Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng bằng quy tắc ứng xử
'Bộ quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng', được xây dựng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế về các quy định bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, tham khảo khung của các bộ quy tắc khác đã được ban hành.
Thêm "hàng rào" bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa ban hành "Bộ quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng", quy định về hành vi ứng xử và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức khi tham gia hoạt động trên mạng.
Bộ quy tắc sẽ góp phần điều chỉnh hành vi ứng xử của mọi người, từ đó, kiến tạo môi trường mạng tích cực và lành mạnh cho trẻ em. Đồng thời, nhằm mục đích xây dựng chuẩn mực ngôn ngữ, hành vi, ứng xử cho người sử dụng Internet, qua đó, thúc đẩy môi trường mạng an toàn, văn minh, góp phần bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
Bộ quy tắc cũng hướng tới nâng cao nhận thức của xã hội về các rủi ro mà trẻ em phải đối mặt khi hoạt động trên môi trường mạng; nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, giáo viên và toàn xã hội trong việc chung tay bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Cùng với đó, thúc đẩy việc phản ánh, thông báo các nội dung độc hại và các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng tới các cơ quan chức năng.
"Bộ quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng", được xây dựng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế về các quy định bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, tham khảo khung của các bộ quy tắc khác đã được ban hành.
Đồng thời, cũng xuất phát từ thực tiễn các vụ việc đã xảy ra trên môi trường mạng, những khoảng trống giữa thực tế và hành lang pháp lý về bảo vệ trẻ em trên mạng hiện nay.
Ngoài nhóm quy tắc chung áp dụng cho mọi người, bộ quy tắc cũng đưa ra các quy tắc cho 5 nhóm đối tượng gồm: Cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và giáo viên; người dùng trên môi trường mạng; tổ chức, doanh nghiệp truyền thông và người sáng tạo nội dung trên môi trường mạng; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet và doanh nghiệp cung cấp nền tảng và trẻ em.
Bộ quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là bước tiếp theo rất cần thiết để có thể nâng cao kiến thức, nhận thức về bảo vệ trẻ em trên mạng.
Đưa bộ quy tắc sớm đi vào cuộc sống
Việt Nam đã có nhiều văn bản, quy định pháp luật để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, tiêu biểu như Luật Trẻ em, chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025.
Gần đây, Nghị định 147 của Chính phủ quy định biện pháp thi hành việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng, cũng có nhiều quy định tập trung vào bảo vệ an toàn cho trẻ trên không gian mạng.
Hay cuối năm 2024, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cũng đã cho ra mắt tài liệu "Cẩm nang bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng 2024". Đây là một trong số những giải pháp quan trọng mà Cục An toàn thông tin triển khai nhằm tăng cường kỹ năng số cho thế hệ công dân số của Việt Nam.
Để bộ quy tắc sớm đi vào thực tiễn, các chuyên cho rằng, bên cạnh công tác tuyên truyền nhằm nân cao nhận thức và để người dân áp dụng, vẫn cần có chế tài chặt chẽ hơn đối với các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, nền tảng, nội dung trên mạng. Qua đó mới có thể kiểm soát được nguồn thông tin, nội dung cung cấp tới trẻ em.
Các nội dung về "Bộ quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng" phải được lồng ghép trong các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thông qua các kênh thông tin với nhiều hình thức mới, dễ hiểu, dễ thẩm thấu tới từng đối tượng cụ thể.
Các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em trên mạng cần được tổ chức theo chiều sâu, thông qua các dự án ở từng vùng, từng địa phương, các trường học…
Đặc biệt, trên cơ sở các thông tin được cung cấp trong bộ quy tắc, sự phối hợp của gia đình, nhà trường và xã hội cùng sự chủ động tiếp cận của trẻ em sẽ là điều kiện tiên quyết để hình thành lá chắn số cho trẻ em trên không gian mạng…
Theo số liệu Trung tâm quốc gia về trẻ em mất tích và bị bóc lột (NCMEC), năm 2023 có hơn 533.200 báo cáo về hình ảnh/video xâm hại tình dục trẻ em trên mạng liên quan tới Việt Nam. Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN (sau Indonesia và Philippines) về những cảnh báo mất an toàn trên không gian mạng đối với trẻ em. Thực trạng này gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự cấp thiết phải bảo vệ trẻ em khỏi các rủi ro trên không gian mạng.