Người phụ nữ liệt toàn bộ người sau mũi tiêm giảm đau vai gáy
Sau mũi tiêm tại một phòng khám tư để giảm đau mỏi vai gáy, người phụ nữ rơi vào tình trạng liệt toàn thân, mất cảm giác từ thắt lưng trở xuống, phải thở máy và đối mặt với nguy cơ tổn thương tủy cổ nghiêm trọng.
Trước khi nhập viện một tuần, chị V.T.T., 54 tuổi ở Hải Phòng xuất hiện một đợt sốt. Chị T. đi khám bệnh, nhận chẩn đoán mắc sốt xuất huyết, sau đó được điều trị hết sốt, tình trạng ổn định.
Tuy nhiên, khi về nhà, chị T. vẫn thấy còn đau mỏi vai gáy nên được người nhà đưa đến một phòng khám tư và được tiêm trực tiếp vào vùng vai gáy.
Sau quá trình tiêm 1 ngày, bệnh nhân sốt trở lại, kèm theo liệt hai chân, dần dần lan đến hai tay và mất cảm giác toàn bộ vùng từ thắt lưng trở xuống. Người bệnh ngay lập tức được nhập viện với chẩn đoán nhiễm khuẩn - viêm cột sống tủy, sau đó được chuyển tuyến đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Thời điểm nhập viện, bệnh nhân ở trong tình trạng tỉnh táo nhưng liệt toàn bộ từ vùng cổ trở xuống. Hai tay chỉ cử động được 1/5, liệt toàn bộ 2 chân. Người bệnh cũng mất cảm giác toàn bộ từ vùng thắt lưng trở xuống, bắt đầu có biểu hiện của liệt cơ hô hấp, phải thở máy, duy trì các thuốc vận mạch.
Bác sĩ Phạm Thanh Bằng, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết - viêm vùng tủy cổ theo dõi tụ cầu. Các bác sĩ chỉ định chụp MRI, phát hiện hình ảnh tổn thương tủy lan tỏa, phù tủy, gây mất chức năng vận động và cảm giác, phù hợp với lâm sàng, không có hình ảnh áp xe vùng tủy cổ. Bệnh nhân sau đó được hội chẩn đa chuyên khoa với chỉ định mở tủy giải áp, điều trị kháng sinh.
Qua thời gian điều trị, tình trạng nhiễm trùng của người bệnh ổn định, nhưng liệt tứ chi cải thiện chậm.
“Đây là trường hợp hiếm gặp của viêm tủy do các trực cầu khuẩn gram dương, đặc biệt là tụ cầu gây ra. Tụ cầu đa phần xâm nhập qua đường tiêm truyền, vi khuẩn xâm nhập trực tiếp gây viêm vùng tủy xương lan tỏa (không gây ra viêm màng não) làm cho toàn bộ vùng tủy xương mất chức năng với biểu hiện liệt trên lâm sàng”, bác sĩ Bằng nhấn mạnh.
Ngoài quá trình điều trị nội khoa, chị T. được điều trị kết hợp phương pháp y học cổ truyền, phục hồi chức năng bằng điện châm, xoa bóp nhẹ nhàng và kết hợp tập vận động trong 2 tháng sau khi điều trị ổn định tình trạng viêm tủy.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, với tình trạng yếu chi trên, liệt mềm hoàn toàn chi dưới, mất cảm giác nông, cảm giác sâu chi dưới, bệnh nhân được sử dụng kim châm cứu vào các huyệt ở các vùng chi trên, các huyệt giáp tích và các huyệt chi dưới. Từ đó, kích thích hệ thần kinh và cơ, phục hồi lại chức năng hệ vận động và cảm giác cho bệnh nhân.
Bác sĩ Nghĩa thông tin, đến nay, chị T. đã phục hồi một phần chi trên. Mục tiêu thời gian tới là phục hồi vận động cơ bản chi trên để bệnh nhân có thể tự vận động trong sinh hoạt hàng ngày.
"Cơ lực chi trên từ sức cơ 1/5 đã tiến triển lên được 3/5. Với chi dưới, từ việc không thể gấp duỗi được, mất cảm giác nông sâu hoàn toàn, bệnh nhân đang được hỗ trợ phục hồi chức năng với dụng cụ trợ giúp nên đã có cảm giác sờ, cảm giác nóng lạnh, tuy nhiên cảm giác đau vẫn chưa rõ rệt”, bác sĩ Nghĩa cho hay.