Người 'truyền lửa' qua những kỷ vật chiến tranh
Những ngày tháng Tư lịch sử, trong ngôi nhà của Thiếu tướng Bùi Đình Phái, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hòa Bình ở xóm Kha Lạ, xã Phong Phú (Tân Lạc) lúc nào cũng rộn vang tiếng nói cười của con trẻ.
Những ngày tháng Tư lịch sử, trong ngôi nhà của Thiếu tướng Bùi Đình Phái, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hòa Bình ở xóm Kha Lạ, xã Phong Phú (Tân Lạc) lúc nào cũng rộn vang tiếng nói cười của con trẻ. "Khách” đến nhà ông chủ yếu là đoàn viên, thanh niên, học sinh các trường trong xã và khu vực lân cận. Cũng không ngạc nhiên khi câu chuyện giữa chủ nhà và các vị khách nhỏ tuổi là những câu chuyện kể về chiến tranh, về những kỷ vật ông còn lưu giữ, sưu tầm và mang về sau chiến tranh...

Thiếu tướng Bùi Đình Phái chia sẻ những câu chuyện chiến tranh qua những bức ảnh, kỷ vật ông sưu tầm, trưng bày cho thế hệ trẻ trên quê hương Mường Bi - Tân Lạc.
Cầm trên tay những hiện vật, ông bảo, mỗi đồ vật đều mang trong mình câu chuyện về một trận chiến đấu... Câu chuyện về chiến tranh của ông vẫn luôn là thế, như một đốm lửa nhỏ được ông khơi lên truyền cho đám trẻ. Được nghe những câu chuyện về chiến tranh, bạn Nguyễn Thị Bình, đoàn viên, thanh niên xã Phong Phú không khỏi xúc động: Thế hệ chúng tôi sinh ra không còn khói lửa, bom đạn của chiến tranh. Qua những câu chuyện về chiến tranh của Thiếu tướng Bùi Đình Phái và những hiện vật được lưu giữ giúp chúng tôi hình dung về chiến tranh với sự khốc liệt nhưng cũng rất hào hùng.
Không chỉ đoàn viên, thanh niên mà với các em học sinh, khi nghe ông kể chuyện đều chăm chú. Trong khuôn viên nhỏ với hàng trăm bức ảnh, những hiện vật là bom, đạn, các thiết bị điện tử quân đội Mỹ dùng trong chiến tranh được ông sưu tầm, trưng bày, giới thiệu đã giúp các em phần nào hình dung sự ác liệt của cuộc chiến, hiểu thêm những bài học, câu chuyện lịch sử được các thầy, cô giáo giảng dạy trên lớp. Từ đây cũng góp phần giáo dục về nhận thức, nhân cách cho các em. Với ý nghĩa đó, hàng năm, các nhà trường trên địa bàn tổ chức nhiều buổi học tập ngoại khóa cho học sinh đến ngôi nhà nhỏ với "góc bảo tàng” của Thiếu tướng Bùi Đình Phái để tham quan, trải nghiệm thực tế.
Em Bùi Văn Hải, học sinh lớp 8, Trường TH&THCS Phong Phú cho biết: Tham quan các hiện vật chiến tranh, được nghe ông kể về những câu chuyện chiến đấu, chúng em rất xúc động và ghi nhớ sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh đi trước, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.
Không đơn thuần là nơi lưu giữ những kỷ vật chiến tranh, mà rất tự nhiên, từ lâu, ngôi nhà nhỏ của ông nơi vùng quê yên bình đã trở thành một "địa chỉ đỏ” trong việc truyền lửa, giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương cho các thế hệ thanh niên vùng đất Mường Bi. Từ đốm lửa nhỏ ấy, những năm qua đã có nhiều thanh niên ưu tú của quê hương tiếp bước cha anh, tình nguyện viết đơn xin nhập ngũ. Riêng đợt tuyển quân năm 2025, hầu hết thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự của xã viết đơn tình nguyện nhập ngũ.
Sinh ra, lớn lên ở vùng đất có truyền thống cách mạng, thời niên thiếu ông được chứng kiến tội ác của đế quốc Mỹ gây bao đau thương cho nhân dân. Do vậy, khi mới 16 tuổi, ông đã viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu. Trưởng thành trong chiến đấu, từ người chiến sỹ, ông lần lượt được giao nhiệm vụ là tiểu đội trưởng, trung đội trưởng, đại đội trưởng. Năm 1974, ông được kết nạp Đảng ngay tại chiến trường. 5 năm chiến đấu giải phóng miền Nam, rồi 14 năm chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, hơn 20 năm công tác tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hòa Bình... Gần 45 năm chiến đấu và học tập, công tác trong quân đội, từ một người chiến sỹ đến khi trở thành vị chỉ huy với quân hàm cấp tướng, dù ở cương vị nào, Thiếu tướng Bùi Đình Phái cũng luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong quá trình chiến đấu, ông được tặng thưởng 3 danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ (cấp 1, 2, 3), 1 Huân chương Chiến công hạng nhì, 2 Huân chương Chiến công hạng ba, 3 Huân chương Chiến sỹ giải phóng hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhì.
Được nghe ông kể chuyện về cuộc đời binh nghiệp của thời "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, cùng những kỷ vật chiến tranh, thế hệ trẻ hôm nay hiểu hơn về sự gian khổ, ác liệt của chiến tranh, những hy sinh, cống hiến lớn lao của các thế hệ cha ông trong chiến đấu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, từ đó không ngừng phát huy truyền thống cách mạng, góp sức xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, phát triển.