Người phụ nữ quyết giữ lửa nghề trổ hoa văn quạt sừng giấy dó kim châm làng Vác

Ở tuổi 70, bà Mai Thị Choi (thôn Canh Hoạch, xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội) là người duy nhất làng Vác giữ nghề trổ hoa văn quạt sừng giấy dó kim châm, một kỹ thuật khó đòi hỏi sự tài hoa, khéo léo của một người thợ lành nghề.

Bà Mai Thị Choi trình diễn kim châm trên quạt sừng giấy dó làng Vác tại Festival Thu Hà Nội năm 2024. Ảnh: Mộc Miên

Bà Mai Thị Choi trình diễn kim châm trên quạt sừng giấy dó làng Vác tại Festival Thu Hà Nội năm 2024. Ảnh: Mộc Miên

Sản phẩm nghề độc đáo

Lần đầu tiên tại Festival Thu Hà Nội lần thứ hai năm 2024, bà Mai Thị Choi – một người thợ giỏi làng nghề làm quạt Canh Hoạch nhận được lời mời tham dự sự kiện quảng bá du lịch lớn của TP Hà Nội. Trong 4 ngày lễ hội diễn ra, gian hàng trình diễn và giới thiệu quạt giấy dó kim châm của bà Mai Thị Choi luôn tấp nập du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm. Bộ đồ nghề giản đơn kể tới là chiếc quạt sừng giấy dó thô, bộ kim châm với 40 loại mẫu cùng chiếc đe búa. Người thợ làng Vác say sưa trạm trổ hoa văn trên chiếc quạt sừng giấy dó. Từng thao tác tưởng chừng đơn giản nhưng đòi hỏi sự khéo léo, tài hoa của một người thợ lành nghề.

Chừng vài phút, hình ảnh chiếc quạt sừng giấy dó được bà Mai Thị Choi chạm trổ kim châm mẫu hoa văn “rồng chầu mặt nguyệt” với các nét vẽ tinh xảo mà không ở đâu có được. Thoạt nhìn, chiếc quạt khi gấp vào giống như chiếc thước đủ dài nhưng khi xòe chiếc quạt soi lên trời, hình ảnh hai con rồng bay lượn hướng về mặt trăng tạo nên nét độc đáo riêng có. Tác phẩm nghệ thuật cuốn hút đông đảo du khách đến thưởng lãm vì sự tò mò, thích thú.

Trước đây, nghề làm quạt sừng giấy dó kim châm làng Vác (tên gọi nôm của thôn Canh Hoạch ngày nay) nổi tiếng khắp cả nước bởi độ bền, đẹp. Quạt được làm từ giấy dó, cán rất mỏng nhưng lại dai và dính với nhau bằng nhựa quả cậy, được kẹp sừng trâu ở hai nan ngoài cho cứng cáp rồi nối với nhau bằng chiếc nhài hình hoa bằng nhôm. Sự tinh xảo ở quạt được thể hiện từng đường kim châm tạo hình nghệ thuật như: lưỡng long chầu nguyệt; long, ly, quy, phượng; hoa sen; tùng, trúc, cúc, mai; hổ vần cầu;…

Ở làng Canh Hoạch, bà Mai Thị Choi được gọi là người thợ giỏi châm kim nhất. Mỗi chiếc quạt được hoàn thành là tác phẩm nghệ thuật công phu, nét tinh xảo, tài hoa của người thợ lâu năm tạo nên sản phẩm “độc nhất vô nhị”.

Bà Mai Thị Choi cho biết, điều đặc biệt của kỹ thuật châm kim là không cần vẽ sẵn hình mẫu mà hình ảnh như từ trong óc cứ hiện dần ra theo bàn tay cầm kim rê đi nhanh thoăn thoắt trên nền tím thẫm của quạt. Sau khi hoàn thành, cầm quạt soi lên trời sẽ thấy hình vẽ hiện lên như một bức họa mà đường nét là những nỗ kim châm liền nhau.

Quạt làng Canh Hoạch giờ đây không chỉ sử dụng nguyên liệu giấy mà còn dùng cả vải, lụa, để tăng độ bền, đẹp, có thể vẽ tranh phong cảnh, viết chữ thư pháp theo các chủ đề khác nhau, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, trở thành đồ lưu niệm cho du khách trong và ngoài nước.

Sản phẩm quạt sừng giấy dó kim châm làng Vác sau hoàn thiện với các nét trổ hoa văn tinh xảo, đẹp mắt. Ảnh: Mộc Miên

Sản phẩm quạt sừng giấy dó kim châm làng Vác sau hoàn thiện với các nét trổ hoa văn tinh xảo, đẹp mắt. Ảnh: Mộc Miên

Hơn 50 năm giữ lửa nghề truyền thống

Là người duy nhất trong làng hiện giữ nghề trổ hoa văn quạt sừng giấy dó làng Vác, bà Mai Thị Choi trăn trở nỗi niềm nghề truyền thống sớm bị mai một nếu không có đội ngũ trẻ kế cận. Trong gia đình bà Mai Thị Choi cũng đã truyền nghề cho hai cô con gái nhưng vì thu nhập thấp là lý do hai người con không ai mặn mà với nghề.

“Tôi chỉ mong mình còn sức khỏe có thể truyền nghề cho đội ngũ trẻ và mong muốn cơ quan, chính quyền, Hiệp hội làng nghề TP Hà Nội tạo điều kiện cho làng nghề tham dự các sự kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề để mọi người biết đến sản phẩm quạt giấy dó kim châm thôn Canh Hoạch”, bà Mai Thị Choi bày tỏ.

Ít ai biết, nghề làm quạt sừng giấy dó làng Vác vang danh trăm năm qua nhưng người đầu tiên sáng tạo kỹ thuật châm kim trên chiếc quạt sừng giấy dó là cụ Mai Đức Mậu – cha đẻ của bà Mai Thị Choi. Sau này, kỹ thuật châm kim trên quạt sừng giấy dó được cụ Mai Đức Mậu truyền lại cho các con trong gia đình nhưng chỉ có bà Mai Thị Choi là người duy nhất học nghề và thành nghề.

Bà Mai Thị Choi kể, năm 2015, nhân dịp Ðại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ chín, bà Mai Thị Choi sử dụng kỹ thuật châm kim tạo hình cho chiếc quạt do Nhà nước đặt hàng. Mẫu hoa văn thể hiện là hình ảnh hoa sen làm chủ đề từ câu thơ “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”. Trên quạt, bà Mai Thị Choi châm lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người tặng lại ông Hoàng Ðạo Thúy, Tổng Thư ký Ban vận động Thi đua ái quốc Trung ương, vào năm 1948 chiếc quạt của thanh niên làng Canh Hoạch tặng Người: Chú dùng chiếc quạt này để quạt cho phong trào lớn mạnh lên.

Trước cơn lốc của nền kinh tế thị trường, nghề làm quạt giấy dó kim châm Canh Hoạch đứng trước nguy cơ thất truyền, các đơn hàng thưa dần. Trong làng Canh Hoạch hiện chỉ còn 3 hộ giữ nghề làm quạt giấy dó. Bà Mai Thị Choi - người thợ kim châm duy nhất của làng cũng chuyển đổi công việc làm gia công lồng chim với mức thu nhập bình quân 70.000 đồng/ngày.

Việc lựa chọn công việc phụ có thu nhập thường xuyên là cách “lấy ngắn nuôi dài” của những người thợ như bà Mai Thị Choi. Hơn 50 năm giữ lửa nghề, không một danh hiệu nhưng bà Mai Thị Choi luôn đau đáu nghề truyền thống có nguy cơ thất truyền nếu không có chính sách bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của nghề truyền thống Hà Nội.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nguoi-phu-nu-quyet-giu-lua-nghe-tro-hoa-van-quat-sung-giay-do-kim-cham-lang-vac-396040.html
Zalo