Người tiêu dùng Nhật Bản dần chuyển sang sử dụng gạo nhập khẩu
Do tình trạng thiếu hụt nguồn cung gạo, nhiều nhà hàng và chuỗi bán lẻ tại Nhật Bản đã buộc phải tìm đến các nguồn gạo thay thế từ nước ngoài, chủ yếu là gạo Mỹ.

Gạo Nhật Bản được bày bán tại siêu thị. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Giữa lúc giá gạo nội địa Nhật Bản liên tục leo thang do sản lượng sụt giảm và nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh, ngày càng nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng nước này đang chuyển sang sử dụng gạo nhập khẩu thay thế.
Đây được xem là một sự chuyển biến đáng chú ý trong tư duy tiêu dùng, có thể tạo dư địa cho Chính phủ Nhật Bản nới lỏng một số hạn chế thương mại, trong bối cảnh căng thẳng thuế quan với Mỹ đang gia tăng.
Tình trạng thiếu hụt nguồn cung gạo bắt đầu từ năm 2024 đã khiến giá gạo nội địa Nhật Bản tăng khoảng 70% trong vòng một năm qua, lên mức cao nhất kể từ khi số liệu thống kê chính thức được ghi nhận vào năm 2006. Nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết nắng nóng cực đoan và nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh từ làn sóng du lịch bùng nổ.
Trong bối cảnh đó, nhiều nhà hàng và chuỗi bán lẻ tại Nhật Bản đã buộc phải tìm đến các nguồn gạo thay thế từ nước ngoài, chủ yếu là gạo Mỹ. Ông Arata Hirano, chủ một nhà hàng tại Tokyo, cho biết ông đã bắt đầu sử dụng gạo Calrose của Mỹ từ mùa Hè năm ngoái. Dù giá loại gạo này đã tăng gấp đôi so với lần nhập đầu tiên, song hiện vẫn rẻ hơn đáng kể so với gạo nội địa. Ông chia sẻ: “Trừ khi giá gạo trong nước giảm xuống thấp hơn giá gạo Calrose, tôi không có ý định quay lại dùng gạo Nhật”.
Ông Hirano không phải là trường hợp cá biệt. Xu hướng này đã lan rộng ra ngoài lĩnh vực ẩm thực. Tập đoàn bán lẻ Aeon mới đây đã tung ra loại gạo pha trộn với tỷ lệ 80% gạo Mỹ và 20% gạo Nhật, có giá rẻ hơn khoảng 10% so với gạo nội địa, sau khi thử nghiệm bán hàng ghi nhận kết quả tích cực.
Các chuỗi thức ăn nhanh như Matsuya hay Colowide cũng đã bắt đầu sử dụng hoàn toàn gạo Mỹ trong các món ăn phục vụ thực khách. Trong khi đó, tại chuỗi siêu thị Seiyu, gạo Đài Loan (Trung Quốc) đã trở thành mặt hàng bán chạy kể từ năm 2024.
Người tiêu dùng Nhật Bản vốn nổi tiếng là khó tính và bảo thủ trong thói quen tiêu dùng gạo – loại lương thực chủ lực gắn liền với văn hóa ẩm thực truyền thống của đất nước này. Do đó, việc người tiêu dùng Nhật Bản "đón nhận" gạo nhập khẩu cho thấy đã có sự thay đổi lớn trong nhận thức.
Chính phủ Nhật Bản hiện giới hạn mức nhập khẩu gạo miễn thuế ở ngưỡng 100.000 tấn mỗi năm, tương đương khoảng 1% tổng lượng tiêu thụ trong nước. Trong đó, gạo Mỹ chiếm khoảng 60%, phần còn lại đến từ Australia, Thái Lan và Đài Loan. Bất kỳ lượng nhập khẩu nào vượt hạn ngạch sẽ phải chịu mức thuế cao lên tới 341 yen/kg (2,39 USD/kg).
Tuy nhiên, nhu cầu gia tăng đang đẩy hạn ngạch này đến giới hạn. Trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2025, lần đầu tiên trong bảy năm, Nhật Bản đã sử dụng hết hạn ngạch 100.000 tấn gạo miễn thuế. Thậm chí, lượng gạo nhập khẩu chịu thuế cũng tăng gấp bốn lần, đạt gần 1.500 tấn chỉ trong 11 tháng đầu năm tài khóa 2024.
Một hội đồng tư vấn của Bộ Tài chính Nhật Bản mới đây đã đề xuất xem xét việc nới lỏng hạn ngạch nhập khẩu gạo để góp phần bình ổn thị trường. Tuy nhiên, với cuộc bầu cử Thượng viện sắp tới, đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Shigeru Ishiba được cho là khó có thể mạo hiểm đánh mất sự ủng hộ từ cử tri nông dân - lực lượng hậu thuẫn truyền thống của đảng này.
Dù vẫn còn nhiều rào cản, việc người tiêu dùng Nhật Bản ngày càng cởi mở hơn với gạo nhập khẩu đang tạo ra những tín hiệu mới cho thị trường nông sản của nước này, giữa bối cảnh chi phí sinh hoạt và giá lương thực ngày càng leo thang.