Người tiêu dùng là động lực quan trọng trong tiến trình phát triển bền vững

Bên cạnh những chính sách của Nhà nước, chiến lược quản trị doanh nghiệp thì những thương hiệu dẫn dắt đóng vai trò quan trọng trong xu hứng phát triển bền vững. Đồng thời, sức mạnh của thương hiệu có thể tạo ra tác động mẽ trong việc dẫn dắt thay đổi thói quen, hành vi người tiêu dùng…

Toàn cảnh diễn đàn “Thương hiệu Dẫn dắt bền vững” sáng 22/11.

Toàn cảnh diễn đàn “Thương hiệu Dẫn dắt bền vững” sáng 22/11.

Tại diễn đàn “Thương hiệu Dẫn dắt bền vững” do Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) và Vietnam Brand Purpose phối hợp tổ chức, các chuyên gia nhận định: “Thương hiệu dẫn dắt bền vững sẽ giúp các doanh nghiệp Việt tận dụng sức mạnh của thương hiệu để thay đổi thói quen, hành vi người tiêu dùng hướng đến lối sống và tiêu dùng bền vững”.

TÍCH HỢP ESG VÀO CHIẾN LƯỢC KINH DOANH LÀ TẤT YẾU

Bà Marie-Anne Aymerich, Giám đốc không điều hành, Chủ tịch Ủy ban Phát triển bền vững về Môi trường và Xã hội, Haleon Global, cho rằng phát triển bền vững hiện nay đã trở thành tâm điểm của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo bà Marie-Anne, điều quan trọng là phải đặt phát triển bền vững làm "trái tim" của chiến lược kinh doanh và xác định mục tiêu đúng đắn ngay từ đầu.

Bà Marie-Anne Aymerich, Giám đốc không điều hành, Chủ tịch Ủy ban Phát triển bền vững về Môi trường và Xã hội, Haleon Global, phát biểu tại diễn đàn.

Bà Marie-Anne Aymerich, Giám đốc không điều hành, Chủ tịch Ủy ban Phát triển bền vững về Môi trường và Xã hội, Haleon Global, phát biểu tại diễn đàn.

Trong đó, yếu tố ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hình chiến lược kinh doanh hiện đại, giúp doanh nghiệp tạo dựng niềm tin và sự gắn kết với người tiêu dùng. Để đạt được thành công trong môi trường kinh doanh hiện nay, theo bà Marie-Anne, doanh nghiệp cần áp dụng 5 cách thức mới.

Thứ nhất, áp lực giữa ESG và kinh doanh, việc cân bằng giữa việc tuân thủ các tiêu chuẩn ESG và yêu cầu kinh doanh vẫn luôn là một thách thức, đòi hỏi doanh nghiệp phải có những quyết định khó khăn.

Thứ hai, cuộc chơi đa bên từ sự hợp tác và liên minh giữa các bên liên quan, bao gồm nhà cung cấp, đối tác và khách hàng, sẽ tạo ra giá trị lớn hơn và giúp doanh nghiệp vươn xa.

Thứ ba, để có thể đối mặt với những thách thức toàn cầu, doanh nghiệp cần xây dựng các liên minh chiến lược với các tổ chức, các doanh nghiệp khác, để đạt được mục tiêu chung.

Thứ tư, ngày nay tiêu dùng ngày càng quan tâm đến tính minh bạch trong các hoạt động của doanh nghiệp. Niềm tin từ khách hàng sẽ là yếu tố quyết định cho sự phát triển lâu dài.

Thứ năm, đo lường hiệu quả. Trong đó, các doanh nghiệp cần tìm ra phương pháp rõ ràng và khoa học để đo lường hiệu quả của các chiến lược phát triển bền vững, từ đó có thể điều chỉnh và cải tiến.

Tuy nhiên, bà Marie-Anne Aymerich cũng đề cập đến những khó khăn mà doanh nghiệp sẽ gặp phải trong quá trình này. Sự can đảm là yếu tố quan trọng, đặc biệt trong những thời điểm mà doanh nghiệp phải đưa ra quyết định chuyển đổi. “Các doanh nghiệp sẽ cần sự quyết tâm và tầm nhìn dài hạn để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, dù cho con đường này không hề dễ dàng”, bà Marie-Anne Aymerich nhấn mạnh.

LẤY NGƯỜI TIÊU DÙNG LÀM TRỌNG TÂM

Tại phiên thảo luận “Thương hiệu dẫn dắt lấy người tiêu dùng làm trọng tâm sẽ tạo tác động mạnh mẽ nhất” trong khuôn khổ diễn đàn, nhà báo Yasu Ota, Nikkei Châu Á, cho rằng các thương hiệu cần đặt người tiêu dùng làm trung tâm. Khi người tiêu dùng thay đổi hành vi, doanh nghiệp cũng phải thay đổi.

“Sau đại dịch Covid – 19, người tiêu dùng trở nên chú trọng hơn đến những sản phẩm không chỉ có tính năng tốt mà còn có quy trình xuất xứ rõ ràng. "Câu chuyện phía sau sản phẩm" sẽ tác động lớn đến quyết định tiêu dùng của họ”, ông Yasu Uta nhấn mạnh.

Đưa ra ví dụ tại Nhật Bản, ông Yasu Ota cho biết trong tiến trình phát triển nhanh chóng, quốc gia cũng đã có những hệ quả, tổn thất về môi trường cũng như thói quen của người tiêu dùng.

Hiện, Nhật Bản cũng đã và đang có những thay đổi về thói quen tiêu dùng nhanh, hướng đến người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm bền vững. Song, Việt Nam có thể học hỏi từ những kinh nghiệm từ các quốc gia để không mắc phải những sai lầm tương tự bằng cách tận dụng tiềm năng, lợi thế và cơ hội để tạo sự khác biệt.

Các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm trong định hướng phát triển bền vững của doanh nghiệp tại phiên thảo luận.

Các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm trong định hướng phát triển bền vững của doanh nghiệp tại phiên thảo luận.

Dưới góc độ doanh nghiệp đang trên hành trình hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, ông Lý Huy Sáng, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Long, chia sẻ: “Trong 2-3 năm gần đây, nhóm khách hàng quan tâm nhiều hơn đến tính bền vững của sản phẩm đang dần trẻ hóa. Do đó, doanh nghiệp hướng đến việc tương tác và giáo dục cho học sinh về những sản phẩm và hành động có tác động tích cực đến môi trường”.

Từ đó, những “lớp trẻ” này sẽ là người đem đến những nhận thức thay đổi về tiêu dùng bền vững đến với gia đình, phụ huynh. Điều này không chỉ giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường mà còn tạo ra thế hệ tiêu dùng thông thái, biết lựa chọn sản phẩm bền vững.

Bên cạnh đó, thay vì sử dụng than gỗ củi, chuyển sang sử dụng điện giúp giảm tới 60% lượng phát thải khí nhà kính. Đồng thời, việc tái chế lại vật liệu, nguyên liệu phụ phẩm trong quá trình sản xuất là một bước đi quan trọng trong việc tiết kiệm tài nguyên và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

“Chú trọng vào sự tiện lợi và khả năng tái sử dụng của sản phẩm cũng là một yếu tố quan trọng. Thay vì khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các chai nhựa dùng một lần, Minh Long đã đưa ra giải pháp sử dụng chai nước bằng sứ có hình ảnh biểu tượng văn hóa Việt Nam, có thể tái sử dụng nhiều lần. Điều này không chỉ giúp giảm lượng rác thải nhựa mà còn phát huy hình ảnh du lịch văn hóa”, ông Sáng cho biết thêm.

Tuy nhiên, theo ông Sáng, hiện doanh nghiệp vẫn đang chịu thách thức lớn là sự cạnh tranh mạnh mẽ từ thị trường chai nhựa và việc đầu tư vào quy trình sản xuất làm sao để giảm giá thành sản phẩm mà vẫn đảm bảo hiệu quả cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ khi có những sáng chế của doanh nghiệp cũng đang gặp phải những khó khăn.

Mặt khác, bà Lê Thanh Tú, Giám đốc Tiếp thị & Phát triển Bền vững Nestlé Waters, cho biết sau đại dịch, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe thể chất và tinh thần và xu hướng tiêu dùng bền vững trở nên rõ rệt hơn.

“Do đó, doanh nghiệp đưa ra những sản phẩm hướng đến người tiêu dùng, để họ hiểu được Lavie là nước khoáng tự nhiên bổ sung khoáng chất và sức khỏe, giúp người tiêu dùng thay đổi thói quen uống nhiều nước”, bà Tú chia sẻ.

Bên cạnh đó, công ty cũng đã triển khai những sáng kiến phát triển bền vững như sử dụng nhựa tái chế cho bao bì sản phẩm. Tại Nestlé Waters, doanh nghiệp hướng đến phát triển bền vững trên hai khía cạnh, có thể gọi là “gươm và khiêng”. Trong đó, “thanh gươm” chính là biểu tượng cho sự bền vững và mạnh mẽ. Đồng thời, tạo nên sự khác biệt và tính cạnh tranh của sản phẩm. Đối với “khiêng” chính là những gì bảo vệ doanh nghiệp hướng tới tương lai thông qua phát triển bền vững. Trong đó, đơn cử như việc thu gom chai nhựa và tái chế chai nhựa để sử dụng lại cho quy trình tiếp theo mà doanh nghiệp gọi là “chai trong chai” .

Vân Nguyễn

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nguoi-tieu-dung-la-dong-luc-quan-trong-trong-tien-trinh-phat-trien-ben-vung.htm
Zalo