tìm hiểu và yêu mến nhiều hơn, chứ không chỉ xem đó là món đồ chơi khoác lớp áo văn hóa có thể dễ dàng thay thế.
“Mặt nạ thời gian” mượn khuôn mặt của những nghệ sĩ hát bội và những nhân vật khác để đưa thông điệp tốt lành. Người mua sẽ mua thông điệp, câu chuyện trên mặt nạ. Đó là cách ông kể lại giấc mơ về thế giới màu sắc trong trẻo của Hội An xưa cho du khách.
“Với việc đưa thông điệp lương thiện và hình ảnh kỳ nhân, cách thức tiếp cận người mua dễ hơn. Nếu vẽ mặt nạ hát bội hung dữ, họ sẽ không dám mua, mình không quảng bá được kỳ nhân. Thay vì quảng bá 100% nhưng người mua không dùng, bây giờ tôi quảng bá 40 - 50% nhưng được nhiều người thích, nhiều du khách nước ngoài mang hình ảnh hát bội của miền Trung về với quê hương của họ. Đó cũng là cách thức tiếp cận mới, suy nghĩ mới”, ông Phong bộc bạch.
Từ không gian dưới mái đình cổ rêu phong, hàng nghìn chiếc mặt nạ theo chân du khách 5 châu “bay” đi muôn phương. Nhiều nhà hàng, quán cà phê chọn mặt nạ thời gian trang trí cho không gian của mình. Mỗi chiếc mặt nạ, khi bước vào không gian mới, dường như để sống một cuộc đời, một số phận khác, như cây cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa người nghệ sĩ và những nền văn hóa đa dạng mà chúng có cơ hội gặp gỡ.
Năm 2023, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao chứng nhận kỷ lục “Mặt nạ bằng giấy dó lớn nhất Việt Nam” cho chiếc mặt nạ mang chủ đề “Dấu ấn tiền nhân” có kích thước ấn tượng với chiều cao 3,5 m và chiều ngang 2,65 m, do nghệ nhân Bùi Quý Phong cùng cộng sự phối hợp với VinWonders Nam Hội An thực hiện.