Người thầy '2 trong 1'
Hầu như ai từng gặp cũng có ấn tượng khó phai về thầy Dương Mạnh Hùng (sinh năm 1967), Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Định, huyện Triệu Phong. Trong con người ấy dường như có sự chắt lọc, quyện hòa đặc biệt giữa khí chất của một nhà giáo và một võ sư giỏi. Để có nét riêng đó, thầy Hùng trải qua một quá trình dài nỗ lực để 'tôi luyện nên tôi'.
Nhờ đói nghèo mà nên
Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay gắn với một sự kiện khó quên đối với thầy Dương Mạnh Hùng. Sau gần 35 năm nỗ lực, thầy vừa vinh dự nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Hôm được trao tặng danh hiệu cao quý của Nhà nước, những kỷ niệm như một thước phim quay chậm ùa về trong tâm trí thầy Hùng. Thầy nhớ tới ba mẹ - những giáo viên đầu tiên của mình và nhiều thầy cô khác.
Chuyện trò với chất giọng trầm ấm, thầy Hùng cho biết, mình sinh ra, lớn lên trong một gia đình nhà giáo nghèo. Giữa tháng năm kham khổ của đất nước, dù cố gắng hết sức, ba mẹ thầy Hùng vẫn không lo đủ cơm ăn, áo mặc cho 4 người con. Tuổi thơ của thầy Hùng gắn liền với dãy nhà tập thể cũ. Một tấm áo mới là cả ước mơ đối với anh em thầy. Từ nhỏ, thầy Hùng đã quen với việc mang chiếc bụng rỗng đến trường. Thế nhưng, cơn đói không thể ngăn bước chân thầy, ngược lại càng thôi thúc thầy thêm nỗ lực trong học tập.
Con nhà giáo nên thầy biết ngọn ngành những vất vả, khó khăn của nghề. Vậy mà, khi bước đến lối rẽ của cuộc đời, chàng trai thông minh, hiếu học nổi tiếng một vùng vẫn gác lại mong muốn trở thành sinh viên bách khoa, kinh tế để nối bước ba mẹ. Thầy Hùng chia sẻ, ba mẹ vẫn luôn mong anh em thầy chung tay cho sự nghiệp trồng người.
Hai người thường dạy bảo con cái, nếu ai cũng nghĩ: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, rồi quay lưng với nghề giáo thì sự học sẽ đi về đâu? Nhớ lại thời điểm ấy, thầy Hùng chia sẻ: “Ba mẹ chưa bao giờ ép các con nhưng tâm tư của hai người thì hằn sâu trong tâm trí tôi. Vì thế, tôi quyết định thi và đỗ vào Khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Huế”.
Thời sinh viên, thầy Hùng được đánh giá là văn võ song toàn, lại có năng khiếu đàn hát. Vì vậy, năm 1990, ngày ra trường, nhiều cánh cửa mở ra đối với thầy. Thế nhưng, thầy Hùng vẫn quyết định trở về Quảng Trị, dạy học ở mảnh đất Hải Lăng, nơi ba mẹ từng vất vả với sự nghiệp trồng người để có thể tiếp nối truyền thống gia đình. Sau này, cơ duyên sắp đặt, thầy đến với Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh, mái nhà chung của các học sinh Vân Kiều, Pa Kô. Đây cũng chính là “bến đỗ” của thầy suốt 26 năm.
“Muốn nhanh thì phải từ từ”
Nhắc đến kỷ niệm ở ngôi trường cũ, thầy Hùng chia sẻ, bản thân chưa bao giờ hối tiếc khi dành gần như cả tuổi thanh xuân để ươm mầm những “hạt giống đỏ” người Vân Kiều, Pa Kô. Đến bây giờ, nhiều học trò cũ của thầy Hùng đã trở thành những cán bộ uy tín. Thỉnh thoảng, các em vẫn ghé thăm thầy. Nhìn sự chín chắn, trưởng thành hôm nay, ít ai nghĩ, ngày mới vào trường, phần lớn học sinh cũ của thầy Hùng giống như những chú chim non lần đầu xa mẹ. Vì thế, thầy và đồng nghiệp phải luôn nhắc nhau cận kề, quan tâm đến các em.
Khi học sinh quen với môi trường mới, thầy Hùng cùng đồng nghiệp tiếp tục đưa các em vào guồng quay học tập. Đa phần học sinh người Vân Kiều, Pa Kô đều hiền lành, chăm chỉ và hiếu học. Thế nhưng, các em thường gặp khó khăn với môn Toán, tiếng Anh... Vì bị điểm liệt ở các môn này, một số học sinh không thể thi đỗ tốt nghiệp. Trước tình hình ấy, thầy Hùng xác định: “Muốn nhanh thì phải từ từ”.
Một cách thầm lặng, thầy lên kế hoạch “chống điểm liệt”, rồi từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, giúp học sinh yếu kém không bị “bỏ lại phía sau”. Những năm sau này, khi được tín nhiệm bầu làm phó hiệu trưởng, rồi hiệu trưởng, thầy Hùng vẫn tiếp tục quán triệt cách làm ấy trong hội đồng sư phạm. Nhờ thế, không khí thi đua dạy và học ngày càng cao. Nhiều năm liền, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của trường đạt 100%. Số em đoạt giải cao tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh ngày càng tăng.
Trưởng thành từ hoạt động công đoàn, đoàn trường, thầy Hùng hiểu rõ tầm quan trọng của việc nâng cao điều kiện học tập, sinh hoạt cho học sinh. Sau nhiều trăn trở, thầy đã xây dựng đề án giúp nâng cao số lượng, chất lượng dạy và học tại trường. Nhờ thế, cùng với số lớp, cơ sở vật chất Trường PTDT Nội trú tỉnh cũng được cải thiện đáng kể. Nơi ăn, chốn ở không còn là nỗi lo của thầy và trò. Dẫu vậy, hằng ngày, thầy Hùng vẫn đều đặn xuống ký túc xá để xem học sinh thiếu gì, cần gì để chia sẻ. Với những việc nằm ngoài khả năng, thầy không ngại cậy nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân hảo tâm. Nặng lòng với trường lớp, học sinh như thế nên ngày thầy chia tay, đồng nghiệp và học trò luyến lưu không rời.
Từ tháng 9/2022, thầy Hùng về công tác tại Trường THPT Vĩnh Định, huyện Triệu Phong. Ngôi trường mới có những đặc thù riêng, thử thách mới khiến người thầy 26 năm gắn bó với học sinh Vân Kiều, Pa Kô cũng phải nhiều đêm trăn trở. Rất nhanh sau đó, thầy Hùng đã tìm ra lời giải cho những bài toán khó.
“Tôi vẫn luôn xác định: “Muốn nhanh thì phải từ từ”. Muốn trò giỏi, trước tiên, người thầy phải vững. Trong 2 năm học vừa qua, số lượng học sinh vào trường và tỉ lệ đỗ tốt nghiệp đều vượt chỉ tiêu đề ra. Quyết tâm chung của tập thể sư phạm nhà trường đang lên cao”, thầy Hùng khẳng định.
Ngày trồng người, đêm dạy võ
Là đầu tàu của một ngôi trường, công việc của thầy Hùng bận rộn suốt ngày. Vậy mà, thầy vẫn sắp xếp quỹ thời gian của mình cho niềm đam mê võ thuật và cống hiến vì cộng đồng. Hiện thầy Hùng đang là Chủ tịch Liên đoàn Karate tỉnh, Trưởng Phân đường Nghĩa Dũng Karate-Do. “Võ thuật là niềm đam mê khó bỏ đối với tôi. Từ trải nghiệm riêng, tôi thấy rất rõ lợi ích của việc học võ. Vì vậy, tôi tự nhắc mình lan tỏa giá trị tích cực của bộ môn này”, thầy Hùng nói.
Thực ra, tình yêu võ thuật của thầy Hùng nảy nở từ sớm. Thế nhưng, hoàn cảnh khó khăn một thời lại cản bước thầy. Mãi đến sau này, khi đỗ đại học, thầy mới có dịp tiếp cận, luyện rèn với đam mê. Thời điểm ấy, nhiều bạn cùng lứa cũng bước chân vào võ đường như thầy nhưng ít ai bám trụ nổi, nguyên nhân bởi vì... đói. Thầy Hùng kể: “Bạn bè tôi nói, khi đói vẫn gắng học chữ được, chứ học võ thì không thể. Bởi, sức lực đâu ra để học? Các bạn nói không sai. Bản thân tôi cũng từng phải đấu tranh tư tưởng khá nhiều. Vì thế, khi được phong là “Huyền đai đệ nhất đẳng” ở tuổi sinh viên, tôi rất xúc động. Nhờ sư phụ hỗ trợ, tôi được gọi là “thầy” từ khi còn trên ghế giảng đường”.
Càng học võ, thầy Hùng càng thấy ý nghĩa to lớn của bộ môn này. Võ thuật không chỉ giúp thầy tự vệ, rèn luyện sức khỏe mà còn mang lại nhiều bài học quý giá. Vì thế, sau ngày ra trường, thầy Hùng đã mạnh dạn mở lớp dạy võ. “Tiếng lành đồn xa”, rất nhanh sau đó, nhiều phụ huynh tìm đến thầy để gửi gắm con em. Với bất cứ ai, thầy Hùng cũng dạy với tất cả nhiệt huyết. Ngoài võ thuật, thầy còn giúp trò rèn luyện đạo đức, tính nết, vì thế hầu hết võ sinh dưới tay thầy đều có những tiến bộ tích cực. Nhiều em đứng ở thứ hạng cao ở các cuộc thi võ thuật lớn và nối bước thầy trở thành võ sư nổi tiếng.
Hiện nay, thầy Dương Mạnh Hùng đã đạt “Huyền đai đệ lục đẳng”. Tuy không thường xuyên đứng lớp giảng dạy võ thuật như những ngày đầu nhưng thầy vẫn đảm nhiệm vai trò huấn luyện viên. Như một thói quen khó bỏ, thầy Hùng luôn thu xếp thời gian để tự luyện rèn; tập huấn cho các huấn luyện viên khác; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các võ sinh... Vừa qua, với vai trò người cầm quân, thầy đã dẫn đoàn học sinh tỉnh tham dự Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X, năm 2024 ở bộ môn Karate. Kết quả, đoàn Quảng Trị đã tạo nên kỳ tích, xếp ở vị trí thứ 7 toàn quốc.
Vừa công tác trong ngành sư phạm, vừa gieo tình yêu võ thuật nên thầy Dương Mạnh Hùng thường được mọi người gọi là người thầy “2 trong 1”. Ít ai biết, để làm tròn 2 vai ấy, thầy đã làm việc, cống hiến gấp nhiều lần người bình thường. Nỗ lực đó đã được các cấp, ngành ghi nhận, tuyên dương, khen thưởng. Thế nhưng, chưa bao giờ, thầy Hùng thỏa mãn với những thành tích đó mà ngày ngày vẫn nỗ lực phấn đấu để hoàn chỉnh bản thân và góp những việc làm đẹp cho đời.