HTX thu hút nông dân làm kinh tế kiểu mới để xóa đói, giảm nghèo

Thời gian qua, hoạt động của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tại tỉnh Tiền Giang có nhiều chuyển biến tích cực. Mạng lưới các HTX nông nghiệp phát triển mạnh góp phần thu hút nông dân tham gia, tạo việc làm cho lao động nông nhàn, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa, nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên.

Theo số liệu thống kê, đến nay tỉnh Tiền Giang có 190 HTX nông nghiệp với hơn 46 nghìn thành viên và hơn 2.000 lao động, tổng vốn hoạt động trên 189 tỷ đồng, bình quân 1 tỷ đồng/HTX. Hoạt động kinh doanh của các HTX nông nghiệp đã góp phần giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các thành viên, tạo điều kiện cho các thành viên học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm.

Nông dân yên tâm sản xuất

Từ tổ hợp tác sản xuất rau an toàn ban đầu, HTX Rau an toàn Tân Đông (xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông) đã mạnh dạn nâng lên thành HTX. Với những nỗ lực không ngừng, đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX đã phát triển ổn định, bền vững.

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, HTX Rau an toàn Tân Đông không ngừng cải tiến công nghệ, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến vào trồng trọt để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Hiện nay, HTX sản xuất và cung ứng 49 chủng rau loại rau, củ, quả các loại. Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt ghi chép nhật ký sản xuất của thành viên đến ứng dụng bao bì, nhãn mác, địa chỉ truy xuất nguồn gốc mà HTX sớm có được uy tín, từng bước tạo lập thương hiệu.

HTX ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm cho các đối tác như: Siêu thị Co.opmart; Công ty Bách hóa xanh và một số bếp ăn tập thể của tập đoàn, công ty lớn trong và ngoài tỉnh với số lượng từ 1,5 đến 2 tấn mỗi ngày, với các mặt hàng chủ lực như: cải xanh, cải ngọt, cải thìa, mồng tơi, rau muống, rau dền và các mặt hàng rau ăn quả như: bầu, bí xanh, mướp, dưa leo, khổ qua, đậu bắp…

HTX Rau an toàn Tân Đông sản xuất và cung ứng 49 chủng rau loại rau, củ, quả các loại.

HTX Rau an toàn Tân Đông sản xuất và cung ứng 49 chủng rau loại rau, củ, quả các loại.

Ngoài ra, HTX còn xuất sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc khoảng 2 chuyến mỗi tuần với số lượng trên 1 tấn hàng mỗi chuyến, với các mặt hàng như: rau ngót, rau om, củ hành tím…

Với việc tìm kiếm được thị trường đầu ra ổn định, hiện HTX đã ký hợp đồng và bao tiêu sản phẩm cho tất cả các thành viên. Điều này giúp thành viên an tâm sản xuất, đồng hành cùng HTX phát triển. Trong năm 2024, HTX đã tiêu thụ sản phẩm do thành viên sản xuất trên 2.000 tấn rau, củ, quả các loại; doanh thu đạt trên 11 tỷ đồng, tạo thu nhập thường xuyên bình quân 5,5 triệu đồng/tháng/thành viên. Hiện nay, HTX có hơn 100 thành viên canh tác với diện tích khoảng 30 ha, trong đó có hàng chục thành viên sản xuất theo quy trình VietGAP và nhiều thành viên khác tham gia sản xuất rau an toàn.

Cũng như nhiều nông dân khác, trước đây anh Lê Văn Oanh, ấp Chùa Đất Đỏ, xã Tân Đông chỉ quen với sản xuất nông nghiệp theo kiểu truyền thống, 5 công đất trồng rau của anh đến đợt thu hoạch phải phụ thuộc vào thương lái ở chợ, giá cả thì liên tục bấp bênh theo thị trường. Đến khi anh tham gia vào HTX sản xuất Rau an toàn Tân Đông thì mọi chuyện đã khác.

“Từ khi tham gia vào HTX, gia đình tôi được hướng dẫn trồng rau an toàn, theo quy trình VietGAP. Rau đến kỳ thu hoạch sẽ được HTX Rau an toàn Tân Đông thu mua và xuất khẩu ra nước ngoài nên giá cao hơn nhiều so với bán cho thương lái ngoài chợ. Nhờ đó, gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định, có của ăn của để”, anh Oanh cho hay.

Thu hút thành viên nhờ hiệu quả sản xuất

Thời gian qua, hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có nhiều chuyển biến tích cực.

HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp sạch Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho được thành lập năm 2017, với 30 thành viên, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất rau màu. Sản phẩm chính là trái dưa lưới chiếm 80% sản lượng. Dưa được sản xuất theo mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đạt chất lượng, đảm bảo an toàn. Đặc biệt, năm 2022, sản phẩm được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận đạt OCOP hạng 3 sao.

“Cây dưa lưới là cây trồng ưa sáng nên cần phải trồng ở những nơi có đầy đủ ánh sáng. Để có sản phẩm đạt chất lượng cao, người chăm sóc phải nắm bắt kỹ thuật tốt từ giai đoạn ươm hạt giống đến cung cấp dinh dưỡng, thụ phấn, chọn trái, chọn thời điểm thu hoạch”, chị Lê Thị Kim Chi, Giám đốc HTX cho hay.

Đến nay, số lượng thành viên đã tăng lên trên 100 thành viên chuyên sản xuất trái dưa lưới, có trên 100 nhà lưới. Ngay từ khi thành lập, HTX đã chú trọng sản xuất sản phẩm theo mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đạt chất lượng, đảm bảo an toàn.

Thành viên HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp sạch Mỹ Phong thu hoạch rau màu.

Thành viên HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp sạch Mỹ Phong thu hoạch rau màu.

Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang cho biết, HTX Nông nghiệp sạch Mỹ Phong là một trong những đơn vị sản xuất dưa lưới lớn nhất Tiền Giang với trên 100 nhà lưới (khoảng 1.000m2/căn), sản lượng từ 60 - 100 tấn/tháng. HTX Mỹ Phong trở thành một trong những HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả cao của tỉnh Tiền Giang với doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục thành viên. Đồng thời, liên kết bao tiêu đầu ra cho nhiều hộ nông dân trong vùng.

Khi tham gia vào HTX, các thành viên được chuyển giao kỹ thuật trồng dưa lưới, được bao tiêu đầu ra với giá từ 25.000 -30.000 đồng/kg (tùy thời điểm). Hiện nay, đầu ra cho các sản phẩm của HTX rất thuận lợi, ổn định nhờ sự hợp tác được với đối tác lớn là chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh.

Mỗi tháng, HTX cung cấp cho thị trường từ 60-100 tấn dưa lưới; trong hai năm 2023 – 2024, trung bình mỗi năm HTX đạt con số kỷ lục 1.091 tấn, đạt doanh thu gần 20 tỷ đồng.

Hoạt động của HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp sạch Mỹ Phong có hiệu quả, đời sống người nông dân ổn định và phát triển và còn đóng góp các công tác xã hội, xây dựng địa phương.

Nhân rộng nhiều mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới

Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang cho biết, ngoài HTX Rau an toàn Tân Đông và HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp sạch Mỹ Phong, tỉnh có nhiều mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới hoạt động hiệu quả như: Mô hình HTX Mỹ Tịnh An sản xuất thanh long GlobalGAP xuất khẩu sang châu Âu, châu Mỹ; mô hình HTX nông nghiệp Hiệp Đức sản xuất sầu riêng theo chuỗi giá trị, xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc; mô hình HTX chăn nuôi và thủy sản Gò Công sản xuất gà ta Gò Công VietGAP với nhiều sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3, 4 sao, chuyên cung cấp cho các chuỗi siêu thị, nhà hàng lớn; các mô hình sản xuất rau VietGAP ở huyện Gò Công Tây, thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông; mô hình chăn nuôi dê kết hợp với du lịch nông thôn của HTX nông nghiệp Đông Nghi...

Bên cạnh đó, tỉnh có 28 HTX nông nghiệp đã và đang chủ trì thực hiện dự án, kế hoạch liên kết tiêu thụ theo Nghị định số 98 về Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Có 15 HTX với 22 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP; 59 HTX đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP.

Để các HTX nông nghiệp phát triển, tỉnh Tiền Giang đặt ra mục tiêu trong thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt là các đặc trưng, bản chất, vai trò của HTX kiểu mới trong bối cảnh hiện nay.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung triển khai thực hiện Chương trình Hỗ trợ HTX giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, tỉnh đẩy mạnh hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho HTX để nâng cao năng lực chế biến, bảo quản; đảm bảo hạ tầng logistics đồng bộ trong vùng sản xuất; tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ cán bộ trẻ về làm việc ở HTX; đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp, cập nhật kiến thức, thông tin thị trường để nâng cao năng lực kinh doanh, kỹ năng quản lý cho HTX. Đồng thời, phát triển các mô hình HTX liên kết hợp tác và tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp, từ đó phát triển các sản phẩm từ các chuỗi liên kết thành sản phẩm OCOP.

Mục tiêu là mỗi địa phương trong tỉnh Tiền Giang cần tập trung xây dựng, hỗ trợ hình thành 3-4 mô hình HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, gắn với đặc trưng và lợi thế của từng khu vực để là mô hình điểm và nhân rộng như: Mô hình HTX phát triển gắn với du lịch nông thôn, hay mô hình HTX liên kết với doanh nghiệp hình thành chuỗi giá trị quy mô lớn, gắn với truy xuất nguồn gốc, xây dựng sản phẩm OCOP…

Hoàng Hà

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/htx-thu-hut-nong-dan-lam-kinh-te-kieu-moi-de-xoa-doi-giam-ngheo-1106325.html
Zalo