Người trẻ chuyển đổi tích cực nhờ hiểu sâu giáo lý
Vừa qua, hơn 4.400 Phật tử trong đó nhiều Phật tử trẻ đã đến Việt Nam Quốc Tự - Trụ sở Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM (Q.10) tham gia Hội thi giáo lý Phật tử cấp Thành phố do Ban Hướng dẫn Phật tử kết hợp Ban Hoằng pháp GHPGVN TP.HCM tổ chức.
Điều gì khiến Phật tử trẻ say mê với Hội thi giáo lý? Tâm sự của Phật tử trẻ sau hội thi và những câu chuyện về sự chuyển đổi tích cực nhờ hiểu sâu giáo lý được bạn trẻ chia sẻ qua cầu nối Báo Giác Ngộ.
Từ giáo lý đến tổ ấm hạnh phúc
Là mẹ của 3 đứa trẻ - Minh Hảo, pháp danh An Tuệ Tâm, 31 tuổi là một trong những Phật tử đến địa điểm thi sớm nhất và nộp bài thi sớm nhất trong hội thi. Nhà ở huyện Hóc Môn, từ 5 giờ sáng Hảo bắt đầu di chuyển đến Việt Nam Quốc Tự tham gia hội thi, với tinh thần hân hoan của người Phật tử.
“Em đi thi được sự cổ vũ của các con em, một bé 6 tuổi và hai bé 4 tuổi. Các con rất thích khi mẹ đi học và đi thi Phật pháp. Em cũng lấy việc học của mình để làm gương cho các con. Hiện tại em đang là sinh viên năm 2 khoa Triết học, hệ Đào tạo từ xa của Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM. Em đến với hội thi để nâng cao những kiến thức đã học, đối chiếu các kiến thức đã tiếp nhận được để áp dụng vào việc nuôi dạy con, vun đắp cho tổ ấm gia đình”, Hảo chia sẻ.
Nói với Báo Giác Ngộ, Hảo cho biết thêm, bản thân rất đam mê học giáo lý, giáo lý là kim chỉ nam giúp bạn vượt qua những giai đoạn khó khăn một cách dễ dàng: “Nhờ học giáo lý và thực hành đúng phương pháp, hai vợ chồng em dễ tìm được tiếng nói chung, hễ có bất đồng quan điểm là hai vợ chồng cùng nghe pháp, mọi mâu thuẫn đều được chia sẻ trong êm ấm, các con luôn cảm nhận được năng lượng lành từ ứng xử của ba mẹ”.
Áp dụng giáo lý vào việc giáo dục con trẻ, Hảo lấy một trong những “giới luật” của người Phật tử để dạy con, đặc biệt là nuôi dưỡng lòng từ bi, không giết hại con vật, vì con vật cũng có cha mẹ, gia đình. Các bé nhà Hảo đã áp dụng vào cuộc sống hàng ngày, không giết con kiến, không bắt cá để chơi, đặc biệt một tháng các bạn nhỏ có 5 ngày ăn chay cùng mẹ, và ngày sám hối đều đi chùa để gieo yêu thương qua những lời cầu nguyện, nuôi dưỡng tâm từ.
“Hội thi giáo lý rất bổ ích cho Phật tử, đặc biệt là Phật tử trẻ. Sở dĩ em đến học viện học là vì muốn được học giáo lý, học từ nền tảng bài bản, đây là điều cốt lõi em đầu tư để dạy dỗ con và xây dựng hạnh phúc gia đình. Thế nên ngày cuối tuần, thứ Bảy và Chủ nhật, gia đình em hỗ trợ chăm các con để em đi học ở Học viện Phật giáo. Em nghĩ nếu các chùa thường xuyên mở lớp giáo lý thì giới trẻ có thêm nhiều cơ hội tiếp cận, học hỏi, đó thật sự là duyên lành vì có hiểu đúng thì mới ứng dụng hiệu quả”, Hảo nói.
Hiểu đúng giáo lý, tâm hồn được thêm nuôi dưỡng
Trong số các Phật tử tham gia hội thi, không ít bạn trẻ cho biết bản thân quy y Tam bảo trước khi học chuyên sâu khóa giáo lý, vì vậy hội thi là cơ hội cho các bạn được học từ nền tảng ban đầu. Mai Thị Ánh Tuyết, pháp danh Ngọc Sương, sinh năm 1991 tham gia hội thi từ đơn vị chùa An Lạc, TP.Thủ Đức cho biết: “Em quy y Tam bảo vì gia đình có tín tâm với Phật pháp. Khi có Hội thi giáo lý, em được học giáo lý tại chùa, được tìm hiểu sâu về Bát chánh đạo và nhiều lời dạy rất hay. Dù học được 3 tháng nhưng em cũng áp dụng vào chính công việc của mình, có kết quả ngay. Công việc của em về nha khoa, hàng ngày chăm sóc nhiều khách hàng khác nhau. Trước đây một việc bất như ý, em hay nóng giận, nay thì khác hơn khi em biết làm chủ cảm xúc, điềm tĩnh điều tiết bản thân, xử lý các tình huống tốt hơn”.
Trong niềm hạnh phúc khi làm mới được chính mình vào những ngày cuối năm, Ánh Tuyết chia sẻ thêm: “Trước khi học giáo lý, có chuyện gì không như ý, em hay trách số mình xui, nay em không còn trách nữa, vì khi học giáo lý thì em hiểu về nhân quả, cái gì cũng có nhân quả - đây là mấu chốt của cuộc sống, em muốn có quả thế nào thì phải gieo trồng đúng nhân, làm đúng việc. Đây là bài học rất hay em nhận được trong 3 tháng ôn thi, học giáo lý”.
Như Ánh Tuyết, Võ Thị Ngọc Lam, sinh năm 1996 cũng là một trong những bạn trẻ quy y Tam bảo trước khi tham gia học khóa giáo lý dành cho Phật tử. Ngay khi các cô Phật tử đạo tràng chùa Giác Sanh (Q.11, TP.HCM) thông tin về Hội thi giáo lý, Lam hào hứng xin đăng ký ôn thi ngay, vì đây là cơ hội cho bản thân được hiểu hơn về giáo lý.
Và kết quả Lam nhận được sau 3 tháng học, ôn thi giáo lý, đó là: “Trước đây mình quy y nhưng chưa qua lớp giáo lý nào nên hiểu rằng bố thí là cho quà từ thiện. Nhưng khi học giáo lý, mình biết được rằng có nhiều cách mở rộng lòng từ, nhiều cách cho, cho nụ cười, cho lời ái ngữ, cho niềm hoan hỷ khi người khác làm được việc thiện cũng là mình đang cho. Điều này giúp cho mình nhận thức đúng đắn hơn về việc người Phật tử nên làm, góc nhìn của mình về cuộc sống cũng thêm rộng mở hơn”, Lam chia sẻ.
Trên tinh thần quy y Phật là phải hiểu giáo lý Phật và ý thức về trách nhiệm của người Phật tử, Lam cho biết thêm, sau Hội thi giáo lý, bạn vẫn sẽ dành thời gian để tham gia khóa học giáo lý để bản thân ngày càng hoàn thiện mình hơn. “Em nghĩ rằng, được học giáo lý, thấm được lời Phật dạy là điều hạnh phúc của Phật tử trẻ nhưng hành là điều quan trọng. Em muốn học vì đó là có cơ hội để ôn giáo lý, để nhớ những giới luật, thực hành đem lại lợi ích cho bản thân, người bên cạnh”, Lam trình bày.
“Mong muốn giáo lý được lan tỏa rộng rãi”: Tâm sự của Phật tử trẻ sau hội thi
Đạt giải 3 trong Hội thi giáo lý cấp thành phố dành cho Phật tử năm 2024, trả lời phỏng vấn với Báo Giác Ngộ cảm xúc khi đạt giải cao, Võ Hồng Nhân, pháp danh Phước Nhân, sinh năm 1988 khiêm tốn chia sẻ: “Thưa chư tôn đức, con rất hạnh phúc và xúc động khi đạt giải, thật sự con không dám nghĩ là con có thể đạt được giải thưởng cao trong hội thi này. Con đến hội thi với tinh thần học Phật, học giáo lý là để hiểu Phật và vận dụng lời Phật dạy vào cuộc sống hàng ngày”.
Từ khi có thông tin về Hội thi giáo lý và Đức đức Thích Minh Thạnh, trụ trì chùa Thiên Khánh (Q.6, TP.HCM) tổ chức ôn giáo lý, trong suốt 3 tháng, Nhân đều tham gia học tập hăng say vào mỗi tối. “Qua 2 kỳ thi cấp quận và thành phố thì con hiểu về Phật giáo một cách bài bản hơn. Hiểu đạo Phật một cách sâu sắc không còn mê tín như ngày xưa nữa. Chính bản thân con cũng có những chuyển biến tích cực trong nội tại của chính mình. Vốn là người hay nóng giận nhưng khi học những lời Phật dạy thì con tự nhận thức, thấu hiểu và chuyển hóa chính mình”, Nhân chia sẻ thành quả quý giá nhất bạn nhận được từ việc học giáo lý.
Từ lợi ích bản thân có được từ việc học, ôn thi giáo lý, là một Phật tử trẻ, Nhân gửi tâm nguyện lên chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội Phật giáo thành phố: “Trong tương lai, con mong muốn mỗi năm Giáo hội sẽ tổ chức hội thi như thế này để Phật tử có cơ hội ôn tập lời Phật dạy. Đối với người Phật tử trẻ, việc hiểu Phật pháp là điều rất cần thiết, giúp chúng con nhận diện đúng, hiểu đúng điều bản thân cần và biết dừng lại với những cám dỗ để cuộc sống không phải đau khổ hối tiếc về sau”.