'Người thầy' mới trong thời đại số
Theo các chuyên gia giáo dục, thế hệ trẻ phải sẵn sàng thử nghiệm và thích nghi với những thay đổi trong thời đại số.
Số hóa, chuyển động để thích ứng
GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng

GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng.
Để thế hệ trẻ phát huy tối đa tiềm năng của mình, giáo dục cần có những điều chỉnh phù hợp với sự phát triển của công nghệ và xã hội. Kỷ nguyên số mang đến nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng không ít thách thức đối với giáo dục và việc hình thành kỹ năng của thế hệ trẻ.
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ khiến học sinh trở nên phụ thuộc vào các thiết bị điện tử, dẫn đến thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề một cách độc lập hoặc tư duy phản biện. Bên cạnh đó, các em gặp khó khăn trong việc phát triển kỹ năng xã hội. Việc học trực tuyến và giao tiếp chủ yếu qua màn hình có thể hạn chế việc phát triển kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm và khả năng cảm nhận ngôn ngữ cơ thể.
Để vượt qua khó khăn, các em cần xây dựng thói quen học tập tự giác. Phát triển khả năng quản lý thời gian và tự học qua các nền tảng giáo dục trực tuyến. Các trường học cần đưa các môn học về kỹ năng xã hội, khả năng giao tiếp, làm việc nhóm vào chương trình giảng dạy để học sinh có thể phát triển đầy đủ hơn các kỹ năng mềm. Ngoài ra, cần giúp trẻ hiểu rõ các nguy cơ từ thế giới mạng và trang bị cho các em kỹ năng bảo mật thông tin, cách bảo vệ quyền riêng tư.
Khuyến khích học sinh tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, các dự án nghiên cứu hoặc thực hành để nâng cao khả năng sáng tạo và tư duy phản biện. Bằng cách kết hợp giữa việc trang bị kiến thức chuyên môn và phát triển kỹ năng mềm, thế hệ trẻ có thể vượt qua những thách thức mà kỷ nguyên số mang lại và thành công trong một thế giới ngày càng số hóa.
Trong môi trường số hóa hiện nay, thế hệ trẻ cần trang bị một số kỹ năng quan trọng để có thể phát triển bền vững và thành công. Sự hiểu biết và khả năng sử dụng các công cụ, phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin là nền tảng quan trọng. Khả năng giải quyết vấn đề một cách sáng tạo và hiệu quả cũng giúp thế hệ trẻ thích ứng với các thay đổi nhanh chóng, cải tiến quy trình và đưa ra những giải pháp mới. Kỹ năng giao tiếp trực tuyến, đặc biệt trong môi trường làm việc đa quốc gia là rất quan trọng để hợp tác và làm việc hiệu quả.
Thế hệ trẻ cần có khả năng sáng tạo để phát triển các ý tưởng mới cũng như khả năng đổi mới để giải quyết các vấn đề phức tạp. Với tốc độ thay đổi của công nghệ, việc không ngừng học hỏi và cập nhật kiến thức mới là rất cần thiết để duy trì khả năng cạnh tranh và phát triển nghề nghiệp.
Trong khi đó, kỹ năng tư duy phản biện giúp thế hệ trẻ phân tích thông tin, đánh giá đúng đắn và đưa ra quyết định sáng suốt trong môi trường số đầy rẫy thông tin giả mạo và không chính xác. Ngoài ra, các kỹ năng như quản lý thời gian, bảo mật thông tin, quản lý dữ liệu, khả năng thích ứng với thay đổi cũng hết sức quan trọng.
Trong một thế giới số hóa thay đổi liên tục, khả năng thích ứng nhanh chóng, linh hoạt với các công nghệ và xu hướng mới là rất quan trọng. Các kỹ năng này không chỉ giúp thế hệ trẻ phát triển nghề nghiệp mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững trong xã hội số hóa, giúp duy trì lợi thế cạnh tranh và tạo ra những cơ hội mới trong tương lai.
Để không “mắc kẹt” trong thế giới ảo
PGS. TS. Trần Thành Nam, (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN)

PGS. TS. Trần Thành Nam.
Thế hệ trẻ hiện nay có tư duy cởi mở, sẵn sàng thử nghiệm và thích nghi với những thay đổi. Họ không ngại phá vỡ quy tắc cũ để tạo ra cái mới. Đó chính là tiền đề cho những sáng tạo, thể nghiệm mới của những người trẻ. Người trẻ hiện nay đang sống trong một thời đại mà thế giới thực và thế giới ảo tồn tại song song. Nhờ công nghệ, người trẻ dễ dàng tạo ra những mạng lưới kết nối toàn cầu để tìm kiếm cơ hội hợp tác và xây dựng mối quan hệ phát triển sự nghiệp từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Những thách thức lớn mà giới trẻ hiện nay đang phải đối mặt đó là sự quá tải thông tin và khó khăn trong việc chọn lọc. Lượng thông tin khổng lồ trên Internet khiến việc phân biệt đâu là nguồn đáng tin cậy và đâu là thông tin sai lệch trở nên khó khăn. Điều này có thể dẫn đến sự nhầm lẫn và xu hướng tiếp thu những kiến thức nhanh, kiến thức “mỳ ăn liền”, kiến thức rác và không chính xác.
Việc sử dụng công nghệ quá mức có thể gây ra các vấn đề phụ thuộc và nghiện mạng xã hội, nghiện Internet, nghiện game online. Từ khóa “brain rot” (não mục rữa) được xem là từ của năm 2024 chỉ rõ ảnh hưởng của việc nghiện Internet và lướt tin rác quá nhiều dẫn đến suy giảm nhận thức, khó tập trung chú ý, giảm trí nhớ khả năng xử lý thông tin, khó đưa ra những suy nghĩ sâu sắc có ý nghĩa, mất phương hướng dẫn đến khả năng ra quyết định kém.
Khi ranh giới địa lý bị xóa nhòa bởi công nghệ, thế hệ trẻ Việt Nam đang phải cạnh tranh không chỉ với bạn bè cùng lứa trong nước mà còn với cả những người trẻ tài năng trên thế giới. Điều này có thể dẫn đến căng thẳng và áp lực tâm lý với vị trí công việc tương lai và nguy cơ tụt hậu, thất nghiệp khi vẫn trong độ tuổi lao động.
Phải khẳng định, được gọi tên là “thế hệ công dân số” nên khả năng tiếp thu công nghệ và thích ứng với chuyển đổi số của giới trẻ hiện nay rất nhanh. Họ dễ dàng làm quen với các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI), phần mềm mới và xu hướng công nghệ. Điều này giúp họ tận dụng hiệu quả các phương tiện hỗ trợ học tập mới nhất. Tuy nhiên, họ cần những “ngọn hải đăng” định hướng để không bị lạc trong “biển thông tin” và để không bị mắc kẹt trong thế giới ảo mà quên đi thế giới thực. Đó chính là những “người thầy” mới trong thời đại số.
Có thể nói, thị trường lao động hiện nay đánh giá cao tư duy phản biện và khả năng giải quyết vấn đề phức tạp; sự thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động, sức sáng tạo và cộng tác xã hội. Thế hệ trẻ ngày nay cần ý thức và rèn luyện để sớm sở hữu những kỹ năng quan trọng, bảo đảm một sự nghiệp thành công. Tất nhiên, bên cạnh kỹ năng thì phẩm chất đạo đức và trách nhiệm xã hội luôn là yếu tố nền tảng để sự thành công của các bạn là bền vững.