'Người trong cuộc' đề xuất, góp ý cho dự thảo quy định dạy thêm, học thêm
Các giáo viên cho rằng, nếu dự thảo được áp dụng thì cần bổ sung các tiêu chí quản lý chặt chẽ việc giáo viên tổ chức dạy thêm khi các quy định đã cởi mở hơn.
Lâu nay, vấn đề dạy thêm, học thêm vẫn được coi là chủ đề "nóng". Vì thế, dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo để lấy ý kiến góp ý đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của dư luận và bạn đọc. Đặc biệt là các phụ huynh, học sinh khi năm học mới đang cận kề.
Dự thảo nên xây dựng quy trình giám sát mang tính khoa học, dễ hiểu, dễ áp dụng
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, những "người trong cuộc" là các giáo viên đã có một số chia sẻ, góp ý khi đề cập đến vấn đề này.
Theo đó, cô Phan Linh Tân – giáo viên Trường Trung học cơ sở Xuân Đỉnh (Hà Nội) cho rằng, những điểm mới trong dự thảo mang tính cởi mở và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những giáo viên muốn dạy thêm khi học sinh và phụ huynh có yêu cầu.
Bên cạnh đó, việc yêu cầu lập danh sách học sinh và cam kết không ép buộc học sinh học thêm là cần thiết để đảm bảo tính minh bạch và công bằng. Điều này cũng giúp giáo viên có thể duy trì mối quan hệ lành mạnh với học sinh và phụ huynh, tránh những hiểu lầm hoặc nghi ngờ không đáng có.
Tuy nhiên giáo viên này cũng bày tỏ băn khoăn, lâu nay việc dạy thêm học thêm đã có rất nhiều ý kiến trái chiều, liệu những quy định mới trong dự thảo liệu có thực sự khả thi và chấm dứt được các tiêu cực từng xảy ra hay không?
Qua đó, nêu lên một số góp ý của mình, giáo viên này cho rằng, trong dự thảo nên xây dựng quy trình giám sát mang tính khoa học, dễ hiểu để các giáo viên dễ dàng áp dụng và không xảy ra tình trạng không hiểu quy định dẫn đến phạm luật.
"Muốn được như vậy thì khi dự thảo được áp dụng, chính các nhà trường cũng cần có cơ chế giám sát việc dạy thêm. Có thể là thông qua việc thu thập phản hồi từ học sinh và phụ huynh về chất lượng và hiệu quả của các lớp học thêm. Qua đó, nhà trường có thể đánh giá và điều chỉnh để đảm bảo chất lượng giảng dạy.
Đồng thời phải đảm bảo việc học thêm là hoàn toàn tự nguyện từ phía học sinh và phụ huynh. Giáo viên cần cam kết không sử dụng bất kỳ hình thức ép buộc nào. Quan trọng là làm sao để đưa ra các quy định giám sát để biết chắc rằng, khi tham gia các lớp học thêm học sinh đó không phải chịu "áp lực" nào từ các giáo viên mở lớp dạy thêm. Bởi lẽ, lâu nay tình trạng nếu học sinh không tham gia học thêm thì bị giáo viên đe dọa, đánh vào điểm số hay miệt thị trước lớp cũng đã được báo chí phản ánh rất nhiều.
Bên cạnh đó, giáo viên cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy chính khóa trước khi nghĩ đến việc dạy thêm. Việc học thêm nên là một lựa chọn bổ sung, giúp học sinh củng cố kiến thức, không phải là phương tiện chính để nắm bắt nội dung học tập.
Đồng thời, nếu có thể, Bộ nên bổ sung thêm các phương thức đào tạo chuyên biệt về chương trình dạy thêm cho giáo viên. Cụ thể, cần có các khóa đào tạo chuyên môn và kỹ năng sư phạm cho giáo viên để nâng cao hiệu quả dạy thêm có thể khác với dạy chính khóa. Nhà trường cũng nên hỗ trợ giáo viên về mặt kỹ thuật và tài liệu để đảm bảo các buổi học thêm đạt chất lượng tốt nhất.
Quan trọng nhất, giáo viên cần có trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp, đề cao nhu cầu của phụ huynh và học sinh thay vì ép buộc học sinh phải đi học".
Đồng quan điểm trên, cô Nguyễn Thùy Mơ - giáo viên trường TH, THCS và THPT Iris (Thái Nguyên) bày tỏ: “Vì là dự thảo thông tư có liên hệ trực tiếp với các giáo viên nên sau khi dự thảo này được ban hành, nhiều giáo viên như tôi đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu.
Trong đó, tôi thấy rằng, nội dung trong dự thảo có sự thay đổi từ "xin phép" sang "báo cáo" với hiệu trưởng cho thấy một sự linh hoạt hơn trong việc giáo viên tổ chức dạy thêm. Thay vì phải chờ đợi sự chấp thuận từ hiệu trưởng, giáo viên chỉ cần báo cáo và tự chủ trong việc dạy thêm.
Điều này giảm bớt thủ tục hành chính và giúp giáo viên dễ dàng hơn trong việc lên kế hoạch giữa chính khóa và dạy thêm nếu có học sinh có nhu cầu. Đặc biệt là chủ động sắp xếp thời gian dành cho các buổi học thêm mà không tác động đến thời gian của các buổi lên lớp.
Nếu không có sự chủ động và sự sắp xếp khéo léo sẽ rất dễ gây ảnh hưởng và thiệt thòi đối với những học sinh không có điều kiện đi học thêm. Để ảnh hưởng đến kết quả học tập một vài học trò chỉ vì không khéo léo khi bố trí thời gian dạy thêm là điều mà lương tâm nghề nghiệp chúng tôi không cho phép".
Qua đó, cô Nguyễn Thùy Mơ đưa ra một số đề xuất, góp ý với dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó giáo viên nhấn mạnh việc thực hiệnminh bạch hóa quy trình khi các giáo viên tổ chức dạy thêm, học thêm.
Cụ thể, giáo viên trường TH, THCS và THPT Iris cho rằng, nên có quy định rõ ràng về việc đăng ký và báo cáo việc dạy thêm. Giáo viên lập danh sách học sinh và thông báo cụ thể về chương trình dạy, thời gian, địa điểm cho phụ huynh và nhà trường. Đồng thời, lãnh đạo nhà trường cũng phải tạo điều kiện, hỗ trợ và không gây khó dễ với giáo viên nếu xác định chính xác các buổi học thêm đó là tự nguyện và dựa trên nhu cầu có thực của học sinh.
Điều này tránh được tình trạng dạy thêm không minh bạch, Ban giám hiệu nhà trường và các cơ quan chức năng dễ dàng kiểm soát khi phụ huynh có ý kiến không tốt về các buổi học thêm do giáo viên trong trường tổ chức.
Cần kiểm soát số lượng học sinh ở lớp học thêm
Chia sẻ thêm một số quan điểm để nhà trường có thể kiểm soát được việc các giáo viên dạy thêm đó có ép buộc học sinh hay không, cô Nguyễn Thị Đào - giáo viên Trường Trung học phổ thông Lạc Long Quân (Sóc Sơn, Hà Nội) cho hay, các nhà trường nên tổ chức bất chợt các đợt khảo sát ẩn danh hoặc thu thập kín các ý kiến từ học sinh và phụ huynh để tìm hiểu về trải nghiệm và cảm nhận của họ đối với các lớp học thêm do giáo viên trong nhà trường tổ chức.
Theo giáo viên này, các phản hồi được thu thập ngẫu nhiên, minh bạch sẽ cung cấp thông tin quan trọng để khẳng định có xảy ra hiện tượng giáo viên ép buộc học sinh hay không.
Cô Nguyễn Thị Đào chia sẻ thêm: "Song song với việc thực hiện các quy định khi dự thảo áp dụng vào thực tiễn các trường cũng cần lập ra các kênh liên lạc trực tiếp giữa nhà trường với phụ huynh và học sinh. Chẳng hạn như hộp thư góp ý, đường dây nóng hoặc email dành riêng cho vấn đề dạy thêm và phải có hội đồng cùng kiểm soát các ý kiến phản ánh chứ không nên để một người phụ trách. Điều này giúp phụ huynh và học sinh dễ dàng báo cáo các vấn đề liên quan đến việc ép buộc, nếu có.
Đồng thời cũng cần kiểm soát số lượng học sinh trong lớp học thêm. Lâu nay rất ít người quan tâm đến số lượng tại các lớp học thêm. Đặc biệt, với các lớp do các giáo viên có uy tín giảng dạy, nếu địa điểm chật hẹp thì có thể xảy ra tình trạng nhồi nhét học sinh trong các lớp đó. Trên thực tế, nếu lớp học thêm có sĩ số quá đông thì đồng nghĩa với việc truyền tải kiến thức cho học sinh cũng không đạt hiệu quả.
Chưa kể, nề nếp tại các lớp học thêm không giống như các lớp học chính khóa ở trường, nếu quá đông và quản lý không tốt có thể dẫn đến tình trạng mất trật tự, lộn xộn, ảnh hưởng đến các học sinh chú tâm với việc học thêm.
Vì thế, các quy định trong dự thảo cũng nên đưa thêm các tiêu chí rõ ràng về sĩ số lớp học thêm. Đồng thời bổ sung các khung xử lý, thậm chí là cho đóng cửa các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về quy mô lớp học. Điều này sẽ đảm bảo yêu cầu tiếp thu của học sinh, tránh gây lãng phí với số tiền phụ huynh chi trả cho việc học thêm của con.
Theo đó, với khả năng truyền thụ của giáo viên, thông thường mỗi lớp không nên quá số lượng 25 học sinh/1 lớp/1 giáo viên với phòng học có diện tích 40 đến 50m2".
Còn theo cô Đỗ Bích Vân – giáo viên Trường Trung học phổ thông Đông Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội), việc Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng dự thảo thông tư nhằm quản lý và hạn chế những biểu hiện tiêu cực trong dạy thêm, học thêm là cần thiết và hợp lý.
Mục tiêu là tạo ra một môi trường học tập lành mạnh, nơi mà việc dạy thêm được thực hiện một cách minh bạch, tự nguyện, và không gây áp lực cho học sinh. Bằng cách đặt ra các quy định rõ ràng, Bộ đã thể hiện sự quan tâm đến việc cân bằng giữa nhu cầu thực tế và việc đảm bảo chất lượng giáo dục, cũng như đạo đức nghề nghiệp của giáo viên.
"Nhu cầu học thêm thực sự của học sinh thì thời điểm nào cũng có. Tuy nhiên, trước đây có thể một số quy định chưa thực sự bám sát, khiến cách quản lý của ngành giáo dục với việc dạy thêm chưa thực hiệu quả. Khi ấy có thể có học sinh muốn học thêm lại không được đáp ứng, còn có học sinh không có nhu cầu thì bị ép buộc, đe dọa".
Qua đó, theo chia sẻ của giáo viên Trường Trung học phổ thông Đông Mỹ, để dự thảo này thực sự hiệu quả nếu áp dụng vào thực tiễn thì cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh. Đồng thời, cần tiếp tục lắng nghe ý kiến từ những người trực tiếp tham gia vào quá trình giáo dục để điều chỉnh và hoàn thiện các quy định một cách phù hợp với thực tiễn.