Người 'thắp lửa' giáo dục giữa mây ngàn

Tròn 17 năm trong nghề, cô giáo Nguyễn Thị Hằng, giáo viên trường THCS Tân Phú, huyện Tân Sơn được biết đến là một giáo viên tận tụy, giàu sáng tạo và luôn nỗ lực vượt khó. Với những thành tựu nổi bật và đóng góp trong Chương trình Mục tiêu Quốc Gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (Chương tình 1719), cô Nguyễn Thị Hằng thực sự trở thành tấm gương sáng về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê khó khăn, sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Việt Trì, tháng 3/2006, cô trúng tuyển hợp đồng và làm việc tại Trường Tiểu học và THCS Vinh Tiền, một trong những trường khó khăn nhất huyện Tân Sơn.Từ những ngày đầu gian nan ấy, cô không ngừng phấn đấu để hoàn thiện mình. Đến năm 2007, cô chính thức được biên chế giáo viên Tiểu học, chuyên ngành Sư phạm Mỹ thuật. Trong suốt thời gian công tác tại đây, cô đã tham gia và đạt giải cao trong các cuộc thi như: Giáo viên dạy giỏi; giáo viên viết chữ đẹp cấp huyện,... Đáng nhớ nhất, có những năm cô giúp học sinh đạt giải trong các cuộc thi viết chữ đẹp cấp huyện, điều chưa từng có trước đó tại trường.

Cô giáo Nguyễn Thị Hằng, giáo viên Mỹ thuật, Tin học, cán bộ Thư viện kiêm nhiệm Trường THCS Tân Phú, huyện Tân Sơn.Năm 2016, cô được điều động về Trường THCS Tân Phú, một trường trung tâm của huyện. Ban đầu, cô không tránh khỏi bỡ ngỡ khi chuyển từ vùng khó khăn đến môi trường mới, nhưng bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ, cô đã nhanh chóng thích nghi và khẳng định năng lực của mình, trở thành giáo viên cốt cán bộ môn.Năm 2021, cô Hằng đạt giải Nhất cấp tỉnh với sản phẩm video bài giảng môn Mỹ thuật, đánh dấu bước ngoặt lớn trong sự nghiệp. Ngoài ra, cô hướng dẫn học sinh dự thi các cuộc thi khoa học kỹ thuật, sáng tạo thanh thiếu niên. Năm 2023, cô cùng học sinh đạt giải Nhì cấp huyện cuộc thi khoa học sáng tạo, một thành tích đáng tự hào cho nhà trường.Cô Nguyễn Thị Hằng chia sẻ: Môn nghệ thuật là một trong những môn giúp học sinh phát triển đầy đủ về tư duy thẩm mỹ và góp phần không nhỏ cho việc thực hiện toàn diện các nhiệm vụ giáo dục của nhà trường. Vì vậy, tôi luôn đổi mới phương pháp giảng dạy, chỉ định hướng, khuyến khích các em tự khám phá và thể hiện cá tính qua tác phẩm nghệ thuật. Chẳng hạn, thay vì yêu cầu học sinh sao chép một bức tranh nổi tiếng, giáo viên gợi ý các em tạo nên một tác phẩm lấy cảm hứng từ tranh đó nhưng phản ánh cảm xúc cá nhân. Một xu hướng khác trong đổi mới giảng dạy mỹ thuật là tích hợp môn học này với các lĩnh vực khác như: Lịch sử, văn học, hoặc khoa học. Ví dụ, khi học vềvẽ họa tiết, tôi thường ví dụ về những họa tiết ngay trên chính trang phục truyền thống của dân tộc địa phương mình, học sinh không chỉ vẽ mà còn được tìm hiểu lịch sử của trang phục, và câu chuyện văn hóa ẩn sau mỗi sản phẩm. Cách tiếp cận này giúp học sinh hiểu sâu hơn về bối cảnh và ý nghĩa của nghệ thuật, đồng thời kích thích trí tò mò và sự ham học hỏi. Và việc đưa văn hóa địa phương vào bài giảng mỹ thuật cũng là một cách để học sinh cảm nhận giá trị truyền thống, từ đó nâng cao ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc.

Cô Hằng đổi mới phương pháp giảng dạy môn Mỹ thuật để học sinh hứng thú với môn học hơn

Cô Hằng đổi mới phương pháp giảng dạy môn Mỹ thuật để học sinh hứng thú với môn học hơn

Để nâng cao trình độ chuyên môn, cô Hằng quyết tâm học lên đại học hệ tại chức năm 2014 và tiếp tục học trung cấp Tin học năm 2018. Đến nay, cô đã có đủ năng lực để đảm nhiệm việc giảng dạy môn Tin học trong bối cảnh thiếu giáo viên ở trường. Là cán bộ thư viện kiêm nhiệm, cô Hằng luôn ý thức được vai trò của thư viện như một “kho vàng” tri thức trong nhà trường. Bằng sự sáng tạo và tâm huyết, cô đã biến thư viện Trường THCS Tân Phú thành một không gian học tập xanh, sạch, đẹp. Các hoạt động như tuần lễ học tập suốt đời, trưng bày và giới thiệu sách, và các cuộc thi kể chuyện sách hè đều được cô tổ chức hiệu quả.Nói về cô Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Tân Phú Vi Văn Hiếu cho biết: “Cô Hằng không chỉ là một giáo viên tận tụy, tâm huyết mà cô còn tích cực tham gia vào Chương trình 1719 ở địa phương. Cô là cầu nối quan trọng giữa nhà trường, phụ huynh và học sinh, không ngừng vận động các em đến trường, duy trì tỷ lệ chuyên cần cao. Các sáng kiến của cô đã góp phần khơi dậy tinh thần học tập; giúp học sinh hiểu về giá trị của bản sắc dân tộc và sự đoàn kết cộng đồng; giáo dục về bình đẳng giới; tránh xa tệ nạn xã hội... Những hoạt động của cô gắn liền với sự phát triển bền vững của địa phương, góp phần hiện thực hóa mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào nơi đây”.Với tinh thần cống hiến, ý chí không ngừng học hỏi, và tình yêu lớn lao dành cho sự nghiệp giáo dục, cô giáo Nguyễn Thị Hằng là một tấm gương sáng, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ học sinh và đồng nghiệp. Trong những bước chân lặng lẽ nhưng đầy ý nghĩa, cô đang góp phần viết nên những trang đẹp nhất trong câu chuyện phát triển giáo dục ở miền núi Tân Sơn. Cô Hằng không chỉ là một người thầy mà còn là ngọn đuốc mở lối cho những ước mơ bay xa.

Quốc An

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/nguoi-thap-lua-giao-duc-giua-may-ngan-223529.htm
Zalo