Ấn Độ thử tên lửa tầm xa sau vụ tấn công ở Kashmir
Hải quân Ấn Độ thử nghiệm tên lửa tầm xa giữa lúc căng thẳng với Pakistan leo thang sau vụ tấn công khủng bố tại Kashmir.

Một tàu chiến của Hải quân Ấn Độ phóng tên lửa trong cuộc thử nghiệm. Hải quân cho biết các tàu của họ đã "thực hiện thành công nhiều lần bắn thử chống tàu". Ảnh: Reuters.
Ngày 27/4, Hải quân Ấn Độ đã thử nghiệm tên lửa tầm xa, nhằm chứng tỏ khả năng tấn công chính xác và mạnh mẽ của mình trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Pakistan, sau vụ tấn công khủng bố tại Kashmir, làm dấy lên lo ngại về một cuộc đối đầu quân sự.
Vụ thử nghiệm tên lửa diễn ra khi Thủ tướng Narendra Modi cam kết sẽ đáp trả mạnh mẽ đối với cuộc tấn công, được coi là vụ tàn khốc nhất vào dân thường ở Kashmir trong suốt 25 năm qua, theo Guardian.
Ông Modi cũng khẳng định rằng tinh thần của mỗi người dân Ấn Độ đều "sôi sục", ông sẽ không ngừng truy lùng những kẻ tấn công "đến tận cùng Trái Đất" và biến các căn cứ của khủng bố “thành tro bụi”.
Được biết, các tên lửa được phóng thử được thiết kế để thực hiện các cuộc tấn công chính xác, tầm xa và mạnh mẽ. Hải quân Ấn Độ khẳng định tầm quan trọng của cuộc tập trận này trong việc duy trì sự sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng quân sự, khi căng thẳng quân sự gia tăng ở cả hai phía.
Tại Pakistan, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Hanif Abbasi cảnh báo rằng kho vũ khí hạt nhân của quốc gia này, với hơn 130 tên lửa, không phải chỉ là "mô hình trưng bày" mà chúng "được nhắm trực tiếp vào Ấn Độ".
Lời tuyên bố này càng làm tăng lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc đối đầu quân sự toàn diện giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Ấn Độ và Pakistan đã trải qua 3 cuộc chiến, hai trong số đó liên quan đến Kashmir - vùng lãnh thổ mà cả hai đều tuyên bố chủ quyền. Lịch sử căng thẳng này đã khiến cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng gọi khu vực Himalaya là “nơi nguy hiểm nhất trên thế giới”.
Tuy nhiên, ông Michael Kugelman, nhà phân tích chính sách đối ngoại, cũng cho rằng một cuộc chiến toàn diện là khó xảy ra vì mặc dù Ấn Độ có những tuyên bố cứng rắn, họ tập trung chủ yếu vào các lựa chọn hạn chế như làm suy yếu các nhóm khủng bố chống Ấn Độ và phục hồi sức mạnh răn đe.
Dù vậy, ông cũng không loại trừ hoàn toàn các kịch bản xấu nhất, tùy thuộc vào tính chất của cuộc tấn công Ấn Độ, cách Pakistan phản ứng với các hành động quân sự đầu tiên của Ấn Độ, và khả năng xảy ra các sai lầm trong tính toán.
Trong khi Ấn Độ cáo buộc Pakistan liên quan đến vụ tấn công khủng bố ở Kashmir, Pakistan lại bày tỏ mong muốn hợp tác với các điều tra viên trung lập và nhấn mạnh "khát vọng hòa bình mạnh mẽ" của mình. Tuy nhiên, Thủ tướng Pakistan, Shehbaz Sharif, cũng tái khẳng định Kashmir là "tĩnh mạch chủ" của quốc gia này.
Tình hình trở nên căng thẳng hơn khi quân đội hai bên tiếp tục đối đầu dọc theo Ranh giới Kiểm soát (LoC) ở Kashmir, nơi từng là điểm nóng trong các cuộc giao tranh trước đây.
Đặc biệt, Ấn Độ cũng đã dừng thỏa thuận nước sông Indus, trục xuất các nhà ngoại giao Pakistan và hủy bỏ thị thực của người Pakistan, trong khi Islamabad phản ứng bằng cách đóng cửa không phận và đình chỉ các thỏa thuận song phương.
Trong khi đó, Ấn Độ tiếp tục chiến dịch trấn áp quy mô lớn tại Kashmir, với việc tiêu hủy ít nhất 10 ngôi nhà liên quan đến các tay súng khủng bố.
Căng thẳng trong khu vực không chỉ xoay quanh vấn đề quân sự, mà còn liên quan đến việc sử dụng nguồn nước, khi Ấn Độ xả nước từ đập Uri, gây ngập lụt các khu vực tại Kashmir do Pakistan kiểm soát.
Pakistan đã lên tiếng cảnh báo bất kỳ sự can thiệp nào vào dòng chảy nước sông sẽ được xem là "hành động chiến tranh".