Người truyền 'lửa' cách mạng cho thế hệ trẻ

Nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc, suốt 16 năm qua, với lòng nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm của người đảng viên, Đại tá, cựu chiến binh (CCB) Hà Đống, Ủy viên Ban Chấp hành Hội CCB TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) luôn say mê, tâm huyết với những buổi nói chuyện truyền thống tại các nhà trường, viết bài tuyên truyền gương người tốt-việc tốt, góp phần truyền 'lửa' cách mạng, lan tỏa những điều tốt đẹp, xây dựng, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước cho thế hệ tương lai...

Hạnh phúc khi “gieo mầm” cách mạng

Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi cũng có dịp gặp CCB Hà Đống tại nhà riêng của ông ở một con ngõ trên đường Nguyễn Trãi, phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên. “Anh thông cảm, tôi vừa cùng các CCB của Học viện Kỹ thuật Quân sự lên thăm, dâng hương tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng). Về đến nhà lại tập trung chuẩn bị cho buổi nói chuyện truyền thống với học sinh Trường THCS Đồng Tâm nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nên hôm nay mới có thể tiếp các anh...”, CCB Hà Đống giải thích.

Trò chuyện với người CCB năm nay đã 76 tuổi suốt cả buổi chiều nhưng chúng tôi thấy thời gian trôi thật nhanh, bởi ở ông toát lên tinh thần nhiệt huyết, sự nhanh nhẹn, hào hứng. Công việc mà ông rất tâm huyết, dành nhiều thời gian để thực hiện-nói chuyện truyền thống với thế hệ trẻ-qua lời ông kể đầy hấp dẫn và ý nghĩa. CCB Hà Đống chia sẻ: “Tôi thực sự tâm đắc với lời dạy của Bác Hồ: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Thông qua các buổi nói chuyện truyền thống góp phần tuyên truyền, giáo dục lý tưởng, “gieo mầm” cách mạng cho thế hệ trẻ. Tôi rất vui và hạnh phúc khi làm việc này”. Đó cũng là lý do để năm 2009, sau 41 năm trong quân ngũ, trải qua nhiều cương vị công tác từ các đơn vị thuộc Sư đoàn 304, Sư đoàn 316 (Quân khu 2) đến Quân khu 1, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Đại tá Hà Đống nghỉ hưu và bắt tay ngay vào công việc ý nghĩa này.

Đại tá, cựu chiến binh Hà Đống chuẩn bị tài liệu trước khi nói chuyện truyền thống với các em học sinh. Ảnh: TRUNG HIẾU

Đại tá, cựu chiến binh Hà Đống chuẩn bị tài liệu trước khi nói chuyện truyền thống với các em học sinh. Ảnh: TRUNG HIẾU

“Vâng, cháu đã hiểu...”

CCB Hà Đống không nhớ rõ đã có bao nhiêu buổi nói chuyện truyền thống với lớp trẻ, chỉ biết rằng, hằng năm, vào dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn, như: Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”... là ông lại kín lịch theo “đặt hàng” của các nhà trường cả trong và ngoài tỉnh, hoặc sự phân công của các cấp hội CCB. Không cần xe đưa, xe đón, nhiều lúc ông tự đi xe máy hoặc đón taxi đến trường. Ông cũng không muốn các nhà trường đón tiếp “hoành tráng” mất thời gian, điều ông quan tâm nhất là các em học sinh có tham dự đông đủ hay không, có hứng thú với nội dung ông nói chuyện hay không và cuối cùng, có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động hay không.

Thông điệp xuyên suốt mà CCB Hà Đống muốn gửi gắm cho thế hệ trẻ là phải biết trân trọng lịch sử, biết tự hào về truyền thống cách mạng, quê hương, đất nước; biết ơn các thế hệ cha anh đã anh dũng hy sinh để giành lại độc lập, tự do; yêu Đảng, yêu Tổ quốc, yêu chế độ... từ đó phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, trở thành những công dân có ích cho xã hội. Và thật đáng mừng, suốt 16 năm qua, từ những buổi nói chuyện truyền thống của ông, thông điệp này như những giọt mưa mát lành dần dần thấm sâu vào suy nghĩ, tâm tưởng của các em học sinh.

Đại tá, CCB Hà Đống kể lại câu chuyện “nóng hổi” mới đây như để minh chứng điều này. Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024), ông có buổi nói chuyện truyền thống với các em học sinh Trường Cao đẳng FPT Polytechnic Vĩnh Phúc. Nghe ông kể về những trận đánh, về ý chí quyết tâm, tinh thần dũng cảm của bộ đội trong chiến đấu, một học sinh đứng dậy hỏi ông: “Thưa bác, chiến tranh ác liệt, ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh. Lúc đó, bác có sợ chết không? Nếu không thì vì sao ạ?”. CCB Hà Đống chậm rãi trả lời: “Tính mạng con người là vốn quý, nếu nói không sợ chết thì không đúng, nhưng nếu phải hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc thì các cháu biết đấy, lớp lớp thế hệ cha anh của chúng ta luôn sẵn sàng. Họ hy sinh nhưng đã trở thành những người anh hùng bất tử trong lòng dân tộc. Chắc chắn không chỉ các thế hệ đi trước, bác tin rằng thế hệ các cháu hôm nay cũng luôn nỗ lực học tập, sẵn sàng cống hiến, hy sinh vì sự trường tồn và phát triển của dân tộc...”. Những lời chia sẻ đầy tâm huyết của người CCB khiến em học sinh xúc động, rơm rớm nước mắt: “Vâng, thưa bác, cháu đã hiểu...”.

Từ thực tế hoạt động suốt hàng chục năm qua, CCB Hà Đống nhận ra rằng thế hệ trẻ ngày càng thông minh, nhanh nhẹn, có xu hướng ưu thích cái mới nhưng không vì thế mà các giá trị truyền thống bị phai nhạt. “Ẩn sâu trong mỗi em đều có “ngọn lửa” cách mạng, chỉ chờ cháy bùng lên khi được khơi gợi đúng cách. Vì thế, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội là phải quan tâm giáo dục, định hướng các em. Bản thân tôi cũng thường xuyên tìm tòi, rèn luyện để mỗi buổi nói chuyện truyền thống là một buổi sinh hoạt thực sự bổ ích, đáng nhớ đối với mỗi học sinh”, CCB Hà Đống bày tỏ.

Để có được những buổi nói chuyện truyền thống như thế, CCB Hà Đống luôn làm việc với thái độ vô cùng nghiêm túc, trách nhiệm. Cùng với vốn kiến thức tích lũy được trong thời gian quân ngũ, ông thường xuyên nghiên cứu tư liệu lịch sử, chuẩn bị “bài giảng” cẩn thận, tỉ mỉ, chính xác, chú trọng sưu tầm những câu chuyện, tình huống chiến đấu... nói lên phẩm chất tốt đẹp, sự gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi hào hùng của bộ đội cũng như người cán bộ cách mạng. Ông đặc biệt không bao giờ đến muộn hoặc lỡ hẹn với nhà trường, với các em học sinh, vì theo ông, như vậy sẽ rất khó để giáo dục, thuyết phục các em.

Một “bí quyết” để những buổi nói chuyện truyền thống của CCB Hà Đống hấp dẫn thế hệ trẻ là với mỗi đối tượng, ông có cách tiếp cận khác nhau. Với học sinh tiểu học, các em còn hiếu động, tư duy trực quan nên ông thường đặt câu hỏi liên quan đến những sự kiện các em đã được học hoặc biết qua hoạt động thực tế, như: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” là lời căn dặn của ai, nói trong trường hợp nào?”; “Ai được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội suy tôn là Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam?”... để các em xung phong phát biểu, từ đó ông diễn giải, kể chuyện, khái quát sự kiện, giúp các em hiểu rõ, nhớ lâu... Với học sinh cấp THCS và THPT, ông kết hợp giữa đặt câu hỏi, kể chuyện với phân tích sâu, định hướng tư tưởng, từng bước nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho các em.

Say mê, nhiệt huyết với những buổi nói chuyện truyền thống, CCB Hà Đống cũng không quên tạo nguồn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các hội viên CCB có năng khiếu và yêu thích “nghề nói chuyện” để cùng ông và sẵn sàng thay thế ông “làm bạn” với các em học sinh. Bởi ông biết rằng sức lực con người là có hạn, trong khi việc truyền “lửa” cách mạng cần phải bền bỉ, lâu dài, không thể gián đoạn. Hiện Tổ tuyên truyền, giáo dục tư tưởng cách mạng của Hội CCB TP Vĩnh Yên có 4 thành viên. Các thành viên trong tổ được CCB Hà Đống bồi dưỡng đã tiến bộ nhanh chóng, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với tổ chức đoàn, ngành giáo dục triển khai tốt nhiệm vụ.

Nhân lên những “bông hoa đẹp”

Ít ai biết rằng Đại tá, CCB Hà Đống còn là một nhà báo không chuyên, là cộng tác viên của nhiều tờ báo Trung ương và địa phương. Điều đặc biệt ở “nhà báo” Hà Đống là ông chỉ tập trung viết về gương người tốt-việc tốt. Những tấm gương người tốt-việc tốt ở nơi làm việc, nơi cư trú, ở quê hương... được ông kịp thời phát hiện, phản ánh qua những bài báo ngắn gọn, mộc mạc nhưng đầy tính nhân văn.

Người CCB già giở chồng báo đã cũ được xếp ngay ngắn để giới thiệu với chúng tôi từng nhân vật trong các bài viết đã được đăng báo của mình. Ông tỏ ra vui hơn, đôi mắt như sáng hơn: “Đây là bà Ngô Thị Minh ở phường Liên Bảo. Suốt hàng chục năm qua, đều đặn mỗi tháng, bà tình nguyện hỗ trợ 3 hộ nghèo mỗi hộ 10kg gạo. Đây là ông Nguyễn Đình Lập cũng ở phường Liên Bảo. Ông Lập gom góp tiền để mua xe ô tô 7 chỗ chuyên vận chuyển miễn phí người bệnh nghèo, nhất là trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, chở hài cốt liệt sĩ từ các địa phương khác về Vĩnh Phúc. Đây là đồng chí Vũ Viết Tin, Bí thư Chi bộ Mê Linh, phường Liên Bảo, luôn phát huy tốt vai trò, phẩm chất của người đảng viên, tận tụy, trách nhiệm trong công việc...”.

Hàng chục nhân vật trong các bài báo của CCB Hà Đống cứ thế hiện lên sinh động trước mắt chúng tôi. Hỏi lý do vì sao ông hầu như chỉ viết về gương người tốt-việc tốt, ông bày tỏ: “Bác Hồ nói mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp. Tôi tâm niệm cần phải lan tỏa, nhân rộng những bông hoa đẹp này để góp phần làm cho xã hội nhân văn, nhân ái hơn. Đồng thời qua đó cũng để mỗi người, nhất là thế hệ trẻ thấy rằng, xã hội ta có rất nhiều điều tốt đẹp, từ đó xây dựng, củng cố niềm tin của các em vào Đảng, vào chế độ. Đó cũng là một cách truyền “lửa” cách mạng cho các em”.

Sự nỗ lực, tinh thần cống hiến của Đại tá, CCB Hà Đống được ghi nhận bởi nhiều bằng khen, giấy khen của Ban Tuyên giáo Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương), Hội CCB, Hội Khuyến học tỉnh Vĩnh Phúc... Nhưng như chia sẻ của ông: “Phần thưởng lớn nhất đối với tôi là cảm nhận được "ngọn lửa" cách mạng cháy lên trong các bạn trẻ sau mỗi buổi nói chuyện truyền thống”...

PHƯƠNG HIỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cuoc-thi-viet-vung-buoc-duoi-co-dang/nguoi-truyen-lua-cach-mang-cho-the-he-tre-823020
Zalo