Người tiêu dùng ASEAN ngày càng phát triển
Theo nhận định của giới chuyên gia, ASEAN là khu vực đang trên đà phát triển, với nhu cầu trong nước ngày càng tăng, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ và ngành du lịch phát triển mạnh.
![Trọng tâm của tăng trưởng khu vực là người tiêu dùng ASEAN đang phát triển nhanh chóng. Ảnh minh họa: Báo Lao động](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_459_51462423/df3a61ba51f4b8aae1e5.jpg)
Trọng tâm của tăng trưởng khu vực là người tiêu dùng ASEAN đang phát triển nhanh chóng. Ảnh minh họa: Báo Lao động
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ASEAN ghi nhận tăng gấp đôi trong giai đoạn từ 2009 đến 2022, đạt 3,6 nghìn tỷ USD. Trọng tâm của sự tăng trưởng này là người tiêu dùng ASEAN đang phát triển nhanh chóng.
Tăng trưởng ở các nước ASEAN-6, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đạt trung bình 3,8% vào năm 2023, sau đó tăng lên đến 4,5% trong nửa đầu năm 2024. Con số này khá khả quan khi so sánh với các nền kinh tế lớn với mức tăng trưởng trung bình từ 3,1% - 3,2% trong cùng thời gian.
Được biết, câu chuyện của ASEAN là câu chuyện về tiêu dùng liên tục. Hai xu hướng được thiết lập để định hình tương lai của tiêu dùng, gồm người tiêu dùng lạc quan nhưng có nhận thức về kinh tế và người tiêu dùng ngày càng cởi mở hơn với các sản phẩm và dịch vụ lấy khách hàng làm trọng tâm.
Những phát hiện này được các chuyên gia đưa ra trong Nghiên cứu Tâm lý Người tiêu dùng ASEAN 2024, thực hiện bởi sự hợp tác của Tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group (BCG) và Ngân hàng United Overseas Bank (UOB), trong đó chứng minh sự lạc quan hấp dẫn trên khắp khu vực. Tuy nhiên, một thực tế cũng hiện diện rất rõ ràng rằng chính phủ các nước cần nỗ lực nhiều hơn nữa để khai thác hết tiềm năng của đối tượng người tiêu dùng đang rộng mở này.
Trong số các quốc gia trong khu vực, Indonesia là quốc gia đóng góp lớn nhất vào GDP của ASEAN và tự hào có nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ hai trong khu vực. Hơn 2/3 (70%) dân số của Indonesia dưới 45 tuổi. Với bất kỳ thước đo nào, đây cũng là một quốc gia có tiềm năng tiêu dùng rất lớn.
Theo khảo sát, người tiêu dùng Indonesia đang thận trọng điều hướng bối cảnh kinh tế phức tạp, nhưng đồng thời họ cũng thể hiện sự tích cực khi nói đến tương lai kinh tế của đất nước. Người Indonesia được nhận xét là những người tiêu dùng lạc quan nhất trong khu vực, cùng với đó là người tiêu dùng Việt Nam, với 84% số người được hỏi bày tỏ tâm lý tích cực.
Được biết, sự lạc quan của người tiêu dùng được phản ánh thông qua sự hồi sinh trong các danh mục chi tiêu “trải nghiệm” như giải trí (ví dụ: hòa nhạc/sự kiện/lễ hội), phong cách sống (spa/massage) và du lịch giải trí, bên cạnh việc ăn uống bên ngoài. Chi tiêu trải nghiệm đã tăng lên đối với hơn 1/4 người tiêu dùng Indonesia, trong đó dẫn đầu là nhóm GenZ chiếm 33% và GenY chiếm 30%.
Ngoài ra, du lịch cũng là một lĩnh vực quan trọng phản ánh mạnh mẽ tâm lý lạc quan của người tiêu dùng ASEAN. Cụ thể, lượng du lịch nội khối cao trong ASEAN đã góp phần thúc đẩy chi tiêu xuyên biên giới mạnh mẽ. Ghi nhận trong năm vừa qua, 2/3 số người tiêu dùng ASEAN khi được hỏi cho biết họ đã chi tiêu cho các chuyến đi đến các quốc gia khác trong khu vực. Việc đi lại thường xuyên hơn cũng có thể thúc đẩy sự thay đổi trong sở thích thanh toán, khi người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang các phương thức thanh toán thay thế tiện lợi hơn.
Hiện nay, người tiêu dùng ASEAN luôn đi đầu trong việc áp dụng công nghệ số và điều này thể hiện rõ qua việc họ ngày càng sử dụng nhiều dịch vụ ngân hàng số và nhu cầu về các giải pháp và dịch vụ được cá nhân hóa cũng tăng lên trông thấy.