Người thầy hơn 20 năm gắn bó với miệt biển nghèo khó
Ròng rã 20 năm, thầy Lê Đình Hùng miệt mài gieo chữ cho những đứa trẻ nơi vùng đất nắng gió rát bỏng của Quảng Bình.
![Thầy Hùng (ngoài cùng bên trái) gắn bó với học sinh vùng biển 21 năm.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_181_51457165/ab5022e115affcf1a5be.jpg)
Thầy Hùng (ngoài cùng bên trái) gắn bó với học sinh vùng biển 21 năm.
"Trồng người trên cát"
Thầy Lê Đình Hùng (SN 1981) sinh ra tại một miền quê nghèo nép mình bên dòng sông Kiến Giang của huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Cha mất sớm, một tay người mẹ lo toan, nuôi nấng Hùng nên người. Và cũng chính người phụ nữ này đã truyền động lực để Đình Hùng đến với nghề bảng đen, phấn trắng.
Với mong muốn thắp lên ngọn lửa tri thức cho những học sinh nơi miệt biển nghèo, sau tốt nghiệp, thầy Hùng về Trường THCS Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình). Ấy vậy mà đã 21 năm trôi qua.
![Thầy Hùng hướng dẫn học sinh làm bài tập.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_181_51457165/ca605fd1689f81c1d88e.jpg)
Thầy Hùng hướng dẫn học sinh làm bài tập.
Trường THCS Ngư Thủy Bắc nằm ở miệt cát, người dân ở đây sống chủ yếu nhờ bám biển nhưng vì vùng bãi ngang nên khó càng thêm khó. Thiên nhiên khắc nghiệt trở thành mối hiểm họa cho người dân và cả những học trò nhỏ, nhất là mùa mưa bão kéo về.
Thầy Hùng tâm sự rằng, vì là vùng miền biển nghèo nên trước đây người dân rất ít quan tâm đến việc học hành của con mình, nhưng hiện nay lại khác, các em vui khi được đến trường để học chữ. Thầy cũng chưa từng nghĩ đến việc xin luân chuyển công tác đến môi trường làm việc thuận tiện, gần nhà hơn.
Dù công tác ở ngôi trường điều kiện còn lắm vất vả nhưng thầy Hùng luôn sục sôi ngọn lửa nhiệt huyết để tiếp tục đồng hành cùng lớp lớp học sinh trên hành trình chinh phục tri thức. Điều này không khó hiểu bởi ngay chính bản thân thầy, được cắp sách đến trường cũng là điều tưởng như xa vời ở thời điểm đó.
Không những là tấm gương điển hình trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh năng khiếu, thầy còn là một tổ trưởng, một giáo viên chủ nhiệm gương mẫu. Bởi vậy, khi nhắc đến thầy Hùng, những thầy cô khác gọi thầy bằng một biệt danh dễ thương "người thầy trên cát".
![Thầy Hùng đồng hành cùng học sinh trong hội khỏe phù đổng cấp tỉnh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_181_51457165/2548b6f981b768e931a6.jpg)
Thầy Hùng đồng hành cùng học sinh trong hội khỏe phù đổng cấp tỉnh.
Trái ngọt nhờ sự cố gắng
Công tác chuyên môn được thầy Hùng hoàn thành tốt. Cụ thể, vào năm 2008, thầy được tặng danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, đến năm 2010 đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Nhiều năm liền, thầy là một trong những thành viên của Hội đồng chuyên môn, bộ môn Giáo dục thể chất của Phòng GD&ĐT huyện Lệ Thủy, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình.
Là một tổ trưởng gương mẫu, thầy chủ động nắm bắt thông tin, kế hoạch kịp thời về nội dung công việc để triển khai, phổ biến, hướng dẫn chỉ đạo. Liên tiếp những năm qua, Trường THCS Ngư Thủy Bắc liên tục đạt danh hiệu “Trường tiên tiến” cấp huyện, cấp tỉnh. Trường luôn đứng tốp đầu tại những Hội thi thể dục thể thao. Để có được những thành tích đó tất nhiên sự đóng góp của thầy Hùng là không nhỏ.
![Một số thành tích mà thầy Hùng gặt hái được.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_181_51457165/d87648c77f8996d7cf98.jpg)
Một số thành tích mà thầy Hùng gặt hái được.
Với sự nổ lực phấn đấu không ngừng, đồng chí Lê Đình Hùng được chi bộ Trường THCS Ngư Thủy Bắc bình bầu là đảng viên xuất sắc. UBND huyện Lệ Thủy cũng đã xét tặng đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở cho thầy trong nhiều năm liền. Đặc biệt, năm 2019 người thầy giáo này được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng bằng khen vì những thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”.
Ngoài đồng hành cùng trò trên lớp, thầy dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, viết sáng kiến chuyên môn và huấn luyện học sinh năng khiếu. Công trình nghiên cứu “Một số giải pháp nhằm nâng cao công tác huấn luyện học sinh năng khiếu tham gia hội thi Hội khỏe Phù Đổng các cấp” là một trong những điển hình về tinh thần chủ động học hỏi, trau dồi và lan tỏa kiến thức.
Từ lời ăn tiếng nói nhẹ nhàng đến những cử chỉ nhỏ nhất của thầy Hùng như tự tay nhặt giấy loại bỏ vào thùng rác; thiết kế trồng, chăm sóc, bảo vệ bồn hoa cây cảnh khuôn viên nhà trường; đôn đốc, hướng dẫn các thầy cô, học sinh học sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên điện, nước… Nhờ đó, ngôi trường mang tên Trường THCS Ngư Thủy Bắc từng bước đổi thay và đi vào nề nếp.
![Thầy Lê Đình Hùng là một trong những giáo viên xuất sắc trong đội ngũ giáo viên của nhà trường.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_181_51457165/3efba14a96047f5a2615.jpg)
Thầy Lê Đình Hùng là một trong những giáo viên xuất sắc trong đội ngũ giáo viên của nhà trường.
Phải khẳng định rằng, thầy Hùng là một trong những tấm gương sáng trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” để tập thể sư phạm học hỏi, noi theo. Vừa làm tốt trách nhiệm của một người con, người chồng, người cha, thầy đã hoàn thành xuất sắc vai trò, trách nhiệm của một nhà giáo.
Ai đó đã từng nói: “Một thầy cô giáo như ngọn nến đốt chính mình để soi rọi cho người khác”, không hiểu sao mỗi lúc ngẫm nghĩ về câu nói ấy, trong lòng những đồng nghiệp lại nghĩ ngay đến người tổ trưởng đáng quý, đáng trân trọng Lê Đình Hùng.
Phải mượn câu tục ngữ: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Phép “thử” sẽ không mang lại kết quả đối với những người không có tâm huyết, không có lòng kiên trì, ngược lại ở những người có ý chí, nghị lực, đam mê, nhiệt huyết chắc chắn sẽ thu về quả ngọt. Và thầy Hùng xứng đáng với trái ngọt hôm nay.