Bộ trưởng Công thương: Không chỉ Ninh Thuận, ít nhất phải có 3 điểm nhà máy điện hạt nhân

Bộ trưởng Bộ Công thương đề nghị, trong quy hoạch lần này, đến năm 2030, phải xác định không chỉ Ninh Thuận mà ít nhất phải có 3 trong 8 điểm có thể xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Đề nghị này được lãnh đạo Bộ Công thương nêu tại cuộc họp tham vấn ý kiến Hội đồng thẩm định đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII điều chỉnh) vừa tổ chức.

Quy hoạch điện VIII được ban hành vào năm 2023, nhưng hiện Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt mức tối thiểu 8% vào năm 2025, phấn đấu tăng trưởng hai con số vào những năm tiếp theo. Tương đương, đến năm 2030, Việt Nam phải hoàn thành mục tiêu phát triển quy mô gấp 2,5-3 lần công suất điện hiện tại, tiến tới quy mô gấp 5-7 lần vào năm 2050.

Do vậy, việc sửa đổi quy hoạch này để phù hợp với nhu cầu tăng trưởng mạnh và xu hướng chuyển dịch năng lượng sạch trong thời gian tới.

Hiện, Việt Nam có 8 vị trí tiềm năng phát triển điện hạt nhân. Mỗi vị trí có thể phát triển khoảng 4-6 GW nguồn điện hạt nhân (Ảnh minh họa).

Hiện, Việt Nam có 8 vị trí tiềm năng phát triển điện hạt nhân. Mỗi vị trí có thể phát triển khoảng 4-6 GW nguồn điện hạt nhân (Ảnh minh họa).

Tối đa hóa tiềm năng năng lượng tái tạo

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo tối đa hóa tiềm năng năng lượng tái tạo, bao gồm điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời tập trung và điện mặt trời áp mái.

Bên cạnh đó, phát triển hợp lý các nguồn năng lượng nền như điện khí hóa lỏng và từng bước khôi phục, phát triển điện hạt nhân để đảm bảo nguồn cung điện ổn định, sạch và bền vững.

Ba mục tiêu chính được xác định trong lần sửa này là đáp ứng nhu cầu phụ tải trong nước theo từng vùng miền, thúc đẩy mua bán điện trực tiếp và xuất khẩu điện sạch sang các nước lân cận. Hiện, Việt Nam đã ký kết một số hợp đồng xuất khẩu điện với Singapore và Malaysia, tạo tiền đề cho việc mở rộng thị trường năng lượng sạch trong khu vực.

Dự thảo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đã đưa ra hai kịch bản. Cụ thể, tăng trưởng nhu cầu điện 10,3% theo phương án cơ sở và 12,5% theo phương án cao.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: Moit.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: Moit.

Ông Diên lưu ý, ở kịch bản cơ sở đề nghị phải điều chỉnh dự báo tăng trưởng từ 45-50% so với Quy hoạch điện VIII, kịch bản cao từ 60-65% so và dự phòng kịch bản cực đoan là 70-75%.

Với những điều trên, lãnh đạo Bộ Công thương kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng hiệu quả, góp phần vào mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Dự phòng theo vùng để tránh thiếu điện cục bộ

Đồng tình với hai kịch bản trên, song ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhấn mạnh, cần tính toán phương án dự phòng theo vùng để tránh thiếu điện cục bộ, thay vì dự phòng chung toàn quốc.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng lưu ý về chiến lược phát triển năng lượng cần cân bằng giữa các khu vực bởi miền Bắc thiếu điện, miền Trung lại thừa.

"Chúng ta nên tận dụng tiềm năng điện mặt trời ở miền Bắc. Đức có 96.000 MW điện mặt trời với chỉ 900 giờ nắng mỗi năm, trong khi miền Bắc Việt Nam có tới 1.200 giờ nắng", ông Tuấn dẫn chứng và khuyến nghị cần có chính sách phát triển hợp lý và phân bổ đầu tư đồng đều giữa các vùng để tối ưu hóa nguồn lực và giảm áp lực về vốn.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam. Ảnh: Moit.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam. Ảnh: Moit.

Ngoài ra, vị này cũng cho rằng, cần đánh giá kỹ nhu cầu điện cho giao thông xanh, nhất là đường sắt cao tốc Bắc - Nam và hệ thống Metro.

Đối với năng lượng tái tạo, lãnh đạo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, quy mô tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2018-2021 đã đặt ra không ít thách thức. Do đó, việc tăng công suất điện mặt trời từ 18GW lên 34GW và điện gió từ 19,5GW lên 22GW ở lần sửa này là khả thi, song đòi hỏi quản lý và điều phối tốt hơn do gia tăng các dự án nhỏ lẻ.

Theo ông, thách thức lớn nhất là quản lý hàng trăm nguồn điện nhỏ phân tán, liên quan đến các vấn đề pháp lý, kỹ thuật và đất đai.

Về điện hạt nhân, ông Tuấn nói, việc xây dựng nhà máy đầu tiên vào năm 2031 là thách thức lớn, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về công nghệ và nhân lực.

Theo dự thảo, ở kịch bản cơ sở, tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2026-2030 dự kiến khoảng 153,7 tỷ USD (cao hơn khoảng 50% so với Quy hoạch điện VIII). Ở kịch bản cao, dự kiến tổng vốn đầu tư cao hơn kịch bản cơ sở 1,21 lần, tương đương khoảng 186 tỷ USD.

Bộ Công thương đánh giá, đây sẽ là thách thức lớn đối với ngành điện trong việc huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển, cần có giải pháp toàn diện, dài hơi, ổn định và đủ hấp dẫn để mọi thành phần kinh tế có thể yên tâm đầu tư nguồn và lưới điện.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị EVN khẩn trương tách bạch giá truyền tải ra khỏi cái giá thành điện năng theo hướng thị trường, tính đúng, tính đủ, tính hết chi phí của giá truyền tải.

"Như vậy mới có thể huy động được nguồn lực xã hội hóa trong lĩnh vực truyền tải, kể cả truyền tải liên miền và truyền tải nội miền. Đặc biệt cần phải có cơ chế đặc thù cho từng loại hình điện năng, nhất là nguồn điện nền và nguồn năng lượng mới", Ông Diên nói.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bo-truong-cong-thuong-khong-chi-ninh-thuan-it-nhat-phai-co-3-diem-nha-may-dien-hat-nhan-192250212215047605.htm
Zalo