Người Pakistan hoảng sợ vì đòn trả đũa của Ấn Độ

Đang phun thuốc trừ sâu cho những luống rau chỉ cách sông Ấn một con phố, nông dân Pakistan Homla Thakhur cho biết ông lo lắng về tương lai. Trời nắng gắt, dòng sông đang cạn kiệt, và Ấn Độ tuyên bố sẽ chặn nguồn nước từ thượng nguồn sau vụ tấn công khủng bố khiến nhiều người chết ở Kashmir.

“Nếu họ chặn nước, tất cả nơi này sẽ biến thành sa mạc Thar, cả đất nước sẽ như vậy. Chúng tôi sẽ chết đói”, ông Thakhur, 40 tuổi, nói với Reuters.

Trang trại gần 2 hecta của ông nằm ở Latifabad, thuộc tỉnh Sindh ở miền đông nam Pakistan, nơi sông Ấn đổ ra Biển Ả-rập. Sông Ấn bắt nguồn từ Tây Tạng rồi chảy qua Ấn Độ và Pakistan.

Hai nông dân đang làm việc trên cánh đồng ở Pakistan. (Ảnh: Reuters)

Hai nông dân đang làm việc trên cánh đồng ở Pakistan. (Ảnh: Reuters)

Nhiều nông dân khác và chuyên gia cũng bày tỏ nỗi lo như ông Thakhur, nhất là khi mưa trở nên khan hiếm trong những năm gần đây.

Ngày 23/4, Ấn Độ tuyên bố đình chỉ Hiệp ước nước sông Ấn từ năm 1960 do Ngân hàng Thế giới làm trung gian. Hiệp ước này đảm bảo nguồn nước cho 80% diện tích canh tác của Pakistan. New Delhi tuyên bố việc đình chỉ này sẽ kéo dài cho đến khi “Pakistan từ bỏ ủng hộ hoạt động khủng bố xuyên biên giới”.

Ấn Độ cho biết, 2 trong 3 kẻ tấn công du khách và giết chết 26 người ở Kashmir vừa qua đến từ Pakistan. Islamabad phủ nhận liên quan và tuyên bố “bất kỳ nỗ lực nào nhằm ngăn chặn hoặc chuyển hướng dòng nước thuộc về Pakistan… sẽ được coi là hành động chiến tranh”.

Hiệp ước nước sông Ấn đã phân chia các con sông giữa hai quốc gia thù địch và đều sở hữu vũ khí hạt nhân.

Các quan chức và chuyên gia ở cả hai bên cho biết Ấn Độ không thể ngay lập tức chặn dòng nước, vì hiệp ước chỉ cho phép họ xây dựng các nhà máy thủy điện không có hồ chứa lớn hay đập chắn trên 3 con sông dành riêng cho Pakistan. Tuy nhiên, tình hình có thể thay đổi trong vài tháng tới.

“Chúng tôi sẽ đảm bảo không một giọt nước nào từ sông Ấn chảy đến Pakistan”, Bộ trưởng Tài nguyên nước Ấn Độ Chandrakant Raghunath Paatil tuyên bố trong bài đăng trên mạng xã hội X.

Ông không trả lời các câu hỏi về lo ngại từ phía Pakistan.

Hai quan chức Chính phủ Ấn Độ giấu tên cho biết, trong vài tháng tới nước này có thể bắt đầu chuyển nước thông qua hệ thống kênh đào, đồng thời lên kế hoạch xây dựng các đập thủy điện trong vòng 4 - 7 năm tới.

Đập Kotri trên sông Ấn ở Jamshoro, Pakistan ngày 26/4. (Ảnh: Reuters)

Đập Kotri trên sông Ấn ở Jamshoro, Pakistan ngày 26/4. (Ảnh: Reuters)

Có thể gây tê liệt kinh tế

Ấn Độ sẽ ngừng chia sẻ dữ liệu như lưu lượng thủy văn tại nhiều điểm khác nhau trên các dòng sông chảy qua Ấn Độ, không cung cấp cảnh báo lũ và không tham gia các cuộc họp thường niên theo cơ chế Ủy ban sông Ấn thường trực.

“Họ (Pakistan) sẽ không có nhiều thông tin về thời điểm nước đến và lượng nước là bao nhiêu. Không có thông tin thì họ không thể lập kế hoạch”, ông Kushvinder Vohra Vohra, cựu lãnh đạo Ủy ban nước Ấn Độ cho biết.

Không chỉ tác động tới nông nghiệp, thiếu nước cũng sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất điện và có thể làm tê liệt nền kinh tế, các nhà kinh tế cho biết.

Vaqar Ahmed, nhà kinh tế và trưởng nhóm của công ty tư vấn Oxford Policy Management tại Anh, cho rằng Pakistan đã đánh giá thấp nguy cơ từ việc Ấn Độ rút khỏi hiệp ước.

“Ấn Độ hiện nay chưa có đủ cơ sở hạ tầng để ngay lập tức chặn dòng nước, đặc biệt là trong mùa lũ, vì vậy giai đoạn này là cơ hội quan trọng để Pakistan giải quyết các điểm yếu trong ngành nước của mình”, ông nói.

Những năm gần đây, chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tìm cách đàm phán lại hiệp ước. Hai nước đã đưa nhau ra Tòa Trọng tài thường trực ở La Hay để giải quyết những bất đồng liên quan đến kích thước hồ trữ nước của các nhà máy thủy điện Kishenganga và Ratle.

“Giờ đây chúng tôi có thể thực hiện các dự án theo ý mình”, ông Vohra nói.

Trong lá thư gửi Pakistan ngày 24/4, Ấn Độ tuyên bố bối cảnh đã thay đổi kể từ khi hiệp ước được ký kết, trong đó có vấn đề gia tăng dân số và nhu cầu năng lượng sạch hơn.

Thu Loan

Theo Reuters

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nguoi-pakistan-hoang-so-vi-don-tra-dua-cua-an-do-post1737705.tpo
Zalo